Xây dựng luật không phải ban hành thêm các quy định quản lý, ràng buộc nhà giáo

04/04/2024 11:32
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Luật Nhà giáo không phải để “gom hết" vấn đề của nhà giáo trong các quy định đã có, mà để những quy định trong luật này được đồng bộ với các luật khác.

Ngày 3/4, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam” bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

0b469c98d1547e0a2745.jpg
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức tọa đàm “Pháp luật về nhà giáo của một số quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Ảnh: NTCC

Theo thông tin tại tọa đàm, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là lực lượng chiếm đến 43% tổng biên chế sự nghiệp của cả nước. Đây là lực lượng có mối liên hệ mật thiết với khoảng 23 triệu học sinh, 2 triệu sinh viên.

Tuy nhiên, hiện nay, không có một đạo luật nào điều chỉnh riêng cho đội ngũ này, mà phải chịu sự chi phối bởi nhiều văn bản khác nhau như Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Viên chức năm 2010… Các văn bản này vẫn chưa phản ánh rõ vị trí, vai trò và tính chất đặc thù nghề nghiệp của nhà giáo, mà lại xác định nhà giáo như tất cả các viên chức ở tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp khác.

Bên cạnh đó, từ thực tiễn áp dụng các quy định về chính sách nhà giáo cũng cho thấy nhiều bất cập, do có quá nhiều văn bản điều chỉnh nên dẫn tới sự nên thiếu sự đồng bộ, thiếu thống nhất, thậm chí là mâu thuẫn nhau.

Trước tình hình đó, ngày 07/7/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP về xây dựng pháp luật, trong đó thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo với 05 chính sách nhằm nâng cao vị thế, vai trò của nhà giáo, tạo hành lang pháp lý vững chắc và toàn diện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà giáo.

Phát biểu tham luận tại tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp – Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã có những ý kiến về quy chế pháp lý và sự cần thiết phải đặt ra những chuẩn mực nghề nghiệp đối với giảng viên.

Theo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp, các quy định của pháp luật về giảng viên (tuyển dụng, chuẩn giảng viên, đánh giá chất lượng giảng viên...) hiện nay chưa rõ ràng, còn manh mún và thiếu nhất quán.

Cụ thể, điều kiện chung về nhà giáo được đề cập đến trong Luật Giáo dục, trong khi tiêu chuẩn nghề nghiệp giảng viên được quy định bởi Thông tư 40/ 2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên phổ thông được quy định bởi Thông tư 20/2018; tiêu chuẩn nghề nghiệp đối với giáo viên mầm non được quy định tại Thông tư 26/2018…

d11f87b8ca74652a3c65.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đoàn Thị Phương Diệp – Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tham luận tại toạ đàm. Ảnh: NTCC

Các quy định về việc xếp lương, giờ làm việc nằm trong rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau. Đấy là chưa kể đến việc áp dụng các quy định này chưa có sự thống nhất giữa các cơ sở giáo dục công lập và các cơ sở giáo dục tư thục, và cả đối với các giáo viên/giảng viên có yếu tố nước ngoài...

Điều này dẫn đến tình trạng việc tuyển dụng vào các cơ sở giáo dục đại học không diễn ra theo một chuẩn mực thống nhất, mà chỉ thực hiện theo nhu cầu, và chưa chắc đảm bảo được chất lượng giảng viên.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng được lắng nghe các báo cáo liên quan đến các chính sách tuyển dụng, đào tạo, phát triển giảng viên trong nước và thu hút giảng viên nước ngoài tại Singapore của Giáo sư Tulika Mitra – Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo tại Đại học Quốc gia Singapore; hay quá trình xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo tại Trung Quốc của Giáo sư Guodong Yang – Giảng viên Trường Luật Hành chính, Đại học Chính pháp Tây Nam, Trung Quốc. Từ đó, làm kinh nghiệm cho Việt Nam trong quá trình xây dựng luật.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho hay: “Mục đích của Luật Nhà giáo là làm sao để nhà giáo được tôn vinh hơn, vị thế nhà giáo được đặt cao hơn. Đồng thời, chính sách, môi trường cơ chế nhà giáo tốt hơn và nhà giáo yêu nghề hơn”.

Vì thế, việc xây dựng Luật Nhà giáo không phải là để “gom hết" những vấn đề của nhà giáo trong các quy định đã có vào, mà phải làm sao để những quy định về nhà giáo trong luật này được đồng bộ với các luật khác.

Theo bà Hoa, qua quá trình khảo sát và nghiên cứu hồ sơ, có một số vấn đề đáng lưu ý, cụ thể là:

Thứ nhất, vấn đề định danh nhà giáo là một vấn đề hết sức quan trọng.

“Từ trước đến nay, những nhà giáo không làm nhiệm vụ giảng dạy nữa mà chuyển đổi vị trí công tác như về phòng/sở giáo dục và đào tạo vẫn còn được gọi là thầy/cô. Nhưng liệu giờ họ có phải là nhà giáo nữa hay không?

Ngay cả ở các trường phổ thông, những nhân viên trường học cũng tham gia vào quá trình giáo dục, nhưng họ không phải là nhà giáo. Vậy thì liệu chính sách của họ như thế nào? Có thực sự công bằng ngay trong chính một cơ sở giáo dục hay không” – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đặt ra câu hỏi.

