Ngày 28/6 là Ngày Gia đình Việt Nam nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt, qua đó gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ít ai biết rằng, có một ngành học đào tạo người học có nghiệp vụ chăm sóc và làm thành thạo các việc trong gia đình cách quản lý kinh tế, chăm sóc trẻ, chăm sóc người già cũng như các nghiệp vụ khác trong gia đình. Đó là ngành Kinh tế gia đình (mã ngành 7810501).
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay ngày Kinh tế gia đình có rất ít cơ sở giáo dục đại học đưa vào tuyển sinh và đào tạo.
Có thể kể đến như: Trường Đại học Duy Tân dự kiến tuyển sinh ngành Kinh tế gia đình (chuyên ngành Quản lý và khởi sự doanh nghiệp nhỏ và vừa) từ năm 2024. Còn trước đó, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh đã tạm thời dừng tuyển sinh ngành Kinh tế gia đình từ năm 2020. Dự kiến trong những năm tới, nhà trường sẽ tuyển sinh trở lại ngành Kinh tế gia đình với chương trình đào tạo được cập nhật, đổi mới để nhằm bắt nhịp xu hướng gia đình hiện đại.
Sức lan tỏa của ngành Kinh tế gia đình chưa nhiều trong xã hội
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Trưởng khoa Khoa Thời trang và Du lịch, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mục tiêu của ngành Kinh tế gia đình (trước đây ngành có tên là Kỹ thuật nữ công) Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến là cung cấp cho người học kiến thức cơ bản về mỹ thuật; phân loại, lựa chọn và bảo quản thực phẩm; chế biến món ăn, bánh, đồ uống; có kiến thức cơ bản về dinh dưỡng, xây dựng thực đơn; làm đẹp, trang trí món ăn và tiệc; kiến thức cơ bản về phương pháp tổ chức bếp ăn công nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngành Kinh tế gia đình cũng mang đến cho người học kiến thức nền tảng về quản trị gia đình và quản lý chất lượng dịch vụ; kiến thức về nguyên lý và các phương pháp phát triển thực đơn.
Thầy Tuấn Anh cũng cho biết, với những kiến thức mà sinh viên được học từ ngành Kinh tế gia đình, các em có cơ hội tìm được việc làm tại các doanh nghiệp về chế biến thực phẩm, làm việc tại các trung tâm dinh dưỡng, viện nghiên cứu về thực phẩm, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn công nghiệp, sản xuất và dịch vụ,...
Tuy nhiên, trong bối cảnh xã hội phát triển theo xu hướng công nghệ, nhiều ngành mới xuất hiện đã tạo ra sự cạnh tranh trong tuyển sinh giữa ngành Kinh tế gia đình với các ngành học hot khác.
"Ngành Kinh tế gia đình là ngành truyền thống của nhà trường với lịch sử 50 năm tuyển sinh và đào tạo. Trong những năm đầu, ngành tuyển được 50-60 sinh viên/năm. Những năm sau đó, ngành chỉ tuyển được 30/60 chỉ tiêu/năm. Trước thực tế khó tuyển sinh ngành Kinh tế gia đình, lãnh đạo nhà trường cùng giảng viên đã nỗ lực có các giải pháp như đi tư vấn tuyển sinh, cập nhật chương trình theo xu hướng,... nhưng kết quả không khả quan.
Nhận thấy ngành học không tuyển được đủ chỉ tiêu mỗi năm trong khi trường thực hiện tự chủ, không thể lấy thu bù chi mãi, nên từ năm 2020 đến nay, nhà trường tạm thời dừng tuyển sinh đối với ngành Kinh tế gia đình”, thầy Tuấn Anh chia sẻ.
Theo thầy Tuấn Anh, nguyên nhân khiến ngành Kinh tế gia đình chưa thu hút được nhiều sinh viên là do bản thân người học cho rằng ngành Kinh tế gia đình là ngành “kỹ sư vợ”. Sức lan tỏa của ngành chưa đủ mạnh nên nhiều nhà tuyển dụng chưa biết rõ ứng viên tốt nghiệp ngành Kinh tế gia đình có thể đáp ứng được công việc nào ở doanh nghiệp. Bên cạnh đó, một phần cũng do công tác truyền thông của nhà trường về ngành Kinh tế gia đình chưa hiệu quả nên nhiều người chưa biết đến sự tồn tại của ngành học này.
Thạc sĩ Lê Mai Kim Chi - Trưởng Bộ môn Quản trị nhà hàng, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh là cựu sinh viên ngành Kinh tế gia đình của nhà trường. Chia sẻ với phóng viên, cô Chi đánh giá chương trình học của ngành Kinh tế gia đình rất hay và nhiều ý nghĩa. Điều này được thể hiện ở việc ngành Kinh tế gia đình cung cấp cho người học những kỹ năng sống cơ bản, kỹ năng quản trị gia đình, có kiến thức dinh dưỡng và nấu ăn khoa học, thậm chí những kiến thức chuyên ngành này sẽ giúp sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể vận hành kinh doanh tư nhân vừa và nhỏ, hoặc trở thành những quản gia cao cấp, tham gia vào các bộ phận chăm sóc đời sống sức khỏe; tiếp đón phái đoàn trong tất cả các doanh nghiệp.
Đồng quan điểm với thầy Tuấn Anh, cô Chi cũng cho rằng, sức lan tỏa của ngành Kinh tế gia đình trong xã hội chưa nhiều. Và một trong số những nguyên nhân khiến ngành Kinh tế gia đình khó tuyển sinh là sự nhận thức về ngành này của xã hội chưa đúng và đầy đủ. Đặc biệt, nhiều người khi nhắc về ngành Kinh tế gia đình thường nghĩ ngay đến học xong sẽ chỉ làm công việc nội trợ.
“Trước khi chính thức dừng tuyển sinh ngành Kinh tế gia đình năm 2020, vào năm 2018, nhà trường mở mới tuyển sinh và đào tạo ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Một trong những mục tiêu nhà trường hướng tới khi mở ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống là để đa dạng ngành nghề theo xu hướng và duy trì chất lượng đào tạo về lĩnh vực ăn uống khi ngành Kinh tế gia đình không còn tuyển sinh nữa", cô Chi chia sẻ.
Qua chia sẻ thêm của cô Chi được biết, tiền thân của chương trình đào tạo ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống chính là ngành Kinh tế gia đình, chỉ có sự khác biệt là ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống sẽ mở rộng thêm kiến thức quản lý nhà hàng, dịch vụ ăn uống và bổ sung các môn nghiệp vụ chuyên ngành. Do đó, sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm quản lý nhà hàng, dịch vụ ẩm thực cho các nhà hàng, khách sạn; quản lý dịch vụ ăn uống tư nhân; chuyên viên tổ chức sự kiện ẩm thực trong các nhà hàng - khách sạn; chuyên viên tư vấn, tổ chức và điều hành tại các chuỗi nhà hàng, trung tâm hội nghị hoặc làm đảm bảo chất lượng ở các bếp ăn công nghiệp.
Mong nhiều thí sinh biết đến ngành Kinh tế gia đình
Tính đến nay, cô Chi đã có 10 năm công tác ở Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Từ khi ngành Kinh tế gia đình dừng tuyển sinh, cô Chi cùng với một số giảng viên khác trong ngành chuyển sang dạy một số học phần của ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
Để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của ngành, những giảng viên như cô Chi phải tham gia đào tạo, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn. Nhà trường cũng có chính sách hỗ trợ chi phí cho giảng viên đi học nâng cao nghiệp vụ hoặc mở các lớp bồi dưỡng cho giảng viên ngành Kinh tế gia đình được tham gia học tập, đáp ứng yêu cầu dạy ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống.
"Bản thân các giảng viên ngành Kinh tế gia đình có thể đảm nhận tốt nhiệm vụ khi dạy ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống vì đã có kiến thức nền. Tuy nhiên, từ vai trò quan trọng của ngành Kinh tế gia đình, tôi rất mong tới đây nhà trường sẽ nghiên cứu đến việc tuyển sinh trở lại đối với ngành Kinh tế gia đình. Bởi, đây cũng là ngành đào tạo có truyền thống và thương hiệu gắn với nhà trường từ khi thành lập”, cô Chi bày tỏ.
Trước mong muốn tuyển sinh trở lại đối với ngành Kinh tế gia đình, thầy Tuấn Anh chia sẻ, nhà trường cũng đang có dự kiến tiếp tục tuyển sinh ngành này trong những năm tới. Tuy nhiên, để công tác tuyển sinh đạt hiệu quả, nhà trường sẽ phải đổi mới chương trình đào tạo sao cho phù hợp với thời đại, xu hướng gia đình hiện nay (như ứng dụng công nghệ AI trong chương trình đào tạo, hay nâng tầm quản trị, chế độ chăm sóc dinh dưỡng nâng cao và đa dạng cho nhiều đối tượng: người ăn chay, người bệnh lý,...).
“Hiện nay, nhà trường có nhiều thuận lợi hơn trong đào tạo ngành Kinh tế gia đình. Cụ thể, nhà trường đã có nguồn kinh phí để đầu tư vào cơ sở vật chất hiện đại nhằm phục vụ công tác đào tạo ngành Kinh tế gia đình; liên kết tốt với các đơn vị trường phổ thông để tư vấn tuyển sinh.
Chưa kể, chương trình giáo dục phổ thông 2018 được đưa vào giảng dạy ở trường phổ thông nên nhu cầu cần đến đội ngũ giáo viên dạy công nghệ kỹ thuật cao - đây là cơ hội để nhà trường mạnh dạn hơn trong việc tiếp tục tuyển sinh ngành Kinh tế gia đình”, thầy Tuấn Anh đánh giá.
Cùng với đổi mới chương trình đào tạo, thầy Tuấn Anh cho rằng, để việc tuyển sinh ngành Kinh tế gia đình đạt hiệu quả, nhà trường cần phải tuyển dụng thêm đội ngũ giảng viên có đầy đủ chuyên môn. Bởi, trên thực tế, khi nhà trường dừng tuyển sinh ngành Kinh tế gia đình, một nửa chương trình đào tạo của ngành này được duy trì đào tạo cho ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống; giảng viên ngành Kinh tế gia đình đến nay đã về hưu gần hết trong khi những năm qua trường chỉ tuyển dụng giảng viên phục vụ dạy ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống. Do vậy, nếu tuyển sinh ngành Kinh tế gia đình trong thời gian tới, nhà trường sẽ phải tuyển dụng thêm đội ngũ giảng viên để đáp ứng yêu cầu giảng dạy cho ngành. Đồng thời, Khoa cũng sẽ tận dụng giảng viên ngành Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống tham gia dạy ngành Kinh tế gia đình sau khi giảng viên được đào tạo, bồi dưỡng thêm.