Thông tư 09/2024/TT-BGDĐT (sau đây gọi tắt là Thông tư 09) Quy định về công khai trong hoạt động của các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 3/6/2024 sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 19/7/2024 thay thế cho Thông tư 36/2017/TT-BGDĐT.
Trong thông tư 09, có nhiều điểm mới yêu cầu các cơ sở giáo dục công khai chi tiết từng lĩnh vực để người học và xã hội dễ tiếp cận và tham gia giám sát tốt hơn. Dư luận đánh giá cao nhiều điểm mới của Thông tư 09. Nó cho thấy những nỗ lực rất lớn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tăng tính minh bạch của các cơ sở giáo dục, giúp người học, xã hội giám sát được hoạt động của các cơ sở giáo dục. Đồng thời, với các yêu cầu chi tiết, cụ thể dễ hiểu, các cơ sở giáo dục thuận tiện trong việc triển khai, nâng cao chất lượng giáo dục.
Công khai càng nhiều và chi tiết người học được "hưởng lợi"
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho rằng, các trường càng công khai nhiều lĩnh vực thì người học càng biết rõ về nhà trường, từ đó hạn chế những rắc rối không đáng có về sau. Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư mới thay thế Thông tư 36 vào thời điểm này là hoàn toàn hợp lý và đúng lúc.
Giáo sư Nguyễn Viết Tùng chia sẻ: "Sau khi Thông tư 09 được ban hành tôi cũng đã dành thời gian để tìm hiểu. Trong bối cảnh của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thông tư mới có bổ sung thêm các yêu cầu công khai đối với cơ sở giáo dục là việc làm cần thiết để thúc đẩy hơn nữa vấn đề dân chủ, minh bạch trong giáo dục".
Vị này cũng nhận định rằng, trong Thông tư 09 với những quy định rõ việc yêu cầu công khai về loại hình cơ sở giáo dục; cơ quan quản lý trực tiếp, chủ đầu tư, danh sách góp vốn, thông tin người đại diện theo pháp luật, người phát ngôn của cơ sở giáo dục đó... Đồng thời, công khai các quyết định thành lập, góp vốn, chia tách... Những điều này trước đây được coi là lĩnh vực "nhạy cảm" và các trường thường tìm cách né tránh.
"Tôi được biết, tại nhiều trường học còn xảy ra tình trạng đấu đá nội bộ, việc này diễn ra khá phổ biến ở khối trường tư thục. Vì thế, trong quá trình hoạt động nó tạo ra sự biến động về cổ đông góp vốn hay vốn điều lệ của doanh nghiệp chủ quản, thậm chí là sụt giảm về tài chính của nhà trường. Điều này nếu người học, phụ huynh không được tiếp cận thì khó có thể đánh giá được tình trạng của các trường học đó ra sao để đưa ra sự lựa chọn thích hợp.
Từ một số sự việc được báo chí đề cập mới đây có thể thấy rằng, có những trường phổ thông tư thục thu học phí mỗi năm lên đến gần tỷ đồng, nếu nhà trường không công khai để phụ huynh được biết về "sức khỏe" của trường đó thì làm sao để họ có thể đủ niềm tin cho con theo học", vị nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội nhấn mạnh.
Giáo sư Nguyễn Viết Tùng cũng nêu dẫn chứng về thời điểm ông sang công tác ở Viện Đại học California–Berkeley, Mỹ vào những năm 2000. Thời điểm đó, Viện này đã phải thực hiện tự chủ và chịu trách nhiệm trước đất nước và nhân dân về chương trình đào tạo.
Vị giáo sư này cũng nhấn mạnh, vấn đề tự chủ gắn với chịu trách nhiệm được các trường học ở Mỹ đặt lên hàng đầu và được coi là tiêu chí cạnh tranh giữa các trường đại học. Vì thế, nhà trường phải công khai chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, tổ chức bộ máy nhà trường, tiền học phí…một cách đầy đủ và chân thật. Từ đó người học sẽ tự tìm hiểu và chọn trường có độ uy tín dựa trên các thông tin mà trường đó công khai.
Bên cạnh đó, trong quá trình học, nếu sinh viên, học viên thấy phát sinh vấn đề không đúng với những gì đã công khai thì người học có quyền kiện nhà trường. Nghĩa là giữa nhà trường và người học luôn có mối quan hệ tương tác và quyền lợi người học luôn được đảm bảo.
Cũng theo Giáo sư Nguyễn Viết Tùng, việc công khai của của các cơ sở giáo dục trong nước hiện nay khi đang thực hiện theo Thông tư 36 vẫn xảy ra tình trạng nhiều trường học chưa thực hiện nghiêm túc. Vị này dẫn chứng đó có thể là công khai thiếu thông tin hoặc công khai không theo biểu mẫu. Thậm chí có trường không công bố thông tin yêu cầu công khai.
Vì thế, vị này hy vọng khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có thông tư thay thế thì cũng nên bổ sung thêm các chế tài để siết chặt để các trường buộc phải thực hiện nghiêm túc các yêu cầu công khai.
Xử lý nghiêm cơ sở giáo dục không nghiêm túc thực hiện yêu cầu công khai
Cùng quan điểm về vấn đề này, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Kim Truyền - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Thủy lợi đánh giá cao việc Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các cơ sở giáo dục phải công khai, minh bạch chi tiết thêm một số lĩnh vực mà trong Thông tư 36 chưa bao quát được hết.
Theo vị giáo sư này, việc cơ sở giáo dục công khai nhiều khía cạnh, lĩnh vực của nhà trường không chỉ giúp thực hiện vai trò giám sát xã hội tốt hơn mà về phương diện nào đó nó còn giúp cho người học có sự cân nhắc, lựa chọn nơi học tập phù hợp với điều kiện bản thân và hoàn cảnh gia đình.
Cũng theo Giáo sư Lê Kim Truyền, khi đã là chủ trương chung để hướng tới một nền giáo dục minh bạch, việc có cơ sở giáo dục cố tình né tránh thực hiện trong khi các cơ sở giáo dục khác vẫn thực hiện nghiêm túc thì đó còn là sự thiếu công bằng giữa các trường và xem nhẹ việc thực hiện các quy định pháp luật.
Để tránh tình trạng các cơ sở giáo dục thực hiện không nghiêm túc, Giáo sư Lê Kim Truyền nêu góp ý, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thiết lập kênh thông tin để công bố các cơ sở giáo dục vi phạm yêu cầu công khai.
Đồng thời vị này cho rằng, cần có hình thức xử lý kịp thời nhằm răn đe đối với các cơ sở giáo dục khác. Bên cạnh đó cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên đối với việc thực hiện yêu cầu này của các cơ sở giáo dục.
Không phải là bí mật nhà nước sao vẫn có cơ sở giáo dục né tránh việc công khai
Đồng tình với quan điểm trên, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Huy Thanh – nguyên Trưởng khoa Tại chức, Trường Đại học Xây dựng cũng cho rằng, nếu các cơ sở công khai thì phải có cơ chế yêu cầu các trường đảm bảo những gì đã công khai là đúng sự thật và có căn cứ để đối chiếu.
Vị này nêu quan điểm: "Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra các quy định về yêu cầu công khai thì chắc chắn cơ quan này cũng tính đến các điều kiện để các trường có thể thực hiện được.
Việc công khai đối với các hoạt động của nhà trường nó đâu phải là bí mật nhà nước, tại sao các trường lại phải né tránh. Càng công khai, minh bạch thì người học và xã hội càng hiểu rõ hơn về nhà trường, điều đó là cần thiết, các trường nên nghiêm túc chấp hành.
Nếu các cơ sở làm nghiêm chỉnh, đào tạo bài bản, uy tín thì sẽ được xã hội ủng hộ, người học tin tưởng đăng ký nhập học, nhà trường cũng sẽ giữ được uy tín, thương hiệu, khi ấy cũng không có gì phải né tránh. Đối với các trường cố tình né tránh hoặc giấu diếm thông tin công khai, cơ quan quản lý cũng nên vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân và yêu cầu thực hiện chuẩn chỉ".
Vị nguyên Trưởng khoa Tại chức, Trường Đại học Xây dựng nhấn mạnh: "Muốn làm được điều trên, vai trò người đứng đầu nhà trường sẽ là yếu tố tiên quyết. Họ sẽ là người xây dựng chiến lược, khởi xướng chủ trương, đưa các chính sách của Bộ vào thực tế. Đồng thời sẽ là đầu mối đốc thúc các phòng, ban có liên quan thực hiện nghiêm túc các yêu cầu.
Khi các cơ sở giáo dục thực hiện chưa nghiêm túc thì cần áp dụng quy chế và quy định để xử lý sớm các vi phạm. Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần thường xuyên thanh tra, giám sát tránh tình trạng trường học mập mờ, khai gian dối các thông tin công khai".