Đây là câu hỏi nhận được nhiều quan tâm của giáo viên hiện nay, nhất là khi các cấp học phổ thông đã thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, có nơi giáo viên được phân công theo định mức mỗi tuần, có nơi phân công theo định mức năm học, nên cả cơ sở giáo dục và giáo viên đều băn khoăn về quy định hiện hành.
Trong bài viết hôm nay xin được làm rõ những thắc mắc trên.

Quy định hiện nay, giáo viên phổ thông làm việc theo định mức số tiết dạy mỗi tuần
Mặc dù có một số quan điểm về việc giáo viên phổ thông giảng dạy đảm bảo đủ số tiết trên mỗi năm học, có thể có tuần thực hiện nhiều, có tuần thực hiện ít miễn sao đảm bảo đủ số tiết giảng dạy trên mỗi năm học.
Một số trường trung học cơ sở đối với môn tích hợp Khoa học tự nhiên, nếu phân công dạy theo chủ đề, khi đến chủ đề của mình có tuần giáo viên dạy trên 40 tiết, có tuần lại nghỉ không dạy hoặc dạy rất ít tiết.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, căn cứ pháp lý về định mức giờ dạy của giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) vẫn đang thực hiện theo Quy định của Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT, được bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT (hợp nhất với Văn bản hợp nhất 03/VBHN-BGDĐT năm 2017) về chế độ làm việc giáo viên phổ thông.
Theo đó, tại Điều 6. Định mức tiết dạy quy định:
“Định mức tiết dạy là số tiết lý thuyết hoặc thực hành của mỗi giáo viên phải giảng dạy trong một tuần, cụ thể như sau:
1. Định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết;
2. Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc nội trú là 17 tiết ở cấp trung học cơ sở, 15 tiết ở cấp trung học phổ thông;
Định mức tiết dạy của giáo viên trường phổ thông dân tộc bán trú là 21 tiết ở cấp tiểu học, 17 tiết ở cấp trung học cơ sở;
Định mức tiết dạy của giáo viên trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật là 21 tiết đối với giáo viên ở cấp tiểu học, 17 tiết đối với giáo viên ở cấp trung học cơ sở.
2a. Định mức tiết dạy của giáo viên trường dự bị đại học là 12 tiết.
3. Giáo viên làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh trường hạng I dạy 2 tiết một tuần, trường hạng II dạy 1/3 định mức tiết dạy, trường hạng III dạy 1/2 định mức tiết dạy của giáo viên cùng cấp học. Việc phân hạng các trường phổ thông theo quy định hiện hành."
Quy định cụ thể tổng số tuần làm việc được quy định tại khoản 1,2 Điều 5. Thời gian làm việc, thời gian nghỉ hàng năm như sau:
1. Thời gian làm việc của giáo viên tiểu học trong năm học là 42 tuần, trong đó:
a) 35 tuần dành cho việc giảng dạy và các hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;
b) 05 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;
c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;
d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
2. Thời gian làm việc của giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông trong năm học là 42 tuần, trong đó:
a) 37 tuần dành cho việc giảng dạy và hoạt động giáo dục theo quy định về kế hoạch thời gian năm học;
b) 03 tuần dành cho học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ;
c) 01 tuần dành cho việc chuẩn bị năm học mới;
d) 01 tuần dành cho việc tổng kết năm học.
Như vậy, đối với giáo viên phổ thông thì quy định hiện nay làm việc 42 tuần và định mức tiết dạy của giáo viên tiểu học là 23 tiết, giáo viên trung học cơ sở là 19 tiết, giáo viên trung học phổ thông là 17 tiết, hiện nay chưa có quy định nào về việc giáo viên làm việc theo định mức số tiết giảng dạy năm học, giáo viên vẫn phải đảm bảo đủ quy định về số tiết định mức hàng tuần.
Chỉ có Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập.
Việc tính tăng giờ theo nguyên tắc nếu giáo viên thực hiện vượt định mức giờ dạy/năm thì được tính tiền tăng giờ cho số giờ (số tiết) vượt định mức đó.
Còn các quy định hiện hành, giáo viên vẫn phải thực hiện theo định mức tiết dạy hàng tuần.
Không dạy đủ tiết mỗi tuần có thể không được hưởng phụ cấp ưu đãi
Như vậy, hiện nay các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, giáo viên phổ thông (kể cả cán bộ quản lý giáo dục) phải đảm bảo số tiết giảng dạy định mức hàng tuần, nếu không rất dễ bị cắt hoặc thu hồi các khoản phụ cấp đứng lớp.
Bởi, theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 244/2005/QĐ-TTG Về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và hướng dẫn tại Mục I Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC, chế độ phụ cấp ưu đãi được áp dụng với những đối tượng sau:
Nhà giáo thuộc biên chế trả lương, đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các trường, trung tâm, học viện thuộc cơ quan nhà nước, Đảng, tổ chức chính trị – xã hội được nhà nước cấp kinh phí hoạt động;
Nhà giáo thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập làm nhiệm vụ tổng phụ trách đội, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm;
Đối tượng là những cán bộ quản lý thuộc biên chế trả lương của các cơ sở giáo dục công lập trực tiếp giảng dạy đủ số giờ theo quy định.
Như vậy, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vẫn phải thực hiện theo định mức tiết dạy quy định hàng tuần, nếu không đảm bảo dễ bị cắt các khoản phụ cấp đứng lớp hoặc thu hồi các khoản đã hưởng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.