Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội mở ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng

08/05/2024 10:38
Kim Minh Châu
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQGHN) chính thức mở ngành đào tạo bậc cử nhân thứ 28: ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng.

Ngày 26/4/2024, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội đã chính thức kí Quyết định 1683/QĐ-ĐHQGHN về việc Ban hành chương trình và giao nhiệm vụ đào tạo bậc Cử nhân ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng.

Theo đó, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội được giao nhiệm vụ đào tạo bậc Cử nhân ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng (ngành đào tạo thí điểm) và chính thức tuyển sinh năm 2024.

A26E2D2F-C5DD-4C82-8406-A3B71D3F0F5F.jpeg
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội mở ngành đào tạo bậc cử nhân thứ 28.

Ngành đào tạo Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng (tên tiếng Anh: Cinema and Popular Arts) có thời gian đào tạo 4 năm. Đây là ngành đào tạo bậc cử nhân thứ 28 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Theo chia sẻ của nhà trường, ngành học được tuyển sinh trong phạm vi cả nước và quốc tế.

Quy mô tuyển sinh năm đầu tiên mở ngành (năm 2024) là 50 chỉ tiêu. Từ năm thứ hai trở đi, nhà trường sẽ tuyển sinh khoảng 60 – 80 chỉ tiêu.

Sinh viên ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được trang bị hệ thống kiến thức bao gồm kiến thức chung, kiến thức theo lĩnh vực, kiến thức của khối ngành, kiến thức của nhóm ngành và kiến thức ngành để có tri thức tổng hợp, hệ thống về điện ảnh, nghệ thuật và khoa học xã hội – nhân văn.

Trong đó, khối kiến thức theo nhóm ngành và khối kiến thức ngành chú trọng đến kiến thức trực tiếp liên quan đến lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật đại chúng như: Nghệ thuật đại chúng trong thời đại số hóa; Đại cương các thể loại điện ảnh – truyền hình; Đại cương lịch sử điện ảnh thế giới; Văn hóa đại chúng Hàn Quốc và Nhật Bản; Tự sự; Thực tế ảo và công nghệ kỹ thuật số; Âm nhạc đại chúng; Nghệ thuật thị giác đương đại; Sân khấu và nghệ thuật trình diễn đương đại; Kịch học điện ảnh trong sáng tạo tác phẩm đa phương tiện; Điện ảnh Việt Nam và điện ảnh thế giới; Giám tuyển phim và giám tuyển nghệ thuật; Biên kịch điện ảnh; Đạo diễn điện ảnh, dựng phim, quay phim, Sitcom, phim truyền hình dài tập và truyền hình thực tế; Nghiên cứu, phê bình điện ảnh; Truyền thông nghệ thuật; Quản lý dự án điện ảnh và quỹ điện ảnh; Tổ chức sản xuất và lưu trữ phim,…

Bên cạnh đó, sinh viên còn được rèn luyện các kĩ năng chuyên môn và kĩ năng bổ trợ cần thiết cho các nghề nghiệp liên quan đến điện ảnh và nghệ thuật.

Sau khi tốt nghiệp, với kiến thức và kĩ năng được trang bị, Cử nhân ngành Điện ảnh và Nghệ thuật đại chúng của trường có thể đảm nhiệm nhiều vị trí việc làm như: Biên kịch điện ảnh, truyền hình, sân khấu, các loại hình sản phẩm đa phương tiện; Nghiên cứu viên, nhà lí luận phê bình điện ảnh và nghệ thuật đại chúng tại các viện nghiên cứu, cơ quan tổ chức báo chí, truyền thông, truyền hình, văn hóa nghệ thuật; Giảng dạy về điện ảnh và nghệ thuật đại chúng tại các cơ sở giáo dục; Đạo diễn, sản xuất, phát hành, phân phối và lưu trữ các dự án điện ảnh và nghệ thuật đại chúng; Giám tuyển phim và giám tuyển nghệ thuật; Chuyên viên truyền thông nghệ thuật và phim ảnh; Quản lí bảo tàng – gallery; Quản lí dự án sân khấu và nghệ thuật đương đại; Sáng tạo nội dung số; Xây dựng kế hoạch truyền thông và quảng bá.

Kim Minh Châu