Bất lực vì lắm khoản thu, phụ huynh trường Giao Thịnh B khẩn cầu giúp đỡ

11/10/2019 06:08
Nam Dương
(GDVN) - Khi phản ánh đến nhà báo tình trạng lạm thu tại một số trường tiểu học và mầm non thuộc huyện Giao Thủy (Nam Định) phụ huynh phải dùng đến từ “khẩn cầu”.

Cùng cực vì những khoản lạm thu

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được phản ánh một phụ huynh trường Tiểu học Giao Thịnh B, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Trong những lời lẽ gửi đến phóng viên, vị phụ huynh này phải dùng đến từ “khẩn cầu”: “Mong hãy giúp dân chúng tôi, khẩn cầu báo chí vào cuộc”.

Cụ thể theo thông tin vị phụ huynh này phản ánh, tại trường Tiểu học Giao Thịnh B, phụ huynh phải đóng các khoản tiền đầu năm bao gồm:

Ban đại diện Cha mẹ học sinh sẵn sàng trả lại tiền ủng hộ nếu ai muốn xin lại
Ban đại diện Cha mẹ học sinh sẵn sàng trả lại tiền ủng hộ nếu ai muốn xin lại

Tiền cơ sở vật chất: 200.000 đồng/ năm

Tiền học kỹ năng sống: 560.000 đồng/ kỳ

Vệ sinh, điện, nước: 120.000 đồng/ kỳ

Quỹ lớp: 100.000 đồng/ kỳ

Quỹ phụ huynh: 50.000 đồng/ kỳ

Sổ liên lạc điện tử: 70.000 đồng/ kỳ

Xã hội hóa: 100.000 đồng/ kỳ

Vở chữ đẹp: 20.000 đồng/ năm

Sinh nhật: 100.000 đồng/ năm

Đóng tủ: 100.000 đồng/ năm

Tăm: 5000 đồng

Lao động 1 kỳ: 100.000 đồng/ kỳ

Tổng số tiền phụ huynh phải đóng là 1.425.000 đồng. Trong đó có nhiều khoản thu như tiền vệ sinh, điện, nước, tiền xã hội hóa…không đúng theo thông tư số:16/2018/TT-BGDĐT: Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

Tại điều 3: Nội dung vận động và tiếp nhận tài trợ ghi rõ

“Không vận động tài trợ để chi trả: thù lao giảng dạy; các khoản chi liên quan trực tiếp cho cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên và nhân viên, các hoạt động an ninh, bảo vệ; thù lao trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; thù lao duy trì vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; các chi phí hỗ trợ công tác quản lý của cơ sở giáo dục”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, không chỉ trường tiểu học Giao Hà (bị VTV24 phanh phui về tình trạng lạm thu) mà còn một số trường tại huyện Giao Thủy cũng có tình trạng này như trường cấp 2 Giao Hà, trường Tiểu học Giao Thịnh B, trường tiểu học Giao Châu…

Các khoản thu của trường tiểu học Giao Thịnh B (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)
Các khoản thu của trường tiểu học Giao Thịnh B (Ảnh: Phụ huynh cung cấp)

Phụ huynh trường tiểu học Giao Thịnh B phản ánh đến báo chí phải dùng những từ “khẩn cầu” đủ để thấy sự thống khổ và bất lực trước tình trạng lạm thu.

Phụ huynh này nói: “Mong báo chí vào cuộc lấy lại sự công bằng cho người dân chúng tôi. 

Tại trường tiểu học Giao Thịnh B bên cạnh các khoản thu trên chúng tôi còn phải đóng tiền học kỹ năng sống cho con 10.000 đồng/ buổi. Năm nay còn thu thêm mỗi tháng 20.000 đồng để nộp về công ty Puki.

Ngoài ra trường còn ép buộc phụ huynh mua sách do nhà trường bán. Chúng tôi đã nhiều lần ý kiến nhưng các ý kiến đều bị họ dẹp đi”.

Thông qua những lời phản ánh của phụ huynh học sinh có thể thấy chưa bao giờ tình trạng lạm thu tại huyện Giao Thủy (Nam Định) lại bị phanh phui nhiều đến vậy.

Tại những miền quê còn nhiều khó khăn, phụ huynh vẫn phải oằn mình gánh trên lưng những khoản tiền thu đầu năm từ 1.5 – 2 triệu đồng.

Mặc dù Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định, Sở Giáo dục tỉnh Nam Định đã có công văn: Hướng dẫn thu học phí và những khoản đóng góp ngoài học phí đối với cơ sở giáo dục ngoài công lập nhưng nhiều nơi vẫn diễn ra tình trạng lạm thu.

Phụ huynh bức xúc trước một số khoản thu vô lý (Ảnh:http://thgiaothinhb.pgdgiaothuy.edu.vn)
Phụ huynh bức xúc trước một số khoản thu vô lý (Ảnh:http://thgiaothinhb.pgdgiaothuy.edu.vn)

Theo công văn số 1090/SGDĐT-KHTC: Mức thu học phí trong các cơ sở công lập như sau:

Mầm non: 130.000 đồng/ tháng (thành thị); 90.000 đồng/ tháng (nông thôn)

Trung học cơ sở: 100.000 đồng/tháng (thành thị); 70.000 đồng/tháng (nông thôn)

Trung học phổ thông: 130.000 đồng/ tháng (thành thị); 90.000 đồng/tháng (nông thôn).

Theo công văn số 265/UBND-VP7: Các khoản đóng góp ngoài học phí tại các cơ sở giáo dục công lập không được vượt quá mức sau:

Tiền tăng cường cơ sở vật chất: 320.000 đồng/ năm (thành phổ); 200.000 đồng/ năm (nông thôn)

Tiền ăn bán trú: 30.000 đồng/ học sinh/ ngày (thành phố); 25.000 đồng/học sinh/ngày (nông thôn).

Tiền hỗ trợ bảo vệ, vệ sinh nhà trường: 25.000 đồng/ học sinh/ tháng (thành phố); 20.000 đồng/ học sinh/ tháng (nông thôn).

Phụ huynh tại tỉnh Nam Định có thể căn cứ vào đó để đối chiếu các khoản thu tại trường có đúng hay không.

Lạm thu dưới vỏ bọc tiền xã hội hóa

Hiện nay nhiều trường tại huyện Giao Thủy (Nam Định) đang thu những khoản tiền gọi là tiền xã hội hóa.

Đối với tiền xã hội hóa thì mỗi nơi thu một kiểu: Trường Tiểu học Giao Thịnh B: 100.000 đồng, trường mầm non Giao Hà: 300.000 đồng.

Hiểu đúng như thế nào về tiền xã hội hóa?

Phụ huynh Tiểu học Châu Khê 1 ý kiến về các khoản thu
Phụ huynh Tiểu học Châu Khê 1 ý kiến về các khoản thu

Theo công văn số 1090/SGDĐT-KHTC của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định ghi rất rõ: 

Công tác xã hội hóa giáo dục: Thực hiện theo Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo – Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống quốc dân.

Đối chiếu theo Thông tư số 16/2018/TT- BGDĐT, tại điều 2: Nguyên tắc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ

1. Việc tài trợ phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc, không quy định mức tài trợ bình quân, không quy định mức tài trợ tối thiểu, không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

2. Việc vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ phải được công bố, niêm yết công khai tại cơ sở giáo dục được nhận tài trợ và tuân thủ đúng quy định của pháp luật hiện hành.

Sở Giáo dục tỉnh Nam Định có công văn chấn chỉnh tình trạng lạm thu (Ảnh:V.N)
Sở Giáo dục tỉnh Nam Định có công văn chấn chỉnh tình trạng lạm thu (Ảnh:V.N)

Như vậy việc huy động nguồn xã hội hóa phải đảm bảo:

Nguyên tắc tự nguyện, công khai, minh bạch, không ép buộc

Không quy định mức tài trợ bình quân, mức tài trợ tối thiểu

Không lợi dụng việc tài trợ cho giáo dục để ép buộc đóng góp và không coi huy động tài trợ là điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ giáo dục, đào tạo.

Do đó đối với những trường thu tiền xã hội hóa của người dân không dựa trên tinh thần tự nguyện lại có quy định số tiền phải nộp là trái với Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT.

Đây có thể coi là một hành vi lách luật để lạm thu. Trong khi phụ huynh không nắm được những quy định pháp luật để bảo vệ mình thì những khoản tiền “giời ơi đất hỡi” vẫn đè nặng lên đôi vai họ.

Thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định và Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định nên tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra nhiều trường học trên địa bàn huyện Giao Thủy để chấn chỉnh tình trạng lạm thu nhức nhối nhiều năm qua.

Ngày 30/9/2019, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nam Định đã có công văn số 1239: về việc chấn chỉnh thực hiện thu đầu năm 2019-2020.

Theo đó, qua kiểm tra thực tế và các phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin vẫn còn có địa phương, một số cơ sở giáo dục chưa bám sát các chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức huy động các khoản đóng góp hiện chưa đúng quy định gây bức xúc trong nhân dân.

Để kịp thời chấn chỉnh những tồn tại, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng của huyện hướng dẫn, kiểm tra chấn chỉnh các xã, phường, thị trấn, các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền thực hiện nghiêm túc việc thu theo đúng quy định, không được tự tiện đặt ra các khoản thu. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Nam Dương