Tỉnh không đặt hàng đào tạo giáo viên, trường đại học địa phương "khó càng khó"

24/07/2024 06:27
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -Nhiều trường đại học địa phương rơi vào cảnh mòn mỏi chờ đợi được giao nhiệm vụ đào tạo hơn 2 năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Vốn tiền thân là những cơ sở có bề dày lịch sử hàng chục năm về đào tạo sư phạm, nhưng hiện nhiều trường đại học địa phương (trường trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố) đang đứng trước nguy cơ chảy máu chất xám và phải đóng ngành do không được giao chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm.

“Mòn mỏi” chờ được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên

Trong nhiều năm qua, thiếu giáo viên vẫn luôn là bài toán nan giải với ngành giáo dục. Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, năm học 2023-2024 cả nước thiếu hơn 100.000 giáo viên các cấp. Dự báo đến năm 2030, cả nước cần bổ sung thêm 358.579 giáo viên.[1]

Tuy nhiên, nghịch lý là quy mô đào tạo giáo viên hiện nay đang ngày càng giảm. Nhiều trường đại học địa phương rơi vào cảnh "mòn mỏi" chờ đợi được giao nhiệm vụ đào tạo hơn 2 năm qua nhưng vẫn chưa được giải quyết.

gdvn-thay-ha.jpg
Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang. Ảnh: Doãn Nhàn

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Võ Ngọc Hà - Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang cho hay, nhà trường đã 2 năm liên tiếp không được địa phương giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới tâm tư tình cảm của cán bộ, giảng viên và nguồn thu hoạt động của nhà trường.

Trường Đại học Tiền Giang có tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Tiền Giang - vốn là cái nôi đào tạo giáo viên uy tín của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh lân cận. Vì vậy, việc không được giao chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm sẽ là một sự lãng phí rất lớn.

Tương tự, đến nay, Trường Đại học Khánh Hòa cũng chưa được giao chỉ tiêu đào tạo đối với các ngành sư phạm. Tiến sĩ Phan Phiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cho biết hiện nay nhà trường có 6 ngành đào tạo giáo viên, tuy nhiên năm nay đơn vị này vẫn chưa thể tuyển sinh do chưa được địa phương đặt hàng đào tạo.

Hai năm trước đó, chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm của trường cũng dần bị thu hẹp. Cụ thể, năm 2022, Trường Đại học Khánh Hòa có 4 ngành đào tạo giáo viên, chỉ tiêu do trường đề xuất là 80, song kết quả tỉnh chỉ đặt hàng đào tạo 40 chỉ tiêu, và Bộ Giáo dục và Đào tạo giao thêm 20 chỉ tiêu theo nhu cầu xã hội.

Năm 2023, trường có 5 ngành đào tạo giáo viên, chỉ tiêu đề xuất là 100, nhưng tỉnh chỉ đặt hàng đào tạo 25 chỉ tiêu, và Bộ Giáo dục và Đào tạo giao thêm 5 chỉ tiêu cho 2 ngành theo nhu cầu xã hội.

Năm 2024, trường có 6 ngành đào tạo giáo viên, chỉ tiêu đề xuất là 120, tuy nhiên đến nay nhà trường vẫn chưa được địa phương đặt hàng đào tạo.

“Trường Đại học Khánh Hòa có tiền thân là Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang với gần 50 năm kinh nghiệm đào tạo các ngành sư phạm. Việc không được giao chỉ tiêu đào tạo như hiện nay sẽ gây khó khăn rất lớn cho nhà trường, đặc biệt trong việc giữ chân đội ngũ giảng viên”, Hiệu trưởng Phan Phiến bày tỏ.

Tiến sĩ Phan Phiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh. Ảnh: website nhà trường
Tiến sĩ Phan Phiến - Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh. Ảnh: website nhà trường

Trong khi đó, Trường Đại học Phạm Văn Đồng lại may mắn hơn khi các ngành sư phạm vẫn được địa phương đặt hàng tương đối ổn định trong những năm qua. Tiến sĩ Trần Đình Thám - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm nay Trường Đại học Phạm Văn Đồng được tỉnh giao đặt hàng đào tạo hơn 300 chỉ tiêu sư phạm. Cũng trong năm nay, nhà trường dự kiến mở 2 ngành đào tạo giáo viên mới là ngành Giáo dục mầm non (hệ đại học chính quy) và sư phạm Hóa học. Hiện nhà trường đang chờ Bộ Giáo dục và Đào tạo cho ý kiến về đề án mở 2 ngành mới này.

Lý giải về việc có trường được giao chỉ tiêu, có trường lại không được giao, lãnh đạo các trường cho biết điều này liên quan đến ngân sách từng địa phương và quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP Quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm còn chưa rõ ràng khiến nhiều nơi “e ngại”.

“Nghị định 116 có ý nghĩa nhân văn rất sâu sắc, hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Song, đến nay việc thực hiện vẫn còn gặp rất nhiều vướng mắc do có nhiều quy định tại Nghị định này chưa được làm rõ khiến nhiều nơi lúng túng trong thực hiện”, Phó giáo sư Võ Ngọc Hà nhận xét.

Theo đó, một trong những điểm nghẽn lớn nhất là vấn đề cấp kinh phí đào tạo và quản lý hiệu quả sử dụng ngân sách. Nghị định 116 quy định, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố thuộc Trung ương rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng, đào tạo giáo viên từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31/1 hằng năm. Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu cho cơ sở đào tạo để thực hiện tuyển sinh.

Kinh phí đào tạo (bao gồm học phí và sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng/tháng) sẽ do Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố cấp. Như vậy, các tỉnh sẽ phải tính toán chi một phần ngân sách khá lớn, song việc có thể tuyển dụng lại số sinh viên đã đào tạo này, hay vấn đề thu hồi, bồi hoàn kinh phí,... ra sao vẫn là bài toán chưa có lời giải thống nhất.

Theo quan điểm của các thầy, địa phương phải bỏ ra một khoản ngân sách không nhỏ, trong khi tính hiệu quả vẫn chưa được chứng minh. Trong khi đó, nhiều tỉnh có lợi thế về nguồn tuyển, nên đã lựa chọn không đặt hàng.

Đề xuất địa phương giao nhiệm vụ đặt hàng đào tạo sư phạm cho các trường

Theo Phó giáo sư Võ Ngọc Hà, từ khi thành lập Trường Đại học Tiền Giang đến nay, nhà trường đã luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo từ Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang từ trang bị điều kiện cơ sở vật chất, tạo điều kiện xây dựng đội ngũ,... Từ một đơn vị nhỏ khi mới thành lập, đến nay nhà trường đã từng bước phát triển mạnh mẽ và ngày càng nâng cao vị thế trong hệ thống giáo dục đại học trong nước.

Sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Tiền Giang đã và đang đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà trên nhiều lĩnh vực từ giáo dục, kỹ thuật, nông nghiệp, du lịch,...

Để nhà trường tiếp tục phát triển, hoàn thành tốt sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh Nam bộ và cả nước, Phó giáo sư Võ Ngọc Hà đề xuất địa phương tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho nhà trường. Trong đó, có giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên, điều này giúp nhà trường phát huy hiệu quả năng lực đào tạo, cũng như có điều kiện duy trì ngành đào tạo và đội ngũ giảng viên.

Cũng theo Phó giáo sư Võ Ngọc Hà, Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT ban hành Chuẩn cơ sở giáo dục đại học (có hiệu lực từ ngày 22/3/2024) hiện đang là một trong những thách thức với nhà trường, đặc biệt việc đảm bảo điều kiện về đội ngũ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ.

Là cơ sở giáo dục đại học không đào tạo tiến sĩ, theo yêu cầu của Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT, từ năm 2025, nhà trường cần đảm bảo tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ "không thấp hơn 20% và từ năm 2030 không thấp hơn 30%".

Tuy nhiên, theo thầy Hà, đối với một trường đại học địa phương, việc thu hút đội ngũ các giảng viên có trình độ tiến sĩ, chức danh giáo sư, phó giáo sư về công tác rất khó khăn. Mặc dù địa phương đã có nhiều chính sách thu hút giảng viên có học hàm, học vị từ tiến sĩ trở lên về tham gia giảng dạy tại trường, song hiệu quả thu hút vẫn chưa cao.

Trong khi đó, việc đào tạo tại chỗ cũng không phải dễ. Mặc dù nhà trường đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho giảng viên học lên nghiên cứu sinh, song “vào bao nhiêu, ra bấy nhiêu”. Vấn đề giữ chân giảng viên giỏi đối với một cơ sở công lập chưa tự chủ hoàn toàn, trong khi đó điều kiện ngân sách lại hạn chế đang là một bài toán khó.

Vì vậy, Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang đề xuất, trong thời gian từng bước lên tự chủ, Trường Đại học Tiền Giang nói riêng và trường đại học trực thuộc địa phương rất mong nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ lãnh đạo địa phương, đặc biệt là ban hành các chính sách thu hút nguồn nhân lực về trường để giảng dạy.

Một góc thư viện của Trường Đại học Khánh Hòa. Ảnh: website nhà trường
Một góc thư viện của Trường Đại học Khánh Hòa. Ảnh: website nhà trường

Đồng quan điểm, Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa cũng bày tỏ mong muốn được lãnh đạo địa phương quan tâm, tạo điều kiện để ổn định chỉ tiêu đào tạo các ngành sư phạm, giúp nhà trường duy trì hoạt động hiệu quả.

Bên cạnh đó, cũng như Trường Đại học Tiền Giang, việc đáp ứng các yêu cầu về chuẩn cơ sở giáo dục đại học từ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên,... theo yêu cầu Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT là một nhiệm vụ lớn của nhà trường. Vì vậy, Tiến sĩ Phan Phiến đề nghị tiếp tục được lãnh đạo tỉnh quan tâm, sớm ổn định điều kiện cơ sở vật chất cho nhà trường, có chính sách thu hút giảng viên có học hàm, học vị về trường công tác,...

“Trường Đại học Khánh Hòa đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt chuẩn cơ sở giáo dục đại học theo yêu cầu của Thông tư số 01/2024/TT-BGDĐT”, Tiến sĩ Phan Phiến nhấn mạnh.

Một góc khuôn viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Ảnh: Trường Đại học Phạm Văn Đồng
Một góc khuôn viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Ảnh: Trường Đại học Phạm Văn Đồng

Cũng quan tâm đến việc đầu tư xây dựng đội ngũ, Hiệu trưởng Trường Đại học Phạm Văn Đồng cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để trường phát triển, khẳng định vị trí, vai trò trong công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương, đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu của tỉnh nhà và các tỉnh lân cận, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét có chính sách ưu tiên đầu tư cho việc xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên các trường đại học địa phương. Trong đó, trọng tâm đặt vào khuyến khích tài năng nghiên cứu và giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy và học để xứng tầm là trung tâm văn hóa, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và phục vụ cộng đồng của địa phương.

Bên cạnh đó, khôi phục lại việc đào tạo trình độ cao đẳng đối với trường đại học địa phương.

Đồng thời, quan tâm giao thêm nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm trên địa bàn của địa phương cho nhà trường, tương ứng với lộ trình tự chủ chi thường xuyên.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/den-nam-2030-ca-nuoc-can-bo-sung-them-358579-giao-vien-post242225.gd

Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm bắt đầu có hiệu lực từ năm 2021.

Tuy nhiên, sau 2 năm triển khai, thực tiễn cho thấy vẫn còn một số vướng mắc từ phương thức đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu; vướng mắc từ việc phân bổ kinh phí hỗ trợ cho sinh viên sư phạm cũng như việc theo dõi thu hồi kinh phí bồi hoàn.

Chính vì vậy, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố và lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116.

Tuy nhiên, đến nay Dự thảo này vẫn chưa được phê duyệt để có thể tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay trong chính sách hỗ trợ đào tạo sư phạm.

Doãn Nhàn