Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), trong đó, Bộ này đề xuất học sinh, sinh viên từ 15 tuổi trở lên được làm việc bán thời gian nhưng không quá 20 giờ mỗi tuần trong kỳ học, không quá 48 giờ một tuần trong kỳ nghỉ.
Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung quy định này nhằm bảo đảm quyền làm việc, đồng thời, tăng cường quản lý, hỗ trợ, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về lao động.
Sinh viên không khỏi lo lắng
Trước đề xuất quy định mới này, không ít sinh viên tỏ ra hoang mang và lo lắng. Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Lê Thị Thương - sinh viên năm 2, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho biết, hiện nữ sinh đang làm thêm tại một quán nước gần trường. Mỗi tuần, Thương có thể làm việc từ 30-40 tiếng/tuần, với mức lương 20 nghìn đồng/giờ.
Thương lo lắng: “Việc đi làm thêm giúp em có thêm chi phí trang trải sinh hoạt phí. Nhưng nếu chỉ còn được làm việc 20 tiếng/tuần, em không biết xoay xở ra sao với tình hình vật giá leo thang như hiện nay ở Hà Nội”.
Theo Thương, không nên quy định giới hạn giờ làm thêm của sinh viên bởi sinh viên đều đã trưởng thành, có khả năng biết sắp xếp và cân đối giữa công việc và việc học. Chưa kể, tiền lương làm thêm mỗi giờ hiện rất thấp, Thương cho hay với 20 nghìn cho 1 tiếng làm thêm, số tiền một giờ làm thêm mới chỉ đủ mua một chiếc bánh mì cho bữa sáng.
“Chỉ làm thêm 20 tiếng mỗi tuần, như vậy mỗi tháng em chỉ kiếm được 1,6 triệu đồng. Số tiền này mới chỉ đủ trả tiền nhà. Ngoài ra, mỗi tháng, em còn phải trả tiền điện nước, chi phí sinh hoạt, tiền học thêm tiếng Anh,... ”, nữ sinh nêu băn khoăn.
Cũng chung quan điểm, Thái Thị Nga, sinh viên năm 3, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh cũng rằng không nên giới hạn giờ làm thêm với sinh viên.
“Em thấy sinh viên đi làm thêm cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm, kỹ năng khác mà không có trên giảng đường. Hơn nữa, bây giờ học phí tăng, vật giá cũng tăng, nhất là sinh viên ở các thành phố lớn, hễ cứ bước ra đường là phải dùng tiền thì quy định giới hạn giờ làm thêm với sinh viên cần được xem xét kỹ hơn”, Nga chia sẻ ý kiến.
Trường đại học nói quản lý giờ làm thêm của sinh viên là cần thiết
Trong khi đó, một số chuyên gia và trường đại học lại ủng hộ quy định giới hạn giờ làm thêm với sinh viên, tuy nhiên các ý kiến đều cho rằng nên mở rộng thêm thời gian làm việc tối đa, và có quy định rõ hơn về cơ chế giám sát, quản lý việc này.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy định giới hạn giờ làm thêm với sinh viên là hợp lý, tránh tình trạng sinh viên mải “say sưa” kiếm tiền, không tập trung vào việc học.
Tuy nhiên, theo thầy Phúc, về quy định giờ làm thêm tối đa là bao nhiêu thì cần dựa trên các khảo sát, tính toán khoa học. Trong đó, một trong những yếu tố cần tính toán đến là số giờ học trên lớp của sinh viên.
Trước nhiều ý kiến cho rằng tiền lương mỗi giờ hiện đang rất thấp, vì vậy việc giới hạn giờ làm thêm sẽ làm khó sinh viên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh cho rằng sinh viên nên có sự ưu tiên cho nhiệm vụ ở từng thời điểm.
“Đối với vấn đề học phí, sinh viên có thể vay tiền để học tập và trả dần khi đã đi làm chính thức. Đồng thời, cơ quan nhà nước cũng cần mở rộng thêm quỹ tín dụng cho sinh viên, không chỉ tăng mức vay mà còn phải mở rộng hơn đối tượng vay, để tất cả sinh viên đều có thể dễ dàng tiếp cận các chương trình vay vốn, phục vụ cho việc học tập”, thầy Phúc nêu ý kiến.
Vị lãnh đạo chia sẻ thêm, Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đang vận hành chương trình bảo lãnh vay không lãi suất - “Quỹ học bổng và hỗ trợ phát triển Bách khoa” do Ban đại diện Cộng đồng cựu sinh viên Phú Thọ - Bách khoa (BKA) khởi xướng. Đến nay, Quỹ này đã huy động được hơn 22 tỷ đồng để hỗ trợ các sinh viên.
Đồng quan điểm với Phó giáo sư Trần Thiên Phúc, Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thực tế đã có nhiều trường hợp sinh viên do mải đi làm kiếm tiền, không đảm bảo việc học tập nên phải học lại, bị cảnh báo, hoặc thậm chí buộc thôi học. Do vậy, quy định giới hạn giờ làm thêm với sinh viên là hợp lý.
Tuy nhiên, thầy Nhân cho rằng để giám sát, triển khai hiệu quả quy định này trong điều kiện cơ sở hạ tầng Việt Nam hiện nay là rất khó khăn.
Nên quản lý giờ làm thêm của sinh viên như thế nào?
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh, chuyên gia dự báo nhân lực cho biết, quy định pháp luật nhà nước về việc làm thêm của học sinh, sinh viên đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Số giờ làm thêm tùy theo quy định ở mỗi quốc gia, nhưng thông thường khoảng 20 giờ - 30 giờ/tuần.
Do vậy, chuyên gia cho rằng dự thảo Luật việc làm (sửa đổi) của Bộ Lao động-Thương Binh và xã hội đề xuất quy định về việc làm thêm của học sinh, sinh viên là hợp lý và cần thiết.
Tuy nhiên, ông Trần Anh Tuấn phân tích, đặc điểm thị trường lao động Việt Nam về làm việc làm thêm bán thời gian hiện nay, nhiều công việc có thời gian phải làm việc 8 tiếng/ca, hoặc 4 tiếng liên tục sau giờ làm việc hàng ngày, đáng chú ý mức lương đa số rất thấp nên sinh viên phải tập trung làm việc với thời lượng lớn để đảm bảo đủ trang trải chi phí sinh hoạt, học tập.
Bên cạnh đó, việc bố trí thời gian học tập của các cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp tương đối khác nhau. Trong đó, việc học theo tín chỉ của đại học cũng có mức độ tạo thuận lợi cho sinh viên có thể làm thêm, và việc sinh viên đi làm thêm cũng là điều cần thiết.
Vì vậy, theo chuyên gia đề xuất có thể mở rộng không quá 24 giờ/tuần hoặc mức tối đa là 28 giờ /tuần và không quá 8 giờ/ ngày, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh, sinh viên và người sử dụng lao động ổn định bố trí 4 giờ làm việc trong 6 ngày/tuần.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch Hội giáo dục nghề nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh thêm, cần có quy định cụ thể: người sử dụng lao động là học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian phải có giao kết hợp đồng giữa 2 bên. Trong đó, cần đảm bảo người lao động bán thời gian vẫn được hưởng lương, hưởng sự bình đẳng bình đẳng trong thực hiện quyền và nghĩa vụ với người lao động làm việc trọn thời gian; bình đẳng về cơ hội, không bị phân biệt đối xử, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động.
“Thực tế hiện nay, rất nhiều em phải làm việc trong bối cảnh an toàn vệ sinh lao động không đảm bảo, thời gian kéo dài, mà mức lương trả rất thấp. Điều này không những ảnh hưởng đến quyền lợi trước mắt của học sinh, sinh viên, mà còn nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe và năng lực lao động lâu dài của các em.
Bởi vậy, tôi ủng hộ đề xuất quy định giờ làm thêm của học sinh, sinh viên, nhưng cần nghiên cứu kỹ thực tế để có quy định phù hợp với nhu cầu của cung-cầu lao động”, ông Trần Anh Tuấn đề xuất ý kiến.
Tương tự, cũng đồng tình với đề xuất quy định giờ làm thêm với học sinh, sinh viên, tuy nhiên, Tiến sĩ Lê Thế Tài - giảng viên một trường đại học ở thành phố Hồ Chí Minh cho rằng cần có một số điểm lưu ý.
Theo đó, xét về luật pháp, đa phần sinh viên đều đã đủ từ 18 tuổi trở lên - đây là các công dân và họ có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trong lao động.
Ở một số quốc gia châu Á như Hàn Quốc và Nhật Bản, thực tế có quy định giờ làm thêm với sinh viên, nhưng chỉ áp dụng với du học sinh quốc tế, thời gian không quá 28 giờ/tuần (Nhật Bản) và 25 giờ/tuần (Hàn Quốc). Theo thầy Tài, quy định này nhằm bảo hộ quyền việc làm cho sinh viên trong nước trước thực trạng nhiều du học sinh quốc tế trên danh nghĩa du học nhưng thực tế là xuất khẩu lao động “trá hình”.
Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) cũng nêu “Cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp có trách nhiệm quản lý học sinh, sinh viên làm việc bán thời gian”.
Thầy Tài cho rằng điều này rất khó thực hiện, bởi các cơ sở giáo dục không có chức năng này, và các điều kiện khác về nhân sự, phương tiện, để quản lý.
Do vậy, để thực hiện quy định giờ làm thêm với học sinh, sinh viên hiệu quả, thầy Tài đề xuất nên tăng số giờ làm thêm tối đa lên từ 25-28 tiếng/tuần. Bên cạnh đó, giao chính quyền cấp cơ sở thực hiện việc quản lý làm thêm của học sinh, sinh viên.
Cần có quy định chặt chẽ về việc các tổ chức, cá nhân khi sử dụng lao động bán thời gian là đối tượng học sinh, sinh viên thì phải có giấy xác nhận của các cơ sở giáo dục. Chính quyền cấp cơ sở có thể thực hiện kiểm tra đột xuất, và xử lý vi phạm nếu phát hiện sử dụng lao động trái phép, hoặc vượt quá số giờ làm thêm định mức. Việc này cũng giúp bảo vệ quyền lợi của sinh viên khi đi làm thêm.
Ngoài ra, thầy Tài đề xuất có thể thực hiện việc trả lương bán thời gian cho học sinh, sinh viên qua hệ thống ngân hàng, mặc dù sẽ khó để thực hiện ngay, nhưng đây cũng là một giải pháp kiểm tra số giờ, số ngày làm thêm của sinh viên hiệu quả.
Trần Thị Tâm (24 tuổi, du học sinh Hàn Quốc) cho biết, ở Hàn quy định giờ làm thêm đối với du học sinh tối đa từ 20-25 tiếng/tuần, không giới hạn giờ làm với sinh viên bản địa.
Theo Tâm, lương làm thêm 1 giờ quy ra có thể mua được 1 suất cơm, 5 cốc cafe americano và 2 cốc trà sữa. Sinh viên làm thêm bán thời gian được hưởng quyền lợi giống như người lao động làm chính thức về các chế độ ngày nghỉ, lương chuyên cần, cũng như tiền nghỉ việc (làm đủ 1 năm trở lên sẽ có tiền nghỉ việc - PV). Trường hợp sinh viên làm thêm bị “quỵt” lương, Bộ Lao động sẽ đứng ra bảo vệ quyền lợi, yêu cầu chủ lao động thanh toán đầy đủ lương theo quy định.
Sinh viên làm thêm phải có giấy đăng ký làm thêm có xác nhận của cơ sở giáo dục đang theo học.