Ngày 23/7/1968 Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 114/CP thành lập Phân hiệu Đại học Y khoa Thái Bình và ngày 24/01/1979 Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 34/CP chuyển Phân hiệu Đại học Y khoa Thái Bình thành Trường Đại học Y Thái Bình. Ngày 11/11/2013, Trường được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2154/QĐ-TTg về việc đổi tên Trường Đại học Y Thái Bình thành trường Đại học Y Dược Thái Bình.
Trường Đại học Y Dược Thái Bình là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, có trụ sở đóng tại số 373 phố Lý Bôn, thành phố Thái Bình - tỉnh Thái Bình.
Theo thông tin đăng tải trên website, sứ mệnh của trường là phát huy tiềm năng, lợi thế của vùng đồng bằng sông Hồng để đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực sức khỏe đa ngành, đa cấp đảm bảo chất lượng; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp dịch vụ và sản phẩm vì mục tiêu chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Hiện, Nhà giáo nhân dân, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Tiến là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Cường là hiệu trưởng nhà trường.
Một số nội dung chưa thực hiện báo cáo 3 công khai
Căn cứ theo Điểm a, khoản 1, Điều 8, Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT Ban hành quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân quy định, các cơ sở giáo dục cần “Công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục và đào tạo vào tháng 6 hằng năm, đảm bảo tính đầy đủ, chính xác và kịp thời trước khi khai giảng năm học hoặc khi có thay đổi nội dung liên quan”.
Tuy nhiên khi phóng viên truy cập vào website Trường Đại học Y dược Thái Bình vào ngày 14/6/2024 chỉ thấy nhà trường đăng tải báo cáo 3 công khai của năm học 2022-2023. Năm học 2021-2022 nhà trường chỉ đăng tải nội dung công khai cơ sở vật chất và công khai thu chi tài chính chứ không có bản báo cáo 3 công khai hoàn chỉnh.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Phạm Thị Dung – Trưởng phòng Thư viện và Trung tâm công nghệ thông tin (Trường Đại học Y Dược Thái Bình) cho biết: Nhà trường mới nâng cấp website do website cũ đã sử dụng trong thời gian dài, không còn đảm bảo duy trì để cung cấp thông tin. Trong quá trình cập nhật website mới có thể có một số sự cố nên chưa hiển thị đầy đủ các nội dung báo cáo 3 công khai. Về nội dung này sau khi nhận được phản ánh của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhà trường đang tiến hành khắc phục.
Giảng viên cử nhân chiếm tới 61,81%?
Theo biểu mẫu số 20 công khai thông tin về đội ngũ giảng viên cơ hữu, báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, cho thấy nhà trường hiện có tất cả 343 giảng viên. Trong đó có 1 giáo sư (chiếm 0,29%); 19 phó giáo sư (chiếm 5,54%); 71 tiến sĩ (chiếm 20,7%); 40 thạc sĩ (chiếm 11,66%); 211 cử nhân (chiếm 61,81%).
Khoản 3, Điều 54, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) quy định:
Trình độ tối thiểu của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ, trừ chức danh trợ giảng; trình độ của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ thạc sĩ, tiến sĩ là tiến sĩ. Cơ sở giáo dục đại học ưu tiên tuyển dụng người có trình độ tiến sĩ làm giảng viên; phát triển, ưu đãi đội ngũ giáo sư đầu ngành để phát triển các ngành đào tạo.
Trong khi đó nhà trường có tới 61,81% giảng viên chỉ có trình độ cử nhân. Chia sẻ về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thanh Bình – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo đại học (Trường Đại học Y Dược Thái Bình) cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của Tạp chí nhà trường đã rà soát lại số liệu và thấy có sự nhầm lẫn do cán bộ kê khai điền nhầm số liệu giữa hai cột thạc sĩ và cử nhân. Nhà trường đã tiến hành rà soát lại toàn bộ thông tin và điều chỉnh lại số liệu chính xác.
Cũng theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, hiện nhà trường đang đào tạo trình độ tiến sĩ các ngành: Y học dự phòng, Y tế công cộng.
Ở trình độ thạc sĩ nhà trường đào tạo 3 ngành: Y học dự phòng, Y tế công cộng và Dinh dưỡng.
Trình độ đại học chính quy nhà trường đang đào tạo các ngành: Y khoa, Y học cổ truyền, Y học dự phòng, Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật xét nghiệm y học.
Theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 của Trường Đại học Y dược Thái Bình được công bố ngày 20/12/2023 ở nội dung công khai đội ngũ giảng viên cơ hữu cho thấy, nhiều ngành nhà trường không đảm bảo đủ số lượng giảng viên cơ hữu theo quy định của Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT Quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.
Cụ thể, ngành Y tế công cộng nhà trường chỉ có 1 tiến sĩ, 4 thạc sĩ và 5 cử nhân; Ngành Y học dự phòng nhà trường cũng chỉ có 5 tiến sĩ và 9 cử nhân. Trong khi đó, cả hai ngành này trường đều đào tạo trình độ tiến sĩ.
Căn cứ theo khoản 1, Điều 6, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành trình độ tiến sĩ cần đảm bảo:
“Có ít nhất 01 giáo sư hoặc 02 phó giáo sư và 03 tiến sĩ ngành phù hợp là giảng viên cơ hữu… trong đó có một giáo sư hoặc phó giáo sư có kinh nghiệm quản lý đào tạo hoặc giảng dạy đại học tối thiểu từ 03 năm trở lên (không trùng với giảng viên cơ hữu là điều kiện mở ngành đào tạo trình độ tiến sĩ của các ngành khác), chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo”.
Lý giải về vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Ngô Thanh Bình cho hay: Tại thời điểm báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, số liệu sẽ tính đến ngày 31/12/2022. Tại thời điểm đó, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một giảng viên chỉ được đứng tên để xác định chỉ tiêu tuyển sinh cho một ngành, một trình độ. Trong khi đó, một giảng viên của trường có thể tham gia giảng dạy rất nhiều ngành khác nhau vì cùng một lĩnh vực.
Thời điểm đó báo cáo của trường ở trình độ đại học và sau đại học là hai báo cáo riêng biệt. Chính vì thế, khi đào tạo đại học có thể xếp một giảng viên vào ngành Y khoa nhưng khi đào tạo sau đại học có thể lại xếp giảng viên đó sang ngành khác.
Ngoài ra, vị này cũng thông tin thêm, ngành Y tế công cộng số lượng sinh viên của trường khá thấp. Mà quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là một giảng viên quy đổi trình độ thạc sĩ sẽ được dạy 15 sinh viên.
Thời điểm đó ngành Y tế công cộng có khoảng 60 sinh viên. Như vậy, chỉ cần đội ngũ giảng viên có 4 thạc sĩ là có thể đảm bảo đủ năng lực đào tạo cho 60 sinh viên. Trong khi đó, nhà trường có cả giảng viên trình độ tiến sĩ thì theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 1 tiến sĩ tương đương với 2 thạc sĩ; 1 cử nhân tương đương với 0,3 thạc sĩ.
Chính vì vậy, nhà trường xếp số lượng giảng viên tương ứng với quy mô đào tạo để làm sao đảm bảo số lượng giảng viên tương ứng với số lượng sinh viên. Thực tế, một giảng viên của trường có thể giảng dạy rất nhiều ngành chứ không chỉ riêng ngành Y tế công cộng.
Cũng theo Phó giáo sư Ngô Thanh Bình, khi nhà trường xây dựng Đề án tuyển sinh năm 2024 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cho phép xếp các giảng viên vào từng ngành theo trọng số giảng dạy.
“Ví dụ, một giảng viên có thể tính trọng số giảng dạy ngành Y tế công cộng khoảng 20%, ngành Y khoa khoảng 50%, ngành Y học cổ truyền là 20%... Lúc này tên của một giảng viên có thể đứng ở 4 ngành hoặc 5,6 ngành theo trọng số. Tuy nhiên, tại thời điểm báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 một giảng viên chỉ được đứng ở 1 ngành”, đại diện nhà trường lý giải.
Cũng theo báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, một số ngành khác đào tạo trình độ đại học trường cũng không đảm bảo đủ số giảng viên theo quy định. Theo đó, ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học nhà trường chỉ có 1 tiến sĩ, 3 thạc sĩ và 6 cử nhân. Hay ngành Điều dưỡng nhà trường cũng chỉ có 8 tiến sĩ và 23 cử nhân.
Căn cứ theo khoản 2, Điều 4, Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT, quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành trình độ đại học cần đảm bảo: “Có ít nhất 05 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp để chủ trì giảng dạy chương trình (tính cả tiến sĩ ngành phù hợp quy định tại khoản 1 Điều này), trong đó mỗi thành phần của chương trình đào tạo phải có giảng viên với chuyên môn phù hợp chủ trì giảng dạy…”
Liên quan đến vấn đề này, thầy Ngô Thanh Bình thông tin: Với ngành Kỹ thuật xét nghiệm là một ngành nhà trường cũng mới mở được 3 năm. Đặc thù của ngành này là ngành tổng hợp tất cả các ngành xét nghiệm như sinh hóa, huyết học, y sinh… Chính vì đây là ngành tổng hợp nên có rất nhiều giảng viên đủ chuyên môn giảng dạy (gần 100 giảng viên).
Ngoài ra, quá trình đào tạo đại học ở Trường Đại học Y Dược Thái Bình cũng khác các cơ sở giáo dục khác. Ví dụ ở trường khác một môn có thể chỉ có 1-2 giảng viên giảng dạy một lớp. Nhưng tại trường thì một lớp, một môn học có thể có nhiều giảng viên tham gia giảng dạy chứ không phải chỉ có 1-2 thầy cô phụ trách một lớp. Do đó số lượng giảng viên tham gia giảng dạy các ngành của trường tương đối đông đảo.
“Ngoài ra, danh sách giảng viên chúng tôi đã công khai ở biểu mẫu số 20 chỉ là danh sách giảng viên để xác định chỉ tiêu chứ không phải ngành đó chỉ có số lượng giảng viên như vậy. Còn từ năm 2024, nhà trường đã xác định giảng viên cơ hữu dạy các ngành theo trọng số. Như vậy, một giảng viên có thể phân chia trọng số giảng dạy ra rất nhiều ngành”, Phó giáo sư Ngô Thanh Bình nói.
Chia sẻ về chính sách thu hút và giữ chân đội ngũ nhân lực chất lượng cao, Tiến sĩ Nguyễn Thế Điệp – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết: Nhà trường có rất nhiều chế độ, chính sách thu hút và giữ chân giảng viên chất lượng cao. Gần đây nhất là chính sách hỗ trợ học phí, thu nhập tăng thêm cho giảng viên học tiến sĩ.
“Đối với công tác tổ chức cán bộ tại trường, thời gian qua nhà trường tập trung phát triển đội ngũ giảng viên có học vị tiến sĩ trở lên. Điều này cũng nằm trong lộ trình của trường phấn đấu đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Đồng thời trường cũng có mức thưởng riêng cho giảng viên chức danh/trình độ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư về trường công tác. Cụ thể, đối với giáo sư về trường công tác sẽ được hỗ trợ 300 triệu đồng; phó giáo sư được hỗ trợ 200 triệu đồng, tiến sĩ được hỗ trợ 100 triệu đồng.
Nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút giảng viên chất lượng cao. Bởi hiện nay các trường tư có nguồn lực mạnh có rất nhiều chính sách thu hút. Trong khi đó, các trường công lập, nhất là các trường ở địa phương sẽ khó có thể cạnh tranh.
Trong thời gian sắp tới khi tự chủ đại học, khi nguồn lực mạnh hơn chắc chắn nhà trường sẽ có những điều chỉnh để thu hút đội ngũ nhân lực chất lượng cao”, Tiến sĩ Nguyễn Thế Điệp bày tỏ.
Điểm b, Tiêu chí 2.3, Tiêu chuẩn 2 của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT quy định tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ như sau:
b) Không thấp hơn 40% và từ năm 2030 không thấp hơn 50% đối với cơ sở giáo dục đại học có đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 10% và từ năm 2030 không thấp hơn 15% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ.