Bổ sung thêm mức “đạt có điều kiện” đối với kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, đề xuất thêm các tiêu chí điều kiện là các tiêu chí bắt buộc để chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng là những điểm mới đáng chú ý tại dự thảo Thông tư quy định về kiểm định chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (sửa đổi Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT về kiểm định chương trình đào tạo đại học, cao đẳng sư phạm - gọi tắt là Thông tư 04 và thay thế các Thông tư có liên quan).
Dự thảo Thông tư mới bao gồm bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng; quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
Chương trình đào tạo “trượt” kiểm định nếu 5/10 tiêu chí điều kiện không đạt
Về bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo, dự thảo Thông tư mới đề xuất 8 tiêu chuẩn với 52 tiêu chí. So với Thông tư 04, bộ tiêu chuẩn mới đã được rút gọn 3 tiêu chuẩn nhưng tăng thêm 2 tiêu chí (Thông tư 04 gồm 11 tiêu chuẩn với 50 tiêu chí).
Đáng chú ý, trong tổng số 52 tiêu chí theo bộ tiêu chuẩn đánh giá mới, có 10 tiêu chí điều kiện là các tiêu chí bắt buộc để chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn chất lượng. Mỗi tiêu chuẩn đều có 1 đến 2 tiêu chí điều kiện bắt buộc.
Chương trình đào tạo sẽ được đánh giá ở mức không đạt nếu có từ 05 tiêu chí điều kiện được đánh giá ở mức không đạt.
Các tiêu chí điều kiện bao gồm:
Tiêu chí 1.3 và Tiêu chí 1.6 thuộc Tiêu chuẩn 1 về mục tiêu và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo:
Tiêu chí 1.3: Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phù hợp với Khung trình độ quốc gia Việt Nam, bao gồm chuẩn đầu ra chung và chuẩn đầu ra riêng biệt.
Tiêu chí 1.6: Chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo được đo lường đánh giá tại thời điểm người học tốt nghiệp.
Tiêu chí 2.2 và Tiêu chí 2.4 thuộc Tiêu chuẩn 2 về cấu trúc và nội dung chương trình đào tạo:
Tiêu chí 2.2: Cấu trúc và nội dung của chương trình đào tạo được thiết kế và phát triển theo cách bảo đảm người học đạt được chuẩn đầu ra và có khối lượng học tập phù hợp với quy định.
Tiêu chí 2.4: Đóng góp của từng học phần trong việc đạt được chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo là rõ ràng.
Tiêu chí 3.2 thuộc Tiêu chuẩn 3 về hoạt động dạy và học:
Tiêu chí 3.2: Các hoạt động dạy và học được thiết kế tương thích với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Tiêu chí 4.5 thuộc Tiêu chuẩn 4 về đánh giá kết quả học tập:
Tiêu chí 4.5: Các phương pháp đánh giá kết quả học tập bảo đảm đo lường được mức độ đạt chuẩn đầu ra của từng học phần và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo.
Tiêu chí 5.2 thuộc Tiêu chuẩn 5 về đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên:
Tiêu chí 5.2: Số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình đào tạo theo quy định; khối lượng công việc của đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên được đo lường, giám sát để cải tiến chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và phục vụ cộng đồng.
Tiêu chí 6.1 thuộc Tiêu chuẩn 6 về các dịch vụ hỗ trợ người học:
Tiêu chí 6.1: Chính sách, tiêu chí và quy trình tuyển sinh được xác định rõ ràng theo yêu cầu của chương trình đào tạo; được công bố công khai và được cập nhật.
Tiêu chí 7.3 thuộc Tiêu chuẩn 7 về cơ sở hạ tầng và trang thiết bị:
Tiêu chí 7.3: Có thư viện, thư viện số và nguồn học liệu được cập nhật đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học, có cập nhật tiến bộ về công nghệ thông tin - truyền thông.
Tiêu chí 8.2 thuộc Tiêu chuẩn 8 về đầu ra và kết quả đầu ra:
Tiêu chí 8.2: Tỉ lệ việc làm bao gồm cả tự tạo việc làm, khởi nghiệp và học tập nâng cao trình độ của người học được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng.
Về quy trình, dự thảo Thông tư mới giữ nguyên quy trình kiểm định chất lượng chương trình đào tạo theo 4 bước: Tự đánh giá; Đánh giá ngoài; Thẩm định kết quả đánh giá; và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục.
