Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có các bài viết phản ánh về tình hình thực hiện công bố ba công khai của một số trường đại học chậm trễ so với quy định.
Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT Ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã quy định rất rõ thời điểm công khai báo cáo 3 công khai. Theo điểm a, khoản 1, điều 8 Thông tư 36 nêu: "Công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi khai giảng năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan".
Tuy nhiên, như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có bài viết phản ánh về việc đến cuối tháng 2, Trường ĐH Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học FPT vẫn chưa đăng tải báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023. Cùng với đó, Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh có thiếu sót, nhầm lẫn trong báo cáo 3 công khai.
Sau khi các bài viết được đăng tải, không ít ý kiến độc giả cho rằng, cơ sở giáo dục không thực hiện nghiêm quy định thì cơ quan quản lý cần có động thái "mạnh tay" để quy định của Thông tư 36 được thực hiện nghiêm.
Ngoài ra, khi trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam một số chuyên gia giáo dục cũng nêu lên một số kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo để có chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá đối với việc thực hiện công khai đối với các trường đại học. Thậm chí là có hình thức xử phạt để răn đe để các trường thực hiện đúng các quy định.
Trường đại học chậm công bố thông tin ba công khai là vi phạm quy định
Về việc này, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Truyền - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi cho rằng, dù đã có nhiều bài viết được báo chí phản ánh nhưng vẫn còn các trường đại học thực hiện ba công khai chưa nghiêm túc.
Vị này bày tỏ: "Việc thực hiện báo cáo ba công khai của các trường nó có liên quan đến quá trình kiểm định chương trình, kiểm định nhà trường và làm căn cứ để xác định chỉ tiêu tuyển sinh ngành học vào năm sau nên có thể một số trường đang trì hoãn.
Trong thực hiện ba công khai đối với cơ sở giáo dục đại học, thường thấy là có không ít trường sẽ đưa những thành tựu đã làm được ra trước, còn cái gì còn hạn chế thì sẽ cần phải "cân nhắc" trước khi đăng tải".
Qua đó, nguyên lãnh đạo Trường Đại học Thủy Lợi nhấn mạnh rằng, về quy chế công khai và các biểu mẫu công khai ra sao đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thể hiện rất rõ trong phụ lục đính kèm của Thông tư 36, vì thế trường nào nêu lý do biện minh cho những thiếu sót của đơn vị thì cũng rất khó thuyết phục. Tại sao trường khác làm đúng, làm đủ mà đơn vị làm không đúng, chậm trễ?.
"Theo tôi, nếu trường đại học công khai thiếu hoặc sai sót ở khâu nào, cơ quan quản lý cứ cho kiểm tra làm rõ ở khâu đó kiểu gì cũng sẽ phát hiện ra "vấn đề", Giáo sư Lê Kim Truyền nhận định.
Ngoài ra, vị này cũng nhấn mạnh việc, với một số thông tin công khai dù đã được các trường thực hiện nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên có những đợt kiểm tra bất chợt để xác thực lại thông tin. Điều này sẽ hạn chế việc các trường báo cáo theo kiểu đối phó hoặc có báo cáo nhưng thông tin trong đó không chuẩn xác.
"Bất cứ cái gì khi thực hiện công bố, công khai nhưng không được cơ quan quản lý thường xuyên kiểm tra, đánh giá lại thì lâu ngày các đơn vị sẽ thực hiện theo kiểu tùy tiện. Nếu có kiểm tra và có xử phạt các trường hợp cụ thể thì các đơn vị khác họ cũng sẽ sợ ảnh hưởng đến uy tín mà tự giác để thực hiện", Giáo sư Lê Kim Truyền cho hay.
Bên cạnh đó, vị Giáo sư này cũng bày tỏ quan điểm rằng, việc nêu thông tin sai sót của các trường đại học trong thực hiện báo cáo ba công khai không chỉ là việc làm của cơ quan báo chí. Có thể thông qua báo chí hoặc qua rà soát nếu có phát hiện trường đại học nào có thông tin sai lệch với thực tế thì các cơ quan quản lý cũng nên đăng tải công khai để các trường khác tự chỉnh đốn.
Qua đó, Giáo sư Lê Kim Truyền chia sẻ thẳng thắn: "Tôi thấy vai trò rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là Thanh tra Bộ trong việc giám sát, kiểm tra các trường đại học thực hiện ba công khai. Làm nghiêm túc vài năm, mọi thứ sẽ đi vào nề nếp, đúng quy định".
Đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo mở cổng thông tin chung về giám sát ba công khai
Bày tỏ quan điểm liên quan đến vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo (nay là Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, cần có chế tài xử lý cụ thể để các trường nghiêm túc chấp hành.
Bởi nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định cụ thể mà vẫn có các trường vẫn không làm thì sẽ không có tác dụng đối với toàn bộ hệ thống các trường đại học trong nước. Theo vị này, nếu vẫn có tình trạng cơ sở giáo dục đại học chậm công bố thông tin công khai hoặc thông tin theo kiểu đối phó thì không chỉ giảm sút vai trò giám sát của xã hội mà về lâu về dài dễ dẫn đến tình trạng "nhờn luật".
"Có thể một số trường không thực hiện công bố báo cáo ba công khai trên website của đơn vị mình nhưng chưa bị cơ quan quản lý nào phát hiện. Hoặc có thể, dù có cơ quan báo chí phát hiện và nêu tên nhưng trường không bị xử lý. Vì thế những cơ sở này tiếp tục không thực hiện đúng quy chế công khai vào những năm học tiếp theo mà trong tâm lý không hề lo lắng sẽ bị xử phạt. Theo tôi điều này là rất nguy hại.
Thực tế cho thấy, dù đã có quy định cụ thể về thực hiện công khai đối với trường đại học, cùng với đó là có mức xử phạt hành chính nhưng vẫn chưa được cơ quan có thẩm quyền xử lý quyết liệt, triệt để nên không đủ sức răn đe", nguyên lãnh đạo Trường Cán bộ Quản lý Giáo dục và Đào tạo nói thêm.
Qua đó, vị này đề xuất: "Để tăng hiệu quả tra cứu và giám sát của xã hội, kịp thời phát hiện những trường đại học không đăng tải báo cáo ba công khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có một cổng thông tin chung và yêu cầu tất cả các trường đại học thực hiện cập nhật báo cáo ba công khai trên cổng thông tin này.
Bên cạnh đó, cổng thông tin này cũng cần có hình thức dễ tiếp cận, có thể là chia sẻ link trên fanpage của Bộ hoặc trong các fanpage chính thống, diễn đàn bàn về giáo dục để tăng thêm sự tiếp cận và tương tác.
Với cổng thông tin chung đó, xã hội, người học sẽ biết những trường nào đăng và không đăng tải báo cáo ba công khai. Qua sự góp ý của cộng đồng, Bộ có thể lấy đó làm căn cứ để lên kế hoạch kiểm tra các trường. Đồng thời giữa các trường cũng có điều kiện để kiểm tra chéo nhau, từ đó đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong việc thực hiện quy chế ba công khai".
Chậm thông tin ba công khai, vai trò giám sát cộng đồng bị ảnh hưởng
Đồng quan điểm về việc này, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan - Phó Viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ nhìn nhận: “Hiện nay, có cơ sở giáo dục công khai thông tin không đúng với số liệu thực tế, đưa ra những số liệu có lợi cho nhà trường, để thu hút tuyển sinh. Rõ ràng, ở đây có sự không minh bạch với người học và xã hội”.
Cũng theo vị này, từ những thông tin được phản ánh như trên, cơ quan quản lý cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát đồng thời có biện pháp xử lý “mạnh tay” hơn nữa đối với những trường có vi phạm.
Phân tích dưới góc độ tâm lý phụ huynh, học sinh có nhu cầu tìm hiểu về các trường đại học nó khi dữ liệu trong báo cáo ba công khai chậm công bố hoặc chưa đầy đủ, Thạc sĩ Đậu Xuân Thoan cho rằng điều này có thể tác động đến niềm tin của người học khi có ý định đăng ký vào trường.
"Việc chậm đăng tải thông tin báo cáo ba công khai có ảnh hưởng rất lớn đến vai trò giám sát cộng đồng và nhu cầu xác thực thông tin của người học với cơ sở giáo dục đó. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến niềm tin của người học vào cơ sở giáo dục đó.
Có thể, một số thông tin về trường là chưa hoàn hảo, nhưng nếu các trường cố gắng khắc phục để nâng cao chất lượng thì chắc chắn đạt được con số năm sau tốt hơn năm trước, phụ huynh, học sinh họ cũng nhìn thấy sự nỗ lực của nhà trường qua các con số như vậy.
Khi thực hiện công khai, có thể con số chưa thực sự "đẹp" nhưng là chuẩn xác thì niềm tin của cộng đồng vào cơ sở giáo dục đó sẽ nhiều hơn so với việc các trường thông tin không chính xác hoặc thiếu minh bạch", lãnh đạo Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ nêu quan điểm.