Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII nhiệm kỳ 2020-2025, giao chỉ tiêu đến năm 2025, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia (theo chuẩn mới) đạt 70% trở lên ở tất cả các cấp học.
Theo đó, liên quan đến kế hoạch dựng trường học học đạt chuẩn quốc gia (chuẩn quốc gia) giai đoạn 2023-2025, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã có báo cáo công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh (tính đến tháng 8 năm 2023).
Kết quả công nhận trường học đạt CQG năm 2023 của các huyện, thành phố tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh chụp màn hình |
Được biết, trong 8 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 25 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 13 trường mầm non, 10 trường Tiểu học, 02 trường trung học cơ sở, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên Tỉnh đạt kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 3.
Tổng số trường đạt chuẩn quốc gia là 25/161, chiếm tỉ lệ 15,53% so với chỉ tiêu giao trong năm 2023. Hiện đang triển khai đánh giá ngoài 37 trường học, gồm 12 trường mầm non, 09 trường Tiểu học, 16 trường trung học cơ sở.
Sau khi hoàn thành công nhận chuẩn quốc gia đối với 37 trường học đang triển khai đánh giá ngoài thì tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia là 62/161 trường, chiếm tỉ lệ 38,5% so với chỉ tiêu giao trong năm 2023, còn thiếu so với chỉ tiêu là 99 trường (chiếm tỉ lệ 61,5%).
Niềm vui của cô trò trường Mầm non Phương Khoan, huyện Sông Lô trong ngày đón Bằng công nhận chuẩn quốc gia mức độ 2, tháng 7/2022. Ảnh: Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc |
Báo cáo cũng đã nêu lên một số tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia trên địa bàn tỉnh.
Hạn chế đầu tiên là việc triển khai đầu tư cơ sở vật chất năm 2023 của các đơn vị chưa kịp với tiến độ đăng kí xây dựng chuẩn quốc gia, do đó khó khăn trong việc hoàn thành chỉ tiêu công nhận chuẩn quốc gia đã đăng kí năm 2023;
Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc nhận định, việc rà soát các điều kiện, đăng kí xây dựng chuẩn quốc gia năm 2023 của một số đơn vị còn chưa chính xác; một số đơn vị điều chỉnh lùi thời gian đăng kí đạt chuẩn quốc gia nên không đảm bảo chỉ tiêu Ủy ban nhân dân tỉnh giao tại Văn bản số 147/UBND-VX2. Cụ thể, huyện Vĩnh Tường rút 05 trường; huyện Tam Dương rút 03 trường; huyện Tam Đảo rút 02 trường; huyện Yên Lạc rút 01 trường.
Diện tích một số cơ sở giáo dục không đáp ứng với tiêu chuẩn mới về trường học đạt chuẩn quốc gia; quy mô số lớp, số học sinh tăng mạnh (đặc biệt đối với các trường ở địa bàn trung tâm huyện, thành phố) nên khó khăn trong công tác phân tuyến, tuyển sinh đầu cấp và đảm bảo điều kiện đạt chuẩn quốc gia của các địa phương, của tỉnh;
Bên cạnh đó, số lượng, diện tích phòng học, phòng chức năng, các công trình phụ trợ, trang thiết bị dạy học ở một số đơn vị không đáp ứng yêu cầu về trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn chậm muộn, đặc biệt đối với thiết bị phục vụ công tác dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Số lượng giáo viên, nhân viên trường học còn thiếu, mất cân đối, không đảm bảo theo quy định nhưng chưa được bổ sung kịp thời.
Trước đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Văn bản số 147/UBND-VX2 ngày 09/01/2023 giao chỉ tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2023-2025, cụ thể:
Năm 2023: xây dựng 161 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỉ lệ 33,2%), giai đoạn 2021-2023 hoàn thành công nhận chuẩn quốc gia 323 trường học (đạt tỉ lệ 66,6%);
Năm 2024: xây dựng 68 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỉ lệ 14,0%), giai đoạn 2021-2024 hoàn thành công nhận chuẩn quốc gia 391 trường học (đạt tỉ lệ 80,6%);
Năm 2025: xây dựng 42 trường học đạt chuẩn quốc gia (chiếm tỉ lệ 8,7%), giai đoạn 2021-2025 hoàn thành công nhận chuẩn quốc gia 433 trường học (đạt tỉ lệ 89,3%).