Về chu kỳ, dự thảo Thông tư mới có sự điều chỉnh như sau: giữ nguyên chu kỳ 5 năm đối với chương trình đào tạo được đánh giá ở mức đạt (chu kỳ I).
Đối với chương trình đào tạo được đánh giá ở mức đạt từ chu kỳ II trở đi và có kết quả cải tiến chất lượng đáp ứng yêu cầu theo kết quả đánh giá ở chu kỳ liền trước đó thì thời gian kiểm định chất lượng tiếp theo đối với chương trình đào tạo là 7 năm - được kéo dài thêm 2 năm so với quy định hiện hành (5 năm).
Cơ hội cho chương trình đào tạo “gần đạt"
Về cách đánh giá, dự thảo Thông tư mới đã thay đổi cách đánh giá tiêu chí, tiêu chuẩn và chương trình đào tạo.
Cụ thể, theo quy định tại Thông tư 04, đánh giá tiêu chí gồm 7 mức từ 1-7 còn dự thảo Thông tư mới chỉ còn 2 mức (đạt/không đạt).
Với chương trình đào tạo, hiện nay kết quả đánh giá chỉ có 2 mức đạt hoặc không đạt, tuy nhiên theo dự thảo Thông tư mới, kết quả đánh giá chất lượng chương trình đào tạo được bổ sung thêm 1 mức là “đạt có điều kiện”.
Theo đó, dự thảo Thông tư mới đề xuất 3 mức đánh giá chất lượng chương trình đào tạo như sau:
Đạt: Chương trình đào tạo được đánh giá ở mức đạt khi tất cả tiêu chuẩn được đánh giá ở mức đạt.
Đạt có điều kiện: Chương trình đào tạo được đánh giá ở mức đạt có điều kiện khi có 01 hoặc 02 tiêu chuẩn và có không quá 16 tiêu chí được đánh giá ở mức không đạt.
Không đạt: Chương trình đào tạo được đánh giá ở mức không đạt khi có trên 2 tiêu chuẩn hoặc từ 05 tiêu chí điều kiện được đánh giá ở mức không đạt.
Dự thảo Thông tư mới quy định, trong thời gian không quá 18 tháng kể từ ngày chương trình đào tạo được công nhận đạt có điều kiện, cơ sở đào tạo phải tiếp tục thực hiện cải tiến chất lượng để được đánh giá ở mức đạt.
Trong đó, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sẽ phân công thành viên đoàn đánh giá ngoài đã thực hiện đánh giá tiêu chí, tiêu chuẩn chưa đạt yêu cầu hoặc thành viên khác cùng đoàn đánh giá ngoài thực hiện việc đánh giá lại tiêu chí, tiêu chuẩn đó tại cơ sở đào tạo.
Sau khi được đánh giá lại, nếu đáp ứng quy định, cơ sở đào tạo sẽ được tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thẩm định kết quả đánh giá, từ đó công nhận và cấp giấy chứng nhận (có giá trị 5 năm kể từ ngày kí).
Nếu hết thời hạn 18 tháng sau khi được công nhận ở mức đạt có điều kiện, chương trình đào tạo vẫn không đáp ứng chuẩn theo quy định thì sẽ phải thực hiện việc kiểm định lại từ đầu theo quy trình kiểm định chất lượng giáo dục.
Ngoài ra, so với Thông tư 04, dự thảo Thông tư mới cũng có nhiều điều chỉnh liên quan đến các hoạt động tự đánh giá, đánh giá ngoài và thẩm định kết quả đánh giá chất lượng chương trình đào.
Trong đó, yêu cầu số hóa các minh chứng và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục.
Ngoài báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo về kết quả triển khai công tác kiểm định chất lượng giáo dục, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục cần định kỳ, thường xuyên cập nhật hoạt động kiểm định vào phần mềm Quản lý Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Tương tự, cơ sở đào tạo cũng cần cập nhật hoạt động và kết quả kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; thông tin về kết quả tự đánh giá giữa chu kỳ vào phần mềm Quản lý Hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Ngoài ra, dự thảo Thông tư mới cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong việc cam kết về việc bảo đảm việc duy trì ngành, tự đánh giá đạt chuẩn chương trình đào tạo, giảm tải việc hành chính đối với kiểm định viên, để thực hiện đúng tinh thần của kiểm định chất lượng đó là tư vấn, hỗ trợ.