Xây dựng Luật Nhà giáo mở ra cơ hội lớn và mong chờ từ lâu của ngành giáo dục

28/07/2023 06:36
TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Luật Nhà giáo đã được ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng, mong đợi suốt 19 năm qua.

Tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 07/07/2023.

Theo đó Chính phủ thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo, đồng thời lưu ý rằng “xây dựng Luật Nhà giáo là luật mới, khó, đối tượng rộng, tác động lớn, liên quan đến nhiều luật, cần có chính sách ưu tiên về nguồn lực và tổ chức thực hiện”.

Chủ trương về việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo đã được quy định cách đây 19 năm trong Chỉ thị số 40/2004/CT-TW của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Dự án Luật Nhà giáo đã được đưa vào Nghị quyết số 27/2008/QH12 ngày 15/11/2008 của Quốc hội; dự án này cũng đã được triển khai đến mức độ chuẩn bị trình Chính phủ để trình Quốc hội, nhưng rồi đến cuối năm 2009 lại bị rút ra khỏi chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XII, để dành chỗ cho các luật khác.

Luật Nhà giáo đã được ngành giáo dục nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng, mong đợi suốt từ đó đến nay.

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Ảnh minh hoạ: Lã Tiến

Vì vậy, thực sự là một tin vui đối với ngành giáo dục và nhà giáo khi Chính phủ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2024 để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) Quốc hội khóa XV.

Tuy nhiên, đây sẽ là một hành trình khó khăn và phức tạp.

Cái khó của việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo

Tính mới của Luật Nhà giáo không phải chỉ vì luật mới được xây dựng mà chính vì đối tượng và phạm vi điều chỉnh của luật cũng mới.

Đó không phải là những quan hệ quản lý trong một lĩnh vực mà là những quan hệ quản lý trong một nhóm đối tượng thuộc một lĩnh vực.

Đối với Luật Nhà giáo, đối tượng áp dụng là nhà giáo và cái mới, cái khó ở đây là phải trả lời vì sao nhà giáo lại là đối tượng áp dụng của một văn bản luật.

Trả lời câu hỏi này, trong Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 5 lý do:

Thứ nhất, xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là quan điểm chỉ đạo của Đảng xuyên suốt tiến trình đổi mới giáo dục nước ta;

Thứ hai, nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục;

Thứ ba, chất lượng của một hệ thống giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo; nhưng chất lượng của nhà giáo không thể vượt quá chất lượng của các chính sách về nhà giáo;

Thứ tư, nghề dạy học là nghề về con người; đặc thù lao động nhà giáo là ở chỗ sản phẩm lao động của nhà giáo là con người, là hướng đến việc hình thành và xây dựng năng lực và phẩm chất người học;

Thứ năm, tính chuyên nghiệp của nghề dạy học đòi hỏi môi trường hoạt động nghề nghiệp mới cùng chế độ làm việc mới.

Xét đến cùng các lý do trên gắn liền với sự thay đổi căn bản trên thế giới trong mô hình quản lý nhà nước về nhà giáo.

Trong hầu suốt thế kỷ XX, khi các hệ thống giáo dục chủ yếu là công lập, nhà giáo ở hầu hết các nước được coi là viên chức, thì quản lý nhà nước về nhà giáo được thực hiện chủ yếu theo mô hình quản lý nhân sự (Personnel Management).

Trong mô hình quản lý này, nhà giáo là viên chức như mọi viên chức trong các lĩnh vực dịch vụ công, được cơ quan quản lý tuyển dụng, điều động, phân công và trả lương để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy trong nhà trường công lập theo các quy định chung của Luật Viên chức.

Vào hai thập kỷ cuối của thế kỷ 20, với việc hệ thống giáo dục trở nên phức tạp cả về quy mô, cơ cấu và loại hình, thì quản lý nhà nước về giáo dục chuyển từ mô hình quản lý công truyền thống sang mô hình quản lý công mới (New Public Management) để phù hợp với sự thay đổi nhận thức về vai trò to lớn của giáo dục đối với sự phát triển cá nhân, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội.

Còn quản lý nhà nước về nhà giáo chuyển từ mô hình quản lý nhân sự sang mô hình quản lý nguồn nhân lực (Human Resources Management) để phù hợp với sự thay đổi nhận thức về vai trò quyết định của nhà giáo đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục.

Điểm khác biệt cơ bản trong mô hình quản lý này là nhà giáo được nhìn nhận như một nguồn lực chủ yếu đóng góp vào thành công của giáo dục.

Nguồn lực này bao gồm những nhà chuyên nghiệp trong nghề dạy học, họ cần được đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ theo một kế hoạch chiến lược để bảo đảm có sự gắn kết giữa số lượng, năng lực, động lực và cơ cấu của đội ngũ nhà giáo với các mục tiêu và yêu cầu phát triển của giáo dục.

Và vì thế, bên cạnh Luật Viên chức, nhà giáo cả công lập và tư thục còn được điều chỉnh bởi Luật Nhà giáo.

Giờ đây, bên cạnh hành lang pháp lý là Luật Viên chức, nhiều nước đã thấy sự cần thiết phải ban hành Luật Nhà giáo để tạo khung pháp lý phù hợp và mềm dẻo cho sự phát triển nghề nghiệp của nhà giáo, cả công lập và tư thục, vì mục đích tột cùng là sự thành công của người học.

Đối tượng và phạm vi điều chỉnh rộng

Nếu hiểu nhân lực chất lượng cao là nhân lực có đạo đức tư cách tốt và được đào tạo chuyên sâu ở trình độ đại học, thì ở bất kỳ quốc gia nào, nhà giáo (bao gồm cả công lập và tư thục) cũng là lực lượng đông đảo nhất.

Còn nếu xét riêng trong hàng ngũ viên chức thì nhà giáo công lập thường chiếm tỷ lệ từ 70% đến 80%.

Tuy nhiên, đội ngũ nhà giáo không chỉ đông đảo mà còn rất đa dạng.

Phân loại nhà giáo theo cấp học và trình độ đào tạo thì có giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông, giáo viên và giảng viên giáo dục nghề nghiệp, giảng viên đại học.

Phân loại theo phương thức giáo dục thì có nhà giáo thuộc giáo dục chính quy và nhà giáo thuộc giáo dục thường xuyên.

Phân loại theo loại hình trường thì có nhà giáo công lập và nhà giáo tư thục.

Phân loại theo nhà trường thì có nhà giáo trong nhà trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và nhà giáo trong nhà trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

Phân loại theo vị trí việc làm thì có nhà giáo giảng dạy, nhà giáo nghiên cứu, nhà giáo thực hành, nhà giáo quản lý.

Như vậy, cùng là nhà giáo, cùng có những đặc trưng chung, nhưng tùy theo phân loại mà còn có những đặc trưng riêng.

Điều này khiến đối tượng áp dụng của Luật Nhà giáo có phạm vi rộng; cần một sự đồng thuận cao trong việc lựa chọn những quy định nào được đưa vào trong luật, những quy định nào chuyển sang văn bản dưới luật.

Sự lựa chọn này phụ thuộc rất nhiều vào sự nhìn nhận và đánh giá của các nhà hoạch định chính sách vào từng vấn đề cụ thể.

Chẳng hạn, có nước như Thái Lan, ngoài việc ban hành luật chung về nhà giáo (cả công lập và tư thục), còn ban hành luật riêng về nhà giáo công lập để có những quy định phù hợp về chế độ làm việcchế độ đãi ngộ đối với nhà giáo công lập mà Luật Viên chức không thể nào điều chỉnh được.

Về sự phân loại nhà giáo theo cấp học và trình độ đào tạo, thì có nước như Iceland ban hành luật riêng về đào tạo và tuyển dụng nhà giáo và hiệu trưởng trường mẫu giáo, trường bắt buộc và trường trung học phổ thông;

Nước Áo ban hành hai luật riêng, một luật về trường đào tạo giáo viên thể chất, một luật về đào tạo và yêu cầu chuyên môn đối với giáo viên mẫu giáo;

Phần Lan có luật về đào tạo giáo viên phổ thông và luật về đào tạo giáo viên dạy nghề,…

Đi sâu vào các văn bản luật về nhà giáo trên thế giới, có thể rút ra một nhận định như sau: Nhìn chung các nước đang phát triển, như Trung Quốc, Thái Lan, Philippines, Indonesia... với hệ thống pháp luật về giáo dục chưa phát triển, chọn cách ban hành Luật Nhà giáo, trong đó tập trung thể chế hóa các chính sách chung đối với đội ngũ nhà giáo.

Đối với các nước có hệ thống pháp luật về giáo dục phát triển thì chọn cách ban hành nhiều đạo luật khác nhau để điều chỉnh những đối tượng khác nhau trong đội ngũ nhà giáo.

Tác động lớn

Luật Nhà giáo chính là sự thể chế hóa hệ thống chính sách về nhà giáo. Hệ thống chính sách này là khác nhau tùy theo bối cảnh kinh tế-xã hội, hệ thống chính trị, truyền thống văn hóa và trình độ phát triển giáo dục của từng quốc gia.

Với quan niệm hệ thống chính sách nhà giáo là một hệ thống với nhiều thành tố gắn kết với nhau một cách nhất quán trong bối cảnh kinh tế-xã hội cụ thể của một quốc gia, UNESCO đưa ra khung chính sách nhà giáo gồm 9 thành phần như sau:

Tuyển dụng và giữ chân nhà giáo; Đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo; Bố trí, phân công nhà giáo; Cơ cấu nghề nghiệp, con đường thăng tiến; Sử dụng nhà giáo và điều kiện làm việc;

Tiền lương và các khoản thu nhập; Chuẩn nhà giáo; Trách nhiệm giải trình của nhà giáo; Quản trị nhà trường.

