Hơn 400 chương trình liên kết nhưng chưa có thông tư về quản lý và đào tạo

17/01/2024 06:24
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện có 2 hình thức cấp bằng đó là song bằng hoặc bằng do trường đối tác cấp .

Tính đến tháng 6/2023, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài

Theo thống kê Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến tháng 12/2021, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động. Trong đó, các cơ sở sở giáo dục đại học tự chủ đã phê duyệt tổng cộng 186 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, 124 chương trình ở trình độ đại học; 58 chương trình ở trình độ thạc sĩ và 4 chương trình ở trình độ tiến sĩ.

Trong số 408 chương trình liên kết đào tạo, 101 chương trình liên kết với các trường đại học tại Vương quốc Anh, 59 chương trình với Mỹ, 53 với Pháp, 37 với Australia và Hàn Quốc 27 chương trình.

Phân loại các chương trình đào tạo theo nhóm ngành đào tạo, tỷ lệ các chương trình trong nhóm ngành Kinh tế và Quản lý chiếm đa số với 64% (trong đó có 85/408 chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh). Các chương trình liên kết trong nhóm ngành Khoa học và Công nghệ chiếm 25%; Khoa học xã hội và nhân văn chiếm 8% và các ngành khác (như Y khoa, Dược, Luật) chỉ chiếm 3%.

Mới đây nhất, thông tin tại Hội thảo khoa học tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nội dung về khoa học, công nghệ và hợp tác quốc tế (ngày 31/10/2023), Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Tính đến tháng 6/2023, trên cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài của 44 cơ sở giáo dục đại học Việt Nam với 102 cơ sở giáo dục đại học nước ngoài của 26 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Liên kết quốc tế hay còn được biết đến là hình thức học để lấy bằng quốc tế. Việc thực hiện các chương trình liên kết đào tạo với các trường đại học trên thế giới được kỳ vọng là một trong những giải pháp giúp tăng cường quốc tế hoá giáo dục đại học. Bên cạnh đó, về phía người học, việc tham gia các chương trình này cũng giúp người học có cơ hội được trải nghiệm chương trình học quốc tế và nhận bằng quốc tế với chi phí thấp hơn du học.

Được biết, các chương trình đào tạo liên kết quốc tế được triển khai tại Việt Nam đã được thực hiện từ lâu, cụ thể khoảng cuối những năm 1990, đầu những năm 2000. Tuy nhiên, đến năm 2005 công tác kiểm định chất lượng mới được đưa vào Luật Giáo dục 2005 và tới năm 2012 mới có quy định cụ thể về liên kết đào tạo (quy định tại Luật Giáo dục đại học 2012).

Đặc biệt, Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục ra đời đã cung cấp căn cứ pháp lý rõ ràng hơn về các cơ sở giáo dục đại học thực hiện chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, các điều kiện đảm bảo chất lượng như chương trình đào tạo, chuẩn đầu ra của các chương trình liên kết, điều kiện cơ sở vật chất,...

Cơ sở giáo dục đại học (trong nước và ngoài nước) tham gia thực hiện chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài các trình độ của giáo dục đại học đều phải được kiểm định/công nhận về chất lượng giáo dục.

Đến Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 (Luật số 34/2018/QH14) có hiệu lực từ ngày 1/7/2019 đã tiếp tục bổ sung, làm rõ hơn các yêu cầu đảm chất lượng chương trình liên kết đào tạo quốc tế.

Tại khoản 7, Điều 45 về liên kết đào tạo với nước ngoài, Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 đã nêu rõ:

“Cơ sở giáo dục đại học phải công bố công khai thông tin liên quan về chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài, tính pháp lý của văn bằng nước ngoài được cấp tại nước cấp bằng và tại Việt Nam trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học và phương tiện thông tin đại chúng; hỗ trợ người học trong quá trình công nhận văn bằng giáo dục đại học; thực hiện kiểm định chương trình liên kết thực hiện tại Việt Nam ngay sau khi có sinh viên tốt nghiệp và kiểm định theo chu kỳ quy định”.

Văn bằng của người học chương trình liên kết do ai cấp bằng?

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, hiện các chương trình liên kết quốc tế có 3 hình thức:

Chương trình 2+2: sinh viên học 2 năm tại trường đại học trong nước và 2 năm cuối chuyển tiếp học tại trường đại học đối tác.

Chương trình 3+1: sinh viên học 3 năm tại trường đại học trong nước và 1 năm cuối chuyển tiếp học tại trường đại học đối tác.

Chương trình 4+0: sinh viên học 4 năm học tại trường đại học trong nước.

Về chương trình đào tạo, Điều 17, Nghị định 86/2018/NĐ-CP quy định chương trình được thực hiện theo chương trình “của nước ngoài hoặc chương trình do hai bên cùng xây dựng; chương trình đào tạo được thực hiện toàn bộ tại Việt Nam hoặc một phần tại Việt Nam và một phần tại nước ngoài”;

Chương trình đào tạo của nước ngoài thực hiện tại Việt Nam là chương trình đã được kiểm định chất lượng giáo dục ở nước sở tại hoặc được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục của nước sở tại công nhận về chất lượng giáo dục.

Chuẩn đầu ra của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài không được thấp hơn chuẩn đầu ra quy định bởi các văn bản pháp luật của Việt Nam.

Theo chia sẻ của đại diện các trường đại học, đa số các chương trình đào tạo quốc tế đang được giảng dạy đều được “nhập khẩu” 100% từ trường đối tác.

Về việc cấp văn bằng, chứng chỉ của người học theo liên kết đào tạo quốc tế, hiện có 2 hình thức cấp bằng chính: song bằng hoặc bằng do trường đối tác cấp. Trong đó, phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật mỗi quốc gia.

Cụ thể, Điều 20, Nghị định 86/2018/NĐ-CP đã nêu rõ:

“2. Văn bằng, chứng chỉ của người học theo liên kết đào tạo hoặc tại cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài được quy định như sau:

a) Văn bằng do cơ sở giáo dục Việt Nam cấp phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam;

b) Văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp phải tuân thủ quy định của pháp luật nước sở tại và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam công nhận;

Trường hợp đồng thời cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thì thực hiện theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này”.

Ngoài ra, Nghị định 86/2018/NĐ-CP cũng quy định nhiều nội dung quan trọng khác như các quy định về điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm của trường liên kết đào tạo; Thời hạn liên kết giáo dục; Đình chỉ tuyển sinh hoặc chấm dứt hoạt động liên kết giáo dục; Trách nhiệm của các bên liên kết giáo dục,...

Tháng 2/2023, trong cuộc trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, trong thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có thông tư về quản lý và đào tạo của chương trình liên kết đào tạo nước ngoài.

Trong đó, Thông tư mới sẽ tập trung vào các điều kiện bảo bảo chất lượng đào tạo (chương trình giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên...) trong tổ chức đào tạo, trách nhiệm của các bên liên kết, quy định chế tài xử lý khi vi phạm trong bối cảnh thực hiện tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học hoạt động tại Việt Nam theo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ quy định chi tiết về kiểm định chương trình đào tạo và công nhận văn bằng nhằm bảo đảm quyền lợi của người học và minh bạch thông tin về chất lượng đào tạo của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay (tháng 1/2024), Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành Thông tư này.

Khoản 2, Điều 13, Nghị định số 04/2021/NĐ-CP ngày 22/01/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nêu rõ, phạt tiền đối với hành vi vi phạm quy định về liên kết đào tạo theo các mức phạt sau:

a) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi ký hợp đồng liên kết đào tạo không đầy đủ nội dung thỏa thuận về mức thu lệ phí tuyển sinh, học phí, trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về trách nhiệm của các bên tham gia liên kết đào tạo;

c) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo cấp bằng chính quy;

d) Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo với đối tác không đúng quy định của pháp luật hiện hành;

đ) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi liên kết đào tạo khi chưa có văn bản cho phép thực hiện liên kết đào tạo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tự chủ liên kết đào tạo khi chưa bảo đảm điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Doãn Nhàn