Việc dạy thêm, học thêm ở các cấp học phổ thông những năm vừa qua và hiện nay vẫn là đề tài gây tranh luận của nhiều người. Có người muốn cấm triệt để dạy thêm, học thêm nhưng cũng không ít người ủng hộ vì cho rằng đó là nhu cầu của cả người dạy, người học.
Tuy nhiên, tranh luận thì cứ tranh luận, còn dạy thêm, học thêm vẫn diễn ra nhộn nhịp ở các cấp học, nhất là những địa bàn có điều kiện kinh tế phát triển thì nhu cầu học thêm, dạy thêm càng nhiều.
Thực tế cho thấy, dạy thêm, học thêm cũng có những ưu điểm nhất định nhưng nó cũng đan xen nhiều bất cập, hạn chế. Và những bất cập, bức xúc xảy ra chủ yếu là vì phần nhiều giáo viên đang dạy thêm cho học sinh chính khóa nên việc đánh giá kết quả học tập cho nhiều học sinh không chính xác.
Trong khi, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng vẫn đang chưa có giải pháp hữu hiệu.
Dự thảo hướng dẫn dạy thêm, học thêm của Bộ chủ trương không cấm dạy thêm, học thêm
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm nhằm thay thế Thông tư 17 hiện hành. Theo dự thảo, Bộ đã quy định 5 nguyên tắc với hoạt động dạy thêm, học thêm.
Thứ nhất, dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu và được cha mẹ/người giám hộ đồng ý. Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm.
Thứ hai, nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; không trái với quy định của pháp luật Việt Nam, không mang định kiến về sắc tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, địa vị xã hội, thuần phong mỹ tục và truyền thống của Việt Nam.
Thứ ba, thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm.
Thứ tư, không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Thứ năm, không tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường đối với các nhà trường đã tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày.
Ngày 20/11 vừa qua, khi Quốc hội thảo luận về Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã cho biết thêm: “Bộ chủ trương không cấm dạy thêm nhưng cấm những hành vi dạy thêm vi phạm đạo đức của nhà giáo, nguyên tắc chuyên môn, ví dụ như ép buộc học sinh”.
Điều này cho thấy, dự thảo thông tư quy định về dạy thêm, học thêm, thay thế Thông tư 17 hiện hành, cũng như chia sẻ của Bộ trưởng thì chúng ta thấy rằng Bộ không có chủ trương cấm dạy thêm, học thêm- nếu giáo viên dạy thêm đúng quy định.
Làm sao biết giáo viên dạy thêm không đúng quy định?
Chúng ta phải thừa nhận một điều là nhu cầu học thêm của học sinh hoặc phụ huynh muốn con mình đi học thêm hiện nay là có thật. Học thêm để cải thiện chất lượng học tập; học thêm để có thể cạnh tranh vào những trường tốt hơn khi thi chuyển cấp.
Nhu cầu dạy thêm của một bộ phận giáo viên cũng có thật. Dù là cùng dạy 1 môn học trong cùng một trường và môn học đó liên quan đến thi cử cuối cấp nhưng có giáo viên mở lớp dạy thêm, có giáo viên không bao giờ dạy thêm.
Điều này cho thấy nhu cầu dạy thêm và học thêm hiện nay của cả thầy và trò đều có. Học sinh muốn, hoặc bị gia đình yêu cầu đi học thêm để hướng đến một mục tiêu cao hơn; giáo viên dạy thêm để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.
Vấn đề đặt ra là làm sao hướng giáo viên dạy thêm thực hiện theo những nguyên tắc như dự thảo thông tư của Bộ đã công bố và những chia sẻ của lãnh đạo Bộ khi đề cập đến vấn đề dạy thêm, học thêm phải đúng quy định.
Điều chúng ta thấy trong 5 nguyên tắc dạy thêm mà Bộ đã công bố trong dự thảo là đúng. Nếu làm được như vậy thì việc dạy thêm, học thêm không có gì phải cấm đoán hay lên án làm gì. Nhưng, thực tế không phải vậy.
Những năm qua, không ít giáo viên vẫn dùng chiêu trò để hướng học sinh chính khóa đi học thêm với mình và họ vẫn đang dạy trước chương trình học. Vấn đề này đã khiến dư luận bức xúc và lên tiếng.
Không ít giáo viên dạy thêm cho học sinh chính khóa đã can thiệp với giáo viên trong tổ, khối bộ môn vì thấy học sinh mình đang dạy thêm bị điểm thấp khi nhà trường tổ chức chấm chéo, chấm theo phòng kiểm tra. Dẫn đến những cự cãi, thị phi và mất đoàn kết nội bộ.
Trong khi đó, chức năng của nhà trường, tổ chuyên môn không thể kiểm tra, giám sát việc giáo viên dạy thêm tại nhà cho học sinh chính khóa. Những báo cáo, kiểm tra cũng chỉ dừng lại trên giấy tờ, không được kiểm chứng.
Chính quyền địa phương lại càng khó quản lý, giám sát vì ngay cả con em của họ cũng đang phải đi học thêm. Vì vậy, gần như không thể biết giáo viên nào dạy thêm đúng quy định, hoặc không đúng quy định.
Cần thay đổi cách quản lý giáo viên dạy thêm?
Phải nói thẳng thật rằng nếu cấm giáo viên dạy thêm bây giờ là rất khó.
Vì thế, cần hướng tới việc giám sát giáo viên dạy thêm một cách khoa học hơn và đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, nhằm tránh biến tướng, giúp thuận lợi trong quản lý, đảm bảo quyền lợi của cả thầy và trò.
Thứ nhất, không cho giáo viên công lập đang hưởng lương từ ngân sách địa phương tự mở lớp dạy thêm tại nhà. Vì nếu dạy thêm tại nhà rất dễ dẫn đến vi phạm 5 nguyên tắc mà Bộ đã đề cập trong dự thảo vì không có ai quản lý, giám sát được. Đồng thời, địa phương không thu được thuế và chất lượng ảo trong giáo dục sẽ khó kiểm soát.
Thứ hai: những trường học có điều kiện dạy thêm, phụ huynh có nhu cầu cho con em mình học thêm thì mở lớp dạy thêm tại trường. Nhà trường phải có kế hoạch cụ thể về nội dung dạy; mức thu; số tiết dạy trong tuần. Việc dạy thêm tại nhà trường sẽ giúp cho giáo viên, nhà trường có trách nhiệm đóng thuế và điều quan trọng là nhà trường sẽ quản lý được nội dung dạy học của giáo viên.
Thứ ba: cho phép các cá nhân, tổ chức mở trung tâm dạy thêm. Nếu trung tâm có uy tín, chất lượng, thì học sinh, phụ huynh tự tìm đến. Giáo viên công lập dạy giỏi, có tăm tiếng sẽ được mời dạy để khẳng định mình. Việc làm này, sẽ giúp cơ quan chức năng quản lý được dạy thêm, học thêm; có thêm nguồn thu và giảm thiểu chất lượng giỏi ảo trong các nhà trường.
Nếu cho phép giáo viên công lập dạy thêm học sinh chính khóa mà không quản lý tốt thì ranh giới giữa dạy thêm đúng và không đúng quy định rất mỏng manh. Tình trạng dạy thêm, học thêm những năm tới đây có thể sẽ còn phức tạp, biến tướng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.