Mục tiêu tổng quát của khung chính sách này là phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo.

Còn mục tiêu cụ thể thì bao gồm: Thiết lập rõ ràng kỳ vọng cho nhà giáo; Thu hút người giỏi nhất vào nghề dạy học; Chuẩn bị nhà giáo thông qua đào tạo và trải nghiệm hữu ích; Bảo đảm sự phù hợp giữa kỹ năng người dạy với nhu cầu người học;

Có hiệu trưởng giỏi để lãnh đạo nhà giáo; Giám sát việc dạy và học; Hỗ trợ nhà giáo để nâng cao chất lượng giảng dạy; Tạo động lực để nhà giáo hoàn thiện mình.

Về lý thuyết, chính sách nhà giáo phải hướng tới cả 8 mục tiêu trên. Tuy nhiên, trên thực tế, xuất phát từ bối cảnh kinh tế-xã hội cụ thể mà mỗi nước sẽ xác định các mục tiêu ưu tiên trong chính sách nhà giáo.

Theo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo thì có 5 chính sách cơ bản được đề xuất trong Luật Nhà giáo.

Đó là: Định danh nhà giáo; Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo; Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo; Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo; Quản lý nhà nước về nhà giáo.

Mục tiêu cụ thể của các chính sách này là: Đề cao sứ mệnh và vị thế nhà giáo; Xác lập và nâng cao tính chuyên nghiệp của nghề dạy học; Khắc phục các bất cập trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo thời gian qua; Nâng cao năng lực và động lực nhà giáo; Khắc phục các bất cập trong quản lý nhà nước về nhà giáo.

Như thế, Luật Nhà giáo sẽ có tác động tích cực rất lớn lên đội ngũ nhà giáo về vị thế, vai trò, tính chuyên nghiệp, lòng yêu nghề, năng lực và động lực; thu hút được người giỏi vào nghề dậy học và giữ chân nhà giáo giỏi với trường, lớp.

Qua đó xây dựng được đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu, bảo đảm về chuyên môn, đóng góp thiết thực và thành công vào việc thực hiện khâu đột phá chiến lược về phát triển nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, để đưa nước ta trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030.

Bên cạnh tác động tích cực nói trên, cũng sẽ nảy sinh một số tác động tiêu cực cần lường trước để khắc phục.

Trước hết là tác động không tránh khỏi đối với tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thứ hai là tác động về kinh tế và thủ tục hành chính, liên quan đến chi phí mà nhà nước cũng như các cơ quan quản lý giáo dục, các nhà trường sẽ phải bỏ ra khi Luật Nhà giáo có hiệu lực thi hành.

Thứ ba là tác động về xã hội, liên quan đến những xung đột lợi ích có thể nảy sinh giữa các nhóm lợi ích khác nhau trong thực thi chính sách.

Kết luận

Việc Chính phủ nhất trí thông qua đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo về sự cần thiết ban hành Luật Nhà giáo đã mở ra cơ hội lớn và mong chờ từ lâu của ngành giáo dục trong việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo.

Cơ hội này không chỉ tạo điều kiện hàng đầu cho ngành giáo dục trong việc thực hiện thành công nhiệm vụ đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục theo tinh thần Nghị quyết 29, mà còn đưa giáo dục nước ta đóng góp thiết thực vào yêu cầu “cùng nhau chuyển đổi giáo dục vì các tương lai công bằng và bền vững” được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục (Transforming Education Summit) do Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc chủ trì tháng 9/2022 tại New York (Hoa Kỳ).

Việc chuyển cơ hội này thành hiện thực không đơn giản. Theo dự kiến, chỉ còn chưa tới 10 tháng nữa là dự thảo luật phải được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).

Với một văn bản luật mới, khó, phạm vi rộng, tác động lớn thì quả thực cơ hội này đang đi liền với một thách thức lớn.

Thách thức chính là ở chỗ những xung đột lợi ích sẽ nảy sinh trong quá trình soạn thảo và lấy ý kiến do các bên có liên quan có những tiếp cận khác nhau, đánh giá khác nhau, lợi ích khác nhau đối với các đề xuất chính sách.

10 tháng để nhìn nhận, tranh luận, thảo luận, thương thảo nhằm tìm ra sự đồng thuận về lợi ích đối với 5 chính sách được đề xuất thực sự là một thách thức rất lớn.

Vượt qua thách thức này phụ thuộc trước hết vào bản lĩnh của các nhà làm luật. Và trên hết vào quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến