Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý. Thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024.
Dự thảo lần này có rất nhiều điểm mở, thoáng hơn rất nhiều so với Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm như: không cấm dạy thêm học sinh tiểu học, không yêu cầu giáo viên dạy học sinh chính khóa phải có sự đồng ý hiệu trưởng, không yêu cầu sắp lớp học thêm phải có trình độ tương đương,…
Tuy nhiên, qua trao đổi với nhiều đồng nghiệp, chỉ một số ít giáo viên có dạy thêm đồng tình với những điểm mới của dự thảo, đa số giáo viên còn lại đều chưa đồng tình, còn rất nhiều băn khoăn, lo lắng việc “mở cửa” dạy thêm để lại nhiều hậu quả, lợi bất cập hại.
Nếu quá "mở" cho dạy thêm học thêm thì “lợi bất cập hại”
Thực tế một số nước có nền giáo dục tiên tiến, hiện đại đã cấm dạy thêm để giáo viên chuyên tâm dạy trên lớp, để học sinh chuyên tâm tự học, rèn kỹ năng sống,… [1]
Thời gian qua, Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm có một số quy định, một số điều như cấm dạy thêm tuy nhiên chưa triệt để, tình trạng dạy thêm học thêm vẫn gây nhiều bức xúc, nay với dự thảo mới, dạy thêm quá “thoáng” sẽ có thể dẫn đến nhiều tiêu cực, hệ lụy như:
Học sinh dễ bị o ép học thêm tràn lan, giáo viên có nhu cầu dạy thêm thu tiền sẽ có đủ mọi cách để lách quy định và tìm mọi cách để lôi kéo học sinh học thêm để thu tiền, khi học sinh học thêm quá mức thì các em mất đi tính tự tin, mất khả năng tự học, mất đi thời gian quý báu của tuổi thơ vừa học kiến thức vừa rèn phẩm chất, kỹ năng sống,…
Giáo viên dạy thêm quá mức sẽ không còn chuyên tâm, chú trọng dạy trên lớp, chỉ quan tâm đến việc lôi kéo học sinh học thêm thu tiền, dễ lôi kéo, dùng chiêu trò ép học sinh chính khóa.
Thực tế giảng dạy hơn 20 năm, người viết chưa thấy một giáo viên nào dạy thêm học sinh chính khóa thu tiền mà công bằng với các em không đi học, không có sự ưu ái về đề kiểm tra thì ưu ái về điểm số, thái độ,…vì đã nhận tiền từ dạy thêm thì người học là “thượng đế”, không thể thần thánh hóa giáo viên, nhận tiền mà đối xử công bằng.
Thời gian qua ngành giáo dục có một số chuyển biến tích cực, đa số giáo viên đều quan tâm, thương yêu học sinh, giáo viên không dạy thêm thì đa số giảng dạy và giáo dục hết mình, thương yêu học sinh, ở chiều ngược lại một số trường hợp mâu thuẫn, mất đoàn kết nội bộ,..phần nhiều có nguyên nhân dạy thêm tràn lan, o ép học sinh học thêm gây ra.
Giáo viên dạy thêm quá nhiều, dẫn đến học sinh học thêm nhiều khiến phụ huynh phải tốn nhiều tiền để lo kinh phí cho con học thêm, ảnh hưởng đến cuộc sống của các gia đình còn khó khăn, vất vả,…
Giáo viên dạy thêm nhiều còn ảnh hưởng đến tâm sinh lý của một số học sinh, học sinh không có điều kiện học thêm thì thu mình, lo sợ bị trù ép, học sinh học thêm thì ỷ lại, thiếu phấn đấu, nhiều em học sinh lại có ý định sau này thi vào ngành sư phạm, mục đích ra trường chỉ để được dạy thêm, kiếm thật nhiều tiền từ dạy thêm.
Và, người viết cho rằng chương trình giáo dục phổ thông mới với những mục tiêu cụ thể thì phải hạn chế tối đa dạy thêm, học thêm, nay dự kiến “mở cửa” để giáo viên “đàng hoàng” dạy thêm là còn chưa thật sự thuyết phục, còn nhiều băn khoăn, lo lắng,…
Có ý kiến thà “mở cửa” để giáo viên “đàng hoàng” dạy thêm còn hơn để giáo viên bán hàng online, môi giới bất động sản, [2] …quan điểm này người viết không đồng tình. Thực chất dạy thêm chỉ làm giàu cho một số người, dạy ở một số môn học, “mở cửa” dạy thêm nhưng không cải thiện thu nhập tổng thể thì giáo viên ở các môn không dạy thêm hay giáo viên vẫn phải bươn chải đủ nghề tay trái để kiếm sống, vẫn bán hàng online, môi giới bất động sản,..
Cải thiện thu nhập tổng thể giáo viên, siết dạy thêm dạy thêm sẽ tốt hơn rất nhiều so với “mở cửa” dạy thêm vì dạy thêm chỉ có lợi cho một bộ phận nhỏ giáo viên, không phản ánh mặt bằng thu nhập chung của giáo viên, dễ gây bất công.
Một số góp ý về nguyên tắc dạy thêm trong dự thảo dạy thêm học thêm
Trong toàn văn dự thảo Thông tư dạy thêm học thêm, người viết cho rằng để việc quản lý và thực hiện tốt cũng như xử lý việc dạy thêm trái quy định thì nguyên tắc dạy thêm là vô cùng quan trọng.
Người viết xin được góp ý tại Điều 3 Nguyên tắc dạy thêm học thêm như sau:
"Điều 3. Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
1. Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
2. Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.
3. Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khoẻ của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
4. Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
5. Không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày.”
Xin được góp ý, đề xuất sửa đổi ở Điều 5 và bổ sung Điều 6,7,8,9 như sau:
"Điều 3. Nguyên tắc dạy thêm, học thêm
...5. Không tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 02 (hai) buổi/ngày.
Khoản 5 này người viết đề xuất không tổ chức dạy thêm trong và ngoài nhà trường đối với trường đã tổ chức 02 buổi/ngày để phù hợp học tập, nghỉ ngơi phù hợp tâm lý, lứa tuổi học sinh.
Người viết đề xuất bổ sung khoản 6, 7, 8, 9 như sau:
6. Cấm giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh chính khóa trừ bồi dưỡng năng khiếu, kỹ năng sống,…
7. Giáo viên dạy thêm trong, ngoài nhà trường, thỉnh giảng không được vượt quá 100% tiết dạy định mức trung bình/tuần, để đảm bảo sức khỏe, phù hợp chế độ làm việc, nghỉ ngơi.
Quy định hiện nay, giáo viên cấp trung học phổ thông số tiết định mức 17 tiết/tuần thì phân công dạy thêm trong, ngoài nhà trường và thỉnh giảng 1 tuần không quá 17 tiết, nếu dạy thêm quá nhiều không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn khiến giáo viên làm việc kém hiệu quả.
8. Dạy thêm trong và ngoài nhà trường không dạy trước 6h00, sau 18h00, không dạy thêm vào các ngày lễ, Tết (các ngày nghỉ theo Luật Lao động), không dạy thêm trong tháng 6,7 (trừ ôn luyện cho học sinh lớp 9 thi tuyển sinh vào lớp 10, lớp 12 thi tốt nghiệp Trung học phổ thông)”.
9. Mỗi lớp dạy thêm ngoài nhà trường không quá 20 học sinh.
Giai đoạn hiện nay việc dạy thêm học thêm còn tồn tại nhiều bất cập, còn gây nhiều bức xúc và đang trong giai đoạn hoàn tất thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới hướng tới phát triển năng lực và phẩm chất người học, nên việc siết chặt hơn quy định, điều kiện, tiêu chuẩn dạy thêm học thêm để giáo viên chuyên tâm thực hiện chương trình mới, dạy hết mình trên lớp, yêu thương và đối xử công bằng với tất cả người học, sẽ có nhiều ý nghĩa tốt đẹp hơn.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://vietnamnet.vn/cac-quoc-gia-nao-cam-viec-day-them-hoc-them
[2] https://vietnamnet.vn/cho-phep-day-them-con-hon-de-giao-vien-ban-hang-lam-moi-gioi-bat-dong-san-2316810.html
[3] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/toan-van-du-thao-thong-tu-quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-119240823111056922.htm
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.