Gặp khó trong thu hút giáo sư, phó giáo sư, Hiệu trưởng ĐH Hạ Long có đề xuất

20/12/2023 06:22
Phạm Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Trường Đại học Hạ Long đề xuất có cơ chế biệt phái giảng viên để giải quyết nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là giảng viên là GS, PGS.

Thiếu đội ngũ giảng viên trình độ cao

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam qua Đề án tuyển sinh các năm của Trường Đại học Hạ Long, về đội ngũ giảng viên, số lượng giảng viên cơ hữu (từ năm 2020 đến năm 2022) có tăng, nhưng chủ yếu là giảng viên trình độ thạc sĩ. Nhà trường không thu hút được đội ngũ giáo sư, phó giáo sư.

Theo đó, năm 2021, tổng giảng viên cơ hữu của nhà trường là 182 (gồm 34 tiến sĩ, 144 thạc sĩ, 4 giảng viên trình độ đại học). Cũng trong năm này, trường có 63 giảng viên thỉnh giảng (trong đó có 1 giáo sư và 15 phó giáo sư).

Năm 2022, tổng giảng viên cơ hữu của trường là 212 (gồm 1 phó giáo sư, 35 tiến sĩ, 173 thạc sĩ, 3 giảng viên trình độ đại học); giảng viên thỉnh giảng có 62 người (14 phó giáo sư và 1 giáo sư).

Đến năm 2023, số giảng viên cơ hữu của nhà trường tăng lên 287 (gồm 2 phó giáo sư, 78 tiến sĩ, 203 thạc sĩ, 4 đại học); số giảng viên thỉnh giảng là 73 người trong đó có 13 phó giáo sư..

Như vậy, năm 2023, trường không có giảng viên nào có học hàm giáo sư nào kể cả giảng viên cơ hữu lẫn thỉnh giảng.

Hình ảnh Trường Đại học Hạ Long (Ảnh: website nhà trường)

Hình ảnh Trường Đại học Hạ Long (Ảnh: website nhà trường)

Thông tin với phóng viên, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp – Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết, tại thời điểm thành lập, trường chỉ có 3 tiến sĩ, đến nay có 6 phó giáo sư và 41 tiến sĩ (số tiến sĩ tăng 15,7 lần).

Để có được đội ngũ nhân lực chất lượng cao như hiện nay, nhà trường đã được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm bằng việc ban hành chính sách thu hút.

Bên cạnh đó, trường đã chủ động, tích cực thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để cử đi đào tạo, tuyển dụng, thu hút giảng viên có trình độ cao.

Trường Đại học Hạ Long còn khó khăn trong việc thu hút đội ngũ giảng viên trình độ cao (Ảnh minh hoạ: PL)

Trường Đại học Hạ Long còn khó khăn trong việc thu hút đội ngũ giảng viên trình độ cao (Ảnh minh hoạ: PL)

Còn về khó khăn trong công tác thu hút đội ngũ giảng viên trình độ cao cũng như đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, so với các trường đại học trong cả nước, do Trường Đại học Hạ Long được thành lập chưa lâu.

Bên cạnh đó, các ngành đào tạo của trường đa số là các ngành thiếu nhân lực trình độ cao (Ngôn ngữ Nhật, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Nuôi trồng thủy sản, Quản lý tài nguyên và môi trường, Du lịch) nhưng số lượng nguồn giảng viên chất lượng cao (đặc biệt là giáo sư, phó giáo sư) rất ít. Vì vậy rất khó cạnh tranh với các trường đại học ở thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, nơi có điều kiện thuận lợi về kinh tế, xã hội và đặc biệt về nghiên cứu và trao đổi học thuật.

Để khắc phục tình trạng này, nhà trường tăng cường hoạt động hợp tác với các trường đại học có uy tín, kinh nghiệm trong và ngoài nước để mời giảng viên trình độ cao về thỉnh giảng.

Hiệu trưởng nhà trường cũng đề xuất phương án để có thể phát triển, thu hút đội ngũ giảng viên trình độ cao công tác tại các trường địa phương.

Cụ thể, các trường đại học ở địa phương cần tăng cường thực hiện tự chủ, đặc biệt tự chủ trong học thuật, tài chính từ đó có cơ chế thích hợp phát triển đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu trình độ cao.

Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết trong đào tạo, chia sẻ đội ngũ giảng viên, sinh viên, công nhận tín chỉ, chương trình đào tạo.

Trường cũng đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu phát triển các chương trình đào tạo Tiến sĩ cho giảng viên trường đại học, cao đẳng theo các lĩnh vực, ngành giảng dạy (ví dụ lí luận và phương pháp dạy học bộ môn: du lịch, kinh tế, quản trị kinh doanh, …).

Có cơ chế biệt phái giảng viên để trường có thể giải quyết nhu cầu nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là giáo sư, phó giáo sư.

Hiện nay, Trường Đại học Hạ Long vẫn tiếp tục nỗ lực thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là giáo sư, phó giáo sư về làm việc tại trường. Và tạo mọi điều kiện tốt nhất, thực hiện đầy đủ chế độ chính sách, ưu đãi để họ yên tâm công tác tại trường.

Đồng thời hỗ trợ để các giảng viên Trường Đại học Hạ Long đảm bảo đủ các tiêu chí làm hồ sơ phong hàm giáo sư, phó giáo sư; có cơ chế khuyến khích khen thưởng kịp thời khi các giảng viên được nhận học hàm giáo sư, phó giáo sư.

Tích cực cử giảng viên đi học nghiên cứu sinh ở trong nước và nước ngoài. Tăng cường hoạt động hợp tác với các đại học, trường đại học có uy tín, kinh nghiệm trong và ngoài nước để mời giảng viên thỉnh giảng.

Trường đề xuất có cơ chế biệt phái giảng viên để trường có thể giải quyết nhu cầu nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là giáo sư, phó giáo sư (Ảnh minh hoạ: PL)

Trường đề xuất có cơ chế biệt phái giảng viên để trường có thể giải quyết nhu cầu nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là giáo sư, phó giáo sư (Ảnh minh hoạ: PL)

Khó khăn khi thực hiện tự chủ

Về vấn đề tài chính, Trường Đại học Hạ Long là đơn vị sự nghiệp công lập, tự chủ 1 phần chi thường xuyên.

Nguồn thu hợp pháp của nhà trường gồm nguồn ngân sách nhà nước cấp và nguồn thu từ hoạt động sự nghiệp, dịch vụ (thu học phí, thu dịch vụ đào tạo, thu khác).

Theo số liệu của đề án tuyển sinh, nguồn thu hợp pháp của trường từ năm 2020 đến năm 2021 có giảm nhẹ và đến năm 2022 có tăng lên.

Lý giải vấn đề này, hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm 2021, nguồn thu nhà trường giảm nhẹ so năm 2020 là do nguồn ngân sách nhà nước cấp giảm (do các nhiệm vụ chi không thường xuyên do Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh giao giảm).

Chia sẻ thêm về khó khăn của nhà trường khi thực hiện tự chủ, Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp cho biết, Trường Đại học Hạ Long có nguồn thu chủ yếu là học phí trong khi mức thu học phí không được tăng trong 2 năm qua.

Nhà trường phải cố gắng tiết kiệm, giảm tối đa các hoạt động chi chưa thiết thực, cân đối thu chi để đảm bảo các hoạt động chuyên môn, kế hoạch của nhà trường đã đề ra (đảm bảo kinh phí cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, tiền lương, phụ cấp cho cán bộ viên chức, người lao động và duy trì được hoạt động thường xuyên của nhà trường).

Khi học phí không được tăng theo lộ trình, nhà trường đề nghị Ngân sách nhà nước cấp bù phần chênh lệch không được tăng theo mức trần học phí đã quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.

Còn về vấn đề diện tích đất của Trường Đại học Hạ Long, trong năm 2021, tổng diện tích là 9,8 ha (diện tích sàn/sinh viên: 13,67 m2) nhưng đến năm 2022 diện tích sàn/sinh viên lại giảm xuống chỉ còn 6,31m2.

Lý giải vấn đề trên, hiệu trưởng nhà trường cho biết có sự nhầm lẫn trong hai lần thống kê. Nhà trường sẽ rà soát và bổ sung chú thích về tiêu chí tính cho các số liệu đó.

Phạm Linh