Nếu ông Vương Tấn Việt chưa có bằng bổ túc: Nhiều vấn đề cần làm rõ

14/08/2024 09:18
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Có rất nhiều vấn đề được đặt ra nếu đúng là ông Vương Tấn Việt chưa có bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 mà học đại học, tiến sĩ.

Vừa qua thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận kết quả rà soát hồ sơ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của ông Vương Tấn Việt sinh năm 1959 như sau:

Không có tên trong danh sách dự thi, bảng ghi tên ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp ba năm 1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp ba bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh.

Vuong Tan Viet.jpg
Thượng toạ Thích Chân Quang có tên khai sinh là Vương Tấn Việt. (Ảnh: GHPGVN)

Ông Vương Tấn Việt hay còn gọi là Thượng tọa Thích Chân Quang (sinh năm 1959) là cử nhân ngành tiếng Anh - Trường Đại học Ngoại ngữ (nay là Trường Đại học Hà Nội); cử nhân văn bằng 2 ngành luật (tốt nghiệp loại giỏi), tiến sĩ luật - Trường Đại học Luật Hà Nội.

Trong thông tin phát đi chiều ngày 13/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bước đầu xác minh được việc nghi vấn về giá trị của tấm bằng này (bằng bổ túc văn hóa) là có căn cứ. Tuy nhiên, Bộ vẫn cần tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng và cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ hơn những thông tin quan trọng khác, bao gồm, xác minh đó có đúng là văn bằng của ông Vương Tấn Việt với các thông tin như vậy hay không; nếu thông tin văn bằng nói trên không trùng với thông tin văn bằng do ông Vương Tấn Việt sở hữu thì cần tiếp tục làm rõ theo các kênh khác.

Về thẩm định chất lượng luận án tiến sĩ của ông Vương Tấn Việt, theo quy định hiện hành về đào tạo tiến sĩ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã gửi các chuyên gia phản biện độc lập thẩm định chất lượng luận án; trên cơ sở kết quả thẩm định, Bộ sẽ tiến hành thành lập Hội đồng thẩm định luận án theo đúng quy định. Quy trình này cần thêm thời gian để tổ chức thực hiện.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cẩn trọng, tuân thủ đúng quy định của pháp luật liên quan đến vụ việc trên là cần thiết.

Tuy nhiên, có rất nhiều vấn đề được đặt ra nếu đúng là ông Vương Tấn Việt chưa có bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 mà học đại học, tiến sĩ.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng, chúng ta thường lên án sự bất liêm trong khoa học. Ví dụ như nghiên cứu sinh, thạc sĩ thuê người viết luận án, luận văn. Sự giả dối ở bất cứ đâu cũng là tai hại, đặc biệt là trong môi trường giáo dục.

Giáo sư Dong cho rằng, nếu đúng ông Vương Tấn Việt chưa có bằng tốt nghiệp bổ túc, trong khi đã là tiến sĩ ngành luật học là hành vi bất liêm trong khoa học, cần phải xử lý nghiêm trước pháp luật.

Ông chia sẻ, luận án làm trong khoảng hai, ba năm bất kể ai cũng đều có thiếu sót, vì vậy hội đồng chấm luận án phải phản biện.

"Tôi từng làm chủ tịch chấm hàng trăm luận án, và không bao giờ có một đề tài nào hoàn hảo. Bởi lẽ, một lĩnh vực rộng lớn, nghiên cứu sinh có thể sai về mặt học thuật, phương pháp, tri thức chuyên môn. Những sự non nớt của người làm luận án phải được nêu rõ, để họ rút kinh nghiệm, người sau mới hiểu làm khoa học là nghiêm túc như nào, không nên tuyệt đối hóa luận án.

Trong khi đó, tôi xem nhiều clip về buổi bảo vệ luận án của ông Vương Tấn Việt được chia sẻ thì hội đồng chấm luận án không có mấy ý kiến phản biện mà đều vỗ tay rầm rầm....", Giáo sư Dong nói.

Từng đào tạo, hướng dẫn nhiều tiến sĩ, Giáo sư Phạm Tất Dong luôn có quan điểm, những người được đào tạo để thành tiến sĩ là để làm nghiên cứu khoa học và giáo dục. Việc ông Vương Tấn Việt (pháp danh Thích Chân Quang) học tiến sĩ luật học, cũng khiến nhiều người đặt câu hỏi về việc, liệu ông Việt có làm được luật sư hay không?.

Chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, nếu ông Vương Tấn Việt chưa có bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 (hoặc bằng tốt nghiệp cấp 3), các cơ sở giáo dục đào tạo ông Vương Tấn Việt ở trình độ cao hơn bằng bổ túc sẽ thu hồi bằng tốt nghiệp cử nhân, tiến sĩ của ông này. Ông Việt sẽ không được công nhận kết quả học tập.

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến cho rằng, việc các cơ sở giáo dục đại học để phát hiện ra bằng không hợp pháp của người học là điều không hề dễ dàng bởi mắt thường khó nhận biết được.

"Trước đây, khi tôi còn làm Vụ phó Vụ giáo dục Đại học, nếu có người đến tố trường hợp nào đó sử dụng bằng đại học giả, tôi sẽ xem sổ cấp phát văn bằng xem có tên trong sổ hay không...", Tiến sĩ Khuyến chia sẻ.

Một số ý kiến chuyên gia cũng băn khoăn, nếu đúng ông Vương Tấn Việt chưa có bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 mà vẫn "tà tà" vượt qua chương trình đào tạo đại học, cao học. Thậm chí, ông Việt còn được cấp bằng cử nhân Luật bằng thứ 2 – Vừa làm vừa học của Trường Đại học Luật Hà Nội, xếp hạng tốt nghiệp loại Giỏi, có bằng tiến sĩ luật trong 2 năm 3 tháng. Vậy học đại học, cao học dễ đến thế sao?

Ông Vương Tấn Việt hay còn gọi là Thượng Tọa Thích Chân Quang (trụ trì Thiền Tôn Phật Quang, tại thị xã Phú Mỹ, Bà Rịa - Vũng Tàu) từng bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật do có một số nội dung thuyết giảng về giáo lý Nhân quả không đúng chánh pháp, gây hoang mang trong xã hội, làm suy giảm niềm tin Phật pháp và ảnh hưởng đến uy tín của Giáo hội.

Theo đó, ông Thích Chân Quang không được thuyết giảng dưới mọi hình thức, không chủ trì tổ chức các sự kiện tập trung đông người tại Thiền tôn Phật Quang và các địa điểm khác trong thời gian 2 năm.

Mạnh Đoàn