Đặc biệt, khi thực hiện cải cách tiền lương, trả lương theo vị trí việc làm, thì chính sách với nhà giáo càng cần phải quan tâm. Vì thế, chúng ta cần phải làm rõ xem “ai là nhà giáo” và “ai phục vụ hoạt động giáo dục”. Từ đó mới có thể đưa ra chế độ, chính sách phù hợp cho họ.

Thứ hai, là vấn đề chuẩn nghề nghiệp, đây là vấn đề rất cần thiết. Bên cạnh những mong muốn có chuẩn chung, cũng có nhiều ý kiến cho rằng cần phải có chuẩn riêng đối với từng trình độ đào tạo.

Theo Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa: “Qua trao đổi với các trường cao đẳng nghề, có vấn đề đang đặt ra là nếu đặt ra chuẩn nghề nghiệp chung thì phải làm sao để mời các nghệ nhân tham gia vào quá trình đào tạo?

Hay liên quan đến khâu tuyển dụng, hiện nay, ở các trình độ đào tạo đang có nhiều thẩm quyền tuyển dụng khác nhau. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải làm thế nào nếu trao thẩm quyền, hoặc thay đổi thẩm quyền để tốt hơn.

Với chính sách tiền lương, không chỉ là câu chuyện lương của nhà giáo, mà phải tính đến cả câu chuyện lương của những người hoạt động trong ngành giáo dục và đào tạo, để họ cũng nhận thấy được tầm quan trọng của họ, công sức họ bỏ ra là xứng đáng; đồng thời, thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc”.

Vì thế, trong Luật Nhà giáo, việc xây dựng chính sách phải phù hợp, vừa để đảm bảo sự ưu tiên cho nhà giáo, nhưng vẫn bình đẳng và công bằng, để cộng đồng xã hội ủng hộ cho nhà giáo, cho hoạt động giáo dục và đào tạo, chứ không tách rời nhà giáo thành một lực lượng riêng.

a9b8286065accaf293bd.jpg
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: NTCC

Thứ ba, là vấn đề quản lý nhà nước. Hiện nay, quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo đang được phân cấp, phân quyền chồng chéo. Và nhà giáo được phân cấp quản lý như thế nào cho đồng bộ cũng là vấn đề phải lưu tâm?

Đại diện Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng, có thể có những vấn đề trên không thể một lúc bàn xong ngay, nhưng cũng cần được gợi mở, để có cơ hội bàn sâu thêm ở những diễn đàn khác.

Tiến sĩ Vũ Minh Đức – Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, ngoài mục tiêu chính là luật hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về phát triển giáo dục và đạo tạo, phát triển đội ngũ nhà giáo, còn 3 mục tiêu lớn là:

Thứ nhất, cần phải nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt về mục tiêu khi xây dựng Luật Nhà giáo là nhằm kiến tạo môi trường hoạt động nghề nghiệp tốt nhất cho nhà giáo trong hệ thống giáo dục và đào tạo, chứ không phải ban hành thêm các quy định quản lý, ràng buộc nhà giáo.

Thứ hai, đảm bảo luật này được chuẩn hóa và nâng cao chất lượng của nhà giáo. Tức là phải có quy định đánh giá, công nhận nhà giáo như thế nào để đạt chuẩn.

Thứ ba, đảm bảo sự bình đẳng, công tư. Hiện nay, tỉ lệ nhà giáo ngoài công lập chiếm hơn 16%, bên cạnh đó là tỉ lệ nhà giáo có yếu tố nước ngoài. Trong những năm tới đây, cùng với sự phát triển xã hội hóa giáo dục, tỉ lệ này khả năng sẽ tiếp tục tăng lên. Vì thế, chúng ta cần phải đảm bảo quy định về quyền lợi, nghĩa vụ, chuẩn nghề nghiệp đối với cả nhà giáo công lập và ngoài công lập.

Về nội dung của Luật Nhà giáo, Tiến sĩ Vũ Minh Đức nhắc lại 5 chính sách lớn của luật là: (1) Định danh, quyền và nghĩa vụ nhà giáo; (2) Tiêu chuẩn chức danh nhà giáo; (3)Tiêu chuẩn tuyển dụng, sử dụng, chế độ làm việc của nhà giáo; (4) Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển đội ngũ nhà giáo; (5) Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Theo ông Đức, quá trình chuẩn bị xây dựng Luật Nhà giáo được tiến hành từ rất sớm và có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng. Dự kiến, Luật Nhà giáo sẽ được trình và lấy ý kiến Quốc hội vào kỳ họp thứ 7 vào tháng 10/2024 và được thông qua vào kỳ họp thứ 8 tháng 6/2025. Ngoài ra, vẫn còn rất nhiều vấn đề chuyên sâu về nội dung chính sách của Luật Nhà giáo sẽ được bàn bạc trong các hội thảo, tọa đàm sắp tới.

566dbabf-cb83-4235-ba91-78de71293ef6.jpg
Các đại biểu chụp ảnh tại tọa đàm. Ảnh: NTCC

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Điện – Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp, cố vấn cao cấp của Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Luật Nhà giáo không nên áp dụng chuẩn giáo viên cho các nhà khoa học, đặc biệt là với các nhà khoa học ở các trường, viện định hướng nghiên cứu.

Kim Minh Châu