KĐCL tốn kém vì có trường tại miền Nam lại mời đơn vị kiểm định ở miền Bắc

25/09/2023 06:26
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Trường ĐH đề xuất “tự kiểm định” CTĐT thay vì trung tâm bên ngoài ngoài như hiện nay, tuy nhiên chuyên gia cho rằng khó thực hiện được ngay. 

Hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục được xem là một công cụ quan trọng nhằm kiểm soát và thúc đẩy cơ sở giáo dục nâng cao chất lượng đào tạo từ đó giúp nâng cao năng lực và uy tín của cơ sở giáo dục trong bối cảnh cạnh tranh giáo dục ngày càng gay gắt.

Tuy nhiên, vừa qua, đại diện một số cơ sở giáo dục cho biết, hàng năm các cơ sở phải chi khá nhiều kinh phí cho hoạt động kiểm định. Nhằm giảm bớt áp lực chi phí tài chính trong bối cảnh số lượng chương trình đào tạo ngày càng nhiều như hiện nay, có ý kiến đề xuất cho phép trường đại học được “tự kiểm định” chương trình đào tạo thay vì một trung tâm bên ngoài.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đông Phương (chuyên gia về giáo dục đại học) cho rằng đề xuất này khó có thể thực hiện được trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.

Ngay cả báo cáo 3 công khai còn “mập mờ”, lấy gì đảm bảo trường nghiêm túc chấp hành khi “tự kiểm định”!

“Hiện nay ở Việt Nam không có quy định về “tự kiểm định”. Theo các quy định hiện hành, cơ sở giáo dục đại học thực hiện tự đánh giá đảm bảo chất lượng bên trong, tiếp theo sẽ có 1 tổ chức bên ngoài độc lập với nhà trường tiến hành hoạt động đánh giá ngoài và đưa ra các kết luận về hoạt động của nhà trường”, Tiến sĩ Lê Đông Phương trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Đông Phương. Ảnh: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Tiến sĩ Lê Đông Phương. Ảnh: Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam

Tiến sĩ Lê Đông Phương phân tích, “tự kiểm định” là khái niệm của một số nước phương Tây. Theo đó, ở một số nước phát triển, khi các cơ sở giáo dục đại học đã phát triển, có thứ hạng đạt yêu cầu trong một hệ thống xếp hạng nhất định, đặc biệt có hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong đủ vững mạnh sẽ được thực hiện việc tự kiểm định.

“Tuy nhiên, bối cảnh này hoàn toàn khác với Việt Nam. Ở nước ta hiện nay, kể cả những trường đại học top đầu, hoạt động tự đảm bảo chất lượng bên trong vẫn chưa thật sự tốt. Do vậy, đề xuất “tự kiểm định” chưa thể triển khai trong điều kiện hiện nay”, Tiến sĩ Lê Đông Phương nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng chỉ ra một thực tế lo ngại khi hoạt động kiểm định chất lượng ở Việt Nam gây không ít băn khoăn về tính minh bạch trong kết quả đánh giá (mà thực tế vốn đang được thực hiện bởi một tổ chức bên ngoài trường).

“Ngay cả hoạt động của các trường đại học qua báo cáo 3 công khai (vốn là quy định bắt buộc thực hiện) cũng đã khác nhau rất nhiều: có trường thực hiện, có trường không, hoặc thực hiện thông tin tại báo cáo 3 công khai chưa đầy đủ, thông tin thiếu chính xác,... Vì vậy, nếu giao cho trường tự kiểm định, sẽ rất khó để đảm bảo trường sẽ chấp hành nghiêm túc!”, chuyên gia thẳng thắn bày tỏ.

Ngoài ra, một trong những lý do quan trọng dẫn tới đề xuất cơ chế “tự kiểm định” là vấn đề về chi phí. Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đông Phương lại bày tỏ băn khoăn về điểm này.

Cụ thể, theo Tiến sĩ Phương, hiện nay chi phí thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục không chịu sự khống chế của nhà nước; mà đây là hợp đồng kinh tế giữa tổ chức kiểm định với các trường đại học (kinh phí kiểm định chất lượng được tổ chức thông qua hình thức đấu thầu - PV). Như vậy, đây là thỏa thuận giữa trường đại học và tổ chức kiểm định, trường đại học chủ động trong vấn đề lựa chọn mức kinh phí thực hiện.

“Một điểm bất lý ở đây là có một thực tế, có trường ở miền Nam lại mời đơn vị kiểm định ở miền Bắc vào; hoặc ngược lại có trường ở miền Bắc lại mời đơn vị kiểm định ở miền Nam ra. Do đó, phát sinh chi phí ăn ở, đi lại rất nhiều”, chuyên gia nêu thắc mắc.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Đông Phương cũng chia sẻ, hiện nay, chúng ta chưa có định mức hay khung quy định về chi phí kiểm định. Thực tế cũng có tổ chức kiểm định đưa ra chi phí kiểm định rất cao. Do vậy, nếu được, nhà nước nên cân nhắc có khung khống chế chi phí kiểm định.

“Ở một số nước không trực tiếp kí hợp đồng kinh tế, mà cơ sở giáo dục đại học sẽ tham gia vào hội của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục và đóng lệ phí thường niên (chi phí hội viên). Theo đó, lệ phí này sẽ được sử dụng để kiểm định chất lượng cho các trường thành viên của hội.

Đây cũng là một cách để giảm nhẹ chi phí. Tuy nhiên, ở nước ta để triển khai cách làm này trong tương lai gần là điều khó”, chuyên gia chia sẻ thêm.

Cần thành lập các tổ chức kiểm định chuyên ngành

Về lộ trình thực hiện kiểm định, hiện nay chúng ta đang tiến hành kiểm định cơ sở giáo dục và kiểm định chương trình đào tạo với chu kỳ 5 năm/lần. Có ý kiến đề xuất cần xem xét xây dựng lại lộ trình cho phù hợp hơn với bối cảnh hiện nay.

Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng cho rằng, chu kỳ 5 năm/lần là khoảng thời gian phù hợp để thực hiện kiểm định, đảm bảo chất lượng đào tạo luôn được duy trì và nâng cao. Từ đó, người học và phụ huynh có căn cứ tin cậy để lựa chọn trường.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Lê Đông Phương nhận định: “Đúng là hiện nay số lượng chương trình đào tạo đang quá nhiều, trong khi cả nước chỉ có 7 tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nên khối lượng công việc là rất lớn”.

Tuy nhiên, nhấn mạnh thêm, chuyên gia cho rằng, vấn đề là hiện nay nước ta chưa có các tổ chức kiểm định chuyên ngành. “Về bản chất, ngay cả kiểm định chương trình hiện nay cũng chưa chính xác, vì đoàn đánh giá ngoài không có đủ các chuyên gia cần thiết thuộc về các ngành/lĩnh vực chuyên môn kiểm định.

Do đó, cần thiết phải thành lập một số tổ chức kiểm định chuyên môn, ví dụ như khối ngành kinh tế-quản lý, nghệ thuật,... Đây mới là vấn đề lớn, nếu có tổ chức kiểm định chuyên ngành thì họ có thể kiểm định rất nhanh”, Tiến sĩ Lê Đông Phương chia sẻ.

Chuyên gia cho rằng, với chu kỳ 5 năm/lần như hiện nay đối với chương trình đào tạo là phù hợp, vì nếu kéo dài, các chương trình đào tạo sẽ lạc hậu.

Đề xuất giải pháp giúp nâng cao hiệu quả quản lý chất lượng giáo dục đại học, Tiến sĩ Lê Đông Phương cho rằng, trước hết cần thay đổi tư duy về kiểm định:

“Từ cấp quản lý nhà nước xuống đến cơ sở giáo dục, phải xác định kiểm định không chỉ là hoạt động của chỉ tổ chức kiểm định, mà đây là công việc của cả hệ thống quản lý và cả hệ thống thanh tra. Vì hoạt động quản lý và thanh tra về cơ bản cũng là một dạng thức của kiểm định nên cần phải hợp lý hóa hoạt động này”, chuyên gia nêu đề xuất.

Bên cạnh đó, nhà nước cần có chế tài buộc các trường phải minh bạch hơn trong công bố thông tin, mà đơn cử là các nội dung quy định tại báo cáo 3 công khai. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để hỗ trợ cho hoạt động kiểm định, cũng là căn cứ để xã hội giám sát hoạt động của trường đại học.

Đồng quan điểm với Tiến sĩ Lê Đông Phương, Nhà giáo nhân dân - Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng bày tỏ lo ngại về tính minh bạch, thực chất của các kết quả kiểm định khi các trường tự thực hiện và công bố.

Giáo sư Võ Tòng Xuân - Nhà giáo nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: NVCC

Giáo sư Võ Tòng Xuân - Nhà giáo nhân dân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ. Ảnh: NVCC

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng vai trò kiểm định chất lượng giáo dục nên giao cho các cơ quan kiểm định độc lập, như vậy mới tạo được niềm tin và uy tín bền vững với xã hội.

“Trường đại học chỉ nên thực hiện khâu kiểm định nội bộ trước. Để hoàn thành kiểm định, vẫn cần tới cơ quan độc lập, không phải của bộ, ngành hay cơ sở giáo dục nào”, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ chia sẻ.

Bàn luận thêm, theo Giáo sư Võ Tòng Xuân, về nguyên tắc, các trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục đại học phải độc lập về tổ chức với cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, thực tế tính độc lập của một số tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học ở nước ta chưa được đảm bảo.

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng cần thiết phải có các tổ chức kiểm định chất lượng hoạt động độc lập để đảm bảo tính minh bạch, khách quan, liêm chính và vô tư trong các đánh giá.

Hiện cả nước có 7 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục. Trong đó, có hai trung tâm kiểm định tư thục, một trung tâm thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam và 4 trung tâm thuộc các cơ sở giáo dục đại học, gồm Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng và Trường Đại học Vinh.

Minh Chi