Chính quyền giữ vai trò quyết định sự phát triển của trường đại học địa phương

15/05/2024 10:56
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Trường đại học nào được chính quyền địa phương quan tâm, trường đó có điều kiện phát triển, còn không phát triển được thì do nội bộ quản trị con người tệ, kém.

Ngày 4/8/2023, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ký Quyết định công nhận Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hải – Phó bí thư Đảng ủy Trường Đại học Hải Phòng giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng. Trước đó, Phó giáo sư Bùi Xuân Hải giữ chức vụ Phó hiệu trưởng Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.

Sau 9 tháng công tác tại ngôi trường mới, Phó giáo sư Bùi Xuân Hải cùng với Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban giám hiệu nhà trường và tập thể cán bộ, giảng viên, nhân viên đã đoàn kết, thống nhất, sáng tạo, quyết liệt xây dựng và khẳng định uy tín, thương hiệu Trường Đại học Hải Phòng trong hệ thống giáo dục đại học của cả nước.

Đoàn đại biểu LĐ, GV, HS Trường THPT Cát Bà trải nghiệm tại HPUni.jpg
Trường Đại học Hải Phòng đang từng bước thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU về đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Ảnh: LT)

Phó giáo sư Bùi Xuân Hải cho biết, Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã chỉ rõ: “Xây dựng và phát triển Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; …; trung tâm quốc tế về giáo dục, đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế biển”.

Quyết định số 1516 ngày 02/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành phố Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định: “Xây dựng Trường Đại học Hải Phòng thành trường đại học ứng dụng đa ngành, có trình độ tiên tiến…”.

Để thực hiện mục tiêu phát triển thành phố Hải Phòng theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị, Trường Đại học Hải Phòng có vị trí, vai trò quan trọng trong đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.

Xác định điều đó, ngày 10/4/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu: “Đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2045 trở thành Đại học Hải Phòng, là một trong các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của Việt Nam và ngang tầm các trường đại học trung bình khá của khu vực Đông Nam Á, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố và đất nước”.

Nghị quyết số 12-NQ/TU được ban hành cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo thành phố Hải Phòng đối với nhà trường. Đây cũng là niềm vinh dự, tự hào và trách nhiệm lớn lao của đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên nhà trường đối với sự kỳ vọng của lãnh đạo và nhân dân thành phố.

Tại hội thảo khoa học “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc”, Phó giáo sư Bùi Xuân Hải đã có những chia sẻ thẳng thắn, nêu bật được những khó khăn, thách thức của các trường đại học địa phương.

GDVN_bui-xuan-hai-1.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Bùi Xuân Hải – Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng (Ảnh: Lã Tiến)

Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng nhấn mạnh: “Theo Luật Giáo dục đại học thì không có khái niệm đại học địa phương, không có văn bản quy phạm nào nhắc đến 4 từ “đại học địa phương”. Các nhà trường trong Câu lạc bộ trường đại học địa phương là trường đại học công lập thì có 2 loại chủ sở hữu là: các cơ trung ương hoặc là ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố.

Chính vì vậy, sự phát triển lớn mạnh hay yếu kém của các trường phụ thuộc vào yếu tố quyết định, đó là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước (ở đây chính là chính quyền địa phương).

Trường đại học ở nơi nào được chính quyền địa phương quan tâm thì trường đó sẽ có điều kiện phát triển, còn nếu không phát triển được thì do nội bộ quản trị con người tệ, kém. Cho dù nội bộ có tệ, có kém nếu địa phương quan tâm và biết dùng người thì sẽ mang người giỏi từ chỗ khác về thay cho cái người tệ ở trường đại học địa phương đó.

Vì vậy, tôi cho rằng địa phương là giữ vai trò quyết định. Còn nếu trường nào mà không được chính quyền địa phương quan tâm thì các nhà trường sẽ cực kì khó khăn.

Bởi vì, vai trò của chủ sở hữu chỉ có 2 vấn đề: Một là đầu tư về tài chính, cơ sở vật chất. Hai là vấn đề về tổ chức.

Vấn đề đầu tư về tài chính, cơ sở vật chất thì chắc chắn các nhà trường cần phải có. Nếu các nhà trường được chính quyền địa phương đầu tư nhiều, đầu tư lớn mạnh thì có điều kiện phát triển lớn mạnh.

Vấn đề về tổ chức, hay nói cách khác là vai trò quản lý nhà nước về vấn đề con người. Địa phương tuy là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu và thực hiện vai trò quản lý nhà nước về vấn đề con người, nhưng đừng can thiệp vào quyền tự chủ đại học của trường đại học địa phương.

Địa phương chỉ có thể can thiệp thực hiện vai trò lãnh đạo của Đảng, thông qua Đảng ủy và cơ chế của Đảng, hoặc một số nhân sự cơ bản, chủ chốt của trường đại học đó. Những vấn đề ở dưới thì cần phải trao cho nhà trường thực hiện tự chủ đại học”.

GDVN_dhhp.jpg
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng tặng hoa chúc mừng Trường Đại học Hải Phòng nhân dịp kỷ niệm 65 năm xây dựng và phát triển (Ảnh: LT)

Phó giáo sư Bùi Xuân Hải thông tin, ngày 10/4/2024, Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng đã ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về đổi mới và phát triển Trường Đại học Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong thời gian tới, nhà trường sẽ được thành phố Hải Phòng đầu tư lớn để trường có sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ.

Theo Phó giáo sư Bùi Xuân Hải, đã là trường đại học ở các tỉnh, thành phố thì một trong những yếu tố rất quan trọng đó là phụ thuộc vào trình độ phát triển, quy mô kinh tế của khu vực. Các bạn sinh viên có muốn học ở đại học ở địa phương không, có muốn quay về địa phương làm việc không, hay ra Hà Nội hoặc vào Thành phố Hồ Chí Minh.

Vì vậy, yếu tố tự nhiên về điều kiện phát triển kinh tế xã hội, vị trí địa lý làm cho các trường đại học địa phương bất lợi hơn so với các trường đóng ở những trung tâm kinh tế lớn như Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Chưa kể, các trường đại học địa phương phải thực hiện nhiệm vụ chính trị của các tỉnh, thành phố là đào tạo nguồn nhân lực.

“Trường Đại học Hải Phòng vừa ký thỏa thuận 5 bên để đào tạo nhân lực về vi mạch bán dẫn theo chiến lược đào tạo 50.000 kĩ sư bán dẫn đến năm 2030.

Việc này thực sự rất khó, bởi vì khó nhất của các trường đại học địa phương là yếu tố của con người. Cơ sở vật chất thì tỉnh, thành phố có thể cho, nhưng làm sao chúng ta có con người?

Các trường địa phương có một khoảng cách nhất định so với các trường ở thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, khi chúng ta thu hút các giảng viên là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ giỏi về trường thì họ có tâm huyết không, có gắn bó lâu dài không, đó là một câu hỏi lớn.

Còn các nhà trường đào tạo được con người giỏi mà không giữ chân được họ thì họ cũng sẽ “bay” đi mất”, Phó giáo sư Bùi Xuân Hải nói.

Hiệu trưởng Trường Đại học Hải Phòng cũng chia sẻ, hội thảo của các trường đại học địa phương lần này là dịp để các trường cùng học hỏi, trao đổi với nhau để có thể học những kinh nghiệm hay, những kinh nghiệm tốt trong quản lý, phát triển nhà trường.

Do đó, các trường luôn mong muốn chính quyền địa phương quan tâm đầu tư thêm tài chính, cơ sở vật chất, con người - nhưng chỉ dừng ở chỗ quản lý ở mức độ nhất định và phải tôn trọng quyền tự chủ ở cơ sở đại học.

Đặc biệt, nội bộ các trường phải luôn đoàn kết, tích cực học hỏi và chịu khó thay đổi để phát triển bền vững.

LÃ TIẾN