Theo lãnh đạo một số cơ sở giáo dục đại học, nhiều điểm mới trong Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định công khai đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân (thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT) sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho nhà trường cũng như các cơ quan quản lý.
Về bố cục thông tin công khai, qua tìm hiểu của phóng viên, so với Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT (Thông tư 36), Thông tư số 09/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 09) đã bố cục lại với nội dung công khai gồm 2 phần là phần công khai chung đối với các cơ sở giáo dục và phần công khai riêng đối với từng cấp bậc học, trong đó, đối với giáo dục đại học là từ 5 biểu mẫu ( xuống còn 1 phụ lục).
Bố cục mới mang lại nhiều thuận lợi cho nhà trường, người học và xã hội
Bày tỏ quan điểm về điểm mới trên, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Huỳnh Quyền – Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Thông tư 09 thay thế Thông tư 36 được bố cục lại theo hướng tường minh, rõ và gọn hơn, giúp người học và xã hội tiếp cận thông tin nhanh cũng như nắm bắt những dữ liệu cần thiết.
Hơn nữa, việc Thông tư 09 chỉ quy định nội dung, cách thức, thời điểm công khai và nguyên tắc công khai giúp nhà trường chủ động xây dựng thông tin theo chủ đề tương thích với cấu trúc trang thông tin điện tử của trường. Đồng thời, tránh chồng chéo trong việc thực hiện công khai vì có những thông tin cơ bản công khai theo quy định đều được cập nhật trên cơ sở dữ liệu ngành.
Cùng bàn về điểm mới trên, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Hồ Đắc Lộc – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, theo Thông tư 09, mặc dù các cơ sở giáo dục đại học không còn thực hiện nhiều biểu mẫu như Thông tư 36 (05 biểu mẫu), nhưng nội dung yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai theo quy định mới lại bao quát tất cả các hoạt động của nhà trường hơn.
Điều này góp phần thể hiện sự minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu chi tài chính và các thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết cũng tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Theo thầy Lộc, việc bố cục lại thông tin công khai trong Thông tư 09 mang lại nhiều thuận lợi đối với cả nhà trường, người học và xã hội.
Thứ nhất, về phía nhà trường, Thông tư 09 phù hợp với Luật Giáo dục đại học sửa đổi và Nghị định 99 trong việc trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học đối với xây dựng và ban hành quy định nội bộ về công khai trong hoạt động của cơ sở.
Qua đó, giúp cơ sở giáo dục đại học chủ động trong công tác quản lý, điều hành, xây dựng và thực hiện các biểu mẫu riêng của trường theo hướng tinh gọn, tránh trùng nội dung và đảm bảo nội dung công khai theo đúng quy định.
Ngoài ra, mẫu báo cáo thường niên của cơ sở giáo dục đại học tập trung vào công khai các chỉ số, số liệu tổng quát sẽ giúp cho nhà trường có thể nhìn nhận, xem xét và đánh giá được các hoạt động của mình. Nhờ vậy, nhà trường sẽ có kế hoạch hoặc định hướng phát triển một cách toàn diện. Việc nhận được sự giám sát từ các bên liên quan một cách chặt chẽ, toàn diện cũng sẽ giúp nhà trường cải tiến các hoạt động của mình, góp phần nâng cao uy tín và chất lượng đào tạo.
Thứ hai, về phía người học và xã hội, điểm mới trên sẽ giúp những đối tượng này tiếp cận được các thông tin tổng quan về hoạt động của cơ sở giáo dục một cách thuận tiện và nhanh chóng. Hơn nữa, người học và xã hội có thể so sánh, đối chiếu hoạt động của các cơ sở đào tạo. Như vậy, việc bố cục lại thông tin công khai trong Thông tư 09 cũng sẽ tăng cường sự giám sát của người học và xã hội đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học.
Trong khi đó, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Song – Hiệu trưởng Trường Đại Công nghệ miền Đông, mặc dù số lượng biểu mẫu giảm nhưng nội dung công khai của Thông tư 09 lại đầy đủ hơn Thông tư 36. Và những thông tin này sẽ giúp người đọc thấy được bức tranh toàn cảnh của một cơ sở giáo dục.
“Tôi thấy đây là điểm cải tiến quan trọng của Thông tư 09 so với Thông tư 36 để tăng cường tính minh bạch các cam kết về chất lượng, điều kiện bảo đảm chất lượng; thu chi tài chính tại các cơ sở giáo dục và các thông tin khác có liên quan của cơ sở giáo dục để cán bộ, giảng viên, giáo viên, người lao động, người học, gia đình và xã hội biết và tham gia giám sát các hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Ngoài ra, Thông tư 09 cũng hạn chế việc cập nhật số liệu chi tiết về kỹ thuật, trùng nội dung, giảm biểu mẫu để góp phần thực hiện cải cách hành chính”, thầy Song nhấn mạnh.
Đơn giản hóa thủ tục hành chính khi thực hiện Thông tư 09
Về hình thức công khai, so với Thông tư 36, Thông tư 09 đã lược bỏ một số quy định cơ sở giáo dục phải niêm yết nội dung công khai tại cơ sở mà chỉ cần công khai trên cổng thông tin điện tử (trừ cơ sở giáo dục mầm non, trường, lớp dành cho người khuyết tật chưa có cổng thông tin điện tử hoặc các trường hợp cụ thể cần phổ biến trực tiếp đến sinh viên và cha mẹ học sinh).
Đối với điểm mới này, theo thầy Quyền, việc lược bỏ một số quy định các trường phải niêm yết nội dung công khai tại cơ sở giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính cho nhà trường. Bởi, khi niêm yết thông tin, cần có các biên bản niêm yết, biên bản tháo dỡ niêm yết với sự chứng kiến, giám sát của các bên liên quan. Hơn nữa, mỗi lần cập nhật thông tin và niêm yết cũng phải lặp lại các trình tự như vậy.
Và để người học dễ dàng tiếp cận với thông tin niêm yết theo quy định, hầu như các cơ sở giáo dục đại học phải niêm yết nhiều bảng tin khác nhau, gây lãng phí trong in ấn và giấy tờ.
Do đó, việc chỉ cần công khai trên cổng thông tin điện tử vừa phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay, vừa hạn chế những rào cản đối với quá trình truyền thông về không gian, thời gian. Như vậy, dù ở đâu thì các bên có liên quan, đặc biệt là người học cũng có thể tiếp cận được thông tin, dễ dàng tra cứu, đối sánh thông tin vì thông tin đã được lưu trữ một cách có hệ thống. Bên cạnh đó, thông tin được cở sở giáo dục cập nhật mới cũng được tiếp cận nhanh chóng đến với người học.
Cùng đồng tình với quan điểm trên, thầy Lộc cho rằng, trong thời đại công nghệ số, việc công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của cơ sở giáo dục đại học trên cổng thông tin điện tử giúp thuận lợi hơn cho việc truy cập và tiếp cận thông tin của các bên liên quan.
Riêng đối với các cơ sở giáo dục đại học, việc lược bỏ hình thức niêm yết nội dung công khai tại các cơ sở như vậy cũng giúp cho các trường chủ động, cập nhật thông tin kịp thời hơn. Đồng thời, giúp cho cán bộ, giảng viên, người học, gia đình và xã hội có được những thông tin đầy đủ và chính xác về hoạt động của nhà trường.
Tiến sĩ Quách Thanh Hải – Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể để các trường thực hiện và sẽ thiết lập vào hệ thống cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (gọi là HEMIS). Do đó, các trường chỉ cần cập nhật dữ liệu liên quan và hệ thống sẽ tính toán số liệu cho các trường và xuất báo cáo. Các trường sẽ sử dụng báo cáo này để công khai trên trang thông tin điện tử của trường, giúp tiết kiệm thời gian cho các trường trong việc tính toán và thiết kế các biểu mẫu của thông tư.
Vậy nên, việc lược bỏ quy định cơ sở giáo dục phải niêm yết nội dung công khai tại cơ sở giáo dục như vậy chắc chắn sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc công khai hoạt động đối với các trường đại học cũng như phù hợp với bối cảnh chuyển đổi số hiện nay.
Giúp trao quyền tự chủ, gia tăng trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học
Mặt khác, Thông tư 09 đã bỏ quy định cơ sở giáo dục phải báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch triển khai quy chế công khai của năm học sắp tới về cơ quan có thẩm quyền.
Thầy Quyền cho rằng, điểm mới này đã phát huy quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình cho các nhà trường. Đây cũng chính là một trong những xu thế mới của giáo dục hiện nay khi thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản trị nhà trường từ mô hình nhà trường tuân thủ sang mô hình tự chủ, dân chủ.
Ngoài ra, việc bỏ quy định trên cũng giúp cho các cơ sở đào tạo nhận thấy rằng, khi tính tự chủ tăng tất yếu sẽ phải đi cùng với trách nhiệm giải trình. Qua đó, bản thân các trường sẽ tự kiểm soát, quản lý hoạt động của mình. Đồng thời, các cơ quan quản lý và toàn thể xã hội cũng sẽ cùng tham gia quản lý chất lượng nhà trường.
Bên cạnh đó, có thể thấy rằng với điểm mới trên, các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải thực hiện nghiêm túc trong báo cáo, giải thích, chịu trách nhiệm về kết quả và những gì tổ chức đã cam kết.
Để thực hiện mô hình quản trị nhà trường tự chủ, trách nhiệm giải trình, theo thầy Quyền, nhà trường cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường - cơ quan quản lý giáo dục; nhà trường - những cộng đồng địa phương xung quanh cũng như nội bộ các mối quan hệ trong nhà trường.
Điều này sẽ giúp cho việc xây dựng hệ thống cơ sở pháp lý của nhà trường được hoàn thiện. Hơn nữa, nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên, nhân viên... tất yếu sẽ thay đổi theo hướng “dám làm dám chịu trách nhiệm”, năng lực của từng lực lượng tham gia vào công tác đào tạo được nâng cao.
Theo thầy Lộc, quy định mới này đã trao quyền tự chủ thực hiện công khai cho các cơ sở giáo dục đại học, góp phần gia tăng trách nhiệm tự giải trình. Bởi, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải báo cáo về công tác công khai khi có yêu cầu bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Hàng năm, các cơ sở giáo dục đại học vẫn phải thực hiện công khai Báo cáo thường niên (tính đến ngày 31/12) trên cổng thông tin điện tử của nhà trường (không quy định phải gửi cho cơ quan chủ quản).
Có thể thấy, việc gia tăng tính tự chủ, trách nhiệm và tự giải trình sẽ giúp các trường chủ động hơn trong công tác quản lý, điều hành các hoạt động nhằm phù hợp với điều kiện thực tế riêng của từng đơn vị.
Từ đó, giúp các trường xây dựng được mô hình tổ chức hoạt động phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch, đẩy mạnh tính tự chủ, tự giải trình đi sâu vào từng hoạt động tại các cấp đơn vị. Hơn nữa, quy định này cũng giúp hoạt động của trường được vận hành một cách chuyên môn hóa, đạt được các mục tiêu một cách đồng bộ.
Thông qua hoạt động công khai của các cơ sở giáo dục đại học, xã hội sẽ được tham gia việc giám sát hoạt động của các trường chứ không chỉ riêng cơ quan quản lý. Những ý kiến đóng góp từ các bên liên quan sẽ là căn cứ để xem xét, cải tiến các quy định quản lý cũng như hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.
Về vấn đề bỏ báo cáo kết quả thực hiện quy chế công khai của năm học trước và kế hoạch của năm học sắp tới về cơ quan có thẩm quyền theo Thông tư 09, thầy Song cho rằng, điều này vừa giúp giảm thiểu thủ tục hành chính vừa giúp tăng tính tự chủ, tính trách nhiệm, tự giải trình của cơ sở giáo dục. Hiện nay, các thông tin đã được công khai rộng rãi trên cổng thông tin điện tử của nhà trường. Do vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước đều có thể dễ dàng truy cập và lấy thông tin, không cần phải báo cáo riêng.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng đang có nhiều quy định về báo cáo định kỳ và đột xuất, kế hoạch thanh, kiểm tra và các cơ sở giáo dục đại học cũng đang kê khai thông tin hoạt động trên HEMIS - Hệ thống dữ liệu về giáo dục đại học. Vì vậy, việc này sẽ tránh chồng chéo và giảm thiểu công việc báo cáo kê khai cho cơ sở giáo dục đại học.
“Trong bối cảnh cả nước đang tiến tới tinh gọn thủ tục hành chính, quy định trên là phù hợp. Bởi, khi thực hiện việc công khai theo quy định của Thông tư 09, kết quả của 04 năm trước vẫn còn trên cổng thông tin điện tử và người đọc có thể dễ dàng so sánh, đánh giá", thầy Song khẳng định.
Các trường thuận lợi đạt Chuẩn cơ sở giáo dục đại học khi thực hiện Thông tư 09
Đáng chú ý, khác với Thông tư 36, theo quy định của Thông tư 09, nhiều chỉ số, số liệu mà các cơ sở giáo dục đại học cần nêu theo Hướng dẫn về tiêu chuẩn của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học như các chỉ số đánh giá về đội ngũ giảng viên toàn thời gian, thống kê đội ngũ giảng viên toàn thời gian theo các lĩnh vực đào tạo, các chỉ số đánh giá về cơ sở vật chất, diện tích đất và diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo, các chỉ số đánh giá về tuyển sinh và đào tạo, các chỉ số đánh giá về hoạt động khoa học và công nghệ, các chỉ số đánh giá về tài chính, kết quả thu chi hoạt động.
Thầy Quyền thông tin, hướng dẫn và mẫu báo cáo của Thông tư 09 bao gồm nhiều nội dung, chỉ tiêu đánh giá, các số liệu thống kê bảo đảm thống nhất với quy định trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học như Hướng dẫn xác định các chỉ số đánh giá tại Tiêu chuẩn 2 (Giảng viên), Tiêu chuẩn 3 (Cơ sở vật chất), Diện tích đất và diện tích sàn, Tiêu chuẩn 5 (Tuyển sinh và đào tạo), Tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng đúng chuyên môn đối với người tốt nghiệp đại học, Tiêu chuẩn 6 (Nghiên cứu và đổi mới sáng tạo), Tiêu chuẩn 4 (Tài chính),…
“Với điểm mới này, số liệu báo cáo của nhà trường được mang tính thống nhất, hệ thống, đánh giá được toàn diện về các mặt hoạt động, từ đó có sự đối sánh, điều chỉnh các chỉ tiêu, kế hoạch cải tiến phù hợp để đạt Chuẩn cơ sở giáo dục đại học”, thầy Quyền bày tỏ.
Cùng bàn về điểm mới trên, thầy Lộc cho rằng, các nội dung báo cáo tại Phụ lục II của Báo cáo thường niên trong Thông tư 09 được xây dựng bám sát với Hướng dẫn xác định các chỉ số đánh giá ban hành theo Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Thông qua các chỉ số trong Báo cáo thường niên, các trường có thể nhìn nhận, xem xét và đánh giá được các hoạt động của mình và đối chiếu, so sánh với các chỉ số trong Chuẩn cơ sở giáo dục đại học. Nhờ vậy, các cơ sở giáo dục đại học có thể xây dựng mục tiêu chiến lược, kế hoạch, định hướng,… phát triển phù hợp cho mình trong từng năm, từng giai đoạn.
Theo thầy Song, việc công khai các chỉ số, số liệu theo hướng dẫn về tiêu chuẩn của Chuẩn cơ sở giáo dục đại học sẽ giúp các trường đại học, nhà quản lý, người học và xã hội đánh giá được các mặt của nhà trường đang ở mức độ nào so với Chuẩn cũng như điểm mạnh, điểm yếu của mỗi cơ sở.
Ngoài ra, qua việc công khai này, nhà trường cũng có thể tham khảo, so sánh với các cơ sở uy tín, đạt chuẩn khác để tự lên kế hoạch cải tiến, học hỏi các đơn vị khác với mục đích đạt chuẩn.
Đồng tình với những quan điểm trên, Tiến sĩ Phạm Trí Thành – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội cho hay, việc công khai các chỉ số, số liệu như vậy sẽ giúp các trường phấn đấu trong mọi mặt hoạt động nhằm hướng đến xây dựng trường theo Chuẩn cơ sở giáo dục đại học.
Đặc biệt, theo thầy Thành, các chỉ số cần phải công khai là rất chi tiết và bám sát hoạt động của cơ sở giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu thực tại của đất nước và khu vực, nhất là đối với các trường đào tạo ngành/chuyên ngành đặc thù như Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.