Dự báo điểm chuẩn nhóm ngành Công nghệ thông tin vẫn thuộc top đầu

20/07/2024 06:19
Thùy Trang
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Điểm chuẩn nhóm ngành Công nghệ năm nay được nhiều trường dự báo sẽ không có nhiều biến động so với năm ngoái.

Dự báo điểm chuẩn khối ngành công nghệ năm 2024 sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao, đặc biệt là ở các trường đại học, học viện hàng đầu. Các ngành học liên quan đến AI, Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo có thể sẽ có mức điểm chuẩn cao nhất.

Ngành Công nghệ thông tin vẫn dự báo vẫn là ngành có điểm thuộc top đầu

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình - Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ cho biết: “Dự kiến điểm chuẩn của các ngành đào tạo của Trường Đại học Công nghệ sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2023, một số ngành “hot” của trường có thể sẽ tăng nhẹ so với năm ngoái”.

Năm 2024, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tuyển sinh 2.960 chỉ tiêu và giữ nguyên 4 phương thức xét tuyển so với năm ngoái. Nhà trường vẫn dành 60% cho phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

GS-1692864526639.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Chử Đức Trình, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh: website trường.

Về tình hình tuyển sinh của các ngành năm 2024, Thầy Chử Đức Trình cho biết: “Năm nay, với số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển sớm vào trường năm nay tăng cao hơn so với năm ngoái. Năm ngoái nhà trường nhận được khoảng 3000 hồ sơ xét tuyển sớm, năm nay con số này đã tăng lên hơn 4000”.

Ngành được quan tâm nhiều nhất vẫn là ngành Công nghệ thông tin, xếp thứ hai là các ngành Khoa học máy tính; thứ 3 phải kể đến những ngành Kỹ thuật máy tính và Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ điện tử viễn thông, Hệ thống thông tin và Mạng truyền thông máy tính, đây là các ngành nhận được nhiều sự quan tâm của thí sinh. Điểm chuẩn của những ngành này dự kiến cũng không thấp hơn năm ngoái.

Do xu hướng học kết hợp giữa phần cứng và phần mềm, đặc biệt là công nghệ bán dẫn, được nhiều người nhìn nhận tích cực. Phụ huynh và học sinh hiểu sâu hơn về các ngành liên quan đến phần cứng, điều này ảnh hưởng đến tâm lý lựa chọn ngành học.

Thầy Trình nhận xét, điểm chuẩn vẫn còn phụ thuộc vào tỉ lệ đăng ký của thí sinh. Do xu hướng học kết hợp giữa phần cứng và phần mềm, đặc biệt là công nghệ bán dẫn, được nhiều người nhìn nhận tích cực. Phụ huynh và học sinh hiểu sâu hơn về các ngành liên quan đến phần cứng, điều này ảnh hưởng đến tâm lý lựa chọn ngành học.

Những ngành sử dụng tổ hợp xét tuyển A00 điểm chuẩn sẽ không có nhiều chênh lệch so với năm ngoái. Các ngành/chuyên ngành như Vi mạch bán dẫn và Trí tuệ nhân tạo có thể sẽ có điểm chuẩn cao hơn, do sự hiểu biết ngày càng tăng của mọi người về các ngành này.

Năm 2024, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tuyển sinh 5.060 chỉ tiêu với 4 phương thức xét tuyển, trong đó, 50% chỉ tiêu xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

bcvt3-16901736143852121391749.jpg
Sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông. Ảnh: website trường.

Trưởng phòng Đào tạo Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, hiện tại, các ngành/chương trình đào tạo lĩnh vực Công nghệ thông tin, Kỹ thuật, Marketing, Truyền thông đa phương tiện…là thế mạnh của học viện và cũng là các ngành thu hút được nhiều thí sinh.

Về tình hình tuyển sinh năm nay, đối với các phương thức xét tuyển sớm, tỷ lệ hồ sơ xét tuyển của thí sinh tăng hơn so với năm ngoái, nhất là các ngành thế mạnh của nhà trường.

Mới đây, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cũng vừa thông báo mức điểm sàn xét tuyển theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024. Cụ thể, mức điểm tại cơ sở phía Bắc sẽ từ 22 điểm trở lên, áp dụng cho ba tổ hợp là A00, A01 và D01. Tại cơ sở phía Nam, mức điểm sàn xét tuyển là từ 18 điểm, áp dụng cho ba tổ hợp là A00, A01 và D01.

Còn tại Đại học Bách khoa Hà Nội, năm 2024 nhà trường tuyển 9.260 chỉ tiêu. Trong đó, 50% chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2024.

Ngày 19/7, Đại học Bách Khoa Hà Nội công bố dự báo điểm chuẩn trúng tuyển các chương trình đào tạo của trường. Theo đó, nhà trường dự báo điểm chuẩn đánh giá tư duy các ngành đào tạo của trường trong khoảng từ 50 đến trên 62 điểm và điểm chuẩn tốt nghiệp trung học phổ thông trong khoảng từ 20 đến trên 28 điểm.

Lĩnh vực Công nghệ thông tin với các ngành Khoa học máy tính, Kỹ thuật máy tính và Khoa học Dữ liệu và Trí tuệ Nhân tạo được dự báo có mức điểm trúng tuyển cao nhất. Nhà trường dự báo điểm chuẩn tốt nghiệp trung học phổ thông của các ngành này là trên 28 điểm, điểm chuẩn đánh giá tư duy trong khoảng từ 58,5 đến 62,5 điểm.

Thí sinh nên tìm hiểu rõ quy chế xét tuyển và quy định của trường để điền nguyện vọng

Theo Giáo sư Chử Đức Trình, hiện nay thí sinh có rất nhiều lựa chọn và không bị giới hạn về số lượng nguyện vọng, do đó có thể tăng khả năng đỗ bằng cách kéo dài danh sách nguyện vọng.

Các em nên cân nhắc kỹ điểm số và sở thích của bản thân. Những nguyện vọng đầu tiên nên là những ngành mà các em yêu thích nhất, sau đó là những nguyện vọng vừa sức và phù hợp với điểm số của mình.

Nhìn vào bức tranh tuyển sinh tại Việt Nam, xu thế hiện nay, học sinh thường chọn ngành học trước khi chọn trường. Ví dụ, thí sinh yêu thích ngành Công nghệ thông tin thường sẽ đăng ký nguyện vọng vào tất cả các trường có ngành này, từ cao đến thấp. Sau đó sẽ đến những ngành học khác có mức điểm vừa sức hơn.

1R3A3887-1024x683.jpg
Sinh viên Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội tham gia thực hành trong phòng thí nghiệm của trường. Ảnh: website trường.

Thực tế, mỗi trường có văn hóa giảng dạy khác nhau và chất lượng đào tạo cũng khác biệt. Trong tương lai, việc chọn trường trước khi chọn ngành cũng cần được thí sinh cân nhắc. Tuy nhiên, điều này không thể áp dụng tuyệt đối, vì không phải tất cả các ngành trong một trường đều phù hợp với mỗi thí sinh. Do đó, thí sinh nên lựa chọn tất cả các ngành phù hợp với bản thân trong một trường, sau đó trải dài nguyện vọng ra các trường khác.

Cùng quan điểm, Trưởng phòng Đào tạo Học viện Bưu chính viễn thông cũng cho rằng, thí sinh cần xác định rõ mong muốn học chương trình đào tạo ngành nào phù hợp với năng lực cá nhân và kết quả thi. Đây là vấn đề quan trọng trong việc lựa chọn ngành nghề của học sinh Việt Nam.

Những nguyện vọng đầu tiên nên là những ngành mà thí sinh yêu thích, có thể điểm chuẩn năm ngoái cao hơn điểm của bản thân, nhưng đó vẫn là cơ hội mà các em không nên từ bỏ.

Vị này nhấn mạnh rằng dự đoán điểm chuẩn chỉ mang tính chất tham khảo, vì điểm chuẩn cuối cùng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như số lượng và chất lượng thí sinh đăng ký, cũng như chỉ tiêu của các trường. Nếu thí sinh từ bỏ nguyện vọng, chính các em đang tự đánh mất cơ hội của mình.

Với cơ chế và quy định hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ hội vào đại học của thí sinh rất lớn. Thí sinh nên tìm hiểu kỹ quy chế của nhà nước, nguyên tắc xét tuyển và quy định của các trường khi đăng ký nguyện vọng để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào.

Thùy Trang