Trước tình trạng lạm thu ở nhiều trường học đầu năm, nhiều ý kiến cho rằng cần xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh. Liệu rằng, khi không còn ban đại diện cha mẹ học sinh thì lạm thu có biến mất?
Đưa ra các khoản thu mang tên ủng hộ tự nguyện thường là chủ ý của hiệu trưởng
Ngoài những khoản tiền bắt buộc phải đóng như tiền học phí, tiền bảo hiểm y tế, tiền ấn phẩm, đồng phục, tiền ăn bán trú thì ở nhiều trường học hiện nay có thêm hàng chục khoản tiền mang tên ủng hộ tự nguyện.
Ảnh minh họa. |
Ví dụ như tiền mua ti vi, đầu máy, trang bị máy lạnh, sửa chữa cơ sở vật chất, ủng hộ khoản tiền hội phí làm kinh phí hoạt động cho ban đại diện cha mẹ học sinh của lớp và của trường. Về danh nghĩa, những khoản tiền này, đều do ban đại diện phụ huynh và toàn thể cha mẹ học trong buổi họp yêu cầu đóng góp.
Tuy nhiên trong thực tế, đóng những khoản nào, mức đóng bao nhiêu, phần lớn đều do hiệu trưởng nhà trường đề xướng nhưng ban đại diện cha mẹ học sinh lại là nơi đứng ra thông báo với phụ huynh.
Thông thường, trước buổi họp phụ huynh các lớp, hiệu trưởng đã họp với trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh của trường để thông qua một số khoản sẽ thu, sẽ kêu gọi đóng góp.
Phần đông, khi hiệu trưởng có lời, nhiều trưởng ban đại diện phụ huynh các lớp gần như đều đồng ý cả. Các khoản sẽ thu, sẽ vận động đóng góp, được đưa về từng lớp trong buổi họp cha mẹ học sinh đầu năm.
Và rất nhanh chóng, các khoản dự kiến thu cũng được thông qua ngay trong cuộc họp vì đa phần phụ huynh không có ý kiến phản đối. Phụ huynh khi được hỏi về việc này thường nói:
“Trường nói nộp bao nhiêu thì nộp. Không có cũng đi vay mà nộp. Có phải một mình con mình đâu, ý kiến có thể thêm phần rắc rối”. Hoặc là "Sợ con bị làm khó nên nói bao nhiêu đóng bấy nhiêu cho rồi"...
Nếu xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không dẹp được lạm thu
Nhiều người đòi xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh là chưa có những biện pháp tích cực chế tài đủ mạnh để dẹp nạn lạm thu. Quan điểm của người viết cho rằng, không phải cứ không kiểm soát được là xóa bỏ.
Nếu không còn ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường vẫn có thể dựa vào toàn thể phụ huynh của các lớp để thu các khoản tiền dưới danh nghĩa tự nguyện.
Ví dụ như, nhà trường cần khoản tiền để mua thêm trang thiết bị dạy học, sửa chữa nhỏ một số cơ sở vật chất, chỉ cần giáo viên gợi ý trước cuộc họp là gần như phụ huynh của lớp sẽ răm rắp ủng hộ.
Có thể một ai đó không muốn đóng góp nhưng cũng sẽ không có ý kiến phản đối. Như vậy, các khoản đóng góp hay mang danh tự nguyện ủng hộ vẫn không thể chấm dứt.
Cần có biện pháp mạnh tay với người đứng đầu nếu phát hiện lạm thu trong trường
Khách quan nhìn nhận, ban đại diện cha mẹ học sinh của nhiều trường học đóng vai trò khá lớn trong việc phối hợp giáo dục và bảo vệ quyền lợi cho học sinh trong nhà trường.
Ban đại diện cha mẹ học sinh tham gia giám sát quy trình tổ chức ăn và chất lượng bữa ăn của trẻ tại trường Mầm non Anh Đào (Đồng Tháp), nhờ đó chất lượng bữa ăn của học sinh luôn đảm bảo.[1]
Để tăng hiệu quả quản lý, một số trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh thực hiện giám sát quá trình chế biến, tiếp phẩm cũng như giá thành của từng bữa ăn của học sinh;
Thường xuyên giám sát cơ sở cung cấp suất ăn công nghiệp, kiểm tra việc cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức vệ sinh an toàn thực phẩm cho nhân viên, bảo mẫu thực hiện công tác cấp dưỡng, ăn uống cho học sinh trong căng tin, bếp ăn tập thể.[2]
Nhiều đồng nghiệp của người viết đang công tác tại vùng các khu vực miền núi chia sẻ, điều kiện kinh tế của người dân nơi đây còn thấp nên việc đóng góp các loại quỹ cũng hạn chế. Tuy nhiên, ban đại diện cha mẹ học sinh từng lớp đã thường xuyên vận động các phụ huynh đóng góp ngày công lao động để xây dựng nhỏ, chỉnh trang khuôn viên, đóng và sửa chữa bàn ghế cho nhà trường.
Đặc biệt, những khi có lũ lụt xảy ra, nước lũ, bùn đất khắp nơi trong trường. Lúc này, vai trò của ban đại diện cha mẹ học sinh luôn phát huy hiệu quả cao trong việc giúp giáo viên dọn dẹp phòng học để việc học, vui chơi của học sinh nhanh chóng trở lại bình thường.
Vì thế, nhiều người cho rằng, chỉ vì không quản được nạn lạm thu ở một số trường, một số địa phương mà xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh thật sự là không hợp lý.
Không cần xóa bỏ ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng vẫn khống chế được lạm thu bằng một số biện pháp sau:
Thứ nhất, kỷ luật cách chức hiệu trưởng nhà trường nếu để xảy ra lạm thu. Xử lý kỷ luật mạnh tay, nhiều hiệu trưởng khác sẽ lấy làm gương và chắc chắn chẳng bao giờ dám thực hiện.
Thứ hai, phụ huynh cần mạnh dạn phản đối những khoản thu vô lý, những khoản thu chi vi phạm Thông tư 55.
Thứ ba, chính phụ huynh là người lựa chọn ban đại diện cha mẹ học sinh, tuyệt đối không giao quyền này cho nhà trường.
Thứ tư, những phụ huynh có chính kiến, hiểu biết về giáo dục, biết thông cảm với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên đứng ra ứng cử vào ban đại diện để bảo vệ quyền lợi của học sinh, phụ huynh khi cần.
Về đề xuất bỏ Ban đại diện cha mẹ học sinh, Phó Giáo sư Đặng Quốc Bảo cho rằng đó là ý kiến mang tính cực đoan: "Phải duy trì Ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng cần chấn chỉnh những việc làm sai và những cách làm chưa đúng mực”.[3]
Tài liệu tham khảo:
[1] http://c0anhdao.dongthap.edu.vn/tin-tuc/ban-da-i-die-n-cha-me-ho-c-sinh-tham-gia-giam-sat-qui-trinh-to-chuc-an-va-chat-luong-bua-an-cua-tre-tai-truo-ng.mam-non-.html
[2] https://www.sggp.org.vn/ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-phoi-hop-nha-truong-giam-sat-chat-luong-bua-an-cho-hoc-sinh-post655337.html
[3] https://giaoduc.net.vn/su-ton-tai-cua-ban-dai-dien-cha-me-hoc-sinh-la-rat-can-thiet-post230304.gd