Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý và sự việc này đang nhận được sự quan tâm của nhiều người. Bởi, đây là thời điểm trước thềm năm học mới và cũng là năm cuối cùng thực hiện cuốn chiếu Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Đọc dự thảo Thông tư và so sánh với Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012, chúng tôi không tránh khỏi những băn khoăn. Mặc dù dự thảo có một số điểm mới nhưng những điểm mới chưa tạo được sự yên tâm cho nhiều phụ huynh có con đang theo học ở các cấp học phổ thông.
Bởi lẽ, những năm qua, chuyện dạy thêm, học thêm chưa tạo được sự yên tâm, đồng thuận của dư luận- nhất là tình trạng dạy thêm cho học sinh chính khóa. Những chữ “cấm” trong Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT đã không phát huy được tác dụng.
Bây giờ, dự thảo Thông tư mới được công bố, về lý thuyết sẽ thấy có những ràng buộc nhất định nhưng nhiều ý kiến cho rằng một khi không còn cấm dạy thêm các môn văn hóa ở cấp Tiểu học; không cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa giống như chuyện “thả hổ về rừng” vậy.
Nguyên tắc dạy thêm của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT và dự thảo Thông tư không có nhiều thay đổi
Đọc lại Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT và so sánh với dự thảo Thông tư mà Bộ vừa công bố, chúng tôi nhận thấy không có nhiều thay đổi mang tính đột phá. Những ràng buộc về pháp lý, hành chính không nhiều. Việc dạy thêm trong nhà trường và ngoài nhà trường những năm tới đây sẽ giản đơn hơn.
Chúng tôi xin viện dẫn nguyên tắc dạy thêm, học thêm của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT và dự thảo về nguyên tắc dạy thêm, học thêm mà Bộ vừa công bố.
Nguyên tắc dạy thêm, học thêm |
|
Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT |
Dự thảo Thông tư |
1. Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. 2. Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá. 3. Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm. 4. Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh. 5. Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm. |
1. Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm. 2. Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam. 3. Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm. 4. Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh. 5. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày. |
Nếu so sánh nội dung “nguyên tắc dạy thêm, học thêm” giữa Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT và dự thảo Thông tư, mọi người sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng. Một số nội dung, câu từ giữa 2 văn bản này được hoán đổi vị trí cho nhau.
Ví dụ, tại mục 3 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định: “Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm”.
Tương tự, mục 1 của dự thảo trong phần nguyên tắc dạy thêm, học thêm yêu cầu: “Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm”.
Một vài điểm khác biệt như ở mục 5 của dự thảo quy định: “Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày” nhưng nội dung này lại nằm trong khoản 1, Điều 4 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT.
Nhưng, trong “nguyên tắc dạy thêm” ở Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT tạo được sự yên tâm hơn khi quy định: “Học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh”.
Dự thảo Thông tư không có nội dung này, không xác định được việc dạy thêm trong nhà trường, ngoài nhà trường cho từng đối tượng cụ thể. Vì thế, các trường (dạy thêm trong nhà trường) và các điểm dạy thêm (ngoài nhà trường) không phải đối phó việc này mà có thể xếp chung mọi đối tượng vào học thêm chung 1 lớp?
Không còn cấm cản giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa
Nếu như trước đây, tại điểm b, khoản 4, Điều 4 hướng dẫn: “Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”.
Chính vì thế, khi dạy thêm ngoài nhà trường (chủ yếu là tại nhà riêng), giáo viên dạy thêm còn e dè, sợ bị phản ánh đang dạy thêm cho học sinh chính khóa là sai quy định, có thể bị kỉ luật.
Bây giờ, theo dự thảo Thông tư, giáo viên dạy thêm chỉ cần báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định tại Điều 3 Thông tư (nguyên tắc dạy thêm, phần phía trên chúng tôi đã đề cập) là đàng hoàng dạy thêm.
Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không còn phải “ngó trước, nhìn sau” không còn phải lo lắng chuyện bị phản ánh dạy thêm cho học sinh chính khóa như trước đây nữa.
Mọi cánh cửa dạy thêm ngoài nhà trường gần như đã toang hoang và chờ vào sự trung thực của giáo viên dạy thêm khi đã cam kết “không vi phạm quy định tại Điều 3 Thông tư” với Hiệu trưởng nhà trường.
Nhưng, Hiệu trưởng cũng chỉ có thể kiểm tra, giám sát trên giấy tờ, chứ làm sao Hiệu trưởng có thể quản lý, giám sát được các lớp dạy thêm có dạy trước chương trình hay không; lớp dạy thêm học bao nhiêu em, thu bao nhiêu tiền mỗi tháng; giáo viên có vi phạm cam kết hay không?
Hơn nữa, dự thảo Thông tư còn cho phép Phó hiệu trưởng, Hiệu trưởng cũng có thể dạy thêm ngoài nhà trường thì ai quản lý ai? Cấp Sở, Phòng thì xa quá và họ còn quá nhiều việc phải làm, phải lo chứ đâu có thể giám sát được dạy thêm đang diễn ra hằng ngày.
Hơn nữa, số lượng giáo viên dạy thêm hiện nay ở các cấp học quá nhiều- nhất là địa bàn đô thị thì làm sao cơ quan chức năng quản nổi.
Vì thế, việc dạy thêm, học thêm thực hiện theo Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT- dù Bộ đã bật “đèn đỏ” để cấm dạy thêm ở Tiểu học (trừ các môn năng khiếu) và cấm giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa nhưng hơn chục năm qua, nhiều giáo viên dạy thêm phạm vào điều “cấm” mà cũng chưa thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử phạt được ai.
Bây giờ, dự thảo gần như đã bỏ gần hết “đèn đỏ” để bật toàn “đèn xanh” thì dạy thêm, học thêm càng phức tạp. Học sinh bây giờ đi học thêm không chỉ ở những lớp cuối cấp mà lớp nào cũng phải đi học thêm. Nghịch lý ở chỗ, giáo viên dạy giỏi các cấp, học sinh xếp loại tốt (giỏi) ở trường học ngày càng nhiều. Thế nhưng, tình trạng dạy thêm, học thêm vì sao vẫn thấy tổ chức ở nhiều trường?
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.