Sứ mệnh tiên phong và dẫn dắt trong đổi mới giáo dục của Đại học Quốc gia

11/12/2024 15:59
Linh An
0:00 / 0:00
0:00

GDVN -ĐHQGHN khẳng định được thương hiệu, vai trò tiên phong, đổi mới sáng tạo và vị trí đầu tàu trong hệ thống GDĐH trong nước, xếp hạng 325 thế giới theo QS 2025.

Sự ra đời hai Đại học Quốc gia (gồm Đại học Quốc gia Hà Nội thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thành lập theo Nghị định số 16/CP ngày 27/01/1995 của Chính phủ) bắt nguồn từ chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trình độ cao, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của đất nước.

Trải qua 31 năm (10/12/1993 – 10/12/2024) xây dựng và phát triển, đến nay Đại học Quốc gia Hà Nội đã được tổ chức và hoạt động ổn định, phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học, đặc biệt là các quy định có liên quan đến cơ chế tự chủ và mô hình hoạt động của Hội đồng Đại học Quốc gia.

Đại học Quốc gia Hà Nội đã có nhiều giải pháp đột phá, liên thông, liên kết và thống nhất toàn diện được các nguồn lực để phát triển mạnh mẽ, đạt được những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực hoạt động, hoàn thành nhiệm vụ quốc gia và nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận, đánh giá cao; đã khẳng định được thương hiệu, vai trò tiên phong, đổi mới sáng tạo và vị trí đầu tàu trong hệ thống giáo dục đại học trong nước, từng bước ghi danh trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế.

Trở thành đại học hàng đầu quốc gia và trong nhóm các đại học uy tín của Châu Á và thế giới

Theo bảng xếp hạng thế giới của QS, Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Việt Nam được xếp hạng trong top 1.000 thế giới vào năm 2018. Trong 07 năm tham gia xếp hạng, Đại học Quốc gia Hà Nội luôn được đánh giá cao từ cộng đồng học thuật và nhà tuyển dụng với Uy tín học thuật xếp hạng 499 thế giới, Uy tín tuyển dụng xếp hạng 472 thế giới, Kết quả tuyển dụng xếp hạng 202 thế giới và luôn duy trì vị trí trong top các cơ sở giáo dục đại học hàng đầu Châu Á theo QS với vị trí cao nhất là thứ hạng 124 châu Á.

3. TBT Tô Lâm tham quan Triển lãm tranh về chặng đường phát triển của ĐHQGHN (2).jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm tham quan Triển lãm tranh về chặng đường phát triển của Đại học Quốc gia Hà Nội

Theo bảng xếp hạng THE Impact Rankings, Đại học Quốc gia Hà Nội đã liên tục đạt vị trí xếp hạng 401-600 thế giới và có nhiều lĩnh vực được đánh giá ở trong top 100 thế giới như: Giáo dục chất lượng (Quality Education) xếp hạng 70 thế giới; Bình đẳng giới (Gender Equality) xếp hạng 97 thế giới. Năm 2024, theo bảng xếp hạng QS Sustainability, Đại học Quốc gia Hà Nội. Như vậy, Đại học Quốc gia Hà Nội đã sớm đạt được chỉ tiêu chiến lược đặt ra trong giai đoạn năm 2020-2025.

Về xếp hạng thế giới theo lĩnh vực, Đại học Quốc gia Hà Nội ngày càng thể hiện rõ vị thế đa ngành, đa lĩnh vực chất lượng cao khi số lượng lĩnh vực được xếp hạng thế giới tăng qua các năm. Nhiều lĩnh vực được đánh giá cao như: Nhóm lĩnh vực Công nghệ và Kỹ thuật (vị trí cao nhất ở QS WUR: 386 thế giới và vị trí cao nhất ở THE WUR: top 500 thế giới); Nhóm lĩnh vực Khoa học tự nhiên (vị trí cao nhất ở QS WUR: top 450 thế giới); Lĩnh vực Toán học (03 năm gần đây nhất đều được xếp hạng trong top 351-400 thế giới); Lĩnh vực Kinh doanh và Khoa học quản lý, Kinh tế và Kinh tế lượng (vị trí cao nhất ở QS WUR: top 500 thế giới); Lĩnh vực Khoa học Giáo dục (vị trí cao nhất ở THE WUR: top 500 thế giới).

Tiên phong và dẫn dắt trong đổi mới, nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo đại học

Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị tiên phong mở các ngành/chuyên ngành mới, thí điểm chưa có trong danh mục mã ngành đào tạo của Nhà nước như công nghệ nano, hàng không vũ trụ, an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiết kế vi mạch, công nghệ bán dẫn…; tiên phong trong đo lường đánh giá, bảo đảm chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục ở Việt Nam, tiến dần ra khu vực và thế giới; đi đầu trong đổi mới tuyển sinh đại học theo đánh giá năng lực và áp dụng thành công việc triển khai đổi mới tuyển sinh theo hình thức sử dụng bài thi đánh giá năng lực ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Nhiều trường đại học khác đã sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội để tuyển sinh.

4. Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và trò chuyện cùng sinh viên ĐHQGHN học tập tại KĐT ĐHQGHN tại Hòa Lạc.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm và trò chuyện cùng sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội học tập tại Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội ở Hòa Lạc

Đại học Quốc gia Hà Nội cũng tiên phong triển khai mô hình đào tạo a+b (như mô hình đào tạo cử nhân sư phạm, bác sỹ đa khoa…), kết hợp đào tạo cơ bản với các ngành đào tạo chuyên sâu, đặc biệt là trong việc xây dựng các chương trình đào tạo mới liên ngành, liên đơn vị; là một trong những đơn vị tiên phong triển khai đào tạo theo tín chỉ thành công ở Việt Nam, góp phần thúc đẩy cả hệ thống giáo dục đại học Việt Nam triển khai đào tạo tín chỉ thành công hiện nay.

Tiên phong đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và giáo dục toàn diện cho sinh viên

Đại học Quốc gia Hà Nội là cơ sở giáo dục đại học tiên phong trong đào tạo tài năng, chất lượng cao ở bậc đại học, đã xây dựng và triển khai thành công nhiều dự án về đào tạo tài năng, chất lượng cao, chuẩn quốc tế như: Chương trình “Đào tạo cử nhân khoa học tài năng” từ năm 1997, Dự án “Đào tạo nguồn nhân lực tài năng”, Chương trình nhiệm vụ chiến lược.... góp phần đổi mới cơ bản giáo dục đại học Việt Nam tiếp cận các chuẩn mực và chất lượng quốc tế. Gần đây, Đại học Quốc gia Hà Nội đã và đang chú trọng triển khai giáo dục toàn diện cho sinh viên học tập tại Khu đô thị đại học tại Hoà Lạc.

Hệ đào tạo trung học phổ thông chuyên của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt nhiều thành tích cao. Tính hết năm 2023, học sinh trung học phổ thông chuyên của Đại học Quốc gia Hà Nội đã giành được 240 huy chương tại các kỳ Olympic quốc tế, trong đó có 77 huy chương Vàng, 87 huy chương Bạc và 76 huy chương Đồng. Nhiều năm, số huy chương Vàng của Đại học Quốc gia Hà Nội chiếm 50% tổng số huy chương Vàng của cả nước.

Cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, trực tiếp tư vấn cho Đảng, Chính phủ, bộ, ngành và nhiều địa phương

Đại học Quốc gia Hà Nội với lực lượng đông đảo nhà khoa học xuất sắc, liên ngành đã triển khai nhiều chương trình, dự án, đề tài khoa học và công nghệ cung cấp luận cứ khoa học và thực tiễn, trực tiếp tư vấn cho Đảng, Chính phủ, bộ, ngành và nhiều địa phương như: “Luận cứ khoa học lịch sử, địa lý và pháp lý của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, “Quá trình hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ”, “Biên giới Tây Nam”...

Trung tâm Thư viện và Tri thức số ĐHQGHN (2).JPG
Trung tâm Thư viện và Tri thức số Đại học Quốc gia Hà Nội

Một số công nghệ đã phát triển thành sản phẩm hoàn chỉnh, được ứng dụng rộng rãi như: Hệ thống chip ứng dụng trong Internet kết nối vạn vật (IOT); Công nghệ tin - sinh xây dựng bản đồ gen người Việt; Công nghệ chế tạo đan sâm, tam thất VNUBotimax; Trạm thu thông tin vệ tinh trên tàu biển; Hệ thống cảnh báo ô nhiễm bụi từ ảnh vệ tinh; Phát triển số hóa tri thức Việt (hệ thống Vietnam Citation Gateway); Bộ công cụ đánh giá năng lực cho người nước ngoài; VAV - trợ lý ảo trên di động cho người Việt; triển khai các nghiên cứu tiên phong nhằm khẳng định, xây dựng mô hình đánh giá, dự báo biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu, làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chuỗi Báo cáo thường niên về kinh tế Việt Nam là một sản phẩm khoa học độc đáo, đạt trình độ tiên tiến thế giới, trực tiếp cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn cho quá trình hoạch định chính sách của Đảng; các nghiên cứu của về quá trình biến đổi cơ cấu kinh tế - xã hội trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công nghiệp văn hoá, kinh tế xanh, kinh tế số góp phần quan trọng trong việc cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế - xã hội ở tầm vĩ mô.

Là nơi cung cấp nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ hữu ích phục vụ xã hội

Đại học Quốc gia Hà Nội cung cấp nhiều sản phẩm khoa học và công nghệ hữu ích phục vụ xã hội, tiêu biểu như:

Sản phẩm phần mềm chấm thi trắc nghiệm Mr. Test của nhóm tác giả Đào Kiến Quốc đạt Giải Nhất Tiềm năng Ứng dụng cuộc thi “Nhân tài Đất Việt năm 2006” và Cúp Bạc Công nghệ - Truyền thông năm 2007, được nhiều cơ sở đào tạo trong cả nước sử dụng;

Sản phẩm “Hệ thống dẫn đường tích hợp INS và GPS phục vụ định vị, dẫn đường phương tiện chuyển động” đạt giải ba cuộc thi “Nhân tài Đất Việt năm 2008” có ứng dụng quan trọng trong an ninh quốc phòng;

Sản phẩm “Thiết bị giám sát bệnh nhân” đạt Giải thưởng “Vì cộng đồng” cuộc thi “Nhân tài Đất Việt năm 2007” đã được ứng dụng tại các bệnh viện tại Hà Nội;

Sản phẩm Máy thu Logarit 2 kênh UHF chế áp cánh sóng phụ giải mã tín hiệu tích cực, các bộ khuếch đại cao tần tạp âm thấp, thiết bị đo độ nghiêng cầm tay, hệ thống xử lý tín hiệu số thời gian thực trên công nghệ DSP cũng như hệ thống điều khiển hệ thống tưới nước tự động bằng điện thoại di động đối với Vườn Quốc gia Hoàng Liên Sơn… đã được ứng dụng trong đời sống thực tiễn hằng ngày.

Đóng góp quan trọng vào nghiên cứu khoa học quốc gia trong phát triển công nghệ mới

Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiên phong trong nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các lĩnh vực giáo dục, y tế và giao thông. Trong nhiều năm qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tham gia tích cực triển khai Đề án 99/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020”; tham gia đào tạo về An toàn thông tin và chuyển đổi số cho 12.000 cán bộ thuộc Bộ Công an; hợp tác đào tạo và nghiên cứu khoa học với Ban Cơ yếu chính phủ, các doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ như FPT, CMC, Viettel...

6. Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng hoa cho học sinh sinh viên ĐHQGHN tại KĐT ĐHQGHN tại Hòa Lạc (1).jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng cây cho học sinh, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội ở Khu đô thị Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc

Năm 2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã xây dựng thành công chương trình nghiên cứu chip bán dẫn nhằm từng bước nâng cao trình độ và nhân rộng nguồn lực về nghiên cứu và đào tạo về lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Đồng thời tham gia vào Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì (Quyết định số 1017/QĐ-TTg ngày 21/9/2024), cũng như góp ý xây dựng Chiến lược phát triển Công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Tháng 04/2023, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức triển lãm các thành tựu về công nghiệp bán dẫn nhân chuyến thăm và làm việc của Thủ tướng Chính phủ.

Với đội ngũ nhà khoa học có trình độ cao về lĩnh vực phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử, Đại học Quốc gia Hà Nội sẵn sàng là đội ngũ đi đầu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu chuyên sâu nhằm tham gia chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động dự án điện hạt nhân cũng như tổ chức đào tạo cung ứng nguồn nhân lực tham gia làm việc cho dự án khi được vận hành.

Nơi hội tụ của những nhà khoa học hàng đầu, danh tiếng

Các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội (với đội ngũ hiện nay gần 600 giáo sư, phó giáo sư và 1.200 tiến sĩ, tiến sĩ khoa học) đã được tặng nhiều giải thưởng lớn về khoa học và công nghệ, trong đó có 18 Giải thưởng Hồ Chí Minh, 11 Giải thưởng Nhà nước, 03 Giải thưởng Tạ Quang Bửu…

Điển hình, trong năm 2017 có 01 cán bộ khoa học nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ lần thứ V với công trình “Lịch sử và Văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận”, 01 cán bộ khoa học nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ lần thứ V với cụm công trình “Nghiên cứu cơ bản và định hướng ứng dụng các vật liệu từ liên kim loại đất hiếm - kim loại chuyển tiếp”; Giáo sư Ngô Bảo Châu, Giám đốc Viện nghiên cứu Toán cao cấp, cựu sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đạt giải thưởng Field 2010; Giáo sư Đàm Thanh Sơn đạt giải thưởng danh giá về Vật lý lý thuyết Dirac 2018, các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Hà Nội liên tiếp lọt top các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng thế giới do Nhà xuất bản Elservier công bố gồm: Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Đình Đức (xếp hạng 7704 thế giới và 78 trong lĩnh vực kỹ thuật), Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoàng Sơn xếp hạng 6436 thế giới và 303 theo lĩnh vực công nghệ thông tin).

Nơi gửi gắm của Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nhật Bản phát triển Trường Đại học Việt Nhật làm biểu tượng cho mối quan hệ giữa hai quốc gia

Trường Đại học Việt Nhật được thành lập theo Quyết định số 1186/QĐ-TTg ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ trong khuôn khổ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Trường được kỳ vọng trở thành trung tâm giao lưu văn hóa và học thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản, là biểu tượng của quan hệ hợp tác chiến lược giữa hai nước. Các chương trình đào tạo liên quan đến kỹ thuật, công nghệ cao và quản trị được xây dựng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các ngành công nghiệp chiến lược.

Đại học Quốc gia đạt được các thành tựu trên là nhờ có chủ trương sáng suốt của Thường vụ Bộ Chính trị tại Kết luận số 315-TB/TW ngày 29/8/2000 và được Đảng, Nhà nước, Chính phủ trao cho quyền tự chủ cao cũng như một số cơ chế đặc thù trong tổ chức và hoạt động quy định tại Điều 8 Luật Giáo dục đại học, Nghị định số 07/2001/NĐ-CP ngày 01/02/2001 và Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 của Chính phủ về Đại học Quốc gia.

Đại học Quốc gia Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm khích lệ của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Mới đây nhất, Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu tại cuộc gặp mặt với đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 rằng: “Đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi xin chúc mừng những thành tựu mà các thầy giáo, cô giáo, các nhà khoa học qua các thời kỳ đã đạt được, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, đưa thương hiệu giáo dục đại học Việt Nam vươn xa trong khu vực và trên thế giới; mong muốn các đồng chí tiếp tục phát huy thành tích đã đạt được, duy trì sứ mệnh là cái nôi đào tạo nhân tài và đội ngũ nhà khoa học tài năng; tiên phong và dẫn dắt hệ thống giáo dục đại học trong hội nhập quốc tế, phấn đấu trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học hàng đầu của quốc gia, tiến tới hàng đầu khu vực và quốc tế, điểm đến hợp tác của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước, là nơi ươm tạo các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong tương lai”.

Linh An