Tại nghị trường, đại biểu Nguyễn Thanh Hải – đoàn Tiền Giang chất vấn: “Xu thế tiến bộ chung là một giáo viên dạy số lượng học sinh càng ít, một nhân viên y tế chăm sóc sức khỏe số lượng bệnh nhân càng ít thì chất lượng phục vụ, dịch vụ giáo dục và y tế ngày càng được nâng lên.
Điều này gây khó khăn như thế nào trong việc trong điều kiện nước ta đang thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp tổ chức đơn vị sự nghiệp nhất là ngành giáo dục và y tế. Bộ trưởng có giải pháp nào để khắc phục những khó khăn trong thời gian tới?”.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Quochoi.vn |
Đại biểu Nguyễn Trường Giang – đoàn Đắk Nông nêu câu hỏi: “Hiện tượng thiếu giáo viên có nguyên nhân xuất phát từ quy định định mức về học sinh trên lớp và giáo viên trên lớp.
Hiện nay, chưa có sự phân biệt giữa đô thị và nông thôn, miền núi và đồng bằng, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Đối với khu vực Tây Nguyên và những thành phố lớn còn xuất phát từ nguyên nhân của việc di dân không theo kế hoạch và việc dịch chuyển lao động.
Vậy Bộ trưởng cho biết, làm thế nào để bảo đảm được bố trí đủ biên chế giáo viên dạy 2 buổi trên ngày theo quy định của Bộ Giáo dục tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn?”.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân. Ảnh: Quochoi.vn |
Người học phải có giáo viên và người bệnh phải có bác sỹ chăm sóc
Về vấn đề biên chế của giáo viên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân báo cáo Quốc hội rằng, hiện nay tổng biên chế về sự nghiệp của chúng ta khoảng 1,8 triệu người.
"Trước tiên, tôi muốn nói để giải quyết những vấn đề như các đại biểu nêu, hiện nay phần lớn các địa phương phản ánh là số giáo viên không đủ để đứng lớp và kể cả ngành y tế cũng không đủ nhân viên y tế ở trong các bệnh viện.
Để giải quyết vấn đề này Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trình Bộ Chính trị Kết luận 9028, bước đầu chúng ta giải quyết được 19 tỉnh, trong đó có 14 tỉnh di cư tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên và 14 tỉnh, thành phố lớn có khu công nghiệp tập trung thì giải quyết cho giáo viên mầm non có hợp đồng trước ngày 30/10/2015 theo Quyết định của Tướng Chính phủ.
Thứ hai, tiếp tục theo yêu cầu của Chính phủ thì chúng tôi đã thông báo cho 63 tỉnh, thành thống kê lại tất cả lực lượng giáo viên còn thiếu và kể cả lực lượng y tế trong các cơ sở điều trị từ tuyến tỉnh trở xuống để báo cáo thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị là có người học thì phải có giáo viên đứng lớp, có người bệnh là phải có y tế để chăm sóc.
Như vậy, thống kê bước đầu chúng tôi nhận được 87.000 giáo viên các cấp còn đang thiếu và riêng ngành y tế thì khoảng hơn 12.000 nhân viên của ngành y tế.
Vấn đề này, Bộ Nội vụ đã có báo cáo và xin chủ trương với Thủ tướng giao cho Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống xác minh cụ thể ở từng địa phương và sẽ có đề xuất với Chính phủ và Bộ Chính trị để tiếp tục bổ sung biên chế phục vụ đúng chủ trương là người học là phải có giáo viên và người bệnh thì phải có bác sỹ chăm sóc.
Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ một nghị định riêng về vấn đề biên chế giáo viên
Về vấn đề tinh giản biên chế trong sự nghiệp giáo dục hiện nay, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, Bộ cũng đã tham mưu cho Chính phủ và Bộ Chính trị, chúng ta phải tiến hành sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập, đó là cái gốc của vấn đề.
Trong thời gian qua kiểm tra công vụ, chúng tôi thấy nhiều địa phương làm rất tốt. Ví dụ như tỉnh Yên Bái, tỉnh cũng không đề nghị tăng thêm một biên chế nào cho giáo viên.
Tôi đề nghị các tỉnh khác đầu tiên là phải sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp. Một đơn vị sự nghiệp thực hiện nhiều dịch vụ công chứ không phải một dịch vụ công mà nhiều đơn vị sự nghiệp làm.
Đối với các trường lớp thì chúng ta thực hiện theo Nghị quyết 19, tức là một trường có nhiều cấp học.
Chúng ta phải giảm tỷ lệ gián tiếp quản lý trong các đơn vị sự nghiệp xuống và số trực tiếp để làm chuyên môn nghiệp vụ giảng dạy là phải đạt 65%. Tôi nghĩ đây là vấn đề định mức của ngành giáo dục và y tế chúng ta làm từ năm 2007 đến nay.
Đã 12 năm rồi, tiêu chí này quá lạc hậu rồi, nên tôi đề nghị các bộ, ngành trong lĩnh vực y tế và giáo dục chúng ta tiến hành xây dựng lại vấn đề định mức, xác định cho rõ lại, sắp xếp cơ cấu lại và chúng ta phân công, nhất là xây dựng lộ trình để tiến tới tự chủ và xã hội hóa trong các lĩnh vực để giảm mục đích cơ bản của khối đơn vị sự nghiệp công lập là giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Ở đây chúng tôi không đặt là giảm biên chế trong đơn vị sự nghiệp mà giảm người hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Để thực hiện biên chế còn thiếu, trong khi chờ ý kiến của Thủ tướng và Bộ Chính trị cho phép để chúng ta có thể điều chỉnh biên chế chung, gần đây chúng tôi nhận được rất nhiều văn bản, trong đó có Hà Nội và một số tỉnh thành khác."
Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh: "Chúng ta không thể lấy biên chế giáo viên để tính cho biên chế cho đơn vị sự nghiệp khác được, bởi vì đây là việc đặc thù của giáo viên, có thể dân số tăng, giảm, thiếu cục bộ của từng môn, thiếu cục bộ của từng vùng.
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân hứa với Quốc hội điều gì? |
Và theo định mức, chúng ta cũng phải có định mức theo từng vùng.
Vừa rồi, chúng tôi đi khảo sát năm 2014 thì biên chế, định mức của chúng ta địa phương chưa sử dụng hết.
Nhưng nếu nói về định mức học sinh trên lớp và giáo viên trên lớp thì với khảo sát năm 2017, xin thưa với các đồng chí, giáo viên ở miền núi chỉ đạt 0,7% định mức còn giáo viên ở các tỉnh và thành phố đạt 1,5% tức là 1,5 lần còn ở miền núi chỉ đạt 0,7 lần.
Như vậy, chúng ta đưa một định mức là 35, 45, 40 giáo viên tính bình quân chung cả nước là không thực hiện được, giáo viên thì tăng giảm cơ học và đặc biệt chúng ta sử dụng giáo viên thỉnh giảng.
Đây là một trong những vấn đề sắp tới, riêng về giáo dục xin phép Quốc hội là Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ một nghị định riêng về vấn đề biên chế của giáo viên và để thực hiện chế độ giáo viên trong thời gian sắp tới.