Hệ từ xa ở HUTECH: 2 ngành tuyển nhiều nhất có học phí cao hơn các ngành khác

29/10/2024 06:22
TRÂM ANH
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Theo thông tin trường cập nhật trên website, thời gian đào tạo hệ chính quy là 4 năm, còn với hệ từ xa chỉ từ 1,5 - 3 năm dù hai hệ có cùng chuẩn đầu ra.

Năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tuyển sinh hệ đào tạo từ xa với 11 ngành bao gồm: Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng, Marketing, Ngôn ngữ Anh, Công nghệ thông tin, Tâm lý học, Luật kinh tế, Quản lý xây dựng, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Quản trị khách sạn.

Theo đó, trường tuyển sinh với 5 đợt trong năm (vào tháng 1, tháng 3, tháng 5, tháng 7, tháng 9) với tổng chỉ tiêu là 2450.

Việc tổ chức tuyển sinh liên tục như vậy đòi hỏi cơ sở giáo dục phải xây dựng các phương án bố trí và sắp xếp lớp học cho hợp lý, đảm bảo chất lượng đào tạo.

Thông tin đến phóng viên, đại diện trường cho biết, đối với hệ đào tạo từ xa, sau khi kết thúc mỗi đợt tuyển sinh, nhà trường sẽ căn cứ vào số lượng sinh viên hoàn tất thủ tục nhập học để bố trí lớp học.

Trường hợp đủ số lượng người học để mở lớp, trường sẽ mở lớp theo các đợt tuyển sinh. Trong trường học chưa đủ số lượng sinh viên, nhà trường sẽ tư vấn và hỗ trợ sinh viên ghép các đợt tuyển thành một lớp trong điều kiện vẫn có thể đáp ứng tiến độ và nhu cầu của người học.

Đối với công tác giám sát và đánh giá học viên, trước khi khóa học bắt đầu nhà trường sẽ tổ chức gặp mặt để phổ biến quy chế học vụ, hướng dẫn sinh viên sử dụng các hệ thống học tập trực tuyến như LMS của trường, sử dụng thư viện để tra cứu tài liệu phục vụ cho việc tự học, tự nghiên cứu.

Vị này cũng cho biết, đối với hệ đào tạo từ xa từ quá trình học tập cho đến thi cử đều đảm bảo tính khách quan, chính xác, công bằng, có sự giám sát hỗ trợ của hệ thống công nghệ thông tin và các bộ phận chức năng của trường.

Theo đó, mô hình đào tạo từ xa mà nhà trường đang áp dụng có các tiết học trực tuyến với sự hướng dẫn của giảng viên và sinh viên tự học trên hệ thống học liệu điện tử của nhà trường và thư viện.

Các buổi học trực tuyến đều có sự giám sát của cán bộ nhân viên, Ban Thanh tra của trường để ghi nhận và đánh giá tinh thần, thái độ học tập của sinh viên và hoạt động giảng dạy của giảng viên.

Ngoài ra, trường còn có hệ thống điểm danh trực tuyến để theo dõi tình hình học tập các lớp.

Tương tự, với các hoạt động kiểm tra, đánh giá định kỳ cũng được thực hiện trên hệ thống LMS, có sự giám sát của các nhân viên, Ban Thanh tra và các đơn vị liên quan. Hoạt động thi kết thúc học phần được thực hiện theo đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chênh lệch học phí dù trong cùng hệ đào tạo

Theo tìm hiểu của phóng viên, học phí hệ đào tạo từ xa nhà trường áp dụng với năm 2024 là 420.000 đồng/tín chỉ. Riêng các ngành Ngôn ngữ Anh, Tâm lý học có mức học phí cao hơn là 450.000 đồng/tín chỉ.

0.png
Ngành Ngôn ngữ Anh và Tâm lý học, HUTECH tuyển 600 chỉ tiêu/ngành đối với hệ từ xa

Lý giải nguyên nhân học phí của các ngành có sự chênh lệch dù cùng trong 1 hệ đào tạo, đại diện trường cho biết định mức học phí của mỗi chương trình đào tạo được xây dựng từ nhiều yếu tố.

Đối với ngành Ngôn ngữ Anh và Tâm lý học thì các chi phí cho tài liệu, nghiên cứu, thực hành, thực tế lớn hơn so với các ngành khác.

Theo đó, học phí của nhà trường đã bao gồm tài liệu học tập và các chi phí khác, đối với các ngành mới, các ngành đặc thù như Ngôn ngữ Anh hay Tâm lý học thì hệ thống các tài liệu bổ trợ, bài giảng, tài liệu tham khảo sẽ có giá cao hơn so với các ngành khác và các chi phí hỗ trợ sinh viên cũng nhiều hơn so với các ngành còn lại.

Trong khi đó, đối với hệ đào tạo đại học chính quy năm học 2024-2025, học phí cho các ngành học là 1.400.000 đồng/tín chỉ. Riêng ngành Dược học và Kỹ thuật xét nghiệm là 1.560.000 đồng/tín chỉ.

Như vậy có thể thấy, học phí giữa 2 hệ đào tạo có sự chênh lệch đáng kể. Theo phản hồi của đại diện nhà trường, sự chênh lệch về học phí như vậy là do hệ chính quy yêu cầu nhiều chi phí hơn cho cơ sở vật chất, giảng viên và các dịch vụ hỗ trợ sinh viên như thư viện, phòng thí nghiệm, phòng thực hành, các hoạt động ngoại khóa, các buổi tham quan thực tế…

Trong khi đó ở hệ đào tạo từ xa chủ yếu sử dụng công nghệ và tài liệu trực tuyến nên sẽ giảm thiểu chi phí vận hành so với việc tổ chức lớp học trực tiếp.

914274-trung-tam-thuc-hanh-may-tinh_img4.jpg
Hệ chính quy yêu cầu điều kiện cơ sở vật chất nhiều hơn nên học phí cao hơn hệ đào tạo từ xa.
Nguồn ảnh: website nhà trường

Theo đại diện nhà trường thông tin hệ từ xa và chính quy đều chung một chuẩn đầu ra song theo phóng viên nhận thấy điểm khác biệt của hệ đào tạo từ xa so với hệ đào tạo chính quy chính là thời gian đào tạo được rút ngắn.

Theo giới thiệu về chương trình đào tạo từ xa của Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh có nêu rõ: Hình thức học tập với sinh viên hệ đào tạo từ xa là ngoài giờ hành chính; thời gian đào tạo từ 1,5 - 3 năm.

thời gian đào tạo từ xa.png
Ảnh chụp màn hình

Theo đó, với thí sinh tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề, cao đẳng, cao đẳng nghề, đại học của tất cả các ngành sẽ được nhà trường xét miễn giảm các học phần đã học trong chương trình đào tạo nhằm tiết kiệm thời gian và chi phí.

Trong khi đó, thông tin tại bài viết giới thiệu ngành học nhà trường cập nhật trên website, thời gian đào tạo với hệ chính quy kéo dài trong 4 năm.

Trước những lo ngại khi người học phải học tập ngoài giờ hành chính, quỹ thời gian eo hẹp như vậy mà nhà trường lại rút ngắn thời gian đào tạo chỉ còn 1,5 - 3 năm học thì liệu trường có thể đồng bộ chất lượng đào tạo của cả 2 hệ hay không, đại diện trường cho hay: Trên thực tế, có nhiều sinh viên hệ chính quy cũng hoàn thành chương trình đào tạo đại học sớm hơn thời gian thiết kế của khóa học. Việc thời gian đào tạo ngắn hơn không ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo bởi hình thức đào tạo từ xa mà trường đang triển khai có nhiều ưu điểm.

Chẳng hạn như chương trình học tập rất linh hoạt khi trường bố trí các buổi học trực tiếp có hướng dẫn của giảng viên vào các buổi tối trong tuần và chiều thứ bảy, chủ nhật. Điều đó tạo điều kiện cho sinh viên có thể tương tác trực tiếp với giảng viên, tham gia các tiết giảng một cách phù hợp với thực tế công việc của mình.

Bên cạnh đó, trường có hệ thống học liệu trực tuyến LMS, thư viện để hỗ trợ sinh viên có thể tự học bởi sinh viên theo hệ đào tạo từ xa phần lớn đang đi làm ở các công ty, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan nên đã có một hiểu biết về thực tiễn ngành học.

Khi tham gia khóa học, sinh viên có điều kiện để trang bị chuyên sâu hơn kiến thức chuyên môn thông qua các bài giảng và hệ thống học liệu trực tuyến. Do đó, kiến thức và thực tiễn được kết hợp hài hòa và hiệu quả hơn. Vì thế, chất lượng đào tạo luôn được đảm bảo và nâng cao.

Mặt khác, trường cũng xây dựng lộ trình học tập tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên. Các học kỳ, học phần được xây dựng chi tiết, liên tục trong năm, đảm bảo cho sinh viên có năng lực học tập có thể hoàn thành chương trình học đúng thời hạn. Chất lượng đào tạo được thể hiện qua từng bài giảng, qua kết quả học tập, qua phương pháp kiểm tra, đánh giá theo chuẩn đầu ra.

Ngoài các học phần do trường mở, sinh viên có thể chủ động đăng ký các học phần bổ sung, học vượt để có thể hoàn thành chương trình học của mình. Do đó, sinh viên hoàn toàn chủ động với lộ trình học tập của bản thân dựa trên kế hoạch chung của trường.

Trường cũng tạo điều kiện cho sinh viên tham gia các hội thảo, các diễn đàn do các Khoa/Viện chuyên môn tổ chức. Qua các buổi sinh hoạt học thuật, sinh viên có điều kiện chia sẻ về các kiến thức thực tiễn và học hỏi các vấn đề lý luận, chuyên sâu.

Việc kiểm tra, đánh giá đối với hệ đào tạo từ xa cũng được triển khai dựa theo các chuẩn đầu ra, các câu hỏi luôn được xác định để đo lường các chuẩn đầu ra nhất định. Theo đó, mỗi đề thi phải đảm bảo đo lường, đáp ứng các chuẩn đầu ra của học phần. Vậy nên sinh viên thi đạt kết quả tốt có nghĩa là đã đáp ứng được chuẩn đầu ra của học phần, từ đó đảm bảo chất lượng dạy và học.

Quá trình thực tập của sinh viên hệ đào tạo từ xa thuận lợi hơn hệ chính quy

Tại khoản 7, Điều 5 Thông tư 28/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học có quy định:

Giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ chịu trách nhiệm chủ trì xây dựng, tổ chức thực hiện chương trình đào tạo và chủ trì giảng dạy chương trình theo quy định về mở ngành đào tạo và chuẩn chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo phải trực tiếp tham gia giảng dạy chương trình đào tạo từ xa.

Tối đa 30% khối lượng chương trình đào tạo từ xa được thực hiện bởi giảng viên thỉnh giảng; và được tăng lên tối đa 50% khi và chỉ khi giảng viên thỉnh giảng là giảng viên cơ hữu của cơ sở phối hợp đào tạo theo quy định tại Điều 7 của Quy chế này thực hiện trên 20% khối lượng chương trình đào tạo từ xa.

Theo thông tin đại diện trường cung cấp, hiện nay, việc bố trí và sắp xếp giảng viên đối với hệ đào tạo từ xa tại Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện theo quy định của Thông tư 28/2023, với tỷ lệ giảng viên cơ hữu chiếm 87,8%.

Cụ thể về việc triển khai, vị này cho biết căn cứ vào kế hoạch đào tạo, các Khoa/Viện trong trường sẽ bố trí giảng viên giảng dạy chương trình đào tạo từ xa trình độ đại học.

Ngoài đội ngũ giảng viên cơ hữu, nhà trường còn sử dụng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng. Đối với các giảng viên thỉnh giảng đều sẽ được kiểm tra, thẩm định hồ sơ kỹ, đáp ứng yêu cầu về chuyên môn mới được tham gia giảng dạy.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng thường xuyên giám sát chất lượng giảng dạy, việc chấp hành nội quy giảng dạy của giảng viên. Trước mỗi học kỳ, trường đều tổ chức họp mặt giảng viên, tập huấn, quán triệt cho giảng viên về nội quy, quy chế của nhà trường.

Nhận xét về đặc điểm sinh viên theo học hệ đào tạo từ xa, đại diện trường cho biết sinh viên hệ đào tạo từ xa cơ bản là đã đi làm, do đó, việc triển khai các tín chỉ thực hành, thực tập doanh nghiệp có nhiều thuận lợi hơn so với hệ chính quy.

Cụ thể, sau các buổi giảng trực tuyến, định hướng từ phía giảng viên, sinh viên sẽ đăng ký các cơ sở thực hành, thực tập. Trong trường hợp sinh viên không có cơ sở thực hành, thực tập, trường sẽ hỗ trợ giới thiệu các doanh nghiệp mà trường đã kết nối.

Đối với hệ đào tạo từ xa, việc thực hành, thực tập của sinh viên được giám sát bởi giảng viên hướng dẫn. Giảng viên sẽ xây dựng lộ trình, hướng dẫn sinh viên lên kế hoạch và căn cứ vào kế hoạch để kiểm tra quá trình thực hành, thực tập.

Kết thúc các học phần thực hành, thực tập, sinh viên phải nộp báo cáo và các nhận xét của các cơ sở thực hành, thực tập của người hướng dẫn các nội dung này ở các cơ sở thực hành, thực tập.

Căn cứ vào báo cáo, tùy từng học phần, trường yêu cầu sinh viên báo cáo trực tuyến trước Hội đồng hoặc trình bày kết quả nghiên cứu trước các giảng viên chuyên môn để có cơ sở đánh giá quá trình thực hành, thực tập.

Để đảm bảo chất lượng đào tạo cũng như đồng bộ chuẩn đầu ra với hệ chính quy, Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng đa dạng các hình thức kết thúc học phần để áp dụng với hệ đào tạo từ xa như tự luận, trắc nghiệm, vấn đáp, tiểu luận, báo cáo.

Ghi nhận theo thông tin phản hồi của nhà trường, việc tổ chức thi kết thúc học phần đối với hệ đào tạo từ xa hiện nay được thực hiện đúng theo Điều 10, Thông tư 28 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế đào tạo từ xa, trình độ đại học.

Quá trình tổ chức thi đều được triển khai nghiêm ngặt, khách quan và công bằng. Theo đó, trường thường xuyên tập huấn nghiệp vụ coi thi cho cán bộ, giảng viên, đảm bảo công tác coi thi diễn ra đúng quy chế.

Bên cạnh đó, trường cũng thường xuyên tổ chức hướng dẫn cho giảng viên về công tác ra đề thi, duyệt đề thi đáp ứng chuẩn đầu ra của học phần. Mỗi câu hỏi, nội dung của đề thi phải đáp ứng được các chuẩn đầu ra nhất định, đảm bảo đánh giá khách quan, chính xác và đo lường đúng mức độ đáp ứng chuẩn đầu ra của sinh viên.

TRÂM ANH