Trường tư dạy chương trình quốc tế: Học phí cao, phụ huynh cần tỉnh táo chọn lựa

30/05/2024 06:34
Thi Thi
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo chuyên gia, một số trường tư, đặc biệt là trường dạy chương trình quốc tế có học phí cao nhưng việc bảo vệ quyền lợi học tập của HS là vấn đề đáng bàn.

Vừa qua, sự việc Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) thu học phí gần 1 tỷ đồng/năm nhưng trường lại không có khả năng chi trả lương cho giáo viên, nợ tiền phụ huynh khiến hàng nghìn học sinh phải nghỉ hè sớm.

Ngoài ra, theo khảo sát, các trường tư thục có mức học phí cao, từ 20 - 80 triệu đồng/tháng, ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là rất nhiều. Việc phụ huynh lựa chọn môi trường học tập nào cho con là tùy theo tài chính, định hướng và nguyện vọng riêng. Tuy nhiên, phụ huynh cũng cần cân nhắc đến bài toán kinh tế, chọn trường có chất lượng đào tạo tương xứng cũng như đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, tránh tình trạng "tiền mất tật mang".

Cần có chính sách ngăn chặn trường học trở thành tổ chức huy động tín dụng

Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên nhìn nhận: "Từ vụ việc Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, tôi hiểu đây là một hợp đồng dân sự được lồng ghép vào hình thức học phí trả trước. Hiện chưa có quy định trường học được thu trước học phí tối đa bao nhiêu năm, nên khi tham gia vào hợp đồng này với trường, phụ huynh sẽ cần tìm hiểu kỹ vì sẽ phải chịu những rủi ro kèm theo những lợi ích (nếu có) của hình thức này.

Hình thức huy động học phí trước này không hiếm, theo tôi được biết, có nhiều trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội triển khai. Thông thường, phụ huynh sẽ lấy lãi suất ngân hàng làm căn cứ so sánh. Nếu khoản “đầu tư” này mang lại lợi ích lớn hơn thì đó là động lực để họ tham gia. Các gói học phí trả trước thường có mức chiết khấu từ 20% đến 40% hoặc cao hơn so với biểu phí đóng lẻ từng năm, tùy từng trường cụ thể và số năm học sinh tham gia".

ef4d3eb5-fba7-4bfd-9d43-ddf91211d388.jpg
Chuyên gia giáo dục độc lập Bùi Khánh Nguyên. Ảnh: NVCC.

Theo chuyên gia, hiện chưa có quy định cụ thể hướng dẫn hình thức đóng trước học phí nêu trên. Dưới danh nghĩa học phí trả trước, trường học có thể thỏa thuận với phụ huynh để bù đắp lại quyền lợi khi cho trường vay vốn.

Thông thường, hoạt động này sẽ lành mạnh nếu nhà trường huy động học phí trước để phát triển trường. Tuy nhiên khi nhà trường đem khoản vốn này đầu tư bên ngoài trường, rủi ro sẽ nhân lên. Bởi vì trường học không phải tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, không có các nghiệp vụ tài chính cốt lõi của tổ chức đầu tư. Hơn thế nữa, nhà trường sẽ bị sức ép phải sinh lời nhanh để trả lại lợi ích hấp dẫn cho phụ huynh nên có thể sẽ chọn các hình thức đầu tư mạo hiểm, rủi ro cao như đầu tư vào bất động sản, chứng khoán… Trong trường hợp đó, không có gì đảm bảo là phụ huynh có thể lấy lại được khoản đóng góp của mình.

Đánh giá về các gói "đầu tư giáo dục", ông Nguyên dẫn một câu kinh điển trong đầu tư là “high risks, high returns” (rủi ro càng cao, lợi nhuận càng lớn) và ngược lại cũng vậy - lợi nhuận càng lớn, rủi ro càng cao. Do vậy, theo ông Nguyên, phụ huynh tham gia "đầu tư" đều cần phải ý thức về điều này.

"Tôi được biết, có những phụ huynh chủ động lựa chọn gói đầu tư mạo hiểm trong giáo dục, do vậy rất khó để nói họ không có kiến thức về đầu tư. Tuy nhiên, việc học của con cái là một cam kết nghiêm túc và dài hạn, không phải là một trò chơi may rủi, do vậy, rất cần được đảm bảo sự ổn định và liên tục. Khi trường học phá sản, học sinh mất chỗ học, điều đó ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi và tâm lý của các em", ông Nguyên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, chuyên gia cũng cho rằng, chúng ta cần có những chính sách ngăn chặn việc trường học trở thành tổ chức huy động tín dụng. Rõ ràng, trường học cung cấp dịch vụ theo đơn vị năm học, việc thu trước học phí nhiều năm hoàn toàn không chính đáng.

Về vấn đề này, ông Nguyên bày tỏ: "Cơ quan quản lý nhà nước cần có quy định rõ ràng để hướng dẫn về giới hạn của trường học, ngăn cản trường học sao nhãng chức năng chính của mình là dạy học mà sa đà vào việc đầu tư. Việc này là để bảo vệ lợi ích của học sinh. Khi các vấn đề mới nảy sinh mà chưa có hướng dẫn, thì thước đo quan trọng nhất để ra các quyết định là lấy quyền lợi người học, lấy việc bảo vệ lợi ích của học sinh là điều quan trọng nhất để có những chính sách phù hợp".

Ngoài ra, về việc quản lý tài liệu, sách tham khảo tại các trường tư thục, chuyên gia giáo dục nhìn nhận, bản chất của trường tư là trường độc lập nhưng vẫn cần cơ chế tự kiểm soát thông qua sự điều hành, chỉ đạo của giám đốc chương trình hoặc hiệu phó phụ trách chuyên môn, hoặc tổ trưởng bộ môn. Giáo viên là tấm màng lọc cuối cùng.

"Có thể sẽ có những khác biệt nhất định về mặt văn hóa, triết lý giáo dục, hay những nội dung nào nên đưa vào sách giáo khoa, sách tham khảo, tài liệu giảng dạy. Nhưng, mọi trường học trên thế giới đều chia sẻ những nguyên tắc chung nhất của khoa học giáo dục và thực hành các nghiệp vụ sư phạm tương đối giống nhau để đảm bảo học sinh được tiếp cận với nội dung được kiểm soát, có tính giáo dục cao", ông Nguyên cho biết thêm.

Phụ huynh gặp rủi ro lớn khi tham gia vào việc huy động vốn của trường

Chia sẻ quan điểm xung quanh câu chuyện của Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, nhà trường huy động tiền trước từ phụ huynh, không tính lãi trong suốt thời gian nhà trường đào tạo học sinh. Khi học sinh hết thời gian học tập hay chuyển trường... theo thỏa thuận, nhà trường sẽ hoàn trả số tiền đó. Tuy nhiên, trên thực tế, trường này lại không có khả năng chi trả lương cho giáo viên, nợ tiền phụ huynh khiến hàng nghìn học sinh phải nghỉ hè sớm.

dbqh-pham-văn-hoa.jpg
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa - Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội. Ảnh: Quochoi.vn.

"Cơ quan chức năng, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã vào cuộc, nhưng chúng ta cũng đặt ra dấu hỏi rằng phải chăng nhà trường huy động tiền dựa trên lợi dụng sự tín nhiệm của phụ huynh và quyền được học tập của học sinh.

Nhà trường huy động vốn từ phụ huynh với lãi suất bằng 0. Trường hợp như vậy, phụ huynh gặp nhiều rủi ro. Trường hứa hẹn trả tiền nhưng rồi cuối cùng người chịu thiệt là học sinh - mất quyền được học tập và phụ huynh - mất tiền và phải đôn đáo tìm chỗ học mới phù hợp cho con. Trong khi đó các trường kiểu như vậy thường có mức học phí rất cao và chương trình giảng dạy cũng khác biệt", Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu quan điểm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, để tránh những rủi ro không đáng có, trước khi quyết định cho con theo học chương trình song ngữ, chương trình quốc tế... của trường nào, phụ huynh cần có sự tìm hiểu kỹ càng, tránh tình trạng học sinh phải nghỉ hè sớm, phụ huynh thì không đòi được tiền như ở Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam vừa qua.

Ngoài ra, theo ông Hòa, cơ quan quản lý cần phải thường xuyên thanh, kiểm tra để trước hết đảm bảo quyền lợi học tập cho các học sinh và chấn chỉnh hoạt động của các trường theo quy định. Sau vụ việc ở Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam, cơ quan quản lý phát hiện nếu trường dấu hiệu vi phạm, biến tướng thì cần có các biện pháp xử lý cứng rắn. Cũng theo ông Hòa, cần thiết phải thắt chặt quản lý hơn nữa, vì một số trường quảng cáo có chương trình chất lượng cao nhưng việc kiểm định xem thực tế có đúng như vậy hay không vẫn chưa được chú trọng.

"Chúng ta không thể nào chấp nhận được những trường hợp nhân danh, lợi dụng giáo dục để trục lợi. Còn về quản lý các loại tài liệu, sách tham khảo... cần có sự kiểm tra giám sát và có các quy định chặt chẽ hơn nữa", ông Hòa nhấn mạnh.

Học phí cao nhưng chất lượng đào tạo, quyền học tập của học sinh đã tương xứng hay chưa?

Cùng trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII nhìn nhận, xã hội hóa là chủ trương đúng đắn và hiệu quả, góp phần vào sự phát triển của nền giáo dục, trong đó, các trường tư thục cũng có vai trò nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực thì còn nhiều vấn đề cần bàn luận. Theo đó, một số trường tư thục có mức học phí rất cao nhưng liệu chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo hay việc đảm bảo quyền lợi học tập của học sinh có tương xứng hay không.

co-an-2-16653881343741817835538.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa XIII. Ảnh: Chinhphu.vn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An nêu quan điểm: "Tôi kiến nghị các cơ quan quản lý cần siết chặt, kiểm soát chặt hoạt động, chương trình đào tạo, các điều kiện đảm bảo chất lượng,... của các trường tư thục có học phí cao như thế. Chúng ta phải đánh giá được về mặt chất lượng, xem số tiền phụ huynh bỏ ra có tương xứng với chất lượng đào tạo hay không và nhà trường có tiềm lực gì để đảm bảo quyền lợi học tập chính đáng cho học sinh.

Theo cơ chế thị trường, những người có sản phẩm có quyền bán hàng với mức giá đưa ra. Nghĩa là chúng ta hình dung bên phía trường tư thục là nhà bán hàng, họ bán sản phẩm giáo dục. Tuy nhiên, trường tư thục có yếu tố đầu tư nước ngoài thì cũng đang hoạt động trên đất nước Việt Nam, phải chịu sự quản lý của các cơ quan nhà nước Việt Nam. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục cần vào cuộc để rà soát, thanh tra, đánh giá một cách thực tiễn về hoạt động, chương trình đào tạo, tài liệu, sách tham khảo... của các trường này”.

Bên cạnh đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An, các trường cũng cần thực hiện cam kết chất lượng giáo dục để đảm bảo những người đi học được đảm bảo quyền lợi. Trong vấn đề cấp phép thành lập, cần có sự thẩm định chặt chẽ về các điều kiện, chất lượng chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực và cả về tiềm lực đã đạt được đúng quy định hay chưa. Song song với đó, nâng cao trách nhiệm của hội đồng thẩm định để khâu này được thực hiện một cách hiệu quả ngay từ đầu.

Ngoài ra, hiện nay chưa có quy định cụ thể trong giám sát những cam kết chất lượng đào tạo có thật sự đúng như lúc các trường tư thục tuyển sinh. Nếu có vấn đề về tài chính, muốn chuyển trường cho con em cũng là vấn đề khiến phụ huynh phải đau đầu. Bởi lẽ chương trình đào tạo song ngữ, quốc tế của các trường này khác hoàn toàn với các trường công lập, học sinh sẽ khó thích nghi.

“Nhiều người cho con em học các chương trình song ngữ, chương trình quốc tế nhưng lại chưa tìm hiểu kỹ về chương trình giảng dạy cũng như những rào cản, khó khăn nếu có sự cố tài chính. Do đó, phụ huynh cần cẩn trọng và có sự tính toán kỹ lưỡng về khả năng tài chính, về tiềm lực của nhà trường để đảm bảo quá trình học của con không bị gián đoạn", Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An bày tỏ thêm.

Thi Thi