3 ngày nằm dưới bãi phân dê và người thuyền viên bị xem như đã chết

01/08/2012 05:30
Xuân Hoà
(GDVN) - Cho đến lúc được giải cứu, những ngày tháng sống trên hòn đảo với vô số cướp biển vẫn luôn ám ảnh các thuyền viên tàu FV Shiuh Fu No1.
Hòn đảo cướp biển như một khu quân sự

Đó là hình ảnh vẫn luôn ám ảnh những thuyền viên trên tàu FV Shiuh Fu No1. Một ngôi làng nằm trên một hoàn đảo mà cuộc sống chủ yếu chỉ dựa vào nghề “hải tặc”. Trong gần 500 ngày bị giam giữ tại đây, những tiếng súng nổ xé trời là âm thanh quen thuộc đối với các thuyền viên trên tàu FV Shiuh Fu No1.

Thuyền viên Trần Văn Hùng kể về những ngày tháng "sống mà như chết" trên hòn đảo của bọn cướp biển Somalia.
Thuyền viên Trần Văn Hùng kể về những ngày tháng "sống mà như chết" trên hòn đảo của bọn cướp biển Somalia.
“Thời gian đầu mới bị bắt đưa lên đảo, nghe thấy tiếng súng là bọn em sợ lắm. Sợ bị chúng bắn vì tức giận hay gì đó. Nhưng sau đó thì cũng quen và lâu dần thì nó thành tiếng âm thành quen thuộc. Bởi trên hòn đảo ấy, ngày nào cũng có tiếng súng bắn cả. Có những hôm tiếng súng còn vang lên giữa đêm”, thuyền viên Trần Văn Hùng nhớ lại.

Có lẽ không nơi nào người dân được trang bị súng, đạn nhiều như trên hòn đảo của bọn cướp biển Somalia. Gần như người nào trong những “gia đình” cướp biển ở đây cũng đều có súng. Thậm chí, có gia đình có cả một kho súng. Hình ảnh những tên cướp biển nhí “vắt mũi chưa sạch" lăm lăm trong tay khẩu súng còn cao hơn cả người mình để áp tải con tin là hình ảnh ám ảnh các thuyền viên.

“Việc bọn em bị những tên cướp biển nhí cầm súng AK đứng canh khi làm việc hay khi bị giam cầm là chuyện thường ngày. Ở đây, việc làm quen với súng hình như được bắt đầu từ khi những đứa trẻ biết đi. Trên hòn đảo đó gần như không thiếu bất kỳ loại vũ khí nào, từ súng ngắn, súng dài, súng cối … đều có hết các anh ạ! Hòn đảo như một căn cứ quân sự được trang bị đến tận răng”, thuyền viên Lưu Đình Hùng kể.

Một nhóm cướp biển Somalia được trang bị vũ khí trong đó có cả vũ khí hạng nặng (ảnh Bernews)
Một nhóm cướp biển Somalia được trang bị vũ khí trong đó có cả vũ khí hạng nặng (ảnh Bernews)
Có một điều mà có lẽ ít người biết, trên hòn đảo của bọn cướp biển gần như không có luật pháp. Do cướp biển đã thành nghề “nối kiếp” nên các băng nhóm cướp biển cũng được chia thành gia đình và nhiều nhóm khác nhau. Trong một làng mà có đến cả hơn chục nhóm cướp. Việc tranh cướp “tù binh” giữa những băng cướp là chuyện thường. Chuyện nhóm cướp biển này nhận được tiền chuộc, thả con tin chưa kịp đi bị nhóm khác bắt lại, tiếp tục đòi tiền chuộc là không hiếm.

“Thời gian đầu, mỗi lúc đi làm, thấy xung quanh có hàng chục tên cướp biển canh giữ, ai cũng nghĩ chúng canh vậy là sợ chúng em bỏ trốn. Mãi sau mới biết, canh giữ như vậy là để những nhóm khác không cướp mất. Nếu mà để nhóm khác bắt chúng em, lấy được tiền chuộc thì coi như công “đi săn” của chúng trở thành công cốc”, Trần Văn Hùng tâm sự.
Ở hòn đảo "chết chóc" này, tổng thu nhập và sức mạnh được tính trên đầu các con tin bị bắt. Nhóm cướp biển nào bắt được nhiều con tin, thu được nhiều tiền chuộc coi như nhóm đó có thế lực và giàu có.

Người thuyền viên bị xem như người đã chết

Lưu Đình Sơn (SN 1991, trú tại xã Thạch Nhàn, huyện Con Cuông, Nghệ An) là một trong những người đặc biệt nhất trong số 12 thuyền viên Việt Nam trên tàu FV Shiuh Fu No1 bị cướp biển Somalia bắt cóc. Sơn từng bị xem như người đã chết. Trong một lần ép các thuyền viên gọi điện thoại về nhà, Sơn bị cướp biển bắt nhốt riêng, sau đó chúng loan tin đã bắn Sơn để uy hiếp tinh thần những thuyền viên còn lại.

Thuyền viên Lưu Đình Sơn, người bị xem như đã chết rơi nước mắt báo tin về cho gia đình rằng, mình vẫn còn sống (ảnh chụp tại sân bay Nội Bài).
Thuyền viên Lưu Đình Sơn, người bị xem như đã chết rơi nước mắt báo tin về cho gia đình rằng, mình vẫn còn sống (ảnh chụp tại sân bay Nội Bài).
Nhớ lại khoảng thời gian đó Sơn vẫn không khỏi rùng mình: “Lần đó, vào buổi tối, khi chúng em đang ngồi, mấy tên cướp biền mở cửa khu vực giam giữ, bắt em, thuyền trưởng và một người khác nữa đi ra. Chúng gí súng vào lưng bọn em và bắt đi. Lúc đó, em cũng nghĩ thế là mình tận số rồi, bị bọn chúng đưa đi bắn để thủ tiêu rồi.

Lần đó, chúng đưa bọn em đi đến một cái chuồng dê và nhốt bọn em trong đó 3 ngày liền. Mãi sau khi gặp lại mọi người, em mới biết, chúng nói với mọi người đưa em đi bắn để ép mọi người gọi điện về nhà chuyển tiền chuộc”.

3 ngày liền, chúng giam Sơn cùng 2 thuyền viên còn lại vào ở chung với lũ dê. Chúng liên tục đánh đập và dọa giết những thuyền viên này. Hằng đêm, Sơn và hai thuyền viên còn lại phải ngủ dưới những đống phân dê hôi hám kinh người.

12 thuyền viên Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Tanzania trước khi lên máy bay về nước (ảnh Xaluan.com)
12 thuyền viên Việt Nam chụp ảnh lưu niệm tại Tanzania trước khi lên máy bay về nước (ảnh Xaluan.com)
“Giờ nghĩ lại 3 ngày đó, em vẫn còn rùng mình. Khoảng thời gian đó, em luôn xác định tư tưởng là mình sẽ bị bắn chứ chẳng còn đường sống. Rồi em nghĩ về gia đình và khóc suốt đêm. May mà có thuyền trưởng động viên chứ không em cũng không vững tin để chịu những đòn tra tấn của chúng”, Sơn nhớ lại khoảng thời gian khủng khiếp.

“Khi chúng bắt Sơn đi, nói đưa đi bắn và bắt bọn em gọi điện về nhà báo tin này. Lúc đó, em cũng không nghĩ chúng nói để uy hiếp mà cứ nghĩ chúng đã bắn Sơn thật. Anh em ai cũng lo sợ đến lượt mình sẽ bị bắn. Chỉ đến lúc chúng đưa Sơn về, biết Sơn còn sống, mấy anh em thuyền viên Việt Nam đã ôm nhau khóc cả đêm”, thuyền viên Trần Văn Hùng nhớ lại.
Thông tin Sơn bị cướp biển bắn sau đó cũng được báo chí đưa tin. Những thông tin đó lan nhanh và đến tai gia đình Sơn tại quê nhà. Gia đình Sơn cũng đã hết hi vọng.

“Mọi người đọc báo biết tin rồi nói với tôi. Lúc đầu, tôi không tin nhưng sau nhờ mấy đứa con xem lại thì cả nhà tôi đã hết hi vọng. Ai cũng nghĩ thằng Sơn đã tận số. Gia đình tôi nghĩ thế nên cũng đã chuẩn bị lập bàn thờ để thờ nó. Mặc dù công ty đưa Sơn đi vẫn nói là chưa có thông tin chính thức nhưng lúc đó, ai cũng nghĩ các thuyền viên bên kia gọi về nói thì sai làm sao được”, ông Lưu Đình Chơi (bố Sơn) kể.
Từ khoảnh khắc đó, Sơn được xem như người đã chết. Ở quê nhà, gia đình không còn nuôi hi vọng. Trong làng ngoài xã, ai nghe tin cũng đến gửi lời chia buồn với gia đình Sơn. Lúc đó, gia đình Sơn chỉ  mong muốn làm sao mang được hài cốt em về nhà.
“Bọn cướp biển súng ống như vậy nên dù được công ty đưa Sơn đi trấn an nhưng gia đình tôi đã hết hi vọng. Từ khi nghe tin, bố mẹ tôi suy sụp hoàn toàn. Mấy ngày liền, người làng trên xóm dưới đến gửi lời chia buồn cùng gia đình. Đó có lẽ là khoảng thời gian khủng khiếp nhất với gia đình tôi. Lúc đó, aicũng chỉ mong mang được hài cốt nó về để thờ phụng thôi chứ có ai nghĩ nó còn sống đâu”, chị Lưu Thị Hoa (chị gái Sơn) cho biết.

Cho đến ngày nhận được tin Sơn đã được thả cùng với toàn bộ thuyền viên trên tàu FV Shiuh Fu No1, gia đình Sơn vẫn không tin Sơn còn sống. Chỉ đến khi Sơn gọi điện về báo tin Sơn đã được thả, gia đình người thuyền viên đặc biệt này mới vỡ oà trong nước mắt.

3 tháng bị xem như người đã chết đối với Sơn có lẽ là khoảng thời gian mà cả đời này, Sơn không thể nào quên. Ngày đoàn viên, nhìn thấy Sơn đen đúa, gầy gò hơn trước nhưng mọi người ai cũng mừng. Gia đình, bà con làng xóm, ai cũng vui khi thấy Sơn trở về từ tay thần chết.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Xuân Hoà