PGS.TS Vũ Kim Bảng - Phó Viện trưởng Viện Ngôn ngữ |
Nên theo xu thế chủ đạo
Xin ông nói rõ hơn quan điểm của ông về tư tưởng chủ đạo ấy?
PGS.TS Vũ Kim Bảng: Ở đây tôi chỉ xin tạm thời đưa ra quan điểm của mình giới hạn trong phạm vi SGK. Do phục vụ cho học sinh, đối tượng sau này đóng vai trò rất quan trọng trong hội nhập quốc tế, nên việc phiên âm các từ có nguồn gốc nước ngoài dùng trong tiếng Việt là chưa hợp lý. Đối với hệ chữ Latin, tôi đề nghị nên viết nguyên dạng, kể cả ở bậc tiểu học. Tuy nhiên, cũng là chữ Latin nhưng nếu tên riêng của các nước được dịch sang âm Hán - Việt mà chúng ta đã quen dùng quá lâu như nước Đức, Pháp, Nga... thì vẫn nên dùng chứ không bắt buộc phải thay.
Hệ chữ Slav như tiếng Nga, Bulgaria thì Latin hóa các tên riêng và lấy tiếng Anh làm chuẩn. Còn tất cả các hệ chữ khác, theo tôi nên chia thành 2 loại: Loại thứ nhất là chữ Trung Quốc. Đây là vấn đề lớn vì chữ Trung Quốc gắn liền với lịch sử văn hóa của chúng ta từ lâu. Ví dụ, lâu nay chúng ta viết và đọc theo âm Hán - Việt là chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Vạn lý trường thành... thì cứ dùng như vậy, chứ không phiên âm theo cách đọc của tiếng Trung Quốc hiện nay. Loại thứ hai gồm chữ viết như: Hàn Quốc, Lào, Thái Lan... thì nên dùng cách phiên âm của tiếng Anh, ví dụ: Seoul, Tokyo...
Rõ ràng, xu thế viết nguyên dạng, xu thế sử dụng tiếng Anh đã được quốc tế hóa là chủ đạo. Như vậy là không nên đặt vấn đề phiên âm nữa.
Thí sinh thi Rung chuông vàng cũng phiên âm kết quả |
Nhưng có ý kiến lại cho rằng nếu để nguyên bản tên nước ngoài thì học sinh sẽ khó đọc nên cần kèm theo cách đọc phiên âm?
PGS.TS Vũ Kim Bảng: Học sinh ở lớp 1, lớp 2 có thể ban đầu sẽ khó khăn, nhưng tôi tin đó cũng là một cách để các em làm quen với ngoại ngữ. Vì nếu mở ngoặc phiên âm thì chúng ta lặp lại tình trạng rắc rối trong việc phiên âm thế nào là đúng. Phiên âm dù có biện minh là hay giỏi mấy cũng không giống với nguyên bản. Tên riêng tiếng nước ngoài khi được phiên âm rất bất cập, nhìn vào văn bản cũng thấy thiếu thiện cảm. Tôi cho rằng, quan trọng nhất vẫn là chữ viết phải chuẩn vì liên quan đến việc giao dịch bằng văn bản; còn cách đọc có thể ban đầu sẽ khó khăn nhưng sẽ chỉnh dần được, không nguy hại bằng việc phiên âm sai dẫn đến viết sai như hiện nay.
Về lâu dài, theo tôi có lẽ phải có một cuốn từ điển về danh nhân và địa danh của nước ngoài không thuộc hệ chữ Latin để mọi người tìm hiểu thêm tên quốc tế viết như thế nào.
Cần một chuẩn chung mang tính pháp quy
Bộ GD-ĐT có tham khảo ý kiến của Viện Ngôn ngữ khi đưa ra quy định về cách viết tên riêng tiếng nước ngoài trong SGK không, thưa ông?
PGS.TS Vũ Kim Bảng: Chưa thấy Bộ tham khảo ý kiến của Viện, có thể do hiện nay chúng ta chưa có quy chuẩn nào nên mỗi nơi tự vận dụng mỗi cách. Tuy nhiên, theo tôi SGK phải thống nhất một cách thôi. Muốn làm được như vậy thì phải có người chủ trì, giám sát tất cả để tránh sự lộn xộn. Những người chịu trách nhiệm chỉ đạo trong việc làm SGK phải giám sát vấn đề này, phải có chủ trương nhất quán sau khi đã tham khảo ý kiến hội đồng các nhà khoa học trong từng lĩnh vực khi làm SGK.
Không ít ý kiến cho rằng phải có luật Ngôn ngữ để có thể giải quyết được những vấn đề lộn xộn hiện nay về cách sử dụng tiếng Việt, ông có nghĩ như vậy không?
Viện chúng tôi đang nghiên cứu các cơ sở khoa học cho luật Ngôn ngữ, vấn đề nóng bỏng và cấp thiết hiện nay là chúng ta cố gắng chuẩn mực cái chuẩn chính tả trước, trong đó sẽ bao hàm cả vấn đề dùng tên riêng của nước ngoài trong tiếng Việt ra sao. Nếu có một chuẩn chung mang tính văn bản pháp quy thì các nhà xuất bản, sách báo, văn bản trong nhà trường... đều có thể thống nhất trong việc sử dụng nhân danh và địa danh của nước ngoài.
ĐIỂM NÓNG |
|