Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến dư luận cho dự thảo thông tư ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.
Theo dự thảo, phương thức tuyển sinh trung học phổ thông bao gồm: Thi tuyển, xét tuyển hoặc xét tuyển kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển.
Đối với tổ chức thi tuyển, ngoài môn Toán, Ngữ văn thì dự thảo bỏ hình thức bốc thăm môn thứ 3 thay bằng hình thức Sở Giáo dục và Đào tạo “lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở. Việc lựa chọn môn thi thứ ba nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện trong giai đoạn giáo dục cơ bản” và công bố trước ngày 31 tháng 3 hằng năm.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lâm Thị Sang - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu cho biết: Môn thi thứ 3 được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo ở các tỉnh chủ động quyết định là phương án phù hợp với nhiều điểm thuận lợi.
Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ có sự chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, chỉ đạo hoạt động dạy học, tổ chức kiểm tra đánh giá và chuẩn bị chu đáo cho việc tổ chức kỳ thi. Từ đó giúp công tác tuyển sinh ở từng địa phương có sự ổn định.
Đối với các cơ sở giáo dục sẽ tạo sự chủ động cho giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học, tổ chức hoạt động dạy - học, công tác ôn luyện rải đều trong cả năm để tránh gây quá tải cho học sinh. Từ đó sẽ đảm bảo chất lượng giáo dục cũng như chất lượng, kết quả kỳ thi được tốt hơn.
Hiện nay, do áp lực phân luồng học sinh sau trung học cơ sở nên kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết.
So với kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thậm chí còn căng thẳng, áp lực hơn vì tỷ lệ chọi cao do thí sinh đăng ký theo địa bàn.
Trên cơ sở đó, bà Lâm Thị Sang cho rằng cần cân đối và xem xét phương án tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sao cho nhẹ nhàng, có sự ổn định để tạo điều kiện cho học sinh chủ động ôn tập cũng như hoàn thành kỳ thi một cách hiệu quả, chất lượng.
“Đứng ở góc độ quản lý giáo dục, chúng tôi hoàn toàn thấu hiểu những lo lắng, băn khoăn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thực trạng học tủ, học lệch của học sinh sẽ dẫn đến hệ quả không đảm bảo được mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thế nhưng, việc đánh giá năng lực của học sinh là dựa trên một quá trình chứ không phải sự đánh giá qua một kỳ thi. Trên thực tế, bên cạnh 2 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn thì học sinh vẫn phải học tập, thực hiện nghiêm túc theo kế hoạch giáo dục, kế hoạch bài dạy của giáo viên, kế hoạch giáo dục của nhà trường đối với các môn học còn lại.
Khi môn thi thứ 3 do Sở Giáo dục và Đào tạo ở các tỉnh chủ động lựa chọn sẽ có sự đánh giá, xem xét từ điều kiện thực tiễn ở từng địa phương nên sẽ giúp cho công tác tuyển sinh được nhẹ nhàng hơn, học sinh cũng bớt một phần áp lực và ổn định tâm lý để hoàn thành chương trình học trên lớp, tham dự kỳ thi trong tâm thế tốt nhất”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Lê Đình Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Cừ (Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng cho rằng áp lực đối với học sinh thi vào lớp 10 rất lớn nên cần có sự ổn định trong kế hoạch tuyển sinh để các em có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đảm bảo tinh thần học tập tốt ngay từ đầu năm học cho đến ngày tham dự kỳ thi.
Đối với môn thi thứ 3, thầy Sơn cho hay cần thống nhất sớm để tránh tình trạng có nhiều thông tin về việc thay đổi trong việc tổ chức thi tuyển, gây hoang mang cho cả phụ huynh và học sinh.
Theo thầy Sơn, môn thi thứ 3 nên giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo phụ trách để đảm bảo sự ổn định cho công tác tuyển sinh.
Trên thực tế, điều kiện kinh tế - xã hội cũng như chất lượng giáo dục ở mỗi địa phương sẽ có những đặc điểm khác nhau, khu vực miền núi sẽ khiêm tốn hơn ở đồng bằng, thành phố lớn.
Do đó, nếu các Sở được nắm quyền chủ động lựa chọn môn thi thứ 3 thì sẽ có sự cân đối, lựa chọn linh động để phù hợp với điều kiện, chất lượng giáo dục của địa phương.
Muốn hội nhập thì phải cần đến ngoại ngữ
Theo chia sẻ của bà Lâm Thị Sang, mặc dù dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông cho phép xét tuyển nhưng những năm học vừa qua, để đảm bảo chất lượng đầu vào Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bạc Liêu vẫn duy trì tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 với ba môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.
Ghi nhận từ công tác tổ chức kỳ thi trong các năm vừa qua, bà Sang cho hay việc sử dụng Tiếng Anh là môn thi thứ 3 sẽ có nhiều ưu điểm và phù hợp với tình hình thực tiễn.
Thứ nhất là phù hợp với chủ trương của Bộ Chính trị tại Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 (“… Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học…”), đáp ứng nhu cầu hội nhập và hướng tới cho người học với xu hướng thành công dân toàn cầu trong tương lai.
Thứ hai, ngoại ngữ là một trong những môn học bắt buộc ở cấp trung học phổ thông, do đó việc sử dụng môn Tiếng Anh là môn thi thứ 3 sẽ góp phần nâng cao chất lượng, năng lực học sinh đối với bộ môn này.
Theo đó, nếu năng lực, trình độ ngoại ngữ của học sinh không được cải thiện và nâng cao thì sẽ rất khó để thực hiện mục tiêu đưa Tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học.
Riêng với tỉnh Bạc Liêu, nhiều năm qua đã tổ chức thi tuyển vào lớp 10 với ba môn Toán, Ngữ Văn, Tiếng Anh nên nếu được tiếp tục sử dụng môn Tiếng Anh trong kỳ thi thì sẽ đảm bảo được sự ổn định, không gây xáo trộn và lo lắng cho cả học sinh và phụ huynh.
“Trường hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn yêu cầu thay đổi môn thi thứ 3 hàng năm thì Bộ hoặc Sở Giáo dục và Đào tạo (nếu Bộ giao quyền công bố) nên công bố sớm môn thi thứ 3 để học sinh ổn định, tập trung ôn luyện mà không phải thấp thỏm, lo âu. Mặt khác cũng giúp giáo viên, các nhà trường và cơ quan quản lý chủ động hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Ngoài ra, theo khung kế hoạch thời gian của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì năm học 2024-2025 kết thúc vào ngày 31/5/2025 và dự kiến thi tốt nghiệp trung học phổ thông vào ngày 26, 27/6/2025 (sau đó chấm thi và xét tốt nghiệp trong tháng 7).
Do đó, Vụ Giáo dục Trung học cần phối hợp với Cục Quản lý chất lượng xác định ngày thi phù hợp giữa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tránh tập trung nhiều công việc trong cùng thời gian ngắn, dễ dẫn đến những sai sót”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thông tin.
Tương tự tại thành phố Đà Nẵng, với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Sở Giáo dục và Đào tạo Đà Nẵng đã thống nhất thi 3 môn là Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh trong nhiều năm học vừa qua.
Theo đánh giá của thầy Lê Đình Sơn, việc sử dụng Tiếng Anh là môn thi thứ 3 sẽ phù hợp với điều kiện kinh tế của địa phương, góp phần xây dựng nền tảng cho thành phố Đà Nẵng phát triển như ngày hôm nay.
Theo đó, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành dự thảo Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Cừ (Sơn Trà, Đà Nẵng) đã ghi nhận ý kiến của các giáo viên trong trường. Theo đó, hầu hết thầy cô đều tâm tư, mong mỏi môn thi thứ 3 sẽ là Tiếng Anh để phù hợp với xu thế của xã hội.
Hơn hết, trong xu thế hội nhập quốc tế như hiện nay thì phải khẳng định rằng, ngoại ngữ vừa là điều kiện, vừa là phương tiện cần thiết nếu muốn hội nhập với thế giới.
“Theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 thì sẽ không đặt nặng môn học này hay xem nhẹ môn học kia. Công tác giáo dục - đào tạo tại các cơ sở giáo dục cũng phải thực hiện một cách đồng bộ và toàn diện, hướng tới phát triển phẩm chất, năng lực của người học.
Tuy nhiên, nếu muốn phát triển đất nước thì chúng ta phải hội nhập, mà muốn hội nhập thì bắt buộc phải cần đến ngoại ngữ.
Do đó, nếu môn thứ 3 là Tiếng Anh thì sẽ góp phần tạo thêm điều kiện cho đất nước hội nhập thế giới trong tương lai”, thầy Sơn tâm tư.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Cừ cũng lưu ý rằng, việc sử dụng Tiếng Anh cho môn thi thứ 3 là cần thiết nhưng vẫn cần linh động đối với những khu vực còn khó khăn, điều kiện học tập cũng như cơ hội tiếp cận với ngoại ngữ còn hạn chế.
Góp ý cho dự thảo, thầy Phạm Minh Vũ - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương (Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết, nếu xét điều kiện và tình hình chung của xã hội thì việc sử dụng Tiếng Anh là môn thi thứ 3 sẽ phù hợp và mang lại nhiều giá trị trong tương lai.
Tuy nhiên, thầy Vũ cũng trăn trở rằng hiện nay, điều kiện tiếp cận của học sinh miền núi còn khiêm tốn, hạn chế hơn nhiều so với học sinh khu vực trung tâm thành phố.
Do đó, nếu Sở Giáo dục và Đào tạo quyết định lựa chọn môn Tiếng Anh là môn thi thứ 3 thì cần có thông tin sớm đến các trường, đặc biệt là các trường ở những khu vực khó khăn để nhà trường xây dựng kế hoạch đào tạo, ôn tập cho học sinh sao cho đáp ứng được những tiêu chí, yêu cầu của kỳ thi.
Trong khi đó tại tỉnh Yên Bái, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có sự linh động trong việc sử dụng môn thi thứ 3.
Theo chia sẻ của cô Đặng Thu Hà - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Quang Trung (Yên Bái) cho biết, các năm học vừa qua trên địa bàn tỉnh với những cơ sở có điều kiện tiếp cận ngoại ngữ tốt thì Sở sẽ chỉ đạo môn thi thứ 3 là Tiếng Anh. Ngược lại, với những trường điều kiện học tập còn hạn chế, không tuyển dụng được giáo viên dạy ngoại ngữ thì Sở sẽ linh động môn thi thứ 3 là môn Lịch sử.
“Không thể phủ nhận rằng, trong thời kỳ hội nhập, ngoại ngữ là điều kiện tiên quyết, là nhu cầu cần thiết nếu muốn hội nhập quốc tế.
Nếu môn thi thứ 3 của Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là môn Tiếng Anh thì sẽ rất tốt cho học sinh trong tương lai.
Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ phù hợp với học sinh tại những khu vực có điều kiện học tập tốt. Còn những cơ sở khó khăn, điều kiện tiếp cận ngoại ngữ còn hạn chế thì vẫn cần sự linh động, ưu tiên.
Mặt khác, để cho học sinh và nhà trường có thể yên tâm, tập trung và việc dạy - học thì Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cần sớm công bố môn thi thứ 3, thậm chí nên thông tin ngay sau khi kết thúc học kỳ I để học sinh có thể xây dựng kế hoạch học tập, ôn luyện cho mình từ sớm”, cô Đặng Thu Hà chia sẻ.