Sáng ngày 8/11, Quốc hội tiến hành chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Nguyễn Mạnh Hùng về nhóm vấn đề: Công tác quản lý báo chí, quản lý giấy phép trong lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình; cấp, thu hồi thẻ nhà báo; công tác quản lý thông tin điện tử, nhất là các trang thông tin điện tử, mạng xã hội; quản lý quảng cáo trên báo chí, trên môi trường mạng; về ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng Chính phủ điện tử”.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
1.500 người bị ảnh hưởng bởi quy hoạch báo chí
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Phó Ban Dân nguyện của Quốc hội – Đại biểu đoàn Bến Tre chất vấn: "Giải pháp thực hiện quy hoạch báo chí để đảm bảo đúng pháp luật, hiệu quả, không gây hệ lụy về kinh tế, chính trị xã hội?
Giải pháp bảo vệ cơ quan báo chí, nhà báo trong mặt trận chống tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật?
Giải pháp hỗ trợ khả năng tương tác truyền thông, thực hiện nhiệm vụ của đại biểu dân cử?
Giải pháp triển khai công tác với bộ công an, bộ quốc phòng, bộ ban ngành có nhiệm vụ đan xen giữa Luật An toàn thông tin và Luật An ninh mạng?”.
Đại biểu Mai Thị Thúy – đoàn Tuyên Quang nêu chất vấn, quy hoạch báo chí thì khó khăn lớn nhất khi triển khai là gì?.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng xin khất 3 câu hỏi đầu của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Thị Thúy, Bộ trưởng cho biết có khó khăn khi thực hiện quy hoạch báo chí.
“Khi làm quy hoạch, chúng tôi có đánh giá sơ bộ ban đầu, số người lao động, phóng viên có thể bị ảnh hưởng đến vị trí việc làm là 1.500 người khoảng 4%.
Nhưng trong thời gian vừa qua, mấy tháng vừa rồi, làm việc trực tiếp từng cơ quan báo chí.
Nhiều cơ quan báo chí khi chuyển cơ quan chủ quản thì 100% đi, giải quyết được 100%.
Có những cơ quan khi quy hoạch lại chuyển người dôi dư sang vị trí khác. Hiện nay những người phải thực sự sắp xếp công việc nó chỉ xung quanh dưới 1%.
Cái này là trăn trở lớn nhất của Bộ. Nó ảnh hưởng đến công ăn việc làm. Nhiều người rất yêu nghề. Vì thế, phải sắp xếp công việc hợp lý. Chúng tôi làm việc với từng cơ quan báo chí. Cố gắng giải quyết tốt nhất. Đây là vấn đề khó khăn lớn nhất.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cương quyết không lùi quy hoạch báo chí. Thời hạn là 31/12/2019, cơ quan nào không thực hiện quy hoạch thì đình bản, đợi quy hoạch xong”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông trả lời chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn |
Bộ trưởng đưa ra giải pháp mạnh xử lý thông tin xấu độc
Đại biểu Lê Công Nhường (đoàn Bình Định) chất vấn về hiện tượng người dùng mạng xã hội Việt Nam có thể tạo ra một cơ quan truyền thông nhiều người gọi là "báo chí nhân dân".
Trong đó có nhiều trang mạng xấu độc nhưng cũng có một lượng độc giả lớn hình thành các luồng dư luận tác động xấu đến đời sống xã hội.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tin xấu độc trên mạng xã hội là câu chuyện toàn cầu và thế giới cũng đang phải đối diện. Yếu tố đầu tiên để ngăn chặn chính là hành lang pháp lý.
Hiện Việt Nam đã có hành lang pháp lý là Luật An ninh mạng, an toàn mạng, nhưng các quốc gia đều có quy định riêng xử lý tin rác, tin giả.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông lấy ví dụ Singapore đã có luật về xử lý tin giả với chế tài xử lý rất mạnh. Người tung tin có thể bị phạt hàng triệu USD, có thể đi tù. Người đứng đầu mạng xã hội tung tin giả cũng vậy.
Do đó, Việt Nam sẽ phải ban hành quy định pháp luật về vấn đề này.
"Hiện Thủ tướng đã giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ sớm có quy định pháp luật về xử lý tin giả", ông nói.
Trên mạng xã hội, không loại trừ có cả những cái “bắt tay với âm binh” |
Bộ trưởng cũng cho biết, thông tin xấu độc chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội nước ngoài, còn nền tảng trong nước thì cơ bản quản lý được.
Bộ đã làm việc với Tổng cục thuế, Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước để tìm cách xác định danh tính các tài khoản trên mạng xã hội.
Giải pháp thứ 2 được Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề cập đến là thường xuyên làm việc với những công ty nền tảng như Facebook, Google để yêu cầu tuân thủ pháp luật Việt Nam; tìm ra danh tính tài khoản trên mạng xã hội; có công cụ tự động xoá bỏ tin xấu, độc.
Song song với đó, là giáo dục nâng cao nhận thức sống; phân biệt được đúng – sai trên không gian mạng.
“Nếu chúng ta đọc một tin xấu là vô hình chung nuôi cái tin xấu đó và làm cho người đưa tin xấu đấy được hưởng lợi, tức là quảng cáo tăng lên”, Bộ trưởng nhấn mạnh.