Đại học Công nghệ hợp tác với SamSung đào tạo nhân lực CLC về bán dẫn, vi mạch

31/01/2024 15:20
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Việc ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai bên nhằm mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ thạc sĩ lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.

Ngày 31/01/2024, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Samsung Điện tử Hàn Quốc đã ký kết văn bản hợp tác tổ chức chương trình VNU-Samsung Tech Track (V-STT) với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ thạc sĩ lĩnh vực bán dẫn và vi mạch.

Toàn cảnh buổi lễ.

Toàn cảnh buổi lễ.

Tham dự chương trình, về phía Samsung Electronics Hàn Quốc có ông Jooho Choi, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam; ông Sunsig Kim, Cố vấn Điều hành, Samsung Electronics; ông Chang-Yong Kim, Phó Tổng Giám đốc, Samsung Electronics; ông Jiwon Suk, Tổng Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Samsung Việt Nam; ông Yong-sup Kim, Phó Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam.

Tham dự buổi lễ còn có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn – Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Về phía Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội có Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức – Chủ tịch Hội đồng trường; Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình – Hiệu trưởng nhà trường.

Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn chia sẻ, ngành công nghệ bán dẫn và vi mạch ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, kỹ thuật, quân sự.

Hiện nay đang có xu thế thay đổi, dịch chuyển các nhà máy, doanh nghiệp ngành bán dẫn đến Việt Nam. Việt Nam đang có tiềm năng và cơ hội to lớn trở thành trung tâm tăng trưởng mạnh của ngành bán dẫn và vi mạch.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Bảo Sơn phát biểu tại buổi lễ.

Việt Nam đang hội tụ các điều kiện vô cùng thuận lợi như địa lý, thuế quan, chính sách, con người cũng như các mối quan hệ hợp tác song phương chiến lược với các nước lớn như Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Nhật Bản…thông qua các cuộc gặp Nhà nước cấp cao.

Hơn nữa Việt Nam ưu tiên phát triển nền tảng là con người, tạo điều kiện mạnh mẽ để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và vi điện tử trong tương lai.

Việt Nam đặt mục tiêu 2030 đào tạo được 50,000 kỹ sư chất lượng cao về vi mạch bán dẫn. Việt Nam cũng thành lập Trung tâm đào tạo bán dẫn việt nam (VSHE) dưới sự hợp tác của Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC), Tập đoàn FPT và tổ chức chuyên gia công nghệ Mỹ TreSemi.

Hàn Quốc cũng đang cho thấy tiềm lực và tham vọng lớn trở thành trung tâm bán dẫn lớn nhất thế giới, đặc biệt là Samsung Electronics là một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất Hàn Quốc và thế giới. Tại Việt Nam, Samsung đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất với tổng vốn đầu tư đã vượt quá 20 tỷ USD.

Phó Giáo sư Phạm Bảo Sơn cho biết, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực với sứ mệnh thực hiện nghĩa vụ quốc gia đang triển khai 20 ngành liên quan đến bán dẫn như: Điện tử viễn thông, Kỹ thuật điện tử, kỹ thuật máy tính, công nghệ thông tin, cơ điện tử…

Đặc biệt, Trường Đại học Công nghệ với đội ngũ chuyên gia hàng đầu thực hiện đào tạo các khâu như: thiết kế, chế tạo, đóng gói, kiểm thử và phát triển các ứng dụng trong chuỗi giá trị bán dẫn.

Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một trong những chiến lược quan trọng, để không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.

“Xác định được tầm quan trọng đó, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và công ty Samsung Electronics Hàn Quốc từng bước triển khai chương trình hợp tác VNU-Samsung Tech Track (V-STT), với nỗ lực thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Sự kiện này có ý nghĩa to lớn trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành vi mạch điện tử và bán dẫn.

Hợp tác đào tạo với doanh nghiệp lớn như Samsung electronics mang lại cơ hội và giá trị to lớn trong việc đào tạo bài bản các cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ có trình độ cao cả về lý thuyết và thực hành trong tương lai, đáp ứng nhu cầu của đất nước và thế giới.

Đây là cơ hội để nhà trường hoàn thiện các cơ chế, các chương trình đào tạo tiến gần đến với các tiêu chuẩn ngành cũng như tiến sát đến mức yêu cầu thực tế của doanh nghiệp. Mang đến bài toán hài hoà giữa nguồn nhân lực chất lượng cao sau đào tạo và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp. Đây cũng là mục tiêu lâu dài nhà trường muốn hướng đến trong tương lai.

Hơn thế nữa, đây cũng là cơ hội lớn để nhà trường, công ty Samsung electronics đồng hành cùng các em sinh viên Việt Nam. Đây là nguồn lực quan trọng trong giai đoạn bùng nổ ngành bán dẫn và vi mạch sắp tới tại Việt Nam. Thu hút hơn nữa các đầu tư PDI vào Việt Nam trong lĩnh vực này”, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định.

Nâng mối quan hệ hợp tác giữa Samsung và Đại học Quốc gia Hà Nội lên một tầm cao mới

Phát biểu tại chương trình, ông Jooho Choi, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam cho biết, đào tạo nhân tài là công việc xây dựng nền móng của quốc gia.

Đặc biệt, đào tạo nhân tài phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là chìa khóa then chốt để vươn tầm trở thành nước phát triển.

Ông Jooho Choi, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ tại chương trình.

Ông Jooho Choi, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Việt Nam chia sẻ tại chương trình.

Trong suốt thời gian qua, Samsung đã triển khai đa dạng các chương trình đào tạo cho thanh niên để hỗ trợ Việt Nam trong hành trình vươn tới nước phát triển công nghệ.

“Ngay sau buổi lễ này, chúng ta có thể bắt đầu triển khai chương trình trao học bổng V-STT dành cho các sinh viên ưu tú theo học thạc sĩ ngành công nghiệp bán dẫn, lĩnh vực đang được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Mối quan hệ hợp tác giữa Samsung và Đại học Quốc gia Hà Nội đã được bắt đầu qua chương trình ký kết biên bản ghi nhớ trao học bổng tài năng Samsung STP cho sinh viên từ năm 2014.

Thông qua hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua, đã có nhiều sinh viên tốt nghiệp vào làm việc tại Samsung, tôi cho rằng các em chính là nguồn động lực lớn để Samsung Việt Nam có thể phát triển lớn mạnh”, ông Jooho Choi chia sẻ.

Ông Jooho Choi bày tỏ kỳ vọng, thông qua chương trình trao tặng học bổng nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lịch vực bán dẫn lần này, mối quan hệ hợp tác giữa Samsung và Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ phát triển lên một tầm cao mới.

“Samsung đã có thể trở thành doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu thế giới với sự đóng góp của nguồn nhân lực tài năng từ các trường đại học.

Chính những nhân tài xuất sắc ấy đã cống hiến cho Samsung năng lực công nghệ, đồng thời Samsung trao cho các bạn những cơ hội phát triển.

Trên nền tảng đó, chúng tôi đang vững vàng với vị thế lãnh đạo toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn. Tôi rất mong chờ các sinh viên ưu tú của Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ trở thành nhà lãnh đạo tương lai trong lĩnh vực bán dẫn thông qua chương trình đào tạo này”, ông Jooho Choi bày tỏ.

Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Samsung Điện tử Hàn Quốc đã ký kết văn bản hợp tác tổ chức chương trình VNU-Samsung Tech Track.

Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Samsung Điện tử Hàn Quốc đã ký kết văn bản hợp tác tổ chức chương trình VNU-Samsung Tech Track.

Sinh viên nhận học bổng thạc sĩ được hỗ trợ toàn bộ chi phí đào tạo

Chia sẻ tại buổi lễ, Giáo sư Chử Đức Trình nhấn mạnh vai trò của ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch.

Theo Giáo sư Chử Đức Trình, ngành công nghiệp bán dẫn và vi mạch được coi là một trong những ngành công nghiệp quan trọng với doanh thu hàng trăm tỷ đô la và đã trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Việt Nam, công nghiệp bán dẫn và vi mạch những năm gần đây đã phát triển thành ngành công nghiệp quan trọng của quốc gia.

Hiện Việt Nam đứng thứ 9 trên toàn cầu ở lĩnh vực xuất khẩu hàng điện tử. Trong 8 tháng 2022, điện thoại và linh kiện điện tử có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 39,6 tỉ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy có thể thấy rằng tiềm năng và dư địa để phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn ở Việt Nam là vô cùng lớn, đi kèm với nhu cầu cao về nguồn nhân lực trong ngành công nghiệp này.

Giáo sư Chử Đức Trình chia sẻ tại buổi lễ.

Giáo sư Chử Đức Trình chia sẻ tại buổi lễ.

Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội đã triển khai các kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học tập trung vào những lĩnh vực có liên quan tới công nghiệp bán dẫn/Chip bán dẫn từ rất sớm.

Với đội ngũ cán bộ gồm nhiều giảng viên, chuyên gia và các nhà khoa học có kinh nghiệm nghiên cứu, giảng dạy, là một trong những đơn vị thành viên chủ chốt tham gia tích cực vào các dự án thiết kế và sản xuất vi mạch bán dẫn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, hiện, Trường Đại học Công nghệ là một trong số ít trường đại học có chương trình đào tạo định hướng về bán dẫn và vi mạch từ bậc đại học đến thạc sĩ, tiến sĩ.

Hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là một trong những chiến lược quan trọng trong việc không ngừng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt trong công nghiệp công nghệ cao.

Xác định được tầm quan trọng đó, Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội và Công ty Samsung Electronics Hàn Quốc từng bước triển khai chương trình hợp tác VNU-Samsung Tech Track (V-STT), với nỗ lực thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp.

Tập đoàn Samsung là một trong những đối tác chiến lược hàng đầu, đã gắn bó và đồng hành với Trường Đại học Công nghệ trong gần 1 thập kỷ qua.

Sự hợp tác của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tập đoàn Samsung trong gần 10 năm qua đã mang lại nhiều giá trị và thành tựu nhất định trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ươm mầm tài năng trong lĩnh vực khoa học công nghệ.

Giáo sư Chử Đức Trình nhấn mạnh, Chương trình học bổng VNU-Samsung Technology Track (V-STT) nhằm giúp sinh viên xuất sắc có cơ hội nhận được học bổng đào tạo thạc sĩ định hướng về bán dẫn và vi mạch.

Sinh viên tham gia chương trình V-STT được đào tạo chuyên sâu về các chuyên ngành công nghiệp bán dẫn như thiết kế mạch tích hợp, vật liệu bán dẫn, sản xuất và phân tích chất bán dẫn.

Những sinh viên tham gia chương trình học bổng này không chỉ nâng cao được kiến thức, kỹ năng mà còn cả năng lực ngoại ngữ, xây dựng được nền tảng vững chắc cho sự nghiệp sau này.

Trong quá trình đào tạo, sinh viên được tham gia các lớp tiếng Hàn với chuẩn đầu ra đáp ứng tối thiểu TOPIK (Test of Proficiency in Korean) cấp độ 3.

Bên cạnh đó, các sinh tốt nghiệp thạc sĩ theo chương trình học bổng này cũng sẽ làm việc trực tiếp cho tập đoàn Samsung tại Hàn Quốc. Toàn bộ chi phí đào tạo, bao gồm cả các lớp tiếng Hàn sẽ được Samsung tài trợ.

Chương trình VNU-Samsung Technology Track (V-STT) với mục tiêu chính là đào tạo nguồn nhân lực thạc sĩ định hướng chuyên ngành công nghệ bán dẫn sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng trong tương lai, phần nào bù đắp nhu cầu ngày càng cao về nhân lực chất lượng cao trong trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.

Phạm Minh