Gặp khó trong tuyển sinh: Đại học địa phương đề xuất có thêm chính sách đặt hàng

22/07/2024 09:07
Nhật Lệ

GDVN - Theo PGS.TS Hoàng Thị Thu Giang nên áp dụng cơ chế đặt hàng với những ngành có quy hoạch nhân lực, yêu cầu rõ ràng như sư phạm hoặc công nghiệp bán dẫn.

Trường đại học địa phương là các trường đại học công lập đa ngành trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố. Sứ mệnh của các trường đại học địa phương là đào tạo nguồn nhân lực; nghiên cứu khoa học, hợp tác và chuyển giao công nghệ để giải quyết các vấn đề cấp thiết của địa phương và các vùng phụ cận.

Tuy nhiên, hiện nay, nếu trường được địa phương chú trọng đầu tư thì phát triển nhưng ngược lại nếu trường nào không được tỉnh thực sự quan tâm thì sẽ dễ rơi vào tình trạng chật vật tồn tại, thậm chí phải sáp nhập vì khó khăn trong tuyển sinh.

Tình hình tuyển sinh năm 2024 của các trường đại học địa phương

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long thông tin: Công tác tuyển sinh năm 2024 của trường được chuẩn bị kỹ càng, trên cơ sở nghiên cứu kĩ nhu cầu đào tạo của địa phương, khu vực và năng lực đào tạo của nhà trường. Đến thời điểm hiện tại, việc tuyển sinh đang diễn ra đúng kế hoạch.

Số lượng thí sinh đăng kí vào các ngành đào tạo tăng so với năm ngoái, chất lượng tuyển sinh (kết quả học lực trung học phổ thông) cũng cao hơn. Dự kiến năm nay điểm chuẩn trúng tuyển vào nhiều ngành của trường sẽ cao hơn năm 2023.

bef070d86a11c84f9100.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long. (Ảnh: NVCC)

Cô Giang cũng cho biết thêm, trên cơ sở khảo sát kĩ nhu cầu nhân lực của tỉnh Quảng Ninh và khu vực, căn cứ năng lực của trường, năm nay Trường Đại học Hạ Long mở mới và tuyển sinh thêm 5 ngành đào tạo trình độ đại học, gồm: Sư phạm Khoa học tự nhiên; Sư phạm Ngữ văn; Sư phạm Tin học; Sư phạm Tiếng Anh và ngành Kế toán, nâng tổng số ngành đào tạo trình độ đại học và sau đại học của nhà trường lên 25 ngành (22 ngành trình độ đại học và 3 ngành trình độ thạc sĩ).

Theo thống kê sơ bộ thì nguyện vọng xét tuyển sớm của thí sinh năm 2024 tăng mạnh, tập trung ở các ngành liên quan tới đào tạo du lịch (Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống); ngoại ngữ (Ngôn ngữ Anh, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc); sư phạm (Mầm non, Tiểu học, Anh, Tin học, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên); kinh tế (Quản trị kinh doanh, Kế toán), Công nghệ thông tin, Thiết kế đồ họa. Dự kiến các ngành này điểm chuẩn sẽ tăng.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số ngành của trường chưa được nhiều thí sinh quan tâm như: Nuôi trồng thủy sản, Quản lý tài nguyên và môi trường, Ngôn ngữ Nhật, Khoa học máy tính. Mặc dù đây là những ngành có nhu cầu nhân lực và mức lương khởi điểm khi ra trường cao nhưng theo đánh giá chung của nhiều thí sinh và phụ huynh thì đây là những ngành vất vả hoặc khó học hơn những ngành khác.

Trong khi đó, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: Năm nay, nhà trường vẫn duy trì những phương thức tuyển sinh có hiệu quả như năm 2023 bao gồm: Xét tuyển thẳng; xét tuyển học bạ; xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông; xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông, điểm học bạ và điểm thi năng khiếu. Ngoài ra, nhà trường bổ sung thêm một phương thức tuyển sinh khác là xét tuyển kết quả thi đánh giá tư duy và đánh giá năng lực do các trường đại học lớn tổ chức.

Để phục vụ tuyển sinh tốt hơn, năm 2024, nhà trường đẩy mạnh công tác truyền thông. Từ đó, đưa thông tin các ngành học, các bậc học và ưu thế của trường đến người học để thí sinh có nhiều lựa chọn tốt hơn. Đồng thời trường cũng chú trọng vào hoạt động hướng nghiệp.

Theo cô Thục truyền thông tuyển sinh không đơn thuần chỉ hướng đến thí sinh đăng ký vào trường mà trường cũng muốn có thêm thông tin để thí sinh có những sự lựa chọn tốt nhất, phù hợp với sở thích, năng lực và ngành nghề trong tương lai. Ngoài ra, năm nay Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng mở thêm 2 ngành mới là Thạc sĩ Ngôn ngữ Anh và Huấn luyện thể thao.

Chia sẻ về tình hình tuyển sinh năm 2024, Tiến sĩ Phan Văn Đàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu thông tin: "Đối với các trường đại học địa phương bên cạnh những chính sách chung thì theo tôi mỗi trường cần có những chính sách riêng phù hợp với thực tế của mình để tranh thủ những thuận lợi của địa phương, thu hút nguồn tuyển sinh là những thí sinh trong tỉnh. Năm nay, nhà trường đã hoàn thành tuyển sinh sớm và đã công bố điểm chuẩn học bạ. Về cơ bản tình hình tuyển sinh năm 2024 của trường ổn định, có nhiều thuận lợi. Số lượng và chất lượng thí sinh khả quan hơn các năm trước".

Hiện nhà trường đang tuyển sinh 12 ngành hệ đại học chính quy bao gồm: Giáo dục Tiểu học, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Công nghệ thông tin, Nuôi trồng thủy sản, Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi, Khoa học môi trường, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam, Ngôn ngữ Anh; Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành. Đồng thời nhà trường còn tuyển sinh 1 ngành cao đẳng Giáo dục mầm non.

Điểm chuẩn theo phương thức xét kết quả học tập trung học phổ thông của trường năm nay dao động từ 18 đến 26 điểm (ngành Giáo dục tiểu học có điểm chuẩn cao nhất 26 điểm, các ngành còn lại đều lấy 16 điểm). Điểm chuẩn phương thức sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức dao động từ 600-700 điểm (ngành Giáo dục mầm non điểm chuẩn cao nhất là 700 điểm, các ngành còn lại cùng mức điểm chuẩn là 600 điểm).

Tiến sĩ Phan Văn Đàn cho biết thêm, trong thời gian sắp tới nhà trường dự kiến mở kiến mở thêm các mã ngành mới nhưng đang trong thời gian hoàn thiện hồ sơ nên chưa công bố.

DSC07902.jpg
Tiến sĩ Phan Văn Đàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Bạc Liêu. (Ảnh: website nhà trường)

Những thuận lợi và khó khăn với trường đại học địa phương trong tuyển sinh

Chia sẻ về công tác tuyển sinh khi là trường đại học địa phương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long cho biết, là trường đại học trực thuộc ủy ban nhân dân tỉnh nên trường nhận được sự quan tâm đầu tư rất lớn của tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể:

Đối với người học: Tất cả sinh viên đại học hai khóa tuyển sinh đầu tiên đều được hỗ trợ 100% phí, hỗ trợ sinh hoạt phí hằng tháng, miễn phí tiền ở ký túc xá. Hiện tất cả các sinh viên thuộc 7 ngành đào tạo trọng điểm phục vụ sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, gồm Nuôi trồng thủy sản, Ngôn ngữ Hàn Quốc, Ngôn ngữ Nhật Bản, Ngôn ngữ Trung Quốc, Quản trị khách sạn, Quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành đều có thể nhận được học bổng và các chế độ hỗ trợ lên tới 250 triệu đồng/1 khóa học. Theo số liệu thống kê hằng năm của trường thì chính sách này đã góp phần nâng cao số lượng và chất lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường.

Đối với người dạy, giai đoạn từ 2015 đến 2020 tỉnh Quảng Ninh đã chi hàng trăm tỷ đồng để thu hút đội ngũ giảng viên, chuyên gia chất lượng cao trong và ngoài nước về làm giảng viên cơ hữu tại trường. Ngoài ra, mỗi năm tỉnh chi từ 5-7 tỷ đồng để mời hàng trăm lượt giảng viên, chuyên gia trong và ngoài nước đến giảng dạy tại Trường Đại học Hạ Long. Chính sách này đã góp phần nhanh chóng nâng cao số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên cơ hữu và đội ngũ giảng viên tham gia giảng dạy có trình độ cao tại trường, giúp trường ngay từ khi thành lập đã cung cấp được chất lượng đào tạo tốt như những trung tâm đào tạo có truyền thống lâu đời.

Đối với cơ sở vật chất của nhà trường: Tính đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành đầu tư xây dựng cơ sở 1 của trường với tổng mức kinh phí trên 1000 tỷ đồng. Toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu và sinh hoạt của Trường Đại học Hạ Long đã được tỉnh Quảng Ninh đầu tư hiện đại, đồng bộ. Những chính sách và đầu tư của tỉnh Quảng Ninh đã góp phần quan trọng giúp Trường Đại học Hạ Long phát triển một cách vượt bậc kể từ khi thành lập đến nay.

Cô Giang cũng cho biết thêm, là trường trực thuộc tỉnh nên Trường Đại học Hạ Long còn có thuận lợi là được lượng lớn phụ huynh và thí sinh trong tỉnh quan tâm. Tuy nhiên, việc thu hút thí sinh là người tỉnh ngoài vẫn còn hạn chế, nhiều phụ huynh, thí sinh chưa biết đến nhà trường, mặc dù chính sách hỗ trợ mà tỉnh thực hiện cho sinh viên học tập tại Trường Đại học Hạ Long dành cho thí sinh đến từ tất cả các tỉnh thành trên cả nước.

Theo số liệu thống kê của các năm trước, số lượng thí sinh trúng tuyển, nhập học là người ngoại tỉnh chỉ chiếm hơn 15% tổng số thí sinh trúng tuyển. Mặt khác nhiều thí sinh vẫn còn tâm lý thích học ở các trung tâm đào tạo lớn như thủ đô, thành phố lớn sầm uất. Điều này cũng tạo nên khó khăn cho trường trong công tác tuyển sinh.

295e7c7766bec4e09daf.jpg
Sinh viên Trường Đại học Hạ Long. (Ảnh: NTCC)

Với Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục cho biết: Hiện nay, sự cạnh trong trong giáo dục đại học là rất lớn. Nhà trường có thuận lợi là đã có bề dày lịch sử hơn 60 năm xây dựng và phát triển. Có những ngành của trường đã tạo dựng được thương hiệu nhất định. Những thương hiệu đó đến từ kết quả đào tạo của trường đã được xã hội thừa nhận và kết quả mà sinh viên thể hiện thông qua các kỳ thi và giá trị mà các em nhận được.

“Ví dụ như ngành Thanh nhạc nhà trường đã có 6 em sinh viên đạt giải Sao Mai. Hay với sinh viên các ngành thể thao trong các kỳ Sea Game 31, 32 trường cũng có rất nhiều bạn đạt huy chương Vàng, huy chương Bạc, huy chương Đồng và đạt giải quốc tế. Đó vừa là niềm vinh dự cho nhà trường đồng thời cũng là đóng góp chung cho thành tích của cả nước.

Ngoài ra, các ngành du lịch của trường cũng được xác định là các ngành mũi nhọn, được nhà trường hết sức đầu tư về cơ sở vật chất, hạ tầng, kỹ thuật, phòng ốc thực hành, đào tạo gắn với doanh nghiệp. Ngoài ra, trường còn liên kết với các trường quốc tế có cùng mã ngành đào tạo hoặc các ngành đào tạo tương đồng để kết nối cho sinh viên đi thực tập ở nước ngoài.

Mỗi một lĩnh vực nhà trường đều có chiến lược trong công tác đầu tư và tuyển sinh riêng. Để đảm bảo sức hút trong tuyển sinh, bên cạnh hoạt động truyền thông nhà trường cũng chú trọng đổi mới công tác quản trị đại học, trong đó chú trọng vào công tác đào tạo. Chất lượng đào tạo sẽ quyết định thương hiệu của nhà trường và sức hút với người học. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng quan tâm đến việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Năm vừa rồi nhà trường có sự điều chỉnh về đổi mới bộ máy. Trong đó có nhiều đơn vị phòng ban được sắp xếp, cơ cấu lại cho phù hợp với thực tiễn phát triển hiện nay. Ví dụ như Trung tâm thực hành du lịch đã bổ sung nhân lực và đổi mới cơ cấu tổ chức thành Trung tâm dịch vụ hỗ trợ người học và quan hệ doanh nghiệp”, cô Thục thông tin.

z4837794794799_4739d9c1dade8cdb4879277ef5ef44c1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. (Ảnh: NVCC)

Tuy nhiên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cũng chia sẻ, là trường đại học địa phương nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn trong công tác tuyển sinh.

Thứ nhất, đại đa phần học sinh các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sau khi tốt nghiệp đều có mong muốn đi học ở các đô thị lớn. Chính vì thế, việc lựa chọn theo học ở trường địa phương chỉ là một phương án dự phòng của các em. Đó là một thực tế khách quan mà nhiều trường đại học địa phương đang gặp phải hiện nay.

Thậm chí có thể cùng một ngành nghề cả trường địa phương và trường ở Hà Nội có đào tạo nhưng các bạn vẫn thích học ở Hà Nội hơn, không cần biết ngành nghề đó ở trường đại học địa phương có tốt hay không. Bên cạnh đó, mặc dù nhà trường có rất nhiều ngành có chất lượng đào tạo tốt nhưng về mặt hình ảnh và thương hiệu thì rõ ràng trường đại học địa phương chưa có nhiều thí sinh biết tới.

Ngoài ra, về đội ngũ nhân lực trình độ cao, hàng năm nhà trường đều có những chính sách đầu tư, thu hút. Nhưng thực tế không phải cứ đầu tư, thu hút là sẽ có người tài về địa phương làm việc.

“Thậm chí, có trải thảm hoa thì những người có trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư cũng không mấy ai lựa chọn Thanh Hóa về làm việc cả. Thay vào đó, các thầy cô chỉ muốn tới những đô thị lớn. Không phải nhà trường không có chính sách đãi ngộ tốt, cũng không phải lương bổng không đảm bảo mà vấn đề là khi một người có trình độ cao thì họ quan tâm nhiều hơn đến môi trường làm việc. Hay khi giảng viên tìm được cơ hội tốt hơn họ sẽ xin điều chuyển ra các đô thị lớn hơn để được làm việc nhiều hơn, được tiếp xúc với môi trường rộng lớn hơn là các trường đại học địa phương. Chính vì thế để giữ chân được những người có trình độ cao là vấn đề rất khó với các trường đại học địa phương hiện nay”, cô Thục nêu quan điểm.

Cũng theo cô Thục, một số ngành hiện không nhận được sự quan tâm của thí sinh do chuyển dịch cơ cấu thị trường lao động. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều ngành nghề không còn phù hợp với thực tiễn dẫn đến tuyển sinh khó khăn như: ngành Quản lý văn hóa, Công tác xã hội… Thực trạng này không chỉ xảy ra ở Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa mà rất nhiều trường hiện nay cũng khó khăn tuyển sinh các ngành này.

Đào tạo sinh viên sư phạm phụ thuộc vào ngân sách của tỉnh

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thị Thu Giang cho biết, năm 2024, Trường Đại học Hạ Long tuyển sinh 7 ngành sư phạm (gồm 6 ngành trình độ đại học và 1 ngành trình độ cao đẳng). Hằng năm tỉnh Quảng Ninh đều giao nhiệm vụ đào tạo sư phạm cho nhà trường trên cơ sở nhu cầu nhân lực của tỉnh và năng lực đào tạo của trường. Toàn bộ sinh viên sư phạm của trường (đến từ Quảng Ninh và các tỉnh thành trên cả nước) đều được tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP.

Tuy nhiên, cô Giang cho rằng cơ chế đặt hàng đào tạo theo Nghị định 116 hiện nay vẫn có những bất cập khó tháo gỡ về việc quản lý, bàn giao người học sau khi tốt nghiệp. Do vậy, các trường đại học địa phương khó thu hút được các tỉnh lân cận đặt hàng đào tạo. Hiện, hầu hết các địa phương có trường đại học địa phương đang chọn phương án giao nhiệm vụ đào tạo cho chính trường của mình.

Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho hay: Với các thí sinh đỗ vào ngành sư phạm sẽ được miễn học phí. Ngoài ra, các bạn còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường. Tuy nhiên, kinh phí này phụ thuộc vào cân đối ngân sách nhà nước của tỉnh. Hiện nay số lượng giáo viên còn thiếu rất nhiều, trong đó có nhiều ngành mà trường đang đào tạo như: Sư phạm Âm nhạc, Sư phạm Mỹ thuật, Giáo dục thể chất, Sư phạm Tin học, Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học.

Nhà trường cũng thực hiện công tác tuyển sinh, lựa chọn được các thí sinh có chất lượng tốt theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, nếu tỉnh không có nhiều kinh phí hỗ trợ thì dù nhà trường có đủ năng lực cũng không thể tuyển quá nhiều sinh viên sư phạm được. Tỉnh chỉ có thể hỗ trợ theo năng lực hiện có bằng cách cân đối ngân sách của tỉnh và trên cơ sở đó phân bổ chỉ tiêu.

“Nhà trường phải phụ thuộc vào việc tỉnh cấp bao nhiêu chỉ tiêu thì tuyển sinh bấy nhiêu. Nhưng việc này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của nhà trường. Hiện nay nhà trường chưa tự chủ 100% thì Nhà nước sẽ cấp chi phí theo đầu sinh viên. Chính vì thế nhà trường phải tăng cường thu hút các ngành khác ngoài sư phạm.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thục, các trường đại học địa phương đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ rất nhiều, tạo điều kiện hết mức để có thể thực hiện nhiệm vụ đào tạo tối ưu nhất. Tuy nhiên vẫn còn một số bất cập trong các văn bản. Nhà trường mong muốn các cơ quan ban ngành xem xét rà soát lại các hệ thống văn bản, cởi mở hơn trong quy định để hỗ trợ các trường trong việc triển khai thực hiện lộ trình tự chủ đại học. Đối với Nghị định 116/2020/NĐ-CP nên cho các trường đào tạo theo nhu cầu xã hội.

637373264.jpg
Thí sinh tham gia thi năng khiếu năm 2024 tại Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa. (Ảnh: website nhà trường)

Bên cạnh đó, cô Thục cho rằng các trường cũng phải chủ động hơn để tự đảm bảo chi phí duy trì hoạt động vì tất yếu Nhà nước sẽ thu hẹp dần đầu tư và cấp kinh phí cho các trường. Mỗi tỉnh sẽ có thuận lợi và khó khăn riêng, đối với Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, lãnh đạo tỉnh và các cấp, các ngành cũng quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất cho trường. Năm vừa qua, nhà trường vừa hoàn thành một số hạng mục được tỉnh đầu tư như: cổng trường, sân trường, đường nội bộ, sân bóng đá 11 chỗ,... Nguồn ngân sách đầu tư hơn 10 tỷ đồng. Năm nay tỉnh lại tiếp tục đầu tư cho nhà trường thêm một số hạng mục nữa dự kiến cuối năm sẽ triển khai như: bể bơi, cổng phụ, đường hiệu bộ,... chi phí khoảng 19 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tỉnh còn phải cân đối ngân sách vì trên địa bàn tỉnh cũng còn nhiều cơ sở giáo dục khác cũng như các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội khác. Chính vì thế, quan điểm của trường là phải tiến tới tự chủ.

Cần có thêm các chính sách đặt hàng, đảm bảo đầu ra cho người học

Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, cơ chế đặt hàng để đào tạo nhân lực cho địa phương là cơ chế có nhiều điểm ưu việt. Qua cơ chế đặt hàng, đơn vị sử dụng lao động và các cơ sở đào tạo được kết nối trực tiếp giữa cung và cầu, từ đó giải quyết được nhu cầu nhân lực của địa phương, đơn vị trong một thời gian ngắn với số lượng và chất lượng theo yêu cầu.

Thực tế với Trường Đại học Hạ Long, hiện nay, nguồn nhân lực do trường cung cấp chủ yếu phục vụ trực tiếp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh lân cận. Phần lớn sinh viên của trường là người Quảng Ninh (khoảng 85%), do đó các chính sách hỗ trợ học phí mà tỉnh dành cho sinh viên sẽ góp phần quan trọng thu hút và hỗ trợ trực tiếp cho chính người dân có cơ hội học tập và cống hiến cho địa phương lâu dài, bền vững.

Còn với sinh viên đến từ tỉnh ngoài, các chính sách hỗ trợ này tạo sức hút để họ tìm đến học tập tại Quảng Ninh. Từ đó, người học có thể ở lại làm việc và gắn bó với Quảng Ninh, góp phần để tỉnh thực hiện thắng lợi, hiệu quả chiến lược tăng nhanh quy mô và chất lượng dân số gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong ba khâu đột phá chiến lược của tỉnh nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050.

Đối với chính sách đặt hàng đào tạo nhân lực, để triển khai thuận lợi, phát huy hiệu quả, đòi hỏi địa phương, nhà trường và các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, triển khai thực hiện chính sách một cách có hệ thống, đảm bảo những tiêu chí chung về tuyển sinh (tính công bằng, khách quan, minh bạch, ...), có nghiên cứu một cách khoa học và thực tiễn.

4990e7b8fd715f2f0660.jpg
Trường Đại học Hạ Long được tỉnh Quảng Ninh đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hiện đại. (Ảnh: NTCC)

Theo cô Giang, trước hết, nên áp dụng cơ chế đặt hàng với những ngành nghề có quy hoạch nhân lực, yêu cầu rõ ràng, ví dụ như các ngành đào tạo giáo viên hoặc nhân lực phục vụ các ngành mới, trọng điểm như công nghiệp bán dẫn, logistics,... để tránh việc thiếu quản lý, lãng phí hoặc dư thừa lao động (do các trường được đặt hàng đã đào tạo, các trường không được đặt hàng cũng đào tạo).

“Bên cạnh đó, với một số ngành mũi nhọn của trường gắn với nhu cầu đào tạo của tỉnh và khu vực, chúng tôi đề xuất có cơ chế và lộ trình tăng học phí riêng nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Từ đó, tạo đà để quảng bá thương hiệu nhà trường không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn ở khu vực quốc tế.

Các trường đại học địa phương bên cạnh nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho cả nước thì còn có nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tham mưu, tư vấn cho địa phương những lĩnh vực liên quan. Các ngành đào tạo thường tập trung phục vụ nhu cầu nhân lực các ngành nghề mũi nhọn, thiết yếu của địa phương và khu vực. Các cơ chế, chính sách của tỉnh trong từng giai đoạn nhằm hỗ trợ người học, hỗ trợ các trường địa phương trên địa bàn là nguồn lực quan trọng giúp các trường nhanh chóng đáp ứng nhu cầu nhân lực cho địa phương, thực hiện những nhiệm vụ được giao, phát triển hướng tới tự chủ và có đóng góp lại cho địa phương. Như vậy, hỗ trợ của các địa phương cho các trường là quan trọng nhưng cần tập trung vào những ngành đào tạo thích hợp, trong các giai đoạn thích hợp và có những tiêu chí, ràng buộc rõ ràng để được hỗ trợ, tránh hỗ trợ, đầu tư dàn trải, kém hiệu quả.

Về các chính sách của Nhà nước trong việc tuyển sinh, tự chủ đại học đối với các cơ sở đào tạo nói chung, các trường địa phương nói riêng, chúng tôi nhận thấy các chính sách đã ban hành về cơ bản có sự nhất quán, đảm bảo tính tổng thể. Trường mong muốn các bộ ngành liên quan quan tâm thực hiện việc sơ kết, tổng kết hiệu quả các chính sách theo từng giai đoạn để điều chỉnh trong những giai đoạn tiếp theo, trong đó có xem xét tính đặc thù, vai trò của hệ thống các trường đại học địa phương", cô Giang nêu quan điểm.

Cũng theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, để các trường đại học địa phương có sự năng động, phát triển hơn, cần rà soát, nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng để địa phương quản lý trường đại học địa phương theo cơ chế của một trường đại học, thay vì coi trường đại học địa phương như một đơn vị hành chính thuộc tỉnh. Ví dụ: Việc xác định chỉ tiêu biên chế và hợp đồng của trường đại học phải căn cứ trên quy mô người học thay vì giảm biên chế, giảm đầu mối một cách cơ học như các đơn vị hành chính thuộc tỉnh.

Về các chính sách mà tỉnh Quảng Ninh dành cho Trường Đại học Hạ Long, từ khi thành lập tới nay, trường đã được tỉnh quan tâm xây dựng nhiều chính sách và đầu tư kinh phí phát triển. Trong thời gian tới, để giúp trường có điều kiện phát triển hơn nữa, thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự phát triển của địa phương, nhà trường đề xuất tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì, kéo dài chính sách ưu đãi dành cho sinh viên của trường, nhất là cho sinh viên giỏi thuộc các ngành gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Song song, nhà trường đề xuất tỉnh tiếp tục duy chính sách mời giảng viên, các nhà khoa học chuyên môn cao về làm giảng viên thỉnh giảng cho Trường Đại học Hạ Long, đồng thời, cho phép trường đề xuất lộ trình tăng học phí phù hợp với chi phí và chất lượng đào tạo mà trường cung cấp.

Nhật Lệ