TPHCM: Có ý kiến đề xuất phân luồng sau THCS theo từng địa phương

20/09/2024 06:28
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Quận 1, TPHCM đề xuất, các cấp lãnh đạo nên đưa ra chỉ tiêu phân luồng dựa trên vùng miền, đặc thù của từng địa phương,

Bà Trần Đức Hạnh Quỳnh – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh như vậy Hội nghị sơ kết một năm triển khai thực hiện chương trình phối hợp về định hướng phân luồng và giáo dục nghề nghiệp đối với học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông giai đoạn 2023 – 2025.

Hội nghị do Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào ngày 19/9.

Đến tham dự hội nghị có bà Trần Thị Diệu Thúy – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với đại diện các Sở, ban ngành có liên quan, lãnh đạo các trường trung học phổ thông, các Phòng Giáo dục và Đào tạo quận, huyện và thành phố Thủ Đức.

26,19% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề

Báo cáo tại hội nghị, bà Huỳnh Lê Duy Trang – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 – 2025” do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã xác định, mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Tuy nhiên, hiện tại thì tỷ lệ này bình quân hàng năm tại thành phố chỉ đạt 26,19%, dự báo có nhiều thách thức lớn trong việc thực hiện đề án trong năm 2025.

Đồng quan điểm như vậy, thầy Nguyễn Đăng Lý – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, tỷ lệ học sinh vào học sơ cấp và trung cấp nghề còn thấp, trong khi đó thì một tỷ lệ không nhỏ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tham gia vào thị trường lao động nhưng lại không qua đào tạo, đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và cơ cấu đào tạo của lực lượng lao động.

gdvn_HanhQuynh.jpg
Bà Trần Đức Hạnh Quỳnh - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 phát biểu tại hội nghị (ảnh: V.D)

Tại địa bàn Quận 1, bà Trần Đức Hạnh Quỳnh – Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận nhấn mạnh, công tác phân luồng học sinh sau cấp trung học cơ sở trên địa bàn vẫn chưa đạt nhiều hiệu quả, là do điều kiện kinh tế của phần lớn hộ gia đình khá hơn, nên chỉ muốn con em mình vào học đại học, cao đẳng.

Nhiều phụ huynh cho rằng, sau trung học cơ sở là lứa tuổi chưa trưởng thành, trong khi tại các trường nghề thì giáo trình đào tạo còn lạc hậu, không đáp ứng nhu cầu của xã hội. Học sinh học nghề sau khi ra trường khó tìm được việc làm, nên phụ huynh cũng chưa muốn cho con em đi theo học nghề.

Ngoài ra, đại diện cho Quận 1 cho rằng, hệ thống các trường trung học phổ thông công lập, ngoài công lập, giáo dục thường xuyên cũng nhiều, nên phụ huynh cũng không mấy mặn mà với trường nghề.

Nguyên nhân của công tác phân luồng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, theo ông Trần Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh là do tại các trường trung học hiện nay chưa có lực lượng chuyên trách về tư vấn hướng nghiệp, giáo viên kiêm nhiệm thì không được đào tạo về chuyên môn nên còn thiếu kinh nghiệm từ thực tiễn.

“Đồng thời, nhiều trường trung học chưa tổ chức cho học sinh giao lưu, gặp gỡ, tìm hiểu nghề nghiệp ở các lĩnh vực lao động khác nhau, đưa học sinh đi tham quan thực tế ở các xí nghiệp sản xuất, các công ty để tìm hiểu ngành nghề mà mình yêu thích” – ông Trần Anh Tuấn thông tin.

gdvn_HSthinghe.jpg
Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tranh tài tại cuộc thi nghề (ảnh minh họa: V.D)

Ngoài ra, cơ sở vật chất của nhiều trường lại không đủ điều kiện để tổ chức các hoạt động hướng nghiệp khác nhau, dẫn đến các buổi hướng nghiệp còn nhiều rập khuôn, hạn chế trong việc cung cấp thông tin các ngành nghề.

Nên đưa ra chỉ tiêu phân luồng dựa trên vùng miền

Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Quận 1 Trần Đức Hạnh Quỳnh đề xuất, các cấp lãnh đạo nên đưa ra chỉ tiêu phân luồng dựa trên vùng miền, đặc thù của từng địa phương, ưu tiên đầu tư đồng bộ cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có chất lượng cao, nhất là những cơ sở thực hiện chức năng đào tạo và thực hành, cơ sở có nghề trọng điểm, nghề kỹ thuật cao, nghề “xanh”, bố trí ngân sách hỗ trợ các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, phát triển chế độ ưu đãi cho học sinh tham gia phân luồng thành một chính sách của xã hội.

Để tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thu hút học sinh, thầy Nguyễn Đăng Lý – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho phép các trường nghề đủ điều kiện có thể dạy hệ giáo dục thường xuyên trong nhà trường.

“Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia giảng dạy, tư vấn hướng nghiệp tại các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông. Sở Lao động Thương binh và Xã hội cần tập hợp, xây dựng các chương trình tư vấn hướng nghiệp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực tiếp dạy, đảm bảo tính thực tiễn”.

gdvn_hoinghiLHP.jpg
Toàn cảnh hội nghị được tổ chức vào ngày 19/9/2024 (ảnh: V.D)

Ngoài ra, Sở này cũng cần cung cấp các khóa đào tạo chuyên sâu cho giáo viên về tư vấn hướng nghiệp, giúp họ có kỹ năng phân tích năng lực, có kiến thức về những sở thích của học sinh. Phòng Lao động Thương binh và Xã hội các quận, huyện nên có cơ chế linh hoạt trong việc thực hiện thanh toán tiền hỗ trợ học nghề, tạo điều kiện cho các trường được nhận trực tiếp kinh phí hỗ trợ khi có xác nhận của phụ huynh.

Về nội dung đào tạo, Thạc sĩ Hoàng Phan Bá Phương – Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sau mỗi khóa học, trường nghề cần phải thực hiện một cuộc khảo sát từ học sinh, phụ huynh và doanh nghiệp để điều chỉnh, cập nhật chương trình đào tạo, đáp ứng với yêu cầu của thực tiễn, mời doanh nghiệp tham gia góp ý, để bổ sung kịp thời những kiến thức, công nghệ mới vào giảng dạy.

Song song đó, mỗi năm, các trường đều nên xin phép mở mới ít nhất từ 1 đến 2 ngành học, để người học có thêm nhiều sự lựa chọn nghề nghiệp, tổ chức đa dạng hình thức đào tạo theo khả năng, mục tiêu của học sinh.

Việt Dũng