Gần gia đình, tiết kiệm chi phí hơn so với đi du học nước ngoài, học trong nước được cấp bằng tốt nghiệp quốc tế,... là những ưu điểm dễ thấy khi sinh viên chọn học chương trình liên kết đào tạo với đối tác nước ngoài.
Theo thông tin từ website Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh, nhà trường thực hiện liên kết đào tạo với nước ngoài (hay còn gọi là chương trình liên kết đào tạo quốc tế) với Đại học Gloucestershire (UoG) và Đại học Leeds Trinity (LTU), Anh quốc; Trường Đại học Keuka (KC), Hoa Kỳ.
Cụ thể, chương trình liên kết đào tạo của nhà trường với Đại học Gloucestershire gồm các ngành: Tiếng Anh và Ngôn ngữ học; Quản trị kinh doanh và Marketing; Quản trị khách sạn và Du lịch quốc tế.
Chương trình liên kết đào tạo với Đại học Leeds Trinity là ngành Kinh doanh quốc tế.
Chương trình liên kết đào tạo với Trường Đại học Keuka là ngành Quản trị kinh doanh.
Sinh viên Trường Đại học Kinh tế - Tài chính thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: website nhà trường) |
Với chương trình cử nhân quốc tế Anh quốc, thí sinh cần đáp ứng các điều kiện như: tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc bằng cấp tương đương; trình độ tiếng Anh quốc tế tương đương tối thiểu IELTS 6.0 trước khi tham gia học kỳ 5 trong chương trình chính khóa. Trường hợp sinh viên chưa có chứng chỉ tiếng Anh hoặc chưa đủ tự tin về năng lực tiếng Anh, trước khi chính thức bắt đầu học, sinh viên có thể đăng ký các lớp ôn luyện tiếng Anh miễn phí ngay tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh.
Với chương trình cử nhân quốc tế Hoa Kỳ, sinh viên cần đảm bảo các điều kiện như: tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương; đạt trình độ tiếng Anh quốc tế tương đương tối thiểu IELTS 6.0 trước khi tốt nghiệp. Đối với thí sinh chưa có chứng chỉ IELTS 6.0 có thể nộp chứng chỉ quốc tế tương đương hoặc có kết quả đạt kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh do Ban Quản lý Chương trình Keuka Việt Nam của trường tổ chức.
Chương trình liên kết đào tạo quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh được thiết kế theo hình thức “du học tại chỗ” (chương trình 4+0) - sinh viên nhận bằng cử nhân quốc tế khi học trong nước.
Sinh viên học trong môi trường 100% tiếng Anh; đội ngũ giảng viên là các giáo sư nước ngoài và tiến sĩ, thạc sĩ Việt Nam được tuyển chọn, có chuyên môn cao. Ngoài ra, việc thực hành, phát triển kỹ năng mềm được phát huy tối đa qua các buổi tham quan doanh nghiệp. Trong thời gian tới, nhà trường mở rộng cơ hội với chương trình song ngành hoặc song bằng do chính trường đại học đối tác cấp.
Thời gian đào tạo của các chương trình là 4 năm. Đối với sinh viên có chứng chỉ IELTS từ 6.0, thời gian đào tạo từ 3 đến 3,5 năm. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên nhận bằng cử nhân do trường đối tác cấp.
Phương thức tuyển sinh đối với chương trình liên kết đào tạo quốc tế của Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024, gồm: Xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024; Xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn; Xét học bạ theo tổng điểm trung bình 03 học kỳ ([HK1 + HK2] lớp 11 + HK1 lớp 12); Sử dụng điểm thi đánh giá năng lực năm 2024 của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (thang điểm 1.200).
Chia sẻ về các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của nhà trường, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc – Phó Hiệu trưởng, kiêm Viện trưởng Viện Quốc tế (Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, năm 2017, nhà trường tuyển sinh chương trình đào tạo liên kết quốc tế với Đại học Gloucestershire gồm: Quản trị kinh doanh và Marketing, Tiếng Anh và Ngôn ngữ học. Mỗi chương trình, nhà trường mở 1-2 lớp.
Sau đó, trường mở rộng chương trình liên kết đào tạo quốc tế ngành Kinh doanh quốc tế với Đại học Leeds Trinity và ngành Quản trị kinh doanh với Đại học Keuka.
Tới đây, nhà trường dự kiến tiếp tục mở thêm một số ngành đào tạo liên kết quốc tế nhằm bắt kịp xu hướng và nhu cầu việc làm, học tập của sinh viên.
“Năm 2023, nhà trường nâng tầm hợp tác chiến lược với Đại học Gloucestershire bằng nhiều hoạt động đào tạo và tuyển sinh đa dạng hơn. Ví dụ như: trao đổi giảng viên, trao đổi sinh viên Việt – Anh, học kỳ hè tại Anh quốc, đồng giảng giữa 2 đơn vị. Đặc biệt, trường phát triển thêm chương trình liên kết đào tạo quốc tế ngành Quản trị khách sạn và Du lịch quốc tế; Truyền thông Đa phương tiện; Quản trị logistic và Tài chính kế toán với quy mô tuyển sinh hàng trăm sinh viên mỗi năm”, thầy Lộc chia sẻ.
Theo thầy Lộc, học phí trung bình các chương trình liên kết đào tạo quốc tế của trường trên 50 triệu đồng/học kỳ. Tuy nhiên, sinh viên có nhiều cơ hội nhận học bổng miễn giảm học phí lên đến 180 triệu đồng/khóa học.
Theo thông tin trên website nhà trường, học phí bình quân khoảng 55 triệu đồng/học kỳ (chương trình đảm bảo vốn tiếng Anh trước khi học chuyên ngành); thí sinh có chứng chỉ IELTS từ 5.0 trở lên, nộp trước khi nhập học được miễn giảm cấp độ tiếng Anh và học phí tương ứng.
Ảnh chụp màn hình |
Cũng theo chia sẻ của Phó Hiệu trưởng nhà trường, chương trình liên kết đào tạo quốc tế Trường Đại học Kinh tế - Tài chính Thành phố Hồ Chí Minh dạy sinh viên theo chương trình của đối tác nước ngoài. Do đó, khi tổ chức dạy ở trong nước, sinh viên được thực hành, thực tập từ năm thứ 3-4 tại các doanh nghiệp trong nước hoặc doanh nghiệp nước ngoài đặt tại Việt Nam. Bởi, dù học theo chương trình quốc tế nhưng khi sinh viên ra trường, các em có thể làm việc ở nước ngoài, hoặc làm việc ở Việt Nam. Do đó, việc tổ chức thực hành cho sinh viên chương trình liên kết đào tạo quốc tế cũng được linh động.
Tính đến thời điểm này, nhà trường có 3 khoá sinh viên chương trình liên kết đào tạo quốc tế đã tốt nghiệp. Theo khảo sát, các em đều có việc làm. Thông thường các em sẽ làm công việc liên quan đến kinh doanh của gia đình, hoặc làm ở công ty nước ngoài bởi cơ bản sinh viên được học chương trình của Anh quốc, trình độ tiếng Anh tốt. Ngoài ra, cũng có sinh viên sau khi tốt nghiệp đang bắt đầu học lên trình độ cao hơn.
"Năm 2024, nhà trường dự kiến tiếp tục phát triển lên các hệ đào tạo khác theo chương trình liên kết đào tạo quốc tế (thạc sĩ Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh)", thầy Lộc cho biết.
Thầy Lộc cho biết, chương trình liên kết đào tạo quốc tế của trường thiết kế theo 4+0 (hình thức “du học tại chỗ"), sinh viên học chương trình quốc tế ngay trong nước. Về chất lượng, trước khi trường đưa vào tuyển sinh và giảng dạy, các chương trình đào tạo này của đơn vị đối tác đã kiểm định chất lượng ở nước sở tại.
Ví dụ, chương trình liên kết đào tạo quốc tế Quản trị kinh doanh với Trường Đại học Keuka, phía đơn vị liên kết đã được kiểm định chương trình đào tạo Quản trị kinh doanh bởi Hội đồng kiểm định quốc tế các trường đại học đào tạo ngành Kinh doanh (IACBE), Mỹ.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Keuka cũng đạt kiểm định bởi Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục đại học các bang miền Trung, Hoa Kỳ MSCHE (Middle States Commission on Higher Education) và được công nhận bởi Hội đồng kiểm định Giáo dục Đại học của Bộ Giáo dục Mỹ (Council for Higher Education Accreditation – CHEA).
IACBE là từ viết tắt của International Accreditation Council for Business Education (Hội đồng kiểm định quốc tế các trường đại học đào tạo ngành Kinh doanh), Mỹ, là một trong những tổ chức hàng đầu của thế giới về kiểm định các trường đại học đào tạo ngành Kinh doanh bậc đại học và sau đại học.Thành lập năm 1997, IACBE đã được Hội đồng Kiểm định Giáo dục Đại học (CHEA - Council for Higher Education Accreditation) - tổ chức kiểm định đại học, chứng nhận các tổ chức kiểm định hợp pháp tại Hoa Mỹ công nhận.
CHEA có 6 tiêu chuẩn xem xét công nhận các tổ chức kiểm định. Các tiêu chuẩn nhấn mạnh chủ yếu vào đảm bảo chất lượng giáo dục và cải tiến chương trình đào tạo hoặc cơ sở đào tạo. 6 tiêu chuẩn đó là:
Chất lượng giáo dục tiên tiến
Minh chứng đáng tin cậy
Khuyến khích sự thay đổi có mục đích và sự cải tiến cần thiết
Quy trình đưa ra quyết định thích hợp
Liên tục rà soát, nâng cao chất lượng
Nguồn lực ổn định