5 góp ý về dự thảo Thông tư quy định dạy thêm học thêm

07/10/2024 08:36
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Giáo viên dạy chính khóa vừa dạy trên lớp, vừa dạy thêm tại nhà, ra đề kiểm tra, vừa chấm bài, vừa đánh giá,...nên sẽ có đủ cách để kéo học sinh học thêm.

Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý. Thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024.

Dự thảo thông tư này sau khi được thông qua sẽ thay thế Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16/5/2012 ban hành Quy định về dạy thêm, học thêm.

GDVN_dạy thêm.png
Ảnh minh họa: Giaoduc.net.vn

Chỉ còn 1 thời gian ngắn nữa sẽ hết hạn góp ý dự thảo về dạy thêm học thêm, là giáo viên trực tiếp đứng lớp từng chứng kiến hàng loạt bất hợp lý của việc dạy thêm thời gian qua, cùng với việc theo dõi ý kiến của những giáo viên, phụ huynh,...người viết xin được có những góp ý về dự thảo Thông tư dạy thêm dạy thêm của Bộ Giáo dục và Đào tạo như sau:

Thứ nhất, nên cấm giáo viên dạy học sinh chính khóa

Hơn 20 năm giảng dạy, người viết quan sát thấy đa số bất cập dạy thêm như o ép, nâng điểm, đối xử bất công,...đều xuất phát từ việc dạy thêm học sinh chính khóa.

Giáo viên dạy giỏi, dạy tốt học sinh sẽ tự tìm đến học không nhất thiết cho phép dạy học sinh chính khóa.

Giáo viên dạy chính khóa vừa dạy trên lớp, vừa dạy thêm tại nhà, vừa ra đề kiểm tra, vừa chấm bài, vừa đánh giá, nhận xét học sinh,...nên sẽ có đủ cách để kéo học sinh học thêm.

Nếu cấm dạy học sinh chính khóa, người viết cho rằng sẽ giảm được đa số vụ việc về tiêu cực dạy thêm học thêm.

Thứ hai, tiếp tục cấm dạy thêm học sinh tiểu học

Học sinh tiểu học học chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo định hướng dạy 2 buổi/ngày, các em học sinh tiểu học, tuổi nhỏ, mục tiêu chương trình chủ yếu cung cấp kiến thức cơ bản, thời gian rèn luyện phẩm chất nhiều hơn là nhồi nhét kiến thức.

Học sinh tiểu học ngoài học 2 buổi ở trường còn tham gia các hoạt động tuổi thơ, học thêm sẽ lợi bất cập hại, quá tải đối với học sinh.

Thứ ba, cần phải quy định cụ thể thời gian dạy thêm học thêm

Bất hợp lý hiện nay là không có quy định cụ thể về thời gian dạy thêm học thêm nên dẫn đến nhiều vụ việc dạy thêm bất chấp.

Có trường hợp dạy thêm sáng, sau 20h buổi tối, có cả dạy thêm lúc 12h trưa, giáo viên dạy thêm cả ngày Chủ nhật, nghĩ Lễ. Tết, nghỉ hè,...dạy bất chấp để dạy càng nhiều học sinh thì thu nhập càng cao, không cần biết học sinh có tiếp thu, có quá tải hay không.

Người viết đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo nên quy định về thời gian dạy thêm, nghỉ ngơi của giáo viên và học sinh.

Thứ tư, làm rõ việc giáo viên công lập hưởng lương từ ngân sách dạy thêm như thế nào?

Ngành sư phạm hiện nay đang có nhiều ưu đãi như miễn học phí (nếu ra trường công tác có thời hạn trong ngành), được hỗ trợ tiền sinh hoạt phí, được thuê mượn giáo trình, học bổng (nếu kết quả tốt),...rất lớn từ ngân sách nhà nước.

Giáo viên công lập được hưởng lương, các khoản phụ cấp (ưu đãi, thâm niên, chức vụ,...) nếu đủ điều kiện, các khoản phụ cấp, trợ cấp nếu công tác tại vùng đặc biệt khó khăn,...nói chung thu nhập hiện nay cũng có sự ưu đãi nhất định so với các ngành nghề khác. Giáo viên còn được nghỉ hè, dạy theo tiết,...nên về thời gian cũng công tác ít hơn một số đơn vị sự nghiệp công lập khác.

Do đó, người viết không tán đồng việc “thoáng”, “bật đèn xanh” cho giáo viên công lập dạy thêm. Bồi dưỡng học sinh giỏi, phụ đạo học sinh yếu nên là nhiệm vụ của giáo viên, giáo viên hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp công lập nếu cho phép dạy thêm thì chỉ dạy thêm hạn chế trong 1 số trường hợp đặc biệt hoặc chỉ dạy gia sư.

Hạn chế dạy thêm thì giáo viên mới dạy hết mình trên lớp, nếu dạy thêm thu nhập cao thì sẽ dễ dẫn đến coi nhẹ việc dạy chính khóa và tìm mọi cách để o ép, lôi kéo học sinh học thêm.

Thứ năm, giáo viên nào được dạy thêm từ các trung tâm dạy thêm

Các trung tâm dạy thêm được phép hoạt động kinh doanh theo luật định là phù hợp nhằm tạo điều kiện cho một số đối tượng có thêm thu nhập, học sinh có thêm cơ hội được học tập, giao lưu, rèn kỹ năng sống,..

Tuy nhiên, theo người viết phải quy định cụ thể đối tượng được dạy thêm ở các trung tâm gồm giáo viên nghỉ hưu, giáo viên ngoài công lập, giáo viên không dạy và hưởng lương từ ngân sách hoặc giáo viên người nước ngoài có giấy phép dạy thêm.

Thời gian qua đa số vụ việc mâu thuẫn, mất đoàn kết, tiêu cực đối với ngành giáo dục có phần nhiều bóng dáng của các vi phạm, tiêu cực do dạy thêm học thêm, nên người viết xin được có một số góp ý nhằm góp phần giúp quản lý, kiểm soát dạy thêm tốt hơn, dành những điều tốt đẹp nhất cho học sinh.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam