SGK Chương trình GDPT 2018 xây dựng chủ đề đa dạng, tạo hứng thú cho người học

07/12/2024 07:35
ĐÀO HIỀN
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sách được biên soạn theo chủ đề, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, khuyến khích học sinh chủ động, sáng tạo trong học tập.

Chủ đề đa dạng, tạo cảm hứng cho người học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Văn Tân - giáo viên Mỹ thuật Trường Trung học cơ sở Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, sách giáo khoa có vai trò là nguồn tài liệu tham khảo, là sự triển khai cụ thể hóa chương trình giáo dục mới.

Theo đó, cấu trúc sách giáo khoa cũng có sự thay đổi khi không biên soạn theo bài, theo tiết có sẵn như trước mà được biên soạn theo chủ đề, mạch kiến thức, tạo điều kiện cho giáo viên đổi mới phương pháp và hình thức dạy học, khuyến khích học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập.

Đối với sách giáo khoa Mỹ thuật, thầy Tân cho biết nội dung sách theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có nhiều thay đổi khi không chỉ đơn thuần bồi dưỡng, hướng dẫn học sinh các kỹ năng vẽ thông thường mà còn có thêm những nội dung khác liên quan đến mỹ thuật.

“Nếu trước đây học sinh tiếp xúc môn Mỹ thuật chỉ được rèn luyện kỹ năng vẽ cơ bản thì hiện nay theo sách giáo khoa chương trình 2018, các con sẽ được làm một số sản phẩm liên quan đến chất liệu. Ví dụ như làm những sản phẩm tái chế, lắp ráp mô hình, thiết kế thời trang…”, thầy Tân thông tin.

z6071062791453_824e0e9f757dcbc8542ffe7998d7ad13.jpg
Theo Chương trình GDPT 2018, học sinh học môn Mỹ thuật được học nhiều nội dung liên quan chứ không chỉ học vẽ cơ bản. Ảnh: NVCC

Tại Trường Trung học cơ sở Lê Lợi, việc lựa chọn bộ sách giáo khoa để đưa vào giảng dạy sẽ được giao quyền cho giáo viên bộ môn chủ động quyết định. Theo chia sẻ của thầy Tân, trước khi nhà trường quyết định sử dụng bộ sách nào để giảng dạy, các thầy cô phụ trách bộ môn sẽ phải nghiên cứu cả 3 bộ sách (Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cánh diều). Từ đó đánh giá đặc điểm cũng như tính ưu việt của từng bộ và lựa chọn bộ sách phù hợp với học sinh của mình.

Hiện nay, thầy Tân đang phụ trách giảng dạy bộ môn Mỹ thuật cho học sinh lớp 6 và lớp 8. Sau quá trình nghiên cứu, thầy đánh giá cao bộ sách Chân trời sáng tạo khi có nhiều điểm mới thú vị, độc đáo, có khả năng kích thích hứng thú cho học sinh học môn Mỹ thuật.

“Điểm ưu việt của sách giáo khoa Mỹ thuật - bộ sách Chân trời sáng tạo chính là việc xây dựng chủ đề đa dạng, mỗi chủ đề lại có những cái hay riêng chứ không chỉ đơn thuần là nội dung vẽ như 2 bộ sách còn lại. Chẳng hạn như sách giáo khoa Mỹ thuật lớp 8 có chủ đề Sáng tạo từ thiên nhiên, học sinh sẽ được thực hiện kỹ năng vẽ và cách điệu hoa lá. Hay chủ đề 3 Tranh truyện, người học được thực hành thiết kế bìa tranh truyện, tạo hình nhân vật minh họa truyện cổ tích….

Bên cạnh đó, sách giáo khoa Mỹ thuật - bộ sách Chân trời sáng tạo còn cập nhật kiến thức nghệ thuật phương Tây. Cụ thể tại chủ đề Nghệ thuật hiện đại phương Tây, học sinh được làm quen với nhiều trường phái nghệ thuật khác nhau như trường phái Ấn tượng, trường phái Biểu hiện và Lập thể”, thầy Tân chia sẻ.

screenshot_1732782299.png
Sách giáo khoa Mỹ thuật 6 - bộ sách Chân trời sáng tạo

Trong khi đó, theo cảm nhận và đánh giá của cô Nguyễn Thị Như Vân - giáo viên môn Ngữ văn Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội), nhìn chung sách giáo khoa chương trình 2018 được thiết kế khoa học, đẹp mắt, nội dung rõ ràng có điểm nhấn nên có nhiều tác động tích cực đến người học.

Đối với môn Ngữ văn, hiện cô Vân đang sử dụng sách giáo khoa của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống. Theo đó, cô dành nhiều lời khen cho bộ sách khi bố cục rõ ràng, nội dung mới mẻ, hấp dẫn và phù hợp với trình độ tiếp thu của phần lớn học sinh. Không chỉ vậy, hình ảnh minh họa trong sách còn phù hợp với độ tuổi của người học, có tính thẩm mỹ và ngữ liệu trong bài rất đa dạng, ý nghĩa.

Cụ thể, những văn bản đọc hiểu được sắp xếp theo thể loại, giúp học sinh dễ dàng nắm bắt được cách đọc hiểu theo đặc trưng thể loại. Hơn nữa, những thể loại này được lặp lại và nâng cao theo từng lớp. Ví dụ các thể loại văn bản văn học như truyện, thơ, ký, kịch hay những văn bản nghị luận văn học và văn bản thông tin xuất hiện ở các bài của cả 4 khối lớp 6,7,8,9. Với phần viết được trình bày khoa học, mạch lạc và rõ ràng, giúp học sinh dễ dàng vận dụng để viết được một đoạn văn, bài văn. Phần nói và nghe đưa ra các vấn đề gần gũi, định hướng nội dung và các bước chuẩn bị để học sinh có thể trình bày bài nói của mình một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, sách giáo khoa Ngữ văn còn mang đến những nội dung mới mẻ để học sinh thỏa sức sáng tạo với việc đọc và mở rộng, nâng cao khả năng tự học, tự khám phá văn bản mới ngoài sách giáo khoa.

nv9kn.jpg
Infographic giới thiệu sách giáo khoa Ngữ văn 9 - Bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Nguồn ảnh: NXB Giáo dục Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Thu Hồng - giáo viên môn Ngữ văn, Trường Trung học cơ sở Lê Lợi (Hoàn Kiếm) cũng cho rằng, sách giáo khoa Ngữ văn - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống được xây dựng với cấu trúc khoa học, giúp người học và cả người dạy tiếp cận nhiều văn bản mới hơn so với hai bộ sách còn lại.

“Điều mình thích nhất ở bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống chính là việc nội dung được phân theo các chủ đề, và trong từng chủ đề sẽ đa dạng các thể loại. Như vậy học sinh sẽ có sự liên hệ nhiều thể loại trong cùng một chủ đề đó. Bên cạnh đó, các con sẽ được tiếp xúc và phát triển toàn diện các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết cũng như phát triển tư duy ngôn ngữ từ cấp độ nhận biết đến vận dụng, vận dụng cao”, cô Hồng chia sẻ.

Phát triển toàn diện phẩm chất năng lực người học

Theo đánh giá của thầy Nguyễn Văn Tân, cái hay của sách giáo khoa Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là việc không chỉ tập trung bồi dưỡng 1 kỹ năng chủ yếu cho người học mà hướng đến phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực của học sinh.

Đối với môn Mỹ thuật, trước đây học sinh chỉ thông thạo kỹ năng vẽ cơ bản chứ không có kiến thức chuyên sâu về hội hoạ. Còn hiện giờ, sách giáo khoa chương trình 2018 đã đa dạng kiến thức, cập nhật thêm cả kiến thức của nhiều trường phái nghệ thuật. Học sinh qua quá trình tìm hiểu trong sách giáo khoa sẽ biết được đặc điểm, nguồn gốc của những tác phẩm nghệ thuật, từ đó dễ dàng áp dụng và sáng tạo theo những kỹ năng vốn có của mình. Không chỉ vậy, việc phân loại kiến thức theo từng chủ đề cũng thể hiện rõ định hướng phát triển nhận thức của học sinh. Chẳng hạn như chủ đề Vật liệu hữu ích trong sách giáo khoa Mỹ thuật 6 - bộ sách Chân trời sáng tạo có bài học mang tên “Sản phẩm từ vật liệu đã qua sử dụng”. Sau khi học bài này, học sinh sẽ có thêm phẩm chất, ý thức về bảo vệ môi trường, đặc biệt là có thêm các kỹ năng tận dụng những vật liệu trong cuộc sống để tái chế thành những đồ dùng hữu ích thay vì xả rác ra môi trường.

z6071063647693_f15eaafed8998a0f4c336bda90a3c723 (2).jpg
Học sinh làm thiệp mừng trong tiết học môn Mỹ thuật. Ảnh: NVCC

Tương tự với môn Ngữ văn, sách giáo khoa Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có tác động rất lớn tới cả người dạy và người học.

Theo nhận xét của cô Nguyễn Thị Như Vân, sách giáo khoa chương trình 2018 buộc người dạy phải thay đổi phương pháp giảng dạy để phù hợp với chương trình mới. Theo đó, giáo viên phải nghiên cứu kỹ đặc trưng thể loại, tìm ra phương pháp đọc hiểu một văn bản theo đặc trưng thể loại đó để học sinh có thể dễ dàng tiếp cận.

Đối với học sinh, bắt buộc các em phải năng động, tích cực và tự giác, chủ động lĩnh hội kiến thức, không thể học thuộc lòng phần giáo viên đã dạy trên lớp để làm bài kiểm tra và bài thi. Như vậy, sách giáo khoa đã phát huy được sự sáng tạo của người học trên nền tri thức Ngữ văn đã được tìm hiểu trên lớp. Từ đó góp phần củng cố, rèn luyện kỹ năng làm bài, ứng dụng linh hoạt cho mọi tác phẩm.

“Cụ thể, khi dạy chủ đề 4 Lời sông núi ở sách giáo khoa Ngữ văn lớp 8 - bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, thông qua các văn bản nghị luận như Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn), Tinh thần yêu nước của nhân dân ta (Hồ Chí Minh), Nam quốc sơn hà, giáo viên sẽ bồi đắp cho học sinh phẩm chất yêu nước, tự hào về những trang sử vẻ vang của dân tộc và lòng biết ơn thế hệ cha ông đã ngã xuống để chúng ta có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay. Mặt khác, học sinh rút ra cho mình những bài học bổ ích, từ đó bồi đắp cho học sinh năng lực đọc hiểu văn bản nghị luận, có kĩ năng xác định được luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng, cách lập luận của văn bản nghị luận….

Ngoài ra, khi dạy tiết Viết bài văn nghị luận về một vấn đề đời sống sẽ góp phần giáo dục cho học sinh tinh thần trách nhiệm với cộng đồng, đất nước, lòng yêu nước, nhân ái và phẩm chất chăm chỉ. Việc hoàn thiện các bài văn viết sẽ giúp học sinh có năng lực tự chủ, tự học, giải quyết vấn đề và sáng tạo”, cô Vân cho hay.

ĐÀO HIỀN