Đào tạo vi mạch bán dẫn: Trường ĐH thừa nhận khó tuyển giảng viên trình độ cao

22/02/2024 06:28
Phạm Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN- Tuyển dụng giảng viên trình độ thạc sĩ trở lên đối với ngành vi mạch, bán dẫn là rất khó khăn do không có người ứng tuyển.

Đến nay, nhiều trường đại học mở ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực vi mạch, bắt đầu tuyển sinh từ năm học 2024-2025.

Rà soát điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên

Theo thông tin từ website Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi là Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh), năm nay nhà trường phát triển 2 ngành đào tạo là Thiết kế vi mạch (bậc đại học) và Vi mạch bán dẫn (bậc sau đại học).

sv bk.jpg
Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh lĩnh vực vi mạch với mã ngành mới từ năm 2024. Ảnh: Website nhà trường.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nam - Trưởng khoa Điện - Điện tử, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, 2 chương trình đào tạo này được đưa vào vận hành trong năm học 2023-2024 thông qua việc phân ngành sinh viên đang học năm hai và chính thức tuyển sinh với mã ngành mới trong năm học 2024-2025.

Thầy Nam chia sẻ: "Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã phát triển chương trình đào tạo Thiết kế vi mạch từ rất lâu (hơn 15 năm) bên trong chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông. Cho nên lần này việc phát triển 2 ngành đào tạo ngành Thiết kế vi mạch (bậc đại học) và ngành Vi mạch bán dẫn (bậc sau đại học) với mã ngành mới cũng có được một số thuận lợi nhất định.

Về điểm đầu vào hệ đại học ngành này so với các ngành đào tạo gần cũng sẽ không có thay đổi gì nhiều vì tất cả sinh viên sẽ được tuyển sinh vào nhóm ngành Kỹ thuật Điện – Điện tử và vào năm học thứ hai mới được phân ngành thành các chuyên ngành khác nhau".

Bên cạnh đó, Tiến sĩ Nguyễn Quang Nam cũng cho biết thêm: "Kế hoạch của khoa và của nhà trường sẽ tuyển sinh thêm 100 sinh viên cho ngành thiết kế vi mạch mới này, trong giai đoạn mở ngành thí điểm".

Để mở, tuyển sinh ngành liên quan đến vi mạch, thầy Nam cho biết, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành rà soát danh sách giảng viên phù hợp cho việc giảng dạy ngành này, kiểm tra các phòng thí nghiệm đang sử dụng. Đồng thời yêu cầu các khoa liên quan đưa ra đề xuất về các phòng thí nghiệm phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu ngành Thiết kế vi mạch. Rà soát khối lượng giảng dạy của các giảng viên để quyết định số lượng sinh viên sẽ tuyển sinh cho ngành học mới này.

Nhà trường cũng có kế hoạch đầu tư nâng cấp, nâng cao năng lực phục vụ của các phòng thí nghiệm phục vụ giảng dạy ngành Thiết kế vi mạch. Đội ngũ giảng viên hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu đào tạo, trong đó các phó giáo sư, tiến sĩ chủ trì ngành này là những chuyên gia tốt nghiệp từ các quốc gia tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Pháp, Hàn Quốc.

Thầy Nam nhấn mạnh thêm, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã xây dựng kế hoạch bổ sung nhân lực trình độ cao tham gia giảng dạy ngành Thiết kế vi mạch, với nhiều giải pháp khác nhau, nhằm mục tiêu nâng cao quy mô đào tạo, góp phần đáp ứng nhu cầu về kỹ sư thiết kế vi mạch của quốc gia, khu vực và thế giới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mai Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh từng chia sẻ: Chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn được chia làm 4 khâu gồm thiết kế, sản xuất, đóng gói - kiểm tra và chế tạo thiết bị. Hiện Việt Nam đang có lợi thế để tham gia sâu vào khâu thiết kế, vốn chiếm 53% giá trị gia tăng của một sản phẩm vi mạch. [1]

Tuyển giảng viên trình độ cao cho lĩnh vực vi mạch là bài toán khó

Năm nay, Trường Bách khoa, Trường Đại học Cần Thơ mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Kỹ thuật máy tính.

Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang - Phó trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Cần Thơ chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về lý do nhà trường mở ngành này: "Từ năm 2009, bên cạnh những ngành đào tạo về điện tử như Kỹ thuật điện tử viễn thông, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật cơ điện tử, Trường Đại học Cần Thơ đã đào tạo ngành Kỹ thuật máy tính với định hướng chương trình đào tạo kỹ sư hệ thống nhúng và thiết kế vi mạch. Đến đầu năm 2023, số lượng sinh viên tốt nghiệp của Trường Đại học Cần Thơ làm Kỹ sư thiết kế vi mạch tại các doanh nghiệp trên cả nước chiếm tỷ lệ là 7% (thuộc top 5 các trường cung ứng nguồn nhân lực thiết kế vi mạch theo Khảo sát của Cộng đồng vi mạch Việt Nam).

Hiện nay, khi Chính phủ xác định “phát triển công nghiệp điện tử, vi mạch bán dẫn là đầu tư cho tương lai”, trước nhu cầu rất cao nguồn nhân lực này, Trường Đại học Cần Thơ quyết định đẩy mạnh việc đào tạo kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn dựa trên quá trình phát triển của nhà trường bằng cách xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu. Chương trình đào tạo được xây dựng dựa trên sự tham khảo lẫn nhau với các trường hàng đầu về kỹ thuật ở Việt Nam và các trường trên thế giới. Thời gian đào tạo là 4,5 năm; sinh viên tốt nghiệp được cấp bằng kỹ sư".

519114ad-03fa-4552-bebe-6cfd4e9aa3b2.jpg
Sinh viên Trường Đại học Cần Thơ trong một buổi thực hành. Ảnh: NTCC.

Để mở, tuyển sinh ngành đào tạo về Thiết kế vi mạch bán dẫn, nhà trường đã có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào? Về nội dung này, thầy Khang cho hay: "Cơ sở vật chất phục vụ thực hành, thí nghiệm, thực tập thực tế tại doanh nghiệp, lực lượng giảng viên đã có sẵn. Hơn nữa với thế mạnh là trường đa ngành, đa lĩnh vực nên nguồn lực về lĩnh vực điện, điện tử, vật lý, công nghệ thông tin, bán dẫn, vi mạch của nhà trường rất phong phú, đủ đáp ứng nhu cầu đào tạo. Mặc dù vậy, nhà trường vẫn tiếp tục đầu tư thêm trang thiết bị hiện đại, các phần mềm chuyên dùng để thiết kế vi mạch. Trường đang xúc tiến việc ký kết hợp tác về đào tạo, nghiên cứu phát triển lĩnh vực vi mạch - bán dẫn với Đại học Quốc Lập Thành Công do Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc (Đài Loan) đề xuất.

Hơn thế nữa, Trường Đại học Cần Thơ cũng đã có kinh nghiệm đào tạo đại học lĩnh vực kỹ thuật điện tử và vi mạch. Hiện tại, nhà trường có đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu thuộc lĩnh vực kỹ thuật điện tử. Trường Đại học Cần Thơ cũng có các giảng viên được đào tạo ở trong nước và nước ngoài về lĩnh vực thiết kế vi mạch và bán dẫn. Trong thời gian qua nhà trường đã mời các chuyên gia Việt Kiều tham gia giảng dạy một số học phần trong chương trình đào tạo. Sắp tới, trường có kế hoạch hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu về lĩnh vực vi mạch – bán dẫn với các trường đại học của Đài Loan".

Còn về kế hoạch trong công tác tuyển dụng, chiêu mộ giảng viên trình độ cao để giảng dạy ngành này, thầy Khang thừa nhận việc đào tạo trình độ sau đại học trong nước liên quan đến lĩnh vực vi mạch còn hạn chế nên việc tuyển giảng viên cũng gặp khó khăn. Theo thầy Khang: "Hiện nay, việc tuyển dụng giảng viên trình độ thạc sĩ trở lên đối với các ngành kỹ thuật nói chung và ngành vi mạch, bán dẫn là rất khó khăn do không có người ứng tuyển. Do đó, nhà trường cũng gửi đội ngũ đi nước ngoài đào tạo thông qua các hợp tác, đồng thời tăng cường trao đổi giáo sư với các trường nước ngoài.

Trước ý kiến nhiều trường ồ ạt mở ngành đào tạo về vi mạch sẽ khiến nhà trường gặp nhiều khó khăn trong tuyển sinh, Phó Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Cần Thơ khẳng định: "Có cạnh tranh thì sẽ thuận lợi cho sự phát triển. Nhà trường có thế mạnh và uy tín riêng. Sự cạnh tranh giúp nhà trường luôn phấn đấu phát triển để chất lượng đào tạo ngày càng tăng lên, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động không chỉ trong nước mà còn cả ngoài nước".

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, bản chất các ngành liên quan đến vi mạch là các môn học trong các ngành khác như Cơ điện tử, Kỹ thuật tự động hóa... Vậy nên khi tách sang các ngành học riêng cần cho thí điểm đào tạo tại các trường đại học có kinh nghiệm, uy tín, nguồn lực, mở rộng các ngành kỹ thuật và hình thành các ngành mới, đào tạo chuyên sâu hơn, bài bản hơn. Sau đó các đơn vị ngồi lại cùng nhau, rút kinh nghiệm cũng như xây dựng định hướng phát triển đại trà.

"Lĩnh vực vi mạch đang có những triển vọng nhất định do yêu cầu từ xã hội về nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, để đào tạo và tuyển sinh bài bản, các trường cần có sự tính toán, chuẩn bị thật kỹ lưỡng, càng chuẩn bị tốt thì quá trình triển khai càng thuận lợi. Có thể thấy, một trong những khó khăn chính là phát triển đội ngũ giảng viên trình độ cao để đáp ứng nhu cầu đào tạo ngành này, tránh tình trạng tuyển sinh ồ ạt mà không đảm bảo được chất lượng đầu ra", thầy Sơn bày tỏ.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://www.vietnamplus.vn/dao-tao-lien-nganh-giai-con-khat-nhan-luc-vi-mach-ban-dan-post907039.vnp

Phạm Thi