Đề xuất có phần mềm chung theo dõi sinh viên sư phạm hưởng chế độ theo NĐ 116

07/09/2023 06:37
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Hiện nay đa số các tỉnh, thành phố chỉ thống kê nhu cầu giáo viên các trường công lập mà chưa chú ý đến nhu cầu của hệ thống các trường ngoài công lập.

Qua 2 năm triển khai thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP, các cơ sở đào tạo và nhiều địa phương đã gặp phải một số vướng mắc từ phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu; từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm đến việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn.

Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116.

Còn khó khăn trong thực hiện đặt hàng đào tạo giáo viên

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đánh giá, Dự thảo đã tạo điều kiện thông thoáng hơn cho các địa phương trong việc xác định nhu cầu tuyển dụng giáo viên, đặc biệt là trong điều kiện các địa phương đang thiếu nhiều giáo viên như hiện nay.

Cùng với đó, Dự thảo cũng có những thay đổi mang tính đột phá. Cụ thể, điểm b, khoản 4, Điều 1 của Dự thảo đã bãi bỏ việc sinh viên sư phạm hiển nhiên được hưởng hỗ trợ sinh hoạt phí trong suốt quá trình học tập (nếu không vi phạm quy định).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: NVCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thụ - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. Ảnh: NVCC

Theo Dự thảo sửa đổi “sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí”. Điều này tạo ràng buộc và cũng là động lực để sinh viên sư phạm phải phấn đấu cả về học tập và rèn luyện, tránh tình trạng “cào bằng” như hiện nay.

Điểm mới thứ ba cũng rất đáng quan tâm là Dự thảo quy định rõ ràng trách nhiệm của các bên liên quan trong việc thu hồi kinh phí bồi hoàn đối với sinh viên sư phạm thuộc diện phải bồi hoàn kinh phí.

Về việc bỏ phương thức đấu thầu đào tạo giáo viên, thầy Thụ cho rằng, bất kỳ phương thức nào cũng có tính hai mặt của nó. Việc bỏ phương thức đấu thầu đào tạo giáo viên giúp cơ sở đào tạo tập trung chuyên sâu vào công tác đào tạo và nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, nếu chỉ có giao nhiệm vụ, đặt hàng trong đào tạo giáo viên thì cũng có mặt hạn chế.
Thứ nhất, các cơ sở đào tạo không phải lo về mặt chỉ tiêu đào tạo, dẫn đến không có tính cạnh tranh về mặt chất lượng đào tạo và giá thành đào tạo (học phí).

Thứ hai, có thể xảy ra tình trạng các địa phương sẽ chỉ giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên đối với cơ sở đào tạo trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố mà không đặt hàng, giao nhiệm vụ đối với các cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Điều này dẫn đến thiệt thòi cho cả cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo với đội ngũ giảng viên chất lượng cao và thiệt thòi cho cả người học.

Thứ ba, nếu chỉ có giao nhiệm vụ, đặt hàng đào tạo giáo viên có thể dẫn đến hình thành cơ chế xin-cho.

“Trong dự thảo Tờ trình, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nêu việc bỏ đấu thầu trong giáo dục đại học để phù hợp với quy định của Nghị định 32. Trong Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019, Phụ lục I, Biểu 01, các mục từ 1 đến 5 chỉ có phương thức giao nhiệm vụ/đặt hàng.

Theo cá nhân tôi, Nghị định 32 đã ra đời trước Nghị định 116. Như vậy Bộ cũng đón đầu việc sửa đổi Nghị định 32: “Các quy định khác về giao nhiệm vụ, đặt hàng chưa được quy định cụ thể tại Nghị định này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/NĐ-CP”. Trong trường hợp này, các địa phương vẫn có thể thực hiện phương thức đấu thầu trong đào tạo giáo viên”, thầy Thụ nêu quan điểm.

Bàn về cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thụ cho hay, thực tế thời gian qua cho thấy phần lớn các tỉnh, thành phố đều có nhu cầu đào tạo, tuyển dụng giáo viên nhưng gặp một số vướng mắc về cơ chế cũng như quá trình thực hiện.

Còn một số bất cập trong việc đảm bảo sinh viên được đặt hàng sẽ về tỉnh (đặc biệt là các tỉnh vùng sâu, vùng xa) làm việc. Ngược lại, những nơi có điều kiện công tác và chính sách đãi ngộ tốt, họ không cần đặt hàng vẫn có đủ (thậm chí dư thừa) nguồn tuyển dụng.

Đây là một trong số các nguyên nhân làm cho các tỉnh, thành phố không mặn mà với việc đặt hàng đào tạo giáo viên.

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 12 của Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ thì “Danh mục dịch vụ sự nghiệp công có tính đặc thù do liên quan đến sở hữu trí tuệ hoặc chỉ có một nhà cung cấp đăng ký thực hiện” cũng có một số khó khăn cho tỉnh, thành phố muốn đặt hàng đào tạo giáo viên.

Ví dụ, các tỉnh phải xây dựng tiêu chí lựa chọn, đặc biệt nếu có sinh viên không thường trú tại tỉnh, thành phố đặt hàng cũng tham gia hưởng chính sách theo Nghị định 116 tại tỉnh, thành phố đặt hàng.

Dự thảo chưa khuyến khích được sinh viên sư phạm tốt nghiệp sớm

Góp ý thêm cho Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thụ nêu 7 đề xuất.

Thứ nhất, về nhu cầu giáo viên, hiện nay đa số các tỉnh, thành phố chỉ thống kê nhu cầu giáo viên các trường công lập mà chưa chú ý đến nhu cầu của hệ thống các trường ngoài công lập.

Thứ hai là quy định về thời gian tối đa được hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116, điều này trong Nghị định 116 và cả trong Dự thảo chưa khuyến khích được sinh viên sư phạm tốt nghiệp sớm.

Trên thực tế, một số sinh viên có thể hoàn thành chương trình đào tạo đại học sau 3 năm hoặc 3,5 năm. Như vậy, sinh viên tốt nghiệp sớm được hỗ trợ ít hơn so với sinh viên tốt nghiệp đúng hạn hoặc tốt nghiệp muộn.

Thứ ba, về mẫu Đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt ban hành theo Nghị định 116: Dự thảo quy định “Sinh viên sư phạm hoặc gia đình không thực hiện nghĩa vụ bồi hoàn thì cơ quan có thẩm quyền theo dõi, ra thông báo thu hồi kinh phí có quyền khởi kiện tại Tòa án theo quy định của pháp luật”.

“Theo tôi, Dự thảo nên đưa điều này vào mẫu Đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt.

Phần “Ý kiến gia đình” trong mẫu Đơn đề nghị hưởng và cam kết bồi hoàn học phí, chi phí sinh hoạt cũng phát sinh tình huống phức tạp trong triển khai Nghị định 116.

Theo quy định tại khoản 2, Điều 3 của Luật Hôn nhân và gia đình “Gia đình là tập hợp những người gắn bó với nhau do hôn nhân, quan hệ huyết thống hoặc quan hệ nuôi dưỡng, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa họ với nhau theo quy định của Luật này.” Một gia đình theo truyền thống Việt Nam sẽ bao gồm các thành viên: vợ, chồng, cha, mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, anh, chị, em ruột, hoặc anh chị em nuôi, cô, dì, chú, bác, cậu, mợ,... Như vậy rất nhiều đối tượng khác nhau có thể ký vào mục này của Đơn.

Cơ sở đào tạo rất khó xác định chữ ký chữ ký đó có đúng của người liên quan hay không. Thực tế đã xảy ra trường hợp 1 sinh viên làm đơn nhưng bố đồng ý còn mẹ không đồng ý hoặc ngược lại. Theo cá nhân tôi, mẫu Đơn này cần có xác thực của tư pháp địa phương”, thầy Thụ kiến nghị.

Thứ tư, tại khoản 4, Điều 1 của Dự thảo quy định “sinh viên sư phạm có điểm trung bình chung học tập đạt loại yếu hoặc điểm rèn luyện đạt loại yếu sẽ không được xét hỗ trợ để chi trả chi phí sinh hoạt phí”. Nên viết rõ “loại yếu trở xuống” vì trong xếp loại học tập, dưới loại yếu còn có loại kém. Bên cạnh đó, Dự thảo cũng cần quy định rõ nếu sinh viên sư phạm không được hỗ trợ chi trả chi phí sinh hoạt thì có phải đóng học phí hay không?

Thứ năm, cần làm rõ điều kiện về học lực: Theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/03/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cuối mỗi năm học sinh viên được đánh giá kết quả học tập theo 2 tiêu chí:

Một là học lực của sinh viên ngay sau học kỳ/năm học đó và điểm trung bình chung tích lũy tính từ đầu khóa học. Vì vậy, Dự thảo cần làm rõ: từ năm thứ hai và các năm học tiếp theo sinh viên sư phạm có học lực đạt loại yếu…là học lực của năm học liền trước thời điểm xét hay tính từ đầu khóa học?

Hai là trình độ năm của sinh viên: hết mỗi năm học, bên cạnh học lực thì sinh viên còn được xếp hạng trình độ năm. Có sinh viên học năm thứ hai nhưng vẫn chỉ xếp loại trình độ sinh viên năm thứ nhất,…Đây cũng là vấn đề cần lưu tâm.

Thứ sáu, Dự thảo quy định tại khoản 4, Điều 1 “Cơ sở đào tạo giáo viên thực hiện việc xét hỗ trợ sinh hoạt phí cho sinh viên sư phạm theo năm học”. Điều này cần cụ thể hơn, đặt tình huống khi nhập học có sinh viên không đăng ký hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116 nhưng năm sau đó lại có nhu cầu hưởng thì có được hay không?

Thứ bảy, về thu hồi kinh phí bồi hoàn: Xét về tổng thể, Quy chế đào tạo ban hành theo Thông tư số 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/03/2021 cho phép thời gian đào tạo trình độ đại học tối đa là 8 năm. Theo Nghị định 116, sinh viên ra trường có 2 năm để tìm việc trong ngành giáo dục, thời gian công tác trong ngành giáo dục (điểm a, khoản 2, Điều 6, Nghị định 116) đòi hỏi gấp 2 lần thời gian đào tạo. Nếu phải thu hồi kinh phí thì thời gian thực hiện bồi hoàn là 4 năm.

Như vậy, các bên có trách nhiệm thu hồi phải theo dõi trong khoảng thời gian rất dài, tối thiểu khoảng 12 năm đối với trình độ đại học và có việc làm đúng quy định của Nghị định 116 ngay sau khi tốt nghiệp.

“Để giải quyết điều này, tôi có kiến nghị: Trong Nghị định 116 và cả trong Dự thảo, liên quan đến thời gian đào tạo nên dùng thuật ngữ “thời gian đào tạo theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa”.

Nên có 1 phần mềm chung cho cả nước theo dõi sinh viên hưởng hỗ trợ theo Nghị định 116 sử dụng mã định danh cá nhân.

Theo khoản 1, Điều 8 của Dự thảo, “Sinh viên sư phạm được hưởng chính sách đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác, tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học" thì cơ sở đào tạo có trách nhiệm theo dõi, hướng dẫn…

Đối với sinh viên “tự thôi học, không hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bị kỷ luật buộc thôi học” thì cơ sở đào tạo không quản lý nên rất khó cho các trường; đối với sinh viên “đang trong thời gian đào tạo nhưng chuyển sang ngành đào tạo khác” cũng gây khó khăn cho cơ sở đào tạo nếu sinh chuyển sang ngành đào tạo khác nhưng ở một cơ sở đào tạo khác.

Đối với sinh viên phải bồi hoàn kinh phí mà trách nhiệm thuộc thu hồi về Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh nơi sinh viên cư trú hoặc trách nhiệm thu hồi thuộc về cơ quan đặt hàng, giao nhiệm vụ cũng sẽ gặp khó khăn do biến động dân cư cơ học, tức là sinh viên sẽ di chuyển (nhiều) nơi cư trú trong thời gian theo dõi rất dài”, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Thụ cho hay.

Về vấn đề xây dựng dự toán và bố trí kinh phí, thầy Lê Văn Bồn, Phó Trưởng phòng Tài vụ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho rằng, quy định sửa đổi bổ sung trong dự thảo về xây dựng dự toán và bố trí kinh phí cơ bản đã đảm bảo tính khả thi.

Tuy nhiên, về phía cơ sở đào tạo còn vướng mắc, do thời gian thông báo chỉ tiêu, thời gian kết thúc đăng ký hưởng chính sách theo Nghị định 116 không trùng thời gian xây dựng dự toán (dự toán phải lập trước 1 năm ) nên không có cơ sở chính xác để xây dựng dự toán dẫn đến việc giao kinh phí cấp cho sinh viên sư phạm chưa kịp thời (chậm so với kế hoạch đào tạo).

Phạm Minh