Nhiều giáo viên bậc trung học phổ thông hạng III hưởng lương bậc 6 (hệ số 3,99) vẫn băn khoăn có nên thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp hay không.
Bởi vì, sau khi được thăng hạng II thì thầy cô hưởng lương bậc 1, hệ số 4,0, chênh lệch 0,01, tương đương 22.871 đồng.
Người viết nêu các căn cứ sau đây để thầy cô có sơ sở quyết định trong việc thăng hạng sao cho phù hợp với năng lực của bản thân, đối tượng học sinh và đơn vị công tác.
Ảnh chỉ có tính chất minh hoạ. Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại. |
Thứ nhất, văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường trung học phổ thông công lập quy định cách xếp lương như sau:
a) Giáo viên trung học phổ thông hạng III, mã số V.07.05.15, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1, từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98;
b) Giáo viên trung học phổ thông hạng II, mã số V.07.05.14, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.2, từ hệ số lương 4,0 đến hệ số lương 6,38;
c) Giáo viên trung học phổ thông hạng I, mã số V.07.05.13, được áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2, nhóm A2.1, từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78.
Chẳng hạn, giáo viên trung học phổ thông hạng III hưởng lương bậc 6 (hệ số 3,99), sau khi được thăng hạng II thì hưởng lương bậc 1, hệ số 4,0 (chênh lệch 0,01, tương đương 22.871 đồng).
Về lí thuyết, giáo viên được thăng hạng thì hệ số lương, phụ cấp ưu đãi, thâm niên, phụ cấp kiêm nhiệm theo đó cũng được tăng lên.
Nhưng, đối với trường hợp giáo viên có hệ số lương bậc 6 hạng III lên bậc 1 hạng II thì tiền lương tăng không đáng bao nhiêu.
Tuy vậy, giáo viên trung học phổ thông hạng III có hệ số lương từ 2,34 đến 4,98, còn giáo viên trung học phổ thông hạng II có hệ số lương từ 4,0 đến 6,38.
Hơn nữa, giáo viên trung học phổ thông giữ hạng II thì mới đủ điều kiện thi lên hạng I. Và giáo viên trung học phổ thông hạng I có hệ số lương từ 4,40 đến 6,78.
Thứ hai, việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng lĩnh vực nghề nghiệp được thực hiện thông qua hình thức thi và xét.
Việc tổ chức thăng hạng chức danh nghề nghiệp bằng hình thức thi hay xét tại địa phương là theo lựa chọn của cơ quan, đơn vị có thẩm quyền tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật.
Có thể nhận thấy, địa phương nào tổ chức xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì giáo viên có rất nhiều lợi thế, chỉ cần thầy cô có đủ hồ sơ, minh chứng theo quy định là đỗ.
Ngược lại, địa phương tổ chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì rất nhiều giáo viên rớt. Bởi vì, thầy cô có thể giỏi chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm nhưng yếu về tin học, luật, ngoại ngữ, thi dưới 5 điểm là trượt.
Thứ ba, giáo viên được thăng hạng chức danh nghề nghiệp (chỉ bàn từ hạng III lên hạng II) nhưng không đảm nhiệm được nhiệm vụ theo hạng mới thì sẽ bị lãnh đạo, đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh học sinh đánh giá thấp về năng lực chuyên môn.
Bảng so sánh nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng III và giáo viên trung học phổ thông hạng II:
Nhiệm vụ giáo viên trung học phổ thông giữ hạng III | Nhiệm vụ giáo viên trung học phổ thông giữ hạng II |
a) Xây dựng kế hoạch giáo dục của môn học được phân công và tham gia xây dựng kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn theo mục tiêu, chương trình giáo dục cấp trung học phổ thông; | Ngoài những nhiệm vụ của giáo viên trung học phổ thông hạng III, giáo viên trung học phổ thông hạng II còn phải thực hiện các nhiệm vụ sau: a) Làm báo cáo viên hoặc dạy minh họa ở các lớp bồi dưỡng giáo viên từ cấp trường trở lên hoặc dạy thử nghiệm các mô hình, phương pháp, công nghệ mới; chủ trì các nội dung bồi dưỡng và sinh hoạt chuyên đề ở tổ chuyên môn hoặc tham gia xây dựng học liệu điện tử; |
b) Thực hiện nhiệm vụ tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn; quản lý học sinh trong các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; | b) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên; |
c) Thực hiện các hoạt động kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh theo quy định; | c) Tham gia đánh giá ngoài hoặc công tác kiểm tra chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên từ cấp trường trở lên; |
d) Tổ chức các hoạt động tư vấn tâm lý, hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh và cha mẹ học sinh của lớp được phân công; | d) Tham gia ban giám khảo hội thi giáo viên dạy giỏi hoặc giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp trường trở lên; |
đ) Tham gia phát hiện, bồi dưỡng học sinh năng khiếu, học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu kém cấp trung học phổ thông hoặc hướng dẫn thực tập sư phạm, hoạt động công tác xã hội trường học cho học sinh trung học phổ thông; | đ) Tham gia ra đề hoặc chấm thi học sinh giỏi trung học phổ thông từ cấp trường trở lên; |
e) Tham gia các hoạt động của tổ chuyên môn; tham gia nghiên cứu khoa học; hoàn thành hệ thống hồ sơ quản lý hoạt động giáo dục theo quy định; thực hiện công tác giáo dục hòa nhập trong phạm vi được phân công; tham gia tổ chức các hội thi (của giáo viên hoặc học sinh) từ cấp trường trở lên; | e) Tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các hội thi hoặc các sản phẩm nghiên cứu khoa học kỹ thuật của học sinh trung học phổ thông từ cấp trường trở lên; |
g) Hoàn thành các khóa đào tạo, chương trình bồi dưỡng theo quy định; tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; | g) Tham gia các hoạt động xã hội, phục vụ cộng đồng; thu hút sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục học sinh. |
h) Thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công. |
Ví dụ, hiện nay các nhà trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh rất chú trọng việc giáo viên hướng dẫn học sinh thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật.
Mục đích là vận dụng kiến thức của các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn; góp phần đổi mới hình thức tổ chức dạy học gắn với phát triển văn hóa đọc; thúc đẩy giáo viên tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ...
Theo quy định, giáo viên trung học phổ thông hạng II phải có khả năng tham gia hướng dẫn hoặc đánh giá các sản phẩm nghiên cứu khoa học và công nghệ từ cấp trường trở lên.
Nếu giáo viên trung học phổ thông hạng II không có khả năng hướng dẫn học sinh thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật là gặp bất lợi trong việc đánh giá viên chức hàng năm.
Thứ tư, việc thi và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên theo nguyên tắc cạnh tranh chưa được áp dụng.
Theo đó, giáo viên đủ điều kiện dự thi/xét thăng hạng nếu đạt (đỗ) thì được bổ nhiệm vào hạng cao hơn, không phụ thuộc vào tổng số giáo viên của đơn vị tham dự thi hoặc xét.
Đây là một điều kiện khá thuận lợi vì giáo viên không phải chịu sức ép cạnh tranh trong cùng một thời điểm với chính các đồng nghiệp khác của đơn vị.
Tuy nhiên, vấn đề bất cập hiện nay của nhiều địa phương, cơ sở giáo dục là chưa thực hiện tốt hoặc không thực hiện việc xây dựng và sử dụng đề án vị trí việc làm như là một công cụ hữu hiệu trong quản lý nhân sự.
Đề án vị trí việc làm phải được cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định, được sử dụng ổn định từ 1 - 3 năm.
Thực tiễn cho thấy, nhiều địa phương đang thực hiện việc xây dựng đề án vị trí việc làm theo kiểu “làm cho có” vì chậm được phê duyệt nên không thể dùng làm cơ sở để tuyển dụng.
Cùng với đó, cơ cấu hạng chức danh nghề nghiệp phải được thể hiện rõ ở đề án vị trí việc làm của từng cơ sở giáo dục mà không có một mẫu số chung cho tất cả các đơn vị - vì tuỳ thuộc vào điều kiện, tình hình, chiến lược, tầm nhìn...
Vì vậy, trong cùng một địa phương, có đơn vị cử hàng chục giáo viên dự thi/xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, nhưng đơn vị khác thì chỉ có một vài giáo viên tham gia.
Tài liệu tham khảo:
https://photo-cms-giaoduc.epicdn.me/Uploaded/2023/bpcgtqvp/2023_07_27/vbhn-042021-082023-tt-bgddt-8558.pdf
https://tuyensinh.tvu.edu.vn/vi/news/tin-giao-duc/hieu-dung-du-ve-thang-hang-giao-vien-canh-tranh-hay-khong-6490.html
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.