Hai ngày ở Đại học Duy Tân

22/05/2012 14:48
Nhà báo Nguyễn Công Khế
(GDVN) - Trong hai ngày 19 và 20/5/2012, tại Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã diễn ra cuộc hội thảo phong trào đấu tranh đô thị từ 1954 đến 1975, tức là đến ngày kết thúc chiến tranh, thống nhất đất nước.
Tôi nhìn xuống Hội trường của trường Đại học Duy Tân mà lòng bùi ngùi, xúc cảm. Xúc cảm bởi tất cả các mái đầu đều bạc hoặc chấm bạc. Những Nguyễn Hữu Thái, Phạm Chánh Trực, Lê Quang Vịnh, Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Lê Công Giàu, Tôn Thất Lập, Miên Đức Thắng, Vũ Hạnh… của Sài Gòn. Những Chu Sơn, Nguyễn Duy Hiền, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Lê Phước Á, Nguyễn Hoàng Thọ, Nguyễn Văn Bổn, Nguyễn Đồng Nhật, Hoàng Thị Thọ, Trần Hoài, Võ Quê, Phan Hữu Lượng… của Huế. Những Phan Duy Nhân, Huỳnh Văn Hoá, Đỗ Pháp, Lương Thanh Liêm, Lê Đức Hùng của Đà Nẵng. Còn những Bửu Chỉ, Vĩnh Linh, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Quí, Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Phạm Thế Mỹ… và nhiều người thì đã ra đi vĩnh viễn, không có mặt trong cuộc hội ngộ này.


Nhà báo Nguyễn Công Khế - Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Thanh niên
Nhà báo Nguyễn Công Khế - Chủ tịch Tập đoàn Truyền thông Thanh niên


Tôi nhìn xuống hội trường và ký ức lịch sử lại trở về. Gần 400 người trong hội trường này, tôi nghĩ là những người đã kiến tạo nên lịch sử của cuộc đấu tranh đẫm máu và khốc liệt trong cuộc chiến đấu ở đô thị chỉ có tay không và ngòi bút, cuộc đấu trí căng thẳng và những chiến dịch đốt xe Mỹ, chiếm toà đại sứ Mỹ, các cuộc biểu tình trên đường phố, đôi khi dám hy sinh để đốt cháy cả thân mình như Thích Quảng Đức, Nhất Chi Mai, ngã xuống trên đường phố hay trong bưng biền như Quách Thị Trang, Nguyễn Bá Tần, Nguyễn Tam Vàng, Trần Quang Long, Trần Triệu Luật, Trần Phú Quí, Nguyễn Thái Bình…

Những trí thức và sinh viên học sinh của phong trào đô thị, những người đã kiến tạo nên một lịch sử đấu tranh trong máu lửa và đầy gian khổ trong nhà tù, trên đường phố và trong các giảng đường. Một chiến trường không có vũ khí, nhưng  nhà tù và cái chết luôn chờ chực. Tôi đã trải qua nhiều nhà tù ở miền Nam, anh em trí thức sinh viên học sinh có lúc đã ở chật trong các nhà giam được dựng lên như nấm ở miền Nam. Thừa Phủ, Kho Đạn, Chí Hoà, Tân Hiệp, Côn Sơn, Phú Quốc…Anh em ta nằm trong đó đếm không xiết, từ năm này qua năm khác, giữa lúc cuộc chiến tranh leo thang hay im ắng tạm thời.

Đại học Duy Tân
Đại học Duy Tân

37 năm sau hoà bình anh em ngồi lại, họp lại, tâm tình lại với nhau mới thấy hết “nỗi đau hay niềm cay đắng”, vinh quang và tủi nhục. Những người luôn đi đầu, xả thân cho một đất nước thanh bình, thống nhất, muốn tự do cho đất nước và tự do cho mỗi con người, cho một xã hội nhiều tình người và sống như những con người đầy đủ những “quyền” mà chúng ta từng đổ máu để đòi hỏi, để dành lại từ trong tay ngoại bang.

Một xã hội dân chủ, phát triển và mọi người đều có những cơ hội đồng đều để làm việc và phát triển. Áp bức, bất công và tham nhũng dứt khoát phải bị đẩy lùi và phải chấm dứt. Chủ quyền quốc gia phải được giữ vững bằng mọi giá, mọi phương tiện. Chúng ta giành lại hoà bình và quyền làm chủ bằng hàng trăm hàng nghìn năm xương máu, nhưng bây giờ trong cuộc tranh chấp ở biển Đông có kẻ dám ngang nhiên tuyên bố “Hoà bình là một thứ xa xỉ”.

Tôi cảm ơn anh Lê Công Cơ người đã hoạt động và lãnh đạo phong trào từ những năm đầu của thập niên 60, nay là hiệu trưởng trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng đã có sáng kiến và đứng ra tổ chức cuộc gặp rất có ý nghĩa và đầy cảm xúc này.

Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd

Nhà báo Nguyễn Công Khế