Hội thảo về trường đại học địa phương là dịp để chia sẻ và góp tiếng nói chung

10/05/2024 06:25
Diễm Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Hội thảo là dịp để các CSGD chia sẻ và góp tiếng nói chung đối với thực tế phát triển của các trường địa phương trong thời gian trước mắt và lâu dài.

Câu lạc bộ Các trường đại học địa phương (thuộc Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc” vào ngày 10/5/2024 tại Trường Đại học Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh).

Đánh giá về vai trò, tầm quan trọng của việc tổ chức hội thảo khoa học này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cho biết, Hội thảo Khoa học Quốc gia về “Chính quyền địa phương ở Việt Nam và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc” có vai trò rất quan trọng trong việc thảo luận, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cán bộ quản lý và đại diện của các trường đại học, cao đẳng.

Trong bối cảnh việc thực hiện Luật Giáo dục đại học, thực hiện tự chủ đối với các trường đại học, cao đẳng hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Với các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc địa phương, hội thảo là cơ hội để gợi mở những giải pháp, định hướng, trao đổi và bàn luận những mô hình nhằm thực hiện các hoạt động có hiệu quả.

đh thủ đô (3).JPG
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuân - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thủ đô Hà Nội. Ảnh: NTCC

Mặt khác, hội thảo còn là một diễn đàn chuyên sâu, nơi mà các vấn đề về chính quyền địa phương và sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trực thuộc được đặt ra, thảo luận một cách cụ thể và chi tiết.

Bằng cách thức này, hội thảo giúp tăng cường sự hiểu biết và nhận thức của cộng đồng về những thách thức và cơ hội trong việc phát triển hệ thống giáo dục ở cấp trung học và cao đẳng.

Đồng thời, đây cũng là dịp để góp phần thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học, giữa các cơ quan tổ chức thuộc chính quyền địa phương với cơ sở giáo dục đại học. Qua việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm và xây dựng mối quan hệ hợp tác, hội thảo giúp tạo ra môi trường học tập và nghiên cứu tích cực, đồng thời khuyến khích sự đổi mới và phát triển bền vững đối với các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc chính quyền địa phương.

Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng chia sẻ: “Đây là dịp để các trường địa phương có điều kiện gặp mặt, chia sẻ và trao đổi những vấn đề của mỗi đơn vị mình. Qua đó xác định được những thế mạnh hay những khó khăn, hạn chế trong quản trị, quản lý và điều hành của mỗi trường, từ đó, các trường có thể chia sẻ, nắm bắt và có thể học tập lẫn nhau.

Bên cạnh đó, đây cũng là dịp để góp tiếng nói chung của cộng đồng các trường đại học, cao đẳng địa phương đến với cơ quan quản lý các cấp, từ Chính phủ, Bộ Giáo dục Đào tạo cho đến chính quyền địa phương của các tỉnh, thành phố. Những nguyện vọng, những kiến nghị trong hội thảo có thể đến với các cơ quan chủ quản cấp trên, các trường cùng có tiếng nói đồng thanh giúp cho mô hình các trường đại học, cao đẳng địa phương phát triển trong thời gian tới”.

Chia sẻ về một số đề xuất, kiến nghị, giải pháp phù hợp để tháo gỡ các vấn đề còn tồn đọng hiện nay ở giáo dục địa phương trước thềm hội thảo, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Tuân cho biết:

Thứ nhất, các trường đại học cần xác định được sứ mệnh của mình trong đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của địa phương.

Cơ sở đào tạo phải sẵn sàng nhận và có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ do chính quyền địa phương giao. Theo đó, việc thực hiện các cam kết và sứ mệnh cần được cụ thể hóa trong chiến lược phát triển của các trường đại học được Uỷ ban Nhân dân phê duyệt.

Thứ hai, trên cơ sở chiến lược được phê duyệt, các trường đại học cần quan tâm phối hợp chặt chẽ và thường xuyên với các đơn vị chuyên môn thuộc địa phương như Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Nội vụ, Sở Khoa học và công nghệ,…

Nhiệm vụ này nhằm cụ thể hóa và triển khai có hiệu quả các chiến lược về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho địa phương; về phát triển, thu hút đội ngũ cán bộ, giảng viên, những người quản lý giáo dục; về thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học;…

Thứ ba, các trường đại học cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động trên địa bàn để khảo sát nhu cầu nguồn nhân lực, tạo ra môi trường thực hành, thực tập cho sinh viên và xây dựng cơ chế sử dụng nguồn nhân lực với doanh nghiệp.

Thứ tư, các trường đại học phải thường xuyên liên hệ chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc triển khai các nhiệm vụ đào tạo, phát triển nhà trường. Đồng thời, các cơ sở đào tạo cần kịp thời báo cáo những tồn tại, khó khăn để xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân tỉnh/thành phố.

Bên cạnh đó, Phó Giáo sư Nguyễn Văn Tuân cũng cho hay, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học công lập duy nhất trực thuộc Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội hiện nay. Nhà trường xác định sứ mạng phát triển thành cơ sở đào tạo đa ngành, trong đó tiếp tục coi trọng công tác đào tạo giáo viên, theo định hướng ứng dụng, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, các sản phẩm nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội và cả nước.

Với tầm nhìn trở thành trung tâm giáo dục, văn hóa, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và hợp tác quốc tế có uy tín, xứng tầm với sự phát triển của thành phố; đến năm 2045, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội định hướng trở thành trường đại học thông minh có uy tín hàng đầu, được tổ chức theo mô hình đại học gồm các hệ thống đơn vị thành viên là các trường đại học, viện nghiên cứu, trường thực hành có nhiều cấp học và các doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên, một trong những nội dung mà hầu hết các trường đều rất quan tâm là vai trò, vị thế của các trường đại học, cao đẳng địa phương cũng như là những vấn đề thực tiễn, cơ hội và thách thức đang đặt ra đối với các trường đại học, cao đẳng địa phương cho việc phát triển trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng (bên phải). Ảnh: Website nhà trường
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiên, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng (bên phải). Ảnh: Website nhà trường

Sứ mệnh của các trường đại học, cao đẳng địa phương không phải chỉ là thực hiện nhiệm vụ của một cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành giáo dục chuyên môn mà còn là gắn liền với thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Chính vì vậy, giữa các trường đại học, cao đẳng luôn có sự gắn kết chặt chẽ và ý thức về sự tồn tại và phát triển của cơ sở mình đối với các chính sách kinh tế xã hội, văn hóa, giáo dục của địa phương.

Bởi vậy, nếu ở địa phương nào mà lãnh đạo các địa phương quan tâm và có những chính sách hoặc sự hỗ trợ đồng hành cùng với các trường thì các trường đó phát triển và sẽ phục vụ tốt cho yêu cầu phát triển của địa phương đó, phục vụ cho hoạt động đào tạo để đáp ứng các nhu cầu nguồn nhân lực của địa phương.

Cùng với đó, trường đại học địa phương cũng góp phần vào việc nghiên cứu, thúc đẩy và phát triển các hoạt động kinh tế xã hội của địa phương đó.

Cô Hiên cho rằng, hội thảo có ý nghĩa thực tiễn để các trường có thể cùng nhau chia sẻ, thông qua các cơ quan chủ quản là chính quyền các địa phương để trường đại học có thể thực hiện được nhiệm vụ quản lý, điều hành và phát triển, phục vụ nhu cầu của địa phương và đồng thời là thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của ngành nghề đào tạo.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng mong muốn nhận được sự hỗ trợ, sự giúp đỡ của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, các ban chuyên môn của Hiệp hội để có những kiến nghị từ cộng đồng các trường đại học, cao đẳng đối với thực tế phát triển của các trường đại học, cao đẳng địa phương trong thời gian trước mắt và lâu dài.

Diễm Trang