Lựa chọn môn thi thứ 3 ra sao?
Theo cập nhật trong dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông, tuyển sinh trung học phổ thông được tổ chức theo một trong ba phương thức: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Với phương thức thi tuyển, sẽ có ba môn thi gồm Toán, Văn và một môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do sở giáo dục và đào tạo, cơ sở giáo dục đại học lựa chọn và được công bố trước ngày 31/03 hàng năm.
Như vậy, dự thảo mới nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ đề xuất bốc thăm môn thi thứ 3 trong tuyển sinh trung học phổ thông.
Một cán bộ làm trong lĩnh vực quản lý chất lượng giáo dục cho rằng, quy định môn thi thứ 3 phải thay đổi hằng năm (có thể hiểu là môn thi thứ 3 của năm sau không được trùng với môn thi thứ 3 của năm liền kề trước đó) thì các Sở sẽ lựa chọn môn thi thứ 3 bởi một trong các phương án như: Bốc thăm trong các môn học của chương trình trung học cơ sở mà chưa được thi năm trước; quy định cố định luân phiên đều tất cả các môn trong chương trình trung học cơ sở cho hết một vòng; quy định lấy một số môn trong chương trình trung học cơ sở sau đó luân phiên.
Vấn đề ở đây là phải lựa chọn môn thi thứ 3 như thế nào để giúp chúng ta vẫn đạt được mục tiêu giáo dục và không làm mất đi tính đồng đẳng giữa các môn học (tránh việc coi môn học này là môn chính, môn kia là môn phụ), phát huy đầy đủ phẩm chất, năng lực của học sinh.
Có thể thấy, dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ đề xuất “bốc thăm môn thi thứ ba” nhưng việc thay đổi môn thi thứ ba hàng năm cũng sẽ khiến các Sở vào thế lựa chọn bằng phương án “bốc thăm”.
Đánh giá về dự thảo, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang - Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng, tính chất của kỳ xét/thi tốt nghiệp và kỳ xét/thi tuyển sinh rất khác nhau. Kỳ xét/thi tốt nghiệp chủ yếu đánh giá chất lượng việc dạy và việc học của một cấp học; những học sinh đạt chuẩn cuối cấp sẽ được công nhận tốt nghiệp. Kỳ tuyển sinh đầu cấp, trên cơ sở học sinh đạt chuẩn của cấp học trước, nhằm phân loại học sinh theo nhu cầu đào tạo của các loại hình trường, học sinh đạt (điểm) chuẩn sẽ trúng tuyển.
Do đó, trong dự thảo quy chế tuyển sinh trung học phổ thông quy định: “Đối tượng tuyển sinh trung học phổ thông là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có độ tuổi theo quy định tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học”.
Tuy nhiên, tại Điều 12, khoản 1, mục a về việc lựa chọn môn thi thứ ba quy định: “có sự thay đổi qua các năm nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản”. Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp các môn học, được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình trung học cơ sở. Việc này thuộc chức năng kỳ xét tốt nghiệp trung học cơ sở. Phải khẳng định, tất cả học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở là đảm bảo yêu cầu phẩm chất và năng lực “giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản”. Do đó không nên, một lần nữa, đưa vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 trung học phổ thông.
"Tuyển sinh trung học phổ thông có 3 phương thức: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển. Những trường có chỉ tiêu tuyển sinh bằng hoặc nhiều hơn số đối tượng tuyển sinh đăng ký dự tuyển thì chỉ cần xét tuyển, không phải tổ chức thi, đỡ tốn kém công sức và tiền của. Những trường có số đối tượng tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu thì tổ chức thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Môn thi tuyển sinh trung học phổ thông nên xác định rõ ràng, minh bạch và ổn định trong nhiều năm. Không và tuyệt đối không dùng hình thức “bốc thăm”. Tại Điều 12, khoản 1 của dự thảo quy định: môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp do Sở Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục đại học lựa chọn một trong hai phương án và công bố trước 31 tháng 3 hằng năm. Việc này sẽ dẫn đến phải “bốc thăm”, may nhờ rủi chịu, thật sự không nên.
Với quan điểm thi tuyển trung học phổ thông gọn nhẹ, không gây áp lực và tốn kém thì số môn thi có thể là 2 hoặc 3 môn. Nếu là 2 môn thì chọn Toán và Ngữ văn. Nếu là 3 môn thì chọn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ", thầy Khang góp ý cho dự thảo.
Đưa ra lý do nên chọn môn thứ ba là môn ngoại ngữ, thầy Khang phân tích: "Ngoại ngữ là một trong 8 môn bắt buộc tất cả học sinh đều phải học ở trung học phổ thông. Sau này, nếu môn tiếng Anh được quy định là ngoại ngữ 1, bắt buộc tất cả học sinh từ lớp 3 - 12 phải học thì môn thứ ba là tiếng Anh. Theo Kết luận số 91-KL/TW, từng bước đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai trong trường học, thì việc chọn môn thứ ba là ngoại ngữ là cần thiết.
Đối với việc tuyển sinh trường trung học phổ thông chuyên, ngoài hai môn thi bắt buộc Toán và Ngữ văn như học sinh không chuyên, môn thứ ba là môn thi chuyên, có đề thi riêng để chọn học sinh có năng khiếu về môn chuyên đó.
Chủ tịch Hội đồng Trường Marie Curie (Hà Nội) góp ý thêm về Điều 14, khoản 2, mục a: Quy đinh cộng 2.0 điểm ưu tiên cho “Con của người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945” và “Con của người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945”. Theo tính toán sơ bộ, các cụ lão thành cách mạng ở tuổi 95 trở lên thuộc diện này. Các cụ không thể có con (tuổi 15) thi tuyển lớp 10 từ năm 2025 trở đi. Do đó, dự thảo nên bỏ các quy định này cho phù hợp thực tế.
Cùng nêu góp ý cho dự thảo, cô Nguyễn Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Trãi (Thành phố Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) nếu bắt buộc phải thay đổi môn thi mỗi năm theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, học sinh vẫn cần được thông báo sớm để có sự chuẩn bị và ổn định tâm lý trong học tập.
Cô Mai cho rằng nên để môn thi thứ ba cố định là ngoại ngữ. Việc học ngoại ngữ không chỉ là yêu cầu bắt buộc trong chương trình giáo dục mà còn là kỹ năng thiết yếu cho học sinh trong quá trình hội nhập và phát triển. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã rất chú trọng việc giảng dạy ngoại ngữ, thể hiện qua việc thực hiện Nghị quyết 123/2019/NQ-HĐND tăng 2 tiết tiếng Anh/tuần cho học sinh phổ thông từ lớp 3 đến lớp 12 từ năm học 2019-2020 đến 2024-2025.
“Việc thay đổi liên tục có thể làm phụ huynh và học sinh lo lắng về tính ổn định. Sự thay đổi này còn có thể tạo ra tâm lý học đối phó, khiến học sinh chỉ tập trung vào những môn thi thay vì học một cách toàn diện và lâu dài”, cô Mai nhận định.
Nên giao môn thi thứ 3 cho địa phương chủ động
Cô Nguyễn Thị Minh Đông, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Châu Thành (Thành phố Vũng Tàu, Tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu) cho rằng, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay có nhiều thay đổi để phù hợp với theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó, cấu trúc đề thi hai môn Toán và Ngữ Văn năm nay đã có sự khác biệt. Ở môn Toán là trắc nghiệm kết hợp với tự luận, môn Ngữ văn có ngữ liệu sử dụng hoàn toàn bên ngoài sách giáo khoa.
Thầy cô và học sinh phải nỗ lực rất nhiều trong việc thay đổi, điều chỉnh hình thức cũng như phương pháp giảng dạy, học tập. Môn thi thứ ba thay đổi sẽ dẫn tới việc học sinh sẽ học dàn trải, thiếu trọng tâm thậm chí các em sẽ phải học thêm ở tất cả các môn rất áp lực.
Hiện tại các trường cũng đã có những phương thức, những giải pháp để quản lý dạy và học hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong đó có việc đổi mới cách ra đề, cách kiểm tra đánh giá, cách tổ chức các hoạt động để đánh giá thực chất, toàn diện; phát huy năng lực, phẩm chất người học ở các môn học.
Ngoài môn Toán và Văn là hai môn thi bắt buộc thì việc chọn môn thi thứ 3 nên giao cho các địa phương, các tỉnh chủ động lựa chọn và công khai. Tùy theo tình hình thực tế địa phương quyết định chọn môn thi thứ ba và chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục. Việc này nhằm bảo đảm sự chủ động và tăng cường phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo.
Uỷ ban nhân dân các tỉnh có thể giao cho sở giáo dục, các cơ sở giáo dục lựa chọn môn thi thứ ba và công bố ngay từ đầu năm học. Việc công khai môn thi thứ ba ngay từ đầu năm học hạn chế các vấn đề phát sinh không đáng có để học sinh, phụ huynh và các nhà trường yên tâm, chủ động hơn trong công tác ôn tập, định hướng cho học sinh và cũng không nên ổn định môn thứ ba mà có thể thay đổi hàng năm để tránh nhận thức sai về vai trò các môn học trong chương trình hay tránh học lệch.
Môn Tiếng Anh rất cần thiết và quan trọng với học sinh, đáp ứng nhu cầu hội nhập nên đa số các phụ huynh và các nhà trường đã rất quan tâm, đầu tư và đưa vào mục tiêu chiến lược, nhiệm vụ trọng tâm trong năm học của các nhà trường. Tuy nhiên không phải học sinh nào hay các địa phương đều có thế mạnh về môn học này. Đồng thời, theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các môn học khác cũng rất quan trọng, cần thiết cho học sinh cấp trung học cơ sở.
Cô Minh Đông cho rằng, môn thi thứ ba không nhất thiết cố định là môn tiếng Anh mà có thể chọn môn học bắt buộc khác trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở như dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông mới nhất là khá phù hợp.
Tuy nhiên, nên giao quyền cho các địa phương chủ động chọn môn thi và công bố môn thi thứ ba ngay từ đầu năm học, có thể là trước ngày khai giảng hàng năm để học sinh, nhà trường chủ động kế hoạch và vẫn đảm bảo chất lượng.
Về thời gian công bố môn thi, cô Nguyễn Thị Mai cho rằng, nếu tổ chức thi tuyển sinh trung học phổ thông với môn thi thứ ba thay đổi hàng năm thời gian công bố môn thi trước ngày 31/03 như dự thảo đề cập là quá muộn, sẽ ảnh hưởng đến việc ôn tập của học sinh. Theo cô Mai, học sinh cần được biết sớm kế hoạch của các sở để có đủ thời gian chuẩn bị và ôn tập môn thi một cách hiệu quả.
Dự thảo cũng đề cập đến quy trình tuyển sinh trung học cơ sở, theo đó kế hoạch tuyển sinh trung học cơ sở được công bố trước ngày 31/03 hằng năm. Theo cô Mai, thời gian này là không hợp lý vì lúc này học sinh tiểu học chưa hoàn tất chương trình, các trường không thể xây dựng kế hoạch. Cô Mai đề xuất kế hoạch tuyển sinh trung học cơ sở được hoàn tất và công bố trước 31/6 hàng năm.