Bà giáo già nặng lòng 'gieo chữ' cho trẻ khuyết tật

27/10/2011 06:02
Lớp học đã được duy trì gần 13 năm, bằng nguồn kinh phí của cô giáo Nguyễn Thị Huỳnh Nga, và một số bạn bè đóng góp. Tập vở, bút viết của các em trong lớp học cũng đều được phát miễn phí. Trong lớp học, có nhiều trường hợp trẻ rất đáng thương, bị nhiễm HIV, mồ côi cả cha lẫn mẹ, hằng ngày phải tự kiếm sống bằng sức lao động của mình, bị bại não… được "bà giáo” tìm kiếm và vận động về lớp học tình thương.
Lớp có 26 trẻ, trong số đó có 2/3 là trẻ bị hội chứng Down (trẻ bị thiểu năng trí tuệ) và những mảnh đời cơ nhỡ của trẻ đường phố, được bà giáo già Nguyễn Thị Huỳnh Nga – 58 tuổi, một giáo viên tiểu học về hưu vận động đưa về lớp học tình thương được mở tại nhà ở phường 8, TP Vĩnh Long. Nhờ những cố gắng của bà giáo già trong việc giảng dạy, những năm qua hàng chục đứa trẻ bị hội chứng Down đã biết đọc, biết viết và trở nên lanh lợi.
Từ đó đến nay cứ đều đặn mỗi ngày, cô giáo Huỳnh Nga, giáo viên về hưu ở phường 8, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long vẫn đứng lớp dạy chữ cho các em bị hội chứng Down (thiểu năng trí tuệ) và trẻ lang thang đường phố.
Điều đáng quý nhất là, cô Nga không nhận một khoản thù lao nào, mà còn phát miễn phí sách vở, bút viết cho các em. Nhờ sự dạy dỗ ân cần này, đến nay nhiều em đã biết đọc, biết viết và hoàn thành các bậc học cơ sở.

Những học trò đặc biệt

Lớp học đặc biệt này được đặt sát nhà cô Huỳnh Nga. Khi chúng tôi đến lớp là khoảng 6 giờ 45 phút sáng, cô Nga đang hướng dẫn gần 30 em học sinh tập thể dục. Các em tập nhịp nhàng theo tiếng hô và động tác tập của cô Nga.
Phút chốc có một em quên động tác, cô Nga tận tình sửa lại cho đúng. Cô Nga tâm sự: “Trước khi vào lớp học, tôi cho các em vận động bằng những bài tập thể dục để thoải mái tinh thần tiếp thu bài tốt. Các em hưởng ứng rất nhiệt tình và cũng rất thích bài tập thể dục buổi sáng”.

Cô Nga và những học trò của mình, cùng tập bài tập thể dục buổi sáng trước khi vào học.
Cô Nga và những học trò của mình, cùng tập bài tập thể dục buổi sáng trước khi vào học.

Sau bài tập thể dục, cô trò lại nắm tay thành vòng tròn chơi trò đuổi bắt. Ánh mắt hồn nhiên, ngây thơ của các em hòa cùng không khí vui tươi, làm những người khách như chúng tôi cũng vui lây.
Trong số gần 30 em được cô Huỳnh Nga tận tình dạy bảo, trong đó có 2/3 em bị thiểu năng trí tuệ. Những em này, khả năng đọc và viết rất yếu so với người bình thường nên cô Huỳnh Nga cũng vất vả khi kèm cặp các em.
Tuy nhiên, người cô giáo già này không thấy phiền lòng mà trái lại còn tận tình hướng dẫn cho các em. Sau khi sảng khoái với động tác thể dục, cô Huỳnh Nga hướng dẫn các em vào bàn ngồi và bắt đầu lên lớp.
Hàng chục em trong đó có em được cô Nga dạy chương trình lớp 1, lớp 2, lớp 5… lớp 12. Có thể nói, không có một lớp học nào mà tập hợp các khối lớp đông như thế. Vừa cầm tay nắn nót từng chữ cho một em bị thiểu năng tập viết, thoắt cái cô chuyển sang kiểm tra bài tập toán của một trẻ học lớp 5, rồi dạy tập làm văn cho lớp 7…
Lớp học được bắt đầu từ 7 - 10 giờ sáng, từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần. Tuy mỗi ngày chỉ học 3 giờ nhưng các em được tiếp thu rất nhiều kiến thức. Em Tống Long, một học trò đang theo học tại lớp cô Nga chia sẻ:
“Nhờ sự dạy dỗ tận tình của cô Nga mà đến nay em biết đọc chữ, làm toán. Lại còn được chơi đừa và quen biết với nhiều bạn bè”.
Lớp học được che tạm bằng những tấm bạc đơn sơ, với khoảng 10 cái bàn để các em ngồi. Nhưng lớp học đặc biệt ấy không bao giờ ngớt tiếng cười, niềm vui của các em. Chị Lê Thị Hạnh, hàng xóm của cô Huỳnh Nga khen ngợi:
“Buổi sáng tôi hay nghe tiếng vỗ tay vang lên từ phía nhà cô Nga, ban đầu mình cũng thấy phiền. Nhưng sau này tận mắt chứng kiến những đứa trẻ hồn nhiên vui chơi, ca hát, tập thể dục, tôi mới nhận ra sự nhiệt tình và tận tâm của cô Nga”.
Được biết hơn chục năm trước, khi còn là giáo viên Trường tiểu học Chu Văn An (tỉnh Vĩnh Long) cô Huỳnh Nga thấy trên địa bàn phường có rất nhiều trẻ em không có điều kiện đến trường.
Có những trẻ được cha mẹ cho đi bán vé số, hàng rong, tự kiếm sống, rồi những trẻ bị tật nguyền, thiểu năng trí tuệ không biết đến mặt chữ, thấy tội nghiệp cô Huỳnh Nga tự động tìm đến nhà các em.
Nhớ lại những ngày ấy cô Huỳnh Nga tâm sự: “Nhiều gia đình, mình phải xuống vận động nhiều lần, nhưng vẫn nhất quyết không cho con đến trường”
Cô Huỳnh Nga còn kể thêm, trong giai đoạn ban đầu đi thuyết phụ các gia đình, cô phải chuẩn bị mang theo và tặng cho các gia đình ấy mỗi trường hợp vài kg gạo, mấy hộp bánh, vài gói kẹo…. Nhiều gia đình thấy cô giáo quá chân thành, có tấm lòng quá tốt nên đã đồng ý cho con em đến trường.
Ngày đầu lớp học chỉ có vài em học sinh, cứ có trường hợp em này đến lớp thì em khác lại nghỉ học, thế là cô Huỳnh Nga cứ kiên trì lại đi thuyết phục và bám trụ lớp cho đến tận ngày hôm nay.
Cứ như thế, nhiều đứa trẻ ra từ “lò” của bà giáo giáo này bắt đầu biết đọc, biết viết làm cho các phụ huynh ấm lòng. Khi các em học hết chương trình tiểu học thì bắt đầu cô Huỳnh Nga dạy tiếp lên, cứ như thế đến hết lớp 12.
Rồi cách đây 3 năm khi nghỉ hưu, cô Huỳnh Nga bắt đầu mở rộng mô hình lớp học của mình, xin ban giám hiệu nhà trường chuyển hẳn lớp học về gần nhà mình, có lẽ với bà giáo già này thì “đưa đò” chuyên chở những đứa trẻ đặc biệt này là cái nghiệp gắn với bà cả đời.
Cô Huỳnh Nga tâm sự, khi tạo dựng lớp học, bà đã tận dụng vật dụng, bàn ghế gia đình cùa mình cho các em ngồi học. “Có thương yêu các em như con tôi mới gắn bó cho đến tận bây giờ” – cơ Huỳnh Nga tâm sự.
Một phụ huynh có con đang theo học tại lớp cô Nga vui mừng: “Hôm cô Nga xuống nhà vận động kêu tôi cho đứa con bị bệnh Down đến lớp học của cô, tôi không chịu vì nghĩ con mình kém trí sao đi học được.
Tuy nhiên, với sự nhiệt tình của cô, tôi cũng cảm động và đưa đứa con đến lớp. Nó học được gần 1 năm nay, giờ về nhà cầm sách đọc bi bô cho tôi nghe, gia đình tôi mừng lắm”.
Thương học trò như con
Nhờ những cố gắng của cô Huỳnh Nga trong việc giảng dạy, những năm qua hàng chục đứa trẻ bị hội chứng Down, trẻ mồ côi, nghèo khó… đã biết đọc, biết viết và trở nên lanh lợi. Cô Huỳnh Nga cho biết:
“Tại đây, em lớn nhất cũng gần 30 tuổi, nhỏ nhất là 8 tuổi. Có em bị liệt, em bị bại não hay câm điếc, tự kỷ… Hoàn cảnh gia đình của chúng cũng rất đáng thương”. Nghe cô Huỳnh Nga kể một vài hoàn cảnh của các em mà chúng tôi không khỏi xót xa.
Như em N.T.T, hằng ngày em phải tự kiếm sống bằng cách đi bán vé số, trong khi cha thì nghiện ngập. Tuy 15 tuổi nhưng em chưa hề biết mặt con chữ. Một lần tình cờ nhờ cô Huỳnh Nga bắt gặp T và vận động T đến lớp.
Tuy nhiên, để T đi học là một vấn đề lớn vì em là người kiếm tiền để lo cho cuộc sống hàng ngày của gia đình. Thấy vậy, cô giáo già đã đến nhờ UBND phường hỗ trợ cho gia đình T số tiền 500 ngàn đồng. Cô Nga đã “thỏa thuận” với gia đình T là phải để cho em đến lớp, sau đó T mới đi bán vé số.
Thương học trò nghèo, không bút viết, tập sách, cô Huỳnh Nga lại móc tiền túi mua tặng T Từ sự tận tâm này, T quyết tâm theo học và nỗ lực phấn đấu cho tương lai.
Nhiều em mặc cảm tật nguyền và những vất vả trong cuộc sống thường ngày khiến các em sống khép kín với mọi người xung quanh; nhưng khi được đến lớp của cô Huỳnh Nga học, có nhiều bạn bè, được học chữ, làm toán, học hát, múa, các em đã thoát ra khỏi tâm trạng mặc cảm, trở nên nhanh nhẹn, hoạt bát, vui vẻ.

Cô Nga phát giấy, và hướng dẫn cho các em làm lồng đèn vui Tết Trung thu.
Cô Nga phát giấy, và hướng dẫn cho các em làm lồng đèn vui Tết Trung thu.
“Nếu không vì lý do sức khỏe thì rất hiếm các em ấy nghỉ học”, cô Huỳnh Nga chia sẻ. 2 tuần liền không thấy em Nguyễn Thanh Thảo (20 tuổi) đến lớp, cô Huỳnh Nga rất sốt ruột. Đến nhà Thảo thì đóng cửa, hỏi hàng xóm xung quanh, họ cho cô Huỳnh Nga biết Thảo phải đi lụm ve chai để phụ giúp kinh tế gia đình.
Nghe trường hợp của Thảo mà cô Nga rất thương xót. Vì vậy, cô Huỳnh Nga đã lấy tiền dành dụm và vận động bạn bè một ít để giúp Thảo. Thảo nghẹn ngào khi kể về cô giáo của mình “Khi cô Nga đưa em 400 ngàn đồng để trả nợ cho gia đình, cô còn kêu em cố gắng đến học để thi tốt nghiệp lớp 12, em đã khóc rất nhiều. Em rất biết ơn cô ấy”.
Hoặc trường hợp của em Tống Long, theo học tại lớp của cô Huỳnh Nga được 3 năm nay, từ khi bà giáo giáo mở lớp gần nhà. Ban đầu vào lớp Long rụt rè, có vẻ lạ lẫm; thế nhưng bây giờ Long là người lanh lợi, có thể làm được nhiều việc khác ngoài chuyện biết đọc, biết viết.
Ngoài ra trong những dịp đặc biệt, như Trung thu hay Tết Nguyên đán, cô Huỳnh Nga phối hợp với bạn bè, mua quà, bánh và tạo sân chơi cho các em trong lớp học. Qua đó, giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Ngày 1/6 vừa qua, 10 em trong lớp đã tham gia hội thi vẽ tranh dành cho người khuyết tật do TP.Vĩnh Long tổ chức và đã đạt được nhiều giải thưởn; đây là niềm vui lớn đối với cô Huỳnh Nga và phụ huynh của các trẻ bị thiểu năng.
Em Ngọc Trinh (14 tuổi) theo học tại lớp của cô Nga 4 năm nay hồn nhiên: “Em tự hứa sẽ học thật giỏi để sau này làm có thật nghiều tiền để giúp đỡ người nghèo như cô Nga đã từng giúp em”.
Chỉ có thể xuất phát từ lòng yêu thương những đứa trẻ đặc biệt như những đứa con của mình thì bà giáo già mới có thể làm những điều nhân nghĩa, thấm đượm tình người như thế.

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Độc giả từ Pháp nêu 15 điểm cần đổi mới hệ thống giáo dục Việt Nam

Bộ Giáo dục "đẻ" ra trường ngoài công lập, nhưng không "nuôi"

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD: “Giáo dục phổ thông 11 năm là vừa đủ”

Chùm ảnh: Trẻ lại “oằn lưng” vác cặp đến trường

Vụ "canh gà Thọ Xương" và "HS nhập vai cám": Hai cái kết buồn!

PTT Nguyễn Thiện Nhân: "Phải thích nghi đào tạo với chi phí thấp"

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng