"Người trong cuộc" nói gì về đề xuất giấy phép hành nghề dạy học có thời hạn?

15/08/2024 06:42
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Các nhà giáo cho rằng việc đặt ra thời hạn với giấy phép hành nghề dạy học sẽ thôi thúc giáo viên luôn phấn đấu, nỗ lực không ngừng.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp về việc đề nghị thẩm định dự thảo Luật Nhà giáo (Dự thảo 3).

Trong hồ sơ thẩm định, sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, bộ, ban ngành và địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông tin về dự thảo Luật Nhà giáo với nhiều chỉnh sửa, bổ sung so với trước đây.

Theo đó, trong dự thảo Luật Nhà giáo lần 3, dự kiến sẽ đổi tên “Chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo” thành “Giấy phép hành nghề dạy học”.

Đáng chú ý, tại Điều 18, Chương III của dự thảo về "Nguyên tắc, nội dung và điều kiện cấp giấy phép hành nghề dạy học" có nêu: " Giấy phép hành nghề dạy học có thời hạn 10 năm và được gia hạn theo quy định". (1)

Hiện các nội dung trong dự thảo đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ đội ngũ quản lý, cán bộ, giáo viên trong cả nước.

Hy vọng cơ quan quản lý có sự tính toán kỹ lưỡng để không "đẻ" thêm giấy phép con

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến đề xuất này, cô Phan Thị Hiến, giáo viên Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho rằng, khi các ngành nghề khác như bác sĩ, luật sư... đều yêu cầu cấp giấy phép cho người hành nghề thì với lĩnh vực giáo dục việc có giấy phép hành nghề dạy học là xu thế tất yếu của sự phát triển.

Ngoài ra, giáo viên này cũng cho hay, việc quy định thời hạn nhất định đối với giấy phép hành nghề dạy học, xét trên một góc độ nào đó có thể tạo ra các "sức ép", để các giáo viên tránh tâm lý tự mãn và luôn có tâm thế phải phấn đấu, cống hiến cho nghề.

GDVN_a1.png
Các giáo viên kỳ vọng, khi có giấy phép hành nghề dạy học sẽ thôi thúc được tinh thần phấn đấu, nổ lực của những người làm nghề giáo. Ảnh minh họa: Trung Dũng

Nêu lên một số góp ý của mình với dự thảo này, cô Phan Thị Hiến bày tỏ: "Chúng tôi cũng mong muốn cơ quan quản lý sẽ có sự tính toán kỹ lưỡng để không làm ảnh hưởng đến quyền lợi của giáo viên khi chính thức ban hành những quy định trong các văn bản luật. Đồng thời không tạo ra sự chồng chéo

Đối với thời hạn của giấy phép hành nghề dạy học, cơ quan cấp giấy phép cũng nên lưu ý và có sự linh hoạt theo từng đối tượng, nhất là những giáo viên có thâm niên công tác hoặc với những người sắp về hưu.

Ngoài ra, khi thực hiện việc cấp giấy phép hoặc gia hạn giấy phép thì cần chú trọng đến sự minh bạch, thực chất. Làm sao có thể đảm bảo được những nhà giáo có năng lực thực sự sẽ không bị chèn ép, gây khó dễ còn những giáo viên không có đủ năng lực sư phạm vẫn được cấp giấy phép một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, lâu nay tiêu chuẩn để một nhà giáo có thể hành nghề chính là bằng tốt nghiệp sư phạm và các chứng chỉ bổ trợ, họ vẫn có thể làm tốt công việc của mình khi có các giấy tờ đó. Vì thế, nếu có thêm giấy phép hành nghề dạy học thì cũng nên tối giản và đơn giản hóa các thủ tục cấp giấy phép để nhà giáo thấy thoải mái khi thực hiện.

Tránh trường hợp có quá nhiều chồng chéo, vướng mắc từ đó tạo ra sự nhũng nhiễu, khiến cho giấy phép hành nghề dạy học trở thành một loại "giấy phép con" gây khó dễ cho giáo viên".

Nền giáo dục có nhiều thay đổi, việc ra đời giấy phép để quản lý định kỳ nhà giáo là cần thiết

Dưới góc độ nhà quản lý của một cơ sở giáo dục, thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An) cho hay, thời hạn của giấy phép hành nghề dạy học là cần thiết, hạn chế được sức "ì" của giáo viên.

Vị hiệu trưởng này chia sẻ thêm: "Trong nội dung của bản dự thảo, khi đề cập đến mục đích của giấy phép hành nghề dạy học có nêu, đó là cơ sở đánh giá quá trình phát triển nghề nghiệp liên tục của nhà giáo, bảo đảm chất lượng giáo dục.

Như vậy, nếu chúng ta đặt ra trường hợp khi giấy phép hành nghề dạy học vô thời hạn, khi ấy có thể một số nhà giáo sẽ có tư tưởng là, đã được cấp giấy phép hành nghề rồi, "chắc ăn" rồi nên không có sự đổi mới, sáng tạo trong dạy và học. Mọi hoạt động cứ diễn ra lặp lại ngày này qua ngày khác mà không có sự nổi trội.

Vì khi ấy họ biết rằng, có cố gắng hoặc phấn đấu thì cũng không ai để ý hoặc có "dậm chân tại chỗ" thì cũng không bị ai "soi" vì không có yếu tố đánh giá sự phát triển nghề nghiệp theo định kỳ đối với họ. Việc ra đời của một loại giấy phép để có thể quản lý và tạo ra khuôn khổ làm việc nhằm hạn chế sức "ì" của giáo viên là một sự cần thiết.

Như vậy, điều này nếu nhìn nhận dưới góc độ nghề nghiệp nhà giáo có thể thấy, nó còn là động lực thôi thúc các giáo viên phải luôn phấn đấu, tu dưỡng nghề nghiệp không ngừng. Nó là sự cần thiết trong bối cảnh nền giáo dục của nước ta phát triển và có nhiều sự đổi mới, công tác dạy và học cũng cần có sự thay đổi để có thể linh hoạt thích nghi".

thầy tuấn anh.png
Thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai (Nghệ An). Ảnh: NVCC

Cũng theo Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quỳnh Phương, lộ trình 10 năm để gia hạn lại đối với giấy phép hành nghề dạy học mà đề xuất đặt ra là phù hợp. Tuy nhiên vị này cũng bày tỏ những băn khoăn về việc, thủ tục cấp mới hoặc gia hạn lại đối với giấy phép này liệu có gây khó dễ với nhà giáo hay không?

"Những nhà giáo như chúng tôi cũng hy vọng cơ quan ban hành luật sẽ đưa ra những lộ trình thực hiện các tiêu chí để giáo viên có thể chủ động hoàn thiện các tiêu chí và ai cũng sẽ đủ các điều kiện được gia hạn giấy phép hành nghề khi hết hạn. Bên cạnh đó, cách xét duyệt các tiêu chí đó cũng phải dựa trên thực tế và người lao động có thể định lượng được.

Hơn hết, thủ tục cấp mới hoặc gia hạn đối với giấy phép hành nghề phải đơn giản hóa. Đồng thời cần áp dụng chuyển đổi số để thực hiện các thao tác xét duyệt nhanh chóng, nhằm hạn chế nhũng nhiễu, tiêu cực.

Khi có những tiêu chí cụ thể và lộ trình thực hiện thì chính bản thân mỗi nhà giáo sẽ biết được là mình có khả năng đáp ứng hay không. Bên cạnh đó họ cũng sẽ chủ động tìm ra các phương án để có thể đổi mới, thay đổi cách dạy học để phù hợp với các tiêu chí", thầy Hồ Tuấn Anh nhấn mạnh.

Cùng quan điểm về vấn đề này, thầy Nguyễn Duy Linh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An) bày tỏ, khi xã hội phát triển, các loại hình trường học mới ra đời, đối tượng giáo viên cũng đa dạng thì việc cơ quan quản lý yêu cầu nhà giáo phải có giấy phép hành nghề dạy học là cần thiết.

Ngoài ra, vị hiệu trưởng này cũng nhấn mạnh đến vai trò của lãnh đạo cơ sở giáo dục trong việc phân tích, định hướng cho giáo viên để biến các quy định mang tính thời điểm vào thực tiễn thiết thực và có sự đồng thuận của nhà giáo.

Trong lúc nhiều địa phương, nhất là các trường học ở miền núi đang đối diện với tình trạng thiếu giáo viên, ngoài việc các cơ quan ban hành luật cần bám sát vào thực tế khi cấp giấy phép hành nghề dạy học thì người đứng đầu nhà trường cũng cần truyền thông cho nhà giáo nắm rõ những điểm lợi thế và mặt hạn chế của quy định để không làm ảnh hưởng đến nguồn lực giáo viên.

"Trong bối cảnh hiện nay, việc có một loại giấy phép để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà giáo trong quá trình hành nghề là điều cần thiết. Trên thực tế, một số ngành nghề khác cũng đã yêu cầu cấp giấy phép hành nghề cho người lao động từ rất lâu rồi.

Tuy nhiên, những người đứng đầu cơ sở giáo dục ở miền núi như chúng tôi hy vọng các chính sách của cơ quan quản lý khi được thực thi sẽ có tính thực chất, không gây áp lực, phiền toái cho nhà giáo.

Đặc thù các địa phương miền núi vốn luôn trong tình trạng khan hiếm giáo viên, nếu có thêm các các sức ép khiến họ từ bỏ hoặc không muốn cống hiến cho nhà trường thì sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy đối với các trường học ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa", vị hiệu trưởng này cho biết thêm.

gdvn-thay-ndl-7570.jpg
Thầy Nguyễn Duy Linh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Môn Sơn (huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An). Ảnh: Trung Dũng

Theo góp ý của vị lãnh đạo Trường Tiểu học Môn Sơn, khi quy định về việc cấp giấy phép hành nghề dạy học và đặt ra thời hạn đối với giấy phép đó thì quy trình cấp lại với giấy phép đã hết hạn cũng nên hướng đến tiêu chí đánh giá năng lực giáo viên, không nên đặt nặng vấn đề khảo sát lý thuyết hoặc mang tính sát hạch.

Cụ thể, thầy Linh bày tỏ: "Khi đưa ra các tiêu chí đánh giá, bình xét để cấp lại giấy phép hành nghề của nhà giáo sau 10 năm, theo tôi cơ quan quản lý có thể dựa trên các mức chỉ tiêu đánh giá về năng lực của giáo viên. Chẳng hạn như việc xem xét trong 10 năm, giáo viên nó có sự nỗ lực, đổi mới phương pháp dạy học ra sao hay là không có sự tiến bộ nào?.

Hoặc cũng có thể đánh giá với tiêu chí là giáo viên đó trong 10 năm thì có bao nhiêu lần đạt giáo viên dạy giỏi, những lứa học sinh được giáo viên đó giảng dạy có nhiều kết quả học tập tốt hay không?...

Nếu dựa vào những tiêu chí đó để đánh giá, bình xét khi cấp lại giấy phép hành nghề dạy học thì trong một tập thể trường học, những giáo viên khác hoàn toàn có thể giám sát, đối chiếu được. Từ đó, quá trình thực hiện việc này sẽ đảm bảo tính minh bạch, công bằng.

Đồng thời, khi bám vào tiêu chí năng lực giáo viên để cấp lại giấy phép hành nghề dạy học của nhà giáo theo định kỳ 10 năm cũng sẽ thôi thúc được sự phấn đấu của mỗi giáo viên, đem lại môi trường sư phạm thực chất hơn".

Tư liệu tham khảo:

(1) https://giaoduc.net.vn/de-xuat-giay-phep-hanh-nghe-day-hoc-chi-co-gia-tri-trong-10-nam-post244614.gd

Trung Dũng