Kinh phí hỗ trợ nghiên cứu khoa học còn thấp nên chưa thu hút được sinh viên

14/01/2024 07:31
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực tế, kinh phí hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học còn thấp nên chưa tạo động lực nghiên cứu nhiều của sinh viên.

Thông tư số 26/2021/TT-BGDĐT quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong cơ sở giáo dục đại học. Trong đó nhấn mạnh mục tiêu hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên nhằm hình thành và phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên; góp phần phát hiện và bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ tài năng, đáp ứng yêu cầu đào tạo nhân lực trình độ cao; Tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ sinh viên tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm hình thành các ý tưởng, dự án khởi nghiệp góp phần tạo cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế, hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học còn gặp không ít khó khăn.

Nhiều giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học của sinh viên

Đại diện Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ, nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động khoa học công nghệ, nhà trường luôn hướng đến các công trình nghiên cứu đem lại hiệu quả trong giảng dạy và ứng dụng thực tiễn.

Năm học 2023-2024, nhà trường phấn đấu tăng số lượng các công trình nghiên cứu về Quản lý giáo dục và Khoa học giáo dục so với năm học 2022-2023 là 20%, trong đó tập trung ưu tiên đề xuất các nghiên cứu gắn liền với thực tiễn của Học viện.

Đầu tư liên tục kinh phí hỗ trợ bài báo quốc tế ISI, Scopus, Q1,Q 2,Q3,..và các bài báo quốc tế để tăng số lượng các công bố khoa học của đội ngũ giảng viên của Học viện.

Học viện Quản lý Giáo dục (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Học viện Quản lý Giáo dục (Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ)

Quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học của sinh viên theo bộ chỉ số đánh giá hiệu quả (KPIs - Key Performance Indicators) trong nghiên cứu khoa học dành cho đội ngũ giảng viên của Học viện, điều này giúp cơ sở đánh giá chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên và nâng cao năng lực, trách nhiệm của giảng viên trong phát triển nghề nghiệp của đội ngũ.

Về vấn đề nghiên cứu khoa học của sinh viên, đại diện Học viện Quản lý Giáo dục cho hay, đơn vị thành lập Hội đồng họp xét khen thưởng sinh viên và ra quyết định khen thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học có thành tích ở 2 cấp: cấp Học viện và cấp Bộ. Tùy vào mức độ của các giải thưởng sẽ có mức kinh phí theo quy định.

Một số đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên trong những năm gần đây như trong năm 2021 là đề tài Rèn luyện kỹ năng thích ứng với hình thức học tập online cho học sinh lớp 1 trường Tiểu học Lê Quý Đôn (tác giả Vĩnh Lợi); Sự quan tâm tới đầu tư tài chính của sinh viên ngành kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội (tác giả Nguyễn Hải Xuân)...

Với người hướng dẫn sinh viên làm nghiên cứu khoa học, có thể là cán bộ, giảng viên của Khoa hoặc là ở các đơn vị khác trong Học viện có kinh nghiệm về lĩnh vực nghiên cứu của đề tài.

"Giảng viên hướng dẫn được nhận 500.000 đồng/đề tài và được ghi nhận là nhiệm vụ đào tạo của giảng viên trong năm học đó", đại diện nhà trường chia sẻ.

Chia sẻ về nội dung trên, Tiến sĩ Trần Đình Thám - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho hay, nhà trường luôn quan tâm đến việc khuyến khích giảng viên hướng dẫn sinh viên trong nghiên cứu khoa học.

Theo đó, giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học được hưởng giờ nghiên cứu khoa học, theo quy định về định về chế độ làm việc đối với giảng viên.

"Đối với các đề tài giảng viên hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt thành tích cao, sẽ được nhà trường khen thưởng và đưa vào tiêu chí đánh giá thi đua cuối năm học", thầy Thám chia sẻ.

Việc khen thưởng nghiên cứu khoa học sinh viên, Tiến sĩ Trần Đình Thám - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng được trường Đại học Phạm Văn Đồng thực hiện theo từng cấp bậc khác nhau gồm: Cấp Trường, cấp tỉnh, cấp Bộ, cấp Nhà nước.

Sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, thi khởi nghiệp đạt giải: Giải cấp Quốc gia: 2.000.000 đồng/đề tài; Giải cấp tỉnh: 1.000.000 đồng/đề tài; Giải cấp trường: 500.000 đồng/đề tài. Ngoài ra, nhà trường còn đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh khen (tùy vào đề tài).

Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Ảnh: Cổng thông tin hỗ trợ HSSV khởi nghiệp)

Trường Đại học Phạm Văn Đồng (Ảnh: Cổng thông tin hỗ trợ HSSV khởi nghiệp)

Nhà trường đã khen thưởng cho nhiều sinh viên có thành tích trong nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó có những đề tài tiêu biểu như đề tài: Cánh tay robot cho người khuyết tật (giải Khuyến khích), tác giả của đề tài là Ngô Văn Dết, lớp DCK 14A, Khoa Kỹ thuật công nghệ (Giải thưởng Hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp toàn quốc);

Đề tài: Xe cắt cỏ đa địa hình điều khiển từ xa (giải Khuyến khích), tác giả: Nguyễn Đăng Nam, Mai Hồng Vương, lớp DCK 15B; Nguyễn Sỹ Dưỡng, lớp DCD 17, Khoa Kỹ thuật công nghiệp. (Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Bộ)...

Còn có giảng viên chưa tâm huyết

Chia sẻ về khó khăn trong việc tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên, Tiến sĩ Trần Đình Thám - Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho hay, hiện nay, việc chuyển giao công nghệ đối với các đề tài còn gặp nhiều khó khăn.

Trong những năm tới, thực hiện chiến lược phát triển nhà trường nói chung và chiến lược phát triển khoa học công nghệ nói riêng, nhà trường sẽ từng bước khắc phục những khó khăn, cố gắng dành nhiều kinh phí hơn cho hoạt động nghiên cứu khoa học.

"Đồng thời, thực hiện tốt việc liên kết với các trường đại học có năng lực và uy tín về nghiên cứu khoa học trong nước như các trường đại học thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Tôn Đức Thắng (theo các biên bản ghi nhớ đã kí với các trường theo chỉ đạo của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi) để nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên và sinh viên của nhà trường", đại diện nhà trường chia sẻ.

Về vấn đề khó khăn, đại diện Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ, nhà trường còn khó khăn trong thực hiện đủ với nguồn chi cho nghiên cứu khoa học của sinh viên theo Nghị định 99 của Chính phủ quy định việc đầu tư phát triển tiềm lực và khuyến khích hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Theo đó, nguồn chi trên nguồn thu hợp pháp (từ học phí của sinh viên), và kinh phí hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học còn thấp nên chưa tạo động lực nghiên cứu nhiều của sinh viên.

Một bộ phận sinh viên chưa có ý thức cao trong nghiên cứu khoa học gắn với nhiệm vụ học tập. Các câu lạc bộ của sinh viên được thành lập nhưng chưa gắn được với các hoạt động nghiên cứu gắn với khởi nghiệp, nên chưa khích lệ được các phong trào nghiên cứu.

Trong quá trình định hướng và hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, vẫn còn một số giảng viên chưa thực sự yêu nghề và tâm huyết với công tác hướng dẫn khoa học cho sinh viên.

"Các tài liệu phục vụ nghiên cứu của sinh viên còn hạn chế, thiếu cập nhật tài liệu mới đủ cho sinh viên sử dụng trong nghiên cứu khoa học", đại diện Học viện Quản lý Giáo dục chia sẻ.

Về quy trình tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học cho sinh viên tại Học viện Quản lý Giáo dục, đại diện nhà trường chia sẻ, các Khoa sẽ hướng dẫn sinh viên đăng ký và viết Đề xuất đề tài nộp về Khoa;

Hội đồng Khoa học tư vấn, xét duyệt, lựa chọn các đề xuất đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên và phân công người hướng dẫn sinh viên viết thuyết minh đề tài. Hồ sơ Đề xuất và Thuyết minh đề tài của sinh viên gửi về Phòng Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế và Tạp chí trước ngày 10/10 hằng năm (có mẫu đính kèm).

Phòng Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế và Tạp chí tổng hợp Thuyết minh đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên và phối hợp với các phòng ban chức năng tiến hành các thủ tục ra Quyết định giao đề tài, Hợp đồng và phân bổ kinh phí nghiên cứu cho các Khoa có sinh viên nghiên cứu khoa học trước ngày 15/10 hằng năm

Tổ chức Kiểm tra tiến độ đề tài Nghiên cứu khoa học sinh viên trước ngày 30/12 hằng năm. (Thành phần theo Quyết định)

Các Khoa thành lập Hội đồng tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên (có đại diện Phòng Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế và Tạp chí dự) trước ngày 15/3 hằng năm.

Các Khoa hướng dẫn sinh viên chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên theo góp ý của Hội đồng nghiệm thu cấp Khoa; xét chọn và đề xuất các công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên có kết quả đánh giá từ 80 điểm trở lên được xét ở cấp Học viện và gửi về Phòng Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế và Tạp chí trước ngày 01/4 hằng năm.

Các Khoa chủ động phối hợp với Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế và Tạp chí để hoàn thiện thủ tục thanh quyết toán chứng từ của Sinh viên theo đúng quy định trước ngày 15/3 hằng năm.

Phòng Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế và Tạp chí tổng hợp hồ sơ và tiến hành thành lập Hội đồng đánh giá đề tài NCKH sinh viên cấp Học viện, xét giải “Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp Học viện” và tổ chức Hội nghị nghiên cứu khoa học sinh viên cấp Học viện trước ngày 15/4 hằng năm.

Phòng Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế và Tạp chí thông báo các công trình được xét chọn dự thi Giải thưởng cấp Bộ - “Tài năng khoa học trẻ Việt Nam” theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

* Phòng Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế và Tạp chí sẽ quản lý theo các nội dung và tiến độ như thông báo kế hoạch.

* Phòng tổ chức tiến hành các hoạt động tổng kết, đánh giá về Hoạt động sinh viên nghiên cứu khoa học hằng năm.

Mạnh Đoàn