Với GPA 3.67, Trịnh Lan Phương đã xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra năm 2024 ngành Công tác xã hội của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
7 kỳ học tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội thì có tới 5 lần Phương giành được học bổng loại A. Bên cạnh đó, Lan Phương còn mang về cho bản thân các học bổng ngoài ngân sách khác như học bổng Thắp lửa nơi tim, học bổng Đào Minh Quang, học bổng BIDV, học bổng Yamada Nhật Bản…
Thủ khoa ngành Công tác xã hội cũng từng đạt giải Nhì nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường năm học 2022 - 2023 đồng thời, vinh dự nhận giấy khen của Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn khi là sinh viên có kết quả học tập cao nhất 3 năm học liền (2021-2022, 2022-2023, 2023-2024).
Với sự năng nổ trong các hoạt động đoàn hội, Lan Phương được trao tặng giấy khen vì thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2022-2023 của Hội Sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Không chỉ vậy, Phương còn ghi dấu ấn bởi danh hiệu Gương mặt trẻ tiêu biểu cấp cơ sở trong suốt 3 năm học (2020-2021, 2021-2022, 2022-2023). Ngoài ra, Phương đã thành công chinh phục danh hiệu Sinh viên 5 tốt các cấp trong vòng 3 năm liên tiếp và đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp Trung ương năm 2023 đầy danh giá.
Ngoài những thành tích đáng nể trong học tập, Lan Phương còn là nữ sinh luôn đi đầu trong các phong trào tình nguyện.
Niềm vui ngoài mong đợi
Thông thường, nếu tốt nghiệp đúng hạn, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ được trao bằng vào khoảng tháng 6, tháng 7. Tuy nhiên, với quyết tâm và nỗ lực, Trịnh Lan Phương đã sớm đẩy nhanh chương trình học và tốt nghiệp sớm trước thời hạn.
Trò chuyện với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nữ thủ khoa bộc bạch: “Khi nhận bằng vào tháng 4, em vẫn chưa thể biết bản thân có đạt danh hiệu Thủ khoa hay không mà phải chờ đến đúng đợt tốt nghiệp tháng 6 của trường. Thú thực, em cũng ước lượng điểm GPA (điểm trung bình chung tích lũy) của mình trong top 3 của lớp nhưng không dám hi vọng nhiều”.
Có lẽ bởi vậy mà niềm vui như nhân lên gấp đôi khi Lan Phương nhận được thông tin mình là thủ khoa đầu ra của ngành năm 2024. Dù trước đó, nữ sinh đã đặt mục tiêu tốt nghiệp với tấm bằng Xuất sắc, thì danh hiệu này Phương cũng chưa từng nghĩ tới.
“Bất ngờ, vui mừng và tự hào biết bao. Ban đầu, em chỉ hy vọng mình sẽ chinh phục tấm bằng xuất sắc chứ không nghĩ sẽ là thủ khoa”, Phương vui mừng nói.
Bản thân Phương sinh ra trong một gia đình bình thường ở ngoại thành Hà Nội có bố là công chức, mẹ làm nông. Ngay từ nhỏ, ông nội đã dạy em phải cố gắng học tập bởi “ấu bất học, lão hà vi” (Nhỏ không học lớn lên không làm được gì). Lời của ông đã trở thành kim chỉ nam cho những nỗ lực của cô cháu gái trên con đường học vấn.
Phương chia sẻ thêm: “Các anh chị của em đều học hành đỗ đạt và ra trường có những thành công nhất định trong công việc. Chẳng ở đâu xa, chính anh chị là những tấm gương để em thêm động lực để phấn đấu”.
Mối duyên lành với ngành Công tác xã hội
Được gia đình tin tưởng và ủng hộ, Lan Phương có sự chủ động trong quyết định chọn ngành, chọn trường. Nhớ lại, nữ sinh cho biết, thời điểm đó bản thân cũng phân vân khá nhiều có nên để Công tác xã hội là nguyện vọng 1 hay không. Sau đó, qua tìm hiểu, cân nhắc, Phương đã đặt ngành học này ở nguyện vọng 3.
“Khi đọc mô tả về ngành Công tác xã hội, tôi thấy bản thân có những điểm mạnh tương thích. Tôi thích lắng nghe, chia sẻ và giúp đỡ người khác, cởi mở và cũng có khả năng kết nối. Hơn nữa, chị gái tôi - một sinh viên của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cũng định hướng ngành này phù hợp với tôi - người thích tham gia các phong trào, hoạt động tập thể”, Phương thổ lộ.
Tuy không đỗ nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2 nhưng nguyện vọng 3 đã bắt đầu mối duyên giữa Trịnh Lan Phương với ngành Công tác xã hội của một trong những ngôi trường hàng đầu Việt Nam trong đào tạo khoa học xã hội và nhân văn.
Những tháng ngày học tập tại trường, Phương có ấn tượng đặc biệt với các bài giảng về trẻ em, đạo đức nghề nghiệp, cộng đồng hay an sinh xã hội.
Sau những buổi học lý thuyết trên lớp, Phương cùng các bạn còn được thực hành thực tế ở các tổ chức, các viện, trung tâm… Do đó, những bài học vốn đã dày dặn bởi kiến thức sách vở, những chia sẻ đầy tâm huyết từ trải nghiệm thầy cô thì nay lại được làm sâu sắc hơn bởi sự dấn thân của chính bản thân sinh viên.
“Chúng tôi được tiếp xúc và làm việc với nhiều đối tượng trong xã hội mà trước đây tôi chỉ nghe qua báo đài, tivi như người nghiện ma tuý, trẻ tự kỷ, trẻ lang thang cơ nhỡ, phụ nữ bị buôn bán… Từ đó, tôi thêm tự hào về vai trò của ngành học mình đang theo đuổi, đồng thời, có thêm quyết tâm để học tập tốt hơn mong sau này có thể hỗ trợ họ phần nào”, Lan Phương tâm sự.
Ngoài sức mạnh nội tại, Phương tự nhận bản thân may mắn khi luôn được gia đình theo dõi và ủng hộ, được thầy cô quan tâm và hỗ trợ hết mức. Và đặc biệt, nữ thủ khoa có những người bạn hay ngồi bàn đầu để cùng nhau học tập, cùng nhau kiếm học bổng.
Tâm huyết với các hoạt động tình nguyện
Quan niệm “sống để trở thành người tử tế”, Lan Phương luôn sống hết mình, tận hưởng từng phút giây, sẵn sàng cho đi mà không cần nhận lại. Bên cạnh thành tích học tập xuất sắc, cô nàng cũng vô cùng nổi bật trong các hoạt động, dự án làm tình nguyện, cống hiến vì cộng đồng.
Khi còn là sinh viên, Phương từng đảm nhận vai trò Đội phó F16, Trưởng ban Truyền thông của Đội sinh viên làm Công tác xã hội và Phó ban Văn - Thể - Mỹ tại Câu lạc bộ Hoa Đá Nhân Văn - câu lạc bộ giúp đỡ, hỗ trợ các bạn khuyết tật trực thuộc Hội sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Lan Phương đồng thời là tình nguyện viên của dự án Nuôi em và gần đây nhất em đã tham gia chương trình Chiến binh cầu vồng - Xây dựng phòng tin học. “Em chỉ muốn làm gì đó giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn để các em có động lực tới trường”, Phương chia sẻ.
Bao nhiêu lần làm tình nguyện là bấy nhiêu lần Phương xây đắp thêm cho bản thân những trải nghiệm thực tế quý giá, những kỷ niệm đáng nhớ cùng “đồng đội” và cả những ấn tượng tốt đẹp về con người trên mọi miền Tổ quốc.
“Câu chuyện mà em ấn tượng nhất là một bà mẹ với ba con nhỏ sống “cô đơn” trên đỉnh một quả đồi ở Lai Châu. Chồng đi làm xa, một mình cô ấy phải ở nhà chăm con. Cô ấy rất trẻ, chỉ độ 17 - 18 tuổi. Ngôi nhà bằng bạt, nền đất, tôi sợ có một cơn gió mạnh thổi qua là căn nhà có thể đổ sập bất cứ khi nào.
Một tháng cả nhà được ăn thịt có vài lần. Vậy mà cô ấy bao giờ cũng mong mỏi đứa con trai lớn của mình đủ tuổi đi học để có con chữ.”, Phương ngậm ngùi.
Có lẽ, tư duy “đi xa” - khát khao về một tương lai tốt đẹp cho con cái, với tri thức, hiểu biết dẫu trong hoàn cảnh khó khăn của người phụ nữ trẻ ấy làm Phương xúc động hơn cả.
Những vùng đất, những con người, những khao khát, mong mỏi như vậy cũng chính là động lực để Lan Phương tiếp tục bền bỉ với hành trình vì cộng đồng. Bởi Phương biết, khi mình cùng các tình nguyện viên khác gắng sức cùng nhau, họ có thể đem đến những thay đổi, dù nhỏ bé cho người khác.
Chữ tâm đối với người làm công tác xã hội
Lan Phương cho biết, hiện nay, ngành Công tác xã hội ở Việt Nam dù chưa được quá nhiều người biết đến song định hướng tương lai của ngành học này sẽ rất phát triển.
Ngoài kiến thức chuyên môn hay các kỹ năng mềm cần thiết khác, Phương cho rằng, chữ tâm mới chính là yếu tố cốt lõi để xây dựng nên một người làm công tác xã hội thành công.
Phương nhấn mạnh: “Theo em, làm gì cũng vậy, chúng ta cần có cái tâm. Và với một nhân viên xã hội thì chữ tâm phải được đặt lên hàng đầu, đi cùng với đó là kiến thức và trách nhiệm xã hội. Trên nền tảng đó, người làm công tác xã hội mới có thể quan tâm, lắng nghe, hỗ trợ và kết nối các nguồn lực để có thể giúp đỡ thân chủ”.
Hiện tại, Phương đang theo đuổi công việc giáo dục trong một trung tâm ở gần nhà. Nếu có cơ duyên, trong tương lai, Phương cũng dự định học tiếp lên bậc cao hơn.