Ngày 19/7/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Số: 3700/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Tư pháp Về việc đề nghị thẩm định dự án Luật Nhà giáo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 3700/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Tư pháp về việc thẩm định thẩm định Dự thảo Luật Nhà giáo.
Kèm theo hồ sơ thẩm định gồm: (1) Tờ trình Chính phủ về dự án Luật Nhà giáo; (2) Dự thảo Luật Nhà giáo; (3) Báo cáo về rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật Nhà giáo; (4) Báo cáo đánh giá thủ tục hành chính trong dự án Luật Nhà giáo; (5) Báo cáo về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong dự án Luật Nhà giáo; (6) Bản tổng hợp, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý, bản chụp ý kiến góp ý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh/TP trực thuộc Trung ương, các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ; (7) Nghị quyết số 95/NQ-CP ngày 7/7/2023 của Chính phủ về phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 6 năm 2023 của Chính phủ; (8) Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8/6/2024 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; (9) Tài liệu khác có liên quan.
Trong đó sau khi tham khảo ý kiến các chuyên gia, các cơ sở giáo dục địa phương, đại học,...Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu và điều chỉnh và gửi Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) với nhiều điều chỉnh so với dự thảo Luật Nhà giáo được công bố trước đây (lần 2). [1]
Trong bài viết, người viết xin được nêu những vấn đề mới về chứng chỉ hành nghề, một nội dung nhận được nhiều sự quan tâm thời gian qua.
Dự thảo Luật Nhà giáo lần 3, dự kiến “Giấy phép hành nghề” thay cho “Chứng chỉ hành nghề”
Trước đây, tại Dự thảo Luật Nhà giáo (lần 2), Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến mỗi giáo viên sẽ có “Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo” (sau đây xin được gọi tắt là Chứng chỉ hành nghề).
Chứng chỉ này nhận được nhiều ý kiến trái chiều, nhiều giáo viên lo lắng sẽ phát sinh thêm thủ tục, “giấy phép con”, khiến việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn hơn trong khi cả nước thiếu nhiều giáo viên.
Tại khoản 6 Điều 5. Giải thích từ ngữ giải thích về Giấy phép hành nghề như sau:
“6. Giấy phép hành nghề dạy học là văn bản xác nhận người đủ điều kiện hành nghề dạy học do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.”
Ở dự thảo lần 2 trước đây, Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo giải thích ở khoản 4 Điều 5 như sau: “4. Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà giáo cấp cho người đạt chuẩn nhà giáo trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục khác (sau đây gọi chung là cơ sở giáo dục).”
Có thể thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp thu và có sự điều chỉnh từ Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo thành Giấy phép hành nghề dạy học với định nghĩa gọn hơn, đơn giản hơn.
Bên cạnh đó, tại dự thảo lần 3 cũng bổ sung khoản 10 quy định về người hành nghề dạy học tự do: “10. Người hành nghề dạy học tự do là người có giấy phép hành nghề dạy học nhưng không làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong cơ sở giáo dục.”
Vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về Chứng chỉ hành nghề hay Giấy phép hành nghề
Tại khoản 6 Điều 9 dự thảo Luật Nhà giáo (lần 2) có quy định nhà giáo sẽ: “3. Được cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo và bổ nhiệm chức danh nhà giáo theo vị trí việc làm.”
Tuy nhiên, dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) tại Điều 10. Quyền của nhà giáo đã bỏ nội dung này.
Tại mục 2 “Giấy phép hành nghề dạy học” tại các Điều 17. Mục đích của giấy phép hành nghề dạy học; Điều 18. Nguyên tắc, nội dung và điều kiện cấp giấy phép hành nghề dạy học; Điều 19. Giá trị sử dụng của giấy phép hành nghề dạy học; Điều 20. Cấp giấy phép hành nghề dạy học và công nhận giá trị tương đương; Điều 21. Thu hồi giấy phép hành nghề dạy học; Điều 22. Thẩm quyền cấp, gia hạn, thu hồi giấy phép hành nghề dạy học đã có nhiều sự điều chỉnh về Giấy phép hành nghề dạy học thay thế cho chứng chỉ hành nghề dạy học trong dự thảo lần 2 trước đây.
Tuy nhiên, theo tổng hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn rất nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi, hiệu quả của Giấy phép này đối với sự phát triển và nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, liệu có thể đây là sự phát sinh “giấy phép con”, phát sinh thêm thủ tục rườm rà, phức tạp trong tuyển dụng, bổ nhiệm, thuyên chuyển,..
Dưới đây là tổng hợp ý kiến về tính khả thi về Chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo được Bộ Giáo dục và Đào tạo trong bản Giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý đối với dự án Luật Nhà giáo [2]:
“Góp ý của địa phương:
- Việc cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo nhằm mục đích bảo đảm chất lượng của ngành nghề, gắn với yêu cầu, quyền lợi và trách nhiệm của cá nhân, ngành nghề đối với xã hội. Hiện nay, nhà giáo có hai nguồn là người được đào tạo sư phạm và người học ngành khác có chứng chỉ sư phạm. Tuy nhiên, chỉ nên áp dụng chứng chỉ hành nghề đối với các đối tượng đào tạo ngành ngoài sư phạm và các đối tượng khác (nhà giáo nước ngoài) có nhu cầu nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Bởi vì đối tượng đào tạo sư phạm đã được đào tạo từ 3-4 năm ở các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm tùy theo bậc học, mặt khác việc giảng dạy tại các cơ sở giáo dục thực tiễn đã chứng minh, giáo viên có kinh nghiệm, bản lĩnh, năng lực, tận tụy, yêu nghề sẽ mang lại thành công,có thêm chứng chỉ hành nghề mà giáo viên thiếu tâm huyết, trách nhiệm thì cũng không làm nên nhà giáo giỏi, tốt được.
- Chứng chỉ hành nghề chỉ cấp cho giáo viên có hoạt động giảng dạy, giáo dục ngoài các cơ sở giáo dục công lập, dạy thêm hoặc tham gia các chương trình giáo dục hợp tác quốc tế mà bên thứ hai yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề.
- Chưa nêu được có chứng chỉ hành nghề để làm gì? Thời hạn của chứng chỉ hành nghề là bao lâu? Về việc cập nhật kiến thức là theo thời gian nên chuẩn hành nghề cũng cần thay đổi theo thời gian.
- Xem xét đặt tên "Giấy phép hành nghề đối với nhà giáo" thay cho "Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo".
- Những người từ lúc tuyển đến lúc chưa được cấp chứng chỉ có được dạy không? Nếu chưa đi dạy thì có được gọi là nhà giáo không? Muốn cấp chứng chỉ phải đi dạy, muốn đi dạy thì phải có chứng chỉ, đây là cái vòng luẩn quẩn, cần nghiên cứu lại câu chữ.
- Ngoài quy định nhà giáo nước ngoài thì giảng viên thỉnh giảng, công chức đang công tác tại sở, ban ngành có cần chứng chỉ không?
- Đối với quy định về chứng chỉ hành nghề: việc quy định chứng chỉ không thực sự cần thiết do:
+ Các trường mầm non, phổ thông đã được đào tạo qua trường sư phạm
+ Các trường đại học, cao đẳng đã được đào tạo sư phạm, nếu chưa được đào tạo sư phạm thì có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm
+ Trình độ của giảng viên từ thạc sĩ trở lên, đã đáp ứng về chuyên môn, đặc biệt đối với giảng viên đại học cần chuyên môn sâu về lĩnh vực, nên không cần thiết phải có chứng chỉ hành nghề
+ Vì các loại văn bằng đào tạo đã đủ điều kiện cho một giáo viên để thực hiện nhiệm vụ giáo dục. Bên cạnh đó, phát sinh kinh phí, thời gian, thủ tục hành chính, rườm rà, phức tạp khi có thêm chứng chỉ hành nghề. Gây áp lực cho giáo viên.
+ Nghề giáo là nghề đặc thù, không giống như nghề luật sư, y tế có thể hành nghề độc lập (một mình làm việc với thân chủ hoặc bệnh nhân) có thể hành nghề bên ngoài, còn đối với nhà giáo việc đào tạo cần phải có 1 tập thể, cần nhiều nhà giáo để đào tạo mới hoàn thành khóa học, nên không nhất thiết nhà luật sư, bác sĩ có chứng chỉ thì nhà giáo cũng có chứng chỉ.
+ Nhà giáo công tác tại các cơ sở giáo dục đã được thông qua hội đồng tuyển dụng chặt chẽ (thông qua phỏng vấn, tập sự), nên việc quy định nhà giáo phải có thêm tiếp thủ tục để cấp chứng chỉ thì không cần thiết, có thể gây lãng phí
+ Bỏ Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo đang công tác trong trường công lập.
+ Trong chuẩn nhà giáo cũng không đề cập đến chứng chỉ hành nghề
- Đề nghị bỏ chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Lý do: Đây là nghề đặc biệt, có sản phẩm là con người. Giáo viên đã được bồi dưỡng về chức danh nghề nghiệp, được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ và là những người có phẩm chất đạo đức. Sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm đã đạt chuẩn trình độ đào tạo, bảo đảm theo chuẩn nhà giáo quy định tại Điều 13 của Dự thảo Luật.
- Đề nghị điều chỉnh nội dung "Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo" thành "Chứng chỉ nhà giáo". Lý do: Nghề giáo từ xưa đến nay chưa ai gọi từ Hành nghề, gọi chứng chỉ nhà giáo nghe nhẹ nhàng hơn. Chứng chỉ nhà giáo chỉ công nhận một người được gọi là Nhà giáo, khi họ được thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và đạt chuẩn nhà giáo theo quy định, giáo dục như Điều 1 đã định nghĩa về nhà giáo. Người không thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục thì không cấp chứng chỉ và không được gọi là nhà giáo.
- Đề nghị bỏ nội dung này. Vì khi thực hiện sẽ có một số bất cập cụ thể:
+ Một nhà giáo đủ điều kiện cấp trung học phổ thông chuyển về cấp trung học cơ sở thì không bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp quy định của cấp trung học cơ sở.
+ Việc phân cấp quản lý nhà giáo theo quy định hiện tại là Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý cấp trung học phổ thông còn từ cấp mầm non, tiểu học, trung học cơ sở do Ủy ban nhân dân các huyện quản lý. Việc Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề và thu hồi chứng chỉ hành nghề chưa phù hợp.
+ Chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, đề nghị đơn vị soạn thảo tính toán có phát sinh thủ tục rườm rà, phức tạp khi có thêm chứng chỉ hành nghề hay không. Lý do Nghề giáo là nghề đặc thù, không cần thiết có chứng chỉ hành nghề như các nghề khác.
* Góp ý của các trường Đại học:
(1) Trường Đại học Kiên Giang:
Đề nghị bỏ chứng chỉ hành nghề. Lý do: Công tác tuyển dụng nhà giáo giao về cho ngành giáo dục. Đối với các cơ sở giáo dục thì do thẩm quyền được phân cấp tuyển dụng, sử dụng theo xu hướng tự chủ về tổ chức – nhân sự. Trong tuyển dụng có hội đồng đánh giá năng lực (tương ứng sát hạch chứng chỉ hành nghề).
(2) Trường CĐSP Trung ương:
Cần xác định rõ: Kinh phí cấp chứng chỉ hành nghề với nhà giáo thuộc trường hợp tại điểm a, khoản 3 chi từ nguồn ngân sách nhà nước.
- Cần tạo điều kiện cho giáo viên đã làm công tác giảng dạy nhiều năm. Thủ tục xác nhận và cấp chứng chỉ hành nghề với nhà giáo cần đơn giản, thuận tiện với giáo viên, giảng viên.
(3) Trường Đại học Cần Thơ:
Thống nhất cần có Chứng chỉ hành nghề nhà giáo để tạo sự chế tài trong hoạt động giảng dạy. Tuy nhiên cần tiến hành theo lộ trình và có các văn bản hướng dẫn thực hiện để bảo đảm không chồng chéo, thủ tục thuận lợi, tiết kiệm và phù hợp với thực tế.
- Những cá nhân được đào tạo từ cơ sở đào tạo sư phạm và có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại đơn vị có nhu cầu tuyển dụng thì mặc nhiên khi được CSGD tuyển dụng sẽ được phép hành nghề mà không cần Chứng chỉ. Chỉ yêu cầu cấp chứng chỉ hành nghề đối với người được đào tạo từ các ngành nghề khác.
- Cần quy định rõ đối với các trường hợp đã đi dạy từ trước khi Luật Nhà giáo có hiệu lực thì Chứng chỉ hành nghề sẽ được đương nhiên cấp trên cơ sở danh sách đề nghị của các cơ sở giáo dục đang sử dụng nhà giáo để tiết kiệm thời gian, công sức và đơn giản thủ tục hành chính, giảm áp lực cho đội ngũ nhà giáo đã và đang giảng dạy từ trước đến nay
* Góp ý của các Bộ
(1) Bộ Nội vụ:
Đề nghị cân nhắc về sự cần thiết, tính khả thi và có đánh giá tác động cụ thể về quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo, vì đây là quy định mới, còn có ý kiến khác nhau. Đồng thời cần làm rõ chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo được cấp tương ứng với từng cấp học hay chỉ cần 01 chứng chỉ hành nghề sẽ áp dụng cho tất cả các cấp học khác nhau.
(2) Bộ Công Thương: Đề nghị bỏ “Chứng chỉ hành nghề đối nhà giáo”.
Lý do: Phức tạp, không cần thiết, phát sinh thêm thủ tục tục hành chính đối với nhà giáo và cơ quan quản lý giáo dục.
(3) Bộ Xây dựng:
- Đề nghị tiếp tục nghiên cứu bổ sung 1 số quy định về khung chương trình đào tạo chứng chỉ hành nghề cá nhân, cơ sở đào tạo đủ điều kiện, quy trình sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề... Làm rõ quy định các Bộ, ngành có thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề nhà giáo đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc thẩm quyền quản lý?.
- Nên bãi bỏ vì chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo là văn bản xác nhận tư cách nhà giáo do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt tiêu chuẩn chức danh nhà giáo theo quy định. Vậy khi Luật có hiệu lực thi hành, các chứng chỉ kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm... có bắt buộc nhà giáo có hay không? Gây khó cho tuyển dụng nhà giáo, nguy cơ tạo ra giấy phép con, khó thu hút, trọng dụng nhân tài.
(4) Bộ Văn hóa thể thao và du lịch: Đề nghị không đưa vào dự thảo
(5) Bộ Lao động, Thương binh và xã hội: Đề nghị thiết kế bổ sung một điều khoản quy định thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, ngành và Giám đốc Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh trong việc quy định mẫu chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý….”
Có rất nhiều ý kiến từ trung ương đến địa phương đề nghị bỏ hoặc xem xét lại Chứng chỉ hành nghề vì tính khả thi, hiệu quả chưa được làm rõ, phát sinh thêm thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, tốn kém,..
Theo quan điểm người viết, dù thay đổi từ Chứng chỉ hành nghề sang Giấy phép hành nghề thì về bản chất vẫn không có nhiều thay đổi, dự thảo Luật Nhà giáo (lần 3) vẫn chưa làm rõ bản chất, khái niệm của Giấy phép hành nghề, chưa nêu rõ lý do vì sao phải cần có Giấy phép hành nghề và vẫn chưa làm rõ những băn khoăn góp ý về “Chứng chỉ hành nghề” hay “Giấy phép hành nghề”, tính cấp thiết phải có, hiệu quả hay tốn kém ra sao?....
Nên người viết, vẫn mong cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các địa phương cũng như các trường đại học, chuyên gia, nhà giáo dục xem xét lại cẩn thận việc xuất hiện thêm Giấy phép hành nghề, nếu có chỉ nên cấp cho đối tượng ngoài ngành sư phạm có nhu cầu giảng dạy hoặc đối tượng không thuộc viên chức (không giảng dạy trong các trường công lập) muốn có giấy phép để giảng dạy tại các trung tâm, cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Tài liệu tham khảo:
[1] Dự thảo lần 3 Luật Nhà giáo
[2] Báo cáo góp ý dự thảo Luật Nhà giáo
[3] Tờ trình về dự thảo Luật Nhà giáo
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.