Thi tốt nghiệp từ năm 2025: Phương án 4 môn là phù hợp nhất

06/11/2023 06:31
Minh Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-ĐBQH và chuyên gia, lãnh đạo Sở GD-ĐT đều cho rằng, 2+2 là phương án thi tốt nghiệp phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.

Năm 2025 là cột mốc quan trọng khi lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ chính thức tham gia kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo phương án thi mới.

Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến góp ý rộng rãi của các địa phương, chuyên gia về số lượng môn thi phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp này, Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 với 2 lựa chọn gồm lựa chọn 4+2; lựa chọn 3+2.

Tuy nhiên, trong quá trình Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá tác động về lựa chọn 4+2 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang có thêm nhiều ý kiến đề xuất về lựa chọn 2+2.

Đánh giá học sinh là cả quá trình, thi cử chỉ là khâu cuối cùng

Góp ý dự thảo phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Thị Hương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, chia sẻ sự đồng tình và nhất trí cao phương án thi tốt nghiệp từ năm 2025 với 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn.

“Phương án thi 4 môn gồm 2 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn này đáp ứng đủ yêu cầu của một kỳ thi tốt nghiệp làm căn cứ để các trường đại học tuyển sinh. Theo tôi, không nhất thiết môn học nào cũng bắt buộc học sinh phải thi. Bởi thi chỉ là một khâu cuối cùng để đánh giá, còn thực tế kiến thức của các em được lĩnh hội, cập nhật xuyên suốt quá trình dạy học", vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị nêu ý kiến.

Tiến sĩ Lê Thị Hương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị. Ảnh Sở GIáo dục và Đào tạo Quảng Trị

Tiến sĩ Lê Thị Hương - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị. Ảnh Sở GIáo dục và Đào tạo Quảng Trị

Theo cô Hương, nếu thực hiện thi 4 môn, kỳ thi chỉ cần tổ chức tối đa trong vòng 2 ngày, điều này đảm bảo mục tiêu giảm áp lực và tiết kiệm cho xã hội.

Bên cạnh đó, với 2 môn bắt buộc Toán và Văn, cô Hương cho rằng đây là 2 môn cơ bản có thể đảm bảo cân bằng những năng lực tư duy tiêu biểu đồng thời kết hợp với việc học sinh được tự chọn 2 môn trong số các môn còn lại trong chương trình, điều này đảm bảo cho việc học sinh có năng khiếu, thiên hướng theo lĩnh vực nào có thể lựa chọn, thậm chí theo định hướng nghề nghiệp, xét tuyển đại học.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cũng cho rằng, phương án 2+2 là lựa chọn tối ưu, đảm bảo sự hài hoà giữa các tổ hợp, từ đó góp phần tạo sự cân bằng trong lựa chọn, định hướng lĩnh vực, nghề nghiệp cho học sinh.

Trước lo lắng về việc nếu không thi bắt buộc môn Tiếng Anh và Lịch sử, học sinh sẽ có xu hướng học lệch, học tủ, cô Hương cho rằng đánh giá học sinh là một quá trình; trong đó, quan trọng nhất là việc tổ chức dạy học như thế nào để học sinh tiếp cận kiến thức, hứng thú học tập và phát huy khả năng của bản thân. Còn thi chỉ là công đoạn cuối cùng nên càng tinh gọn càng tốt.

“Nếu quá trình dạy học, kiểm tra, đánh giá được quan tâm đầu tư, tổ chức tốt, các em sẽ có kiến thức vững vàng. Chúng ta chọn phương án thi để gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh", người đứng đầu ngành giáo dục Quảng Trị nhấn mạnh.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Mạnh Đoàn

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Mạnh Đoàn

Đồng ý với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, học tập là cả quá trình, cần nâng cao hiệu quả dạy và học thay vì tạo áp lực nặng nề cho học sinh ở kỳ thi tốt nghiệp.

“Học tập là cả quá trình, do đó về cơ bản kiến thức đã được học sinh trang bị kỹ lưỡng. Vì vậy, đối với kỳ thi tốt nghiệp cần tổ chức theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực cho học sinh. Nội dung đề thi không mang tính đánh đố mà phải bám sát định hướng, mục tiêu Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Phó giáo sư An nêu quan điểm.

Nhấn mạnh tới việc giảm áp lực, tạo điều kiện cho học sinh được tham gia đầy đủ các hoạt động thể thao, vui chơi, phát triển bản thân, Phó giáo sư An cho rằng đây là điều quan trọng và cần thiết, giúp phát triển con người toàn diện. Do đó, vị đại biểu Quốc hội khóa XIII cũng cho rằng, phương án 2+2 là lựa chọn tối ưu nhất.

Đảm bảo sự cân đối giữa các tổ hợp tuyển sinh

Cùng trao đổi về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế bày tỏ:

“Với tinh thần giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn đảm bảo cung cấp dữ liệu cho tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và đại học theo Nghị quyết 29/NQ-TW của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo, dục đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông của Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thị Sửu đồng ý với phương án thi 2 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Media Quốc hội

Lựa chọn phương án thi 2+2, theo Đại biểu Nguyễn Thị Sửu là giải pháp tối ưu, vừa giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội (thí sinh chỉ thi 4 môn trong thời gian 1,5 ngày); vừa đảm bảo đánh giá đầy đủ năng lực, phẩm chất cần thiết của học sinh theo đúng mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, Ngữ văn và Toán là 2 môn học tiêu biểu, đại diện cho 2 lĩnh vực cơ bản Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội. Điều này cũng đảm bảo sự cân đối giữa các tổ hợp tuyển sinh, phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em học sinh.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu chia sẻ thêm, về việc lấy ý kiến lựa chọn phương án thi tốt nghiệp cần được lấy ý kiến rộng rãi, trước tiên là với giáo viên, học sinh; tiếp theo là đội ngũ các chuyên gia, nhà quản lý giáo dục,... Sau khi đã lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng các phương án thi đầy đủ để sớm chọn ra 1 phương án thích hợp nhất, phù hợp với mục đích của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong mối liên hệ với công tác tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng.

“Hiện nay, năm học 2023-2024 đã đi qua gần hết 1 học kỳ, tức là cách năm học 2024-2025 không còn xa. Do vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm thống nhất và công bố phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 trước ít nhất 6 tháng, trước khi kỳ thi tốt nghiệp bắt đầu để kịp thời gian chuẩn bị cho công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi đề thi, thành lập hội đồng thi,... Về phía người học và nhà trường cũng có thời gian để chuẩn bị kiến thức và tâm thế trước kỳ thi”, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế nhấn mạnh.

Lựa chọn 4+2 (thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 06 môn, gồm thi bắt buộc 04 (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.

Lựa chọn 3+2, thí sinh học chương trình trung học phổ thông phải thi 05 môn, gồm thi bắt buộc 03 môn (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Lịch sử).

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang có thêm ý kiến đề xuất về lựa chọn 2+2 (thí sinh học chương trình trung học phổ thông và chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông phải thi 04 môn, gồm thi bắt buộc 02 môn (Toán, Ngữ văn) và 02 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả môn Ngoại ngữ, Lịch sử).

Minh